Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát cách thị xã Tây Ninh khoảng 30 km về phía tây bắc.
Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát nằm trên địa phận 4 xã Tân Lập, Tân Bình, Hoà Hiệp và một phần xã Thạch Tây thuộc huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh, là nơi chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
Với diện tích 18.765 ha được chia thành 3 phân khu, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt là 8.594 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.084 ha và phân khu hành chính, dịch vụ 87 ha, Vườn quốc gia Lò Gò- Xa Mát là khu rừng đặc dụng có rừng che phủ chiếm 26% tổng diện tích che phủ rừng tự nhiên của tỉnh.
Nơi đây có thảm thực vật rừng dạng khảm giữa rừng bán rụng lá, rừng rụng lá trên đất thấp và các dải hẹp rừng thường xanh ven sông suối và rừng tràm. Ngoài ra, gần biên giới với Campuchia còn có dải đồng cỏ đất lầy với các thảm cói lác.
Hệ thực vật của VQG rất đa dạng và phong phú với 696 loài thuộc về 5 ngành thực vật, 60 bộ, 115 họ và 395 chi. Có 158 loài cây có khả năng làm thuốc hoặc đã được sử dụng làm thuốc nam truyền thống địa phương; 58 loài cây cho gỗ; 21 loài cây làm cảnh; 10 loài cây thực phẩm; 7 loài cây dùng làm rau xanh.
Hệ động vật có 415 loài trong đó có một số loài thú tiêu biểu như voọc chà vá chân đen (Pygathrix nigripes), voọc bạc Đông Dương ( Trachypithecus villosus), khỉ mặt đỏ (Macaca arctoides), gấu ngựa (Ursus thibetanus), sói đỏ (Cuon alpinus) và sói vàng (Canis aureus), cu li nhỏ (Nycticebus pygmaeus), khỉ đuôi lợn (Macaca leonina), khỉ đuôi dài (M. fascicularis)...
< Cu li nhỏ.
Khu hệ chim tại vườn quốc gia này rất đặc trưng với 203 loài thuộc 15 bộ và 40 họ. Tại các sinh cảnh đất ngập nước có rừng đã ghi nhận nhiều loài chim nước quý hiếm như Giang sen (Ciconia episcopus), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus) và Cò nhạn (Anastomus oscitans), Le khoang cổ...
Nơi đây còn là nơi dừng chân của loài Sếu đầu đỏ (Grus antigone) trên tuyến di cư giữa đồng bằng sông Cửu Long về nơi sinh sản tại Campuchia. Do đó, Lò Gò-Xa Mát còn được công nhận là một trong các vùng chim quan trọng của Việt Nam.
Hiện tại, VQG có 4 loài quý hiếm được ghi nhận trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cần quan tâm bảo tồn là: Gà lôi hông tía (Lophura diard), Già đẫy Java (Leptoptilos javanicus), Hạc cổ trắng (Ciconia episcopus), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini).
Trong chiến tranh, Lò Gò-Xa Mát là cơ sở của Đài Phát thanh Giải phóng miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là căn cứ cách mạng của quân giải phóng. Bởi vậy, khu vực này còn có ý nghĩa quan trọng về mặt lịch sử.
Phượt lên rừng biên giới
< Bên ánh lửa, đàn guitar bập bùng...
Từ Sài Gòn, chỉ tốn khoảng 500.000đ, bạn có thể trải nghiệm một chuyến “phượt” lên rừng quốc gia Lò Gò - Xa Mát (biên giới Việt Nam - Campuchia) để trải nghiệm một ngày và một đêm với đúng chất “bụi”.
Khởi hành tại trung tâm Sài Gòn lúc 6g chiều, đúng 9g tối, đoàn chúng tôi đã bắt đầu được hít thở không khí mát lạnh ở rừng già Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Các nhân viên bảo vệ rừng ở trạm Lò Gò đón khách bằng một con heo vừa xả thịt. Chú heo nặng 20kg, được tẩm ướp đậm đà và nướng đến ba tiếng đồng hồ, tỏa hương thơm phức khiến bụng khách đường xa “nhảy múa”.
Dăm chén rượu sắn Campuchia nhắm với thịt heo nuôi ở... rừng, khiến du khách ngà ngà. Lửa nổi lên, đoàn vây quanh nghe các anh kiểm lâm kể chuyện bảo vệ rừng. Bên ánh lửa, đàn guitar bập bùng, cả đoàn vừa hát, vừa nói chuyện suốt đêm.
Sáng hôm sau, tôi được đánh thức bởi tiếng chim véo von. Các anh chị ở đồn bảo vệ Lò Gò (đồn Lò Gò là một trong năm đồn bảo vệ vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát) đã chuẩn bị cho khách một nồi cháo cá lóc nóng hổi. Vì là cá lóc tự nhiên nên thịt ngọt, không tanh như cá lóc nuôi mà tôi từng ăn ở thành phố.
< Đi ca nô, hái hoa súng trên sông Vàm Cỏ Đông.
Nắng lên, một chiếc xuồng nhỏ đón đoàn xuôi dòng Vàm Cỏ Đông. Sông dài 220km, chảy qua địa phận Việt Nam 150km. Đây cũng là con sông có một khúc là ranh giới hai quốc gia, một nửa sông thuộc Việt Nam, nửa còn lại thuộc Campuchia. Vì vậy, nếu muốn đi thuyền trên Vàm Cỏ Đông, khách du lịch phải được bộ đội biên phòng hộ tống.
Sông Vàm Cỏ Đông ở Lò Gò chỉ rộng chừng 10m, uốn lượn giữa rừng già. Cảm giác được thả hồn theo chiếc xuồng, xuôi giữa rừng thật thơ mộng. Dọc đường, thuyền cập vào rặng gừa cổ thụ, để du khách trèo lên cây, chuyền từ cành này qua cành khác, thể hiện khả năng bắt chước vượn và chụp hình lưu niệm.
Từ trạm Lò Gò, đi khoảng 10km theo sông Vàm Cỏ Đông sẽ đến bến chem chép. Các thành viên nữ được giao nhiệm vụ thổi lửa dưới sự hướng dẫn của bảo vệ rừng, các thành viên nam lặn xuống sông mò chem chép.
Đáy sông không có bùn, trong lớp sỏi và cát, chem chép nằm xếp lớp. Sau 45 phút, chúng tôi bắt được ba xô chem chép. Ngồi nướng chem chép và ăn ngay trên bờ sông, tôi có cảm giác những con chem chép nướng mọi ngon đến tê lưỡi!
< Chem chép nằm xếp lớp dưới đáy sông.
Những ai chưa từng đi rừng, một lần được len lỏi vào những rặng cây cổ thụ mát lạnh sẽ cảm thấy rất thú vị. Lò Gò - Xa Mát có hệ thực vật phong phú với những loài cây giá trị như: các cây họ dầu (dầu nước, dầu cát, dầu chai, dầu song nàng, sao đen, nến mủ…), một số loài đã có tên trong sách đỏ như: gõ cà te, giáng hương, mạc sưa. Rừng cũng phong phú các loài chim. Bước trong rừng, khách du lịch có thể bắt gặp nhiều loài chim nước quý hiếm như giang sen, già đẫy nhỏ và cò nhạn, gà lôi lông tía, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám.
< Dạo bộ khám phá Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát.
Sau chuyến trèo đèo, lội suối mệt nhoài, đoàn chúng tôi được đãi một bữa cơm lạ miệng với cá lăng rừng nấu canh măng chua, cá lòng tong đá kho tiêu, ốc lác… Chúng tôi lên xe trở về thành phố, cảm giác tiếc nuối cứ kéo dài...
Khách du lịch có thể liên hệ với Trung tâm Du lịch và dịch vụ Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (ĐT: 0919 169111, gặp chị Kim Phụng) để đặt chỗ. Chi phí khoảng 500.000đ/người, bao gồm các bữa ăn và phòng ngủ.
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ MoitruongDulich, PhunuTP, internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét