Người Sài Gòn thường tìm kiếm thú vui cuối tuần ở các tỉnh lân cận TP.HCM mà đôi khi không tin ngay giữa Sài Gòn có thể trải nghiệm chuyến du lịch thú vị.
< Nơi khởi đầu chuyến đi.
Du lịch đường sông, tham quan nhà vườn, khu trưng bày tranh, thưởng thức những món ăn nuôi trồng ngay trong các nhà vườn sinh thái... có thể nói là những khám phá nho nhỏ đầy bất ngờ.
Thật ra loại hình du lịch đường sông Sài Gòn đã có từ 10 năm trước với đặc thù hệ thống sông ngòi kết nối các vùng lân cận và biển Đông. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, sản phẩm còn quá đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp.
Các tuyến tầm ngắn từ bến Bạch Đằng đi Thanh Đa, Nhà Bè; tuyến tầm trung từ bến Bạch Đằng đi Cần Giờ, Củ Chi, Đồng Nai, Bình Dương; tuyến tầm xa từ TP.HCM đi về các tỉnh miền Tây Nam bộ và xa hơn nữa theo tuyến cao tốc từ TP.HCM qua Phnom Penh rồi vượt Biển Hồ đến Siem Reap, Campuchia.
Ấn tượng nhất đối với tôi chính là không gian văn hóa sông nước bao la hữu tình, hồn hậu, thân quen.
Sông nước quen mà lạ
Cũng mang tâm cảm ấy, mới đây theo đội tàu làng du lịch Bình Quới vòng quanh các tuyến điểm du lịch nội, ngoại thành, chúng tôi khá bất ngờ trước biến chuyển của loại hình du lịch này. Điểm tập kết tại bến thủy nội địa Thủ Thiêm. Canô sức chứa khoảng 12 khách.
Anh Nguyễn Thanh Lâm, phó giám đốc tàu nhà hàng Sài Gòn, người có trên 20 năm quen sông nước Sài Gòn và các khu vực lân cận, hôm nay kiêm tài công và hướng dẫn viên, “nổi hứng” chẳng chịu tiết lộ hành trình. Anh cười mỉm chi: “Mấy bạn yên tâm, đi rồi sẽ biết, và tôi tin chuyến đi lần này không để các bạn thất vọng”.
Vì đoàn tập trung muộn và muốn tiết kiệm thời gian nên đơn vị tổ chức chuẩn bị đầy đủ bữa ăn sáng. Cũng đơn giản, gồm bánh mì và cà phê, nước ngọt.
Canô khởi động lao ra giữa dòng, theo hướng Nhà Bè, đi qua các cảng Sài Gòn, Bến Nghé, Rau Quả, Lotus... rồi nhập vào ngã ba đèn đỏ (chia đôi Nhà Bè, Sài Gòn và Đồng Nai), nơi ngày xưa nổi tiếng với câu ca “Nhà Bè nước chảy chia hai/Ai về Gia Định Đồng Nai thì về”. Theo anh Lâm, sở dĩ gọi ngã ba đèn đỏ vì ngày xưa để hướng dẫn tàu thuyền đi qua đây vào ban đêm người ta treo đèn dầu leo lét.
< Cầu Phú Mỹ, một điểm dừng chân thú vị.
Canô bẻ lái ngược hướng sông Đồng Nai, đi vào sông Tắc. Đoạn này một bên là TP.HCM, một bên thuộc tỉnh Đồng Nai. Từng đi đường bộ qua khu vực này, nhưng hôm nay theo đường sông tôi mới có dịp cảm nhận hết một vùng đất đang hằng ngày thay da đổi thịt, khi nhiều người có điều kiện kinh tế về đây lựa chọn những mảnh đất ven sông yên bình xây dựng các trang trại, biệt thự nhà vườn.
Du lịch nhà vườn sinh thái
Tại quận 9, nếu cách đây chục năm muốn đến cù lao Đại Phước, Long Thuận, Long Phước... là hành trình gian nan. Đường đất đỏ mùa nắng bụi mù trời, mùa mưa sền sệt đất đỏ, trong khi điện nước chập chờn. Tình hình hiện nay đã khác.
Từ các trang trại, biệt thự nhà vườn của người dân dần dần theo nhu cầu phát triển tự nhiên đã hình thành kiểu làm du lịch sinh thái. Dù chưa phải đi vào bài bản, nhưng chính sự tự nhiên, hồn nhiên của chủ trang trại, nhà vườn đã mang lại ấn tượng thú vị đối với du khách.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là khu vui chơi giải trí Nhà Việt Nam nằm sát sông, diện tích hàng chục hecta, đưa vào khai thác các trò chơi bắn súng sơn, vui chơi giải trí ngoài trời theo dạng team building, nhà hàng, khu nhà nghỉ. Đặc thù sát sông nên đến đây du khách có thể tham gia trò chơi mạo hiểm lái canô lướt sóng, chèo kayak...
< Một góc khu nhà vườn Long Thuận.
Nằm cách không xa là khu nhà vườn Long Thuận của nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Khu nhà vườn nằm cạnh sông, có cảnh sông rạch và khu vực dành cho canô, tàu cập lên bờ tham quan. Mười năm trước, từ khu đất 2ha hoang vu, phèn nhiễm mặn, với mục đích xây dựng thành nơi nghỉ ngơi dành cho cá nhân và nơi gặp gỡ cuối tuần với người thân, bạn bè, dần dần Sỹ Hoàng đã biến thành không gian văn hóa Việt mang nhiều nét độc đáo, sinh cảnh tự nhiên lại đậm chất thiền.
< Ngay từ cổng khu nhà vườn Long Thuận ở quận 9, TP HCM của Sỹ Hoàng là những giàn bầu bí sai trái, che bóng mát cho du khách.
Khu nhà vườn Long Thuận nổi bật với các công trình Hồ Chân Lạc nằm cạnh hồ nước, khu nhà không gian mở nằm cạnh hồ sen vừa tổ chức hội họp vừa tổ chức tọa thiền, sinh hoạt kỹ năng sống, nhà rường cổ, Vọng nguyệt trà dành làm nơi uống trà đàm đạo, không gian sân vườn dành làm nơi trình diễn thời trang áo dài hoặc để mọi người tọa thiền đêm trăng rằm. Đặc biệt, đến đây du khách sẽ có dịp khám phá những tác phẩm gốm Bàu Trúc của chính nhà thiết kế Sỹ Hoàng, một trong những người đầu tiên có công rất lớn trong việc đưa sản phẩm độc đáo này ra thị trường.
< Xem bộ sưu tập gốm Bàu Trúc của nhà thiết kế Sỹ Hoàng.
Khu nhà vườn sinh thái Long Phước của ông chủ Long, cách khu nhà vườn của nhà thiết kế Sỹ Hoàng khoảng 15 phút canô, mang không gian, sắc thái khác, hoàn toàn dân dã. Khu này diện tích khoảng 4ha, nằm bên đôi bờ sông Sài Gòn - Đồng Nai mênh mông nước.
Với phương châm đưa du khách trở về không gian vườn Việt Nam nguyên thủy, trong diện tích 4ha, chủ nhà vườn trồng đủ loại cây ăn trái, hàng chục loại rau, đào hồ nuôi các loại tôm cá. Du khách đến đây có thể trở thành nông dân đích thực, xắn quần đi hái rau bắt cá về chế biến, nướng trên lửa than hồng cho bữa ẩm thực bình dân nhưng ngon miệng.
Khách cũng có thể mang cần ra sông câu cá, thả lưới cùng ngư dân, vì đây là khúc sông nhiều tôm cá tươi ngon nhất khu vực sông Sài Gòn, sông Đồng Nai. Cách phục vụ đờn ca tài tử (hát không micro) và bày biện đủ loại trái cây đẹp mắt để phục vụ khách khi bước từ canô xuống cũng là điểm nhấn dễ thương cho cách làm du lịch “bình dân nhưng bền vững” của ông chủ nhà vườn, xuất phát từ một người tự nhận mình là dân du lịch không chuyên.
< Du khách xem họa sĩ Lý Khắc Nhu giới thiệu tranh thư pháp.
Lại có làng họa sĩ nằm ven sông thuộc địa bàn phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, hình thành một cách tự phát, cũng là địa điểm tham quan đường sông thú vị dành cho du khách. Đây là khu vực tập trung nhiều họa sĩ tên tuổi như Thanh Châu, Hoài Hương, Lý Khắc Nhu, Dương Đình Hùng... với chủ đạo xây dựng các khu nhà đặc trưng thuần Việt, trong đó nổi bật phải kể nhà vườn Nguyễn Art Garden đặc trưng Huế của họa sĩ Hoài Hương.
Đến đây khách có thể tham quan và thưởng lãm các tác phẩm điêu khắc, sơn dầu, sơn mài, thư pháp... của các nghệ sĩ nổi danh.
Du lịch, GO! - Theo Tiến Đạt (Ashui), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét