Đường thiên lý một dải...
Nhạc sĩ Phạm Duy khi mở đầu Trường ca Con đường cái quan đã viết: “Đi từ ải Nam Quan cho tới mũi Cà Mau/Đi từ ngày lập quốc cho tới khi đã hoàn thành xứ sở...”.
< Phối cảnh cầu Năm Căn.
Không chỉ Phạm Duy, nhiều tác phẩm văn chương, âm nhạc cũng từng dùng cặp địa danh ải Nam Quan - mũi Cà Mau để nói về con đường xuyên đất nước. Thực tế con đường nối liền hai mảnh đất địa đầu ấy vẫn là giấc mơ, khi từ thuở cha ông đi mở cõi đến giờ, đường thiên lý của nước Việt chỉ mới đến được thị trấn Năm Căn (Cà Mau) - nơi con sông Cửa Lớn đầy sóng gió cắt ngang đường về đất mũi.
Nhưng nay giấc mơ về đường thiên lý một dải ấy đã sắp thành sự thật khi cây cầu Năm Căn vừa được khởi công. Cây cầu sẽ trở thành chứng nhân cho niềm đau đáu đã bao thế kỷ của người dân vùng cuối đất VN.
Giấc mơ thiên lý
Hơn 50km quốc lộ 1 từ Cà Mau về Năm Căn có lẽ là những cây số hoang vu nhất trên tuyến đường xuyên Bắc - Nam. Hai bên đường nhà cửa thưa vắng, lau trắng bạt ngàn. Từ trên đỉnh cầu Đầm Cùng - điểm cao nhất của đoạn đường, dõi mắt bốn phía vẫn chỉ bạt ngàn rừng đước và kênh rạch.
Vậy mà ông Năm Khởi (tên thật là Phan Văn Kênh), nguyên bí thư huyện ủy Ngọc Hiển (nay là Năm Căn và Ngọc Hiển) đầu những năm 1980, nói giờ mỗi khi gặp người Năm Căn đi xa lâu ngày, kể về con đường “hoang vu” ấy nhiều người còn mừng rỡ, không tin là sự thật. Bởi đâu xa, vào những năm cuối thập niên 1990, con đường ấy vẫn còn chưa đắp nhựa, tàu cao tốc cũng chưa có. Đường về Cà Mau thăm thẳm tới cả ngày trời sông nước, nói như cây bút ký sự đất Cà Mau - nhà văn Võ Đắc Danh - thì: “Từ Cà Mau cứ lên tàu ngồi nhậu, nhậu say ngủ một giấc rồi tỉnh dậy nhậu nữa tới say. Nếu tàu chạy lẹ chắc cũng về tới đất mũi”.
Bởi vậy, ông Năm Khởi không ngạc nhiên vì sao ngày khởi công cầu Năm Căn hồi tháng 8-2012, bà con “phi” cao tốc, vỏ lãi hà rầm về coi, đậu chật kín một khúc bờ sông Cửa Lớn. Rồi giờ, ngày nào ít cũng có chục chuyến cao tốc trên đường về đất mũi lại ghé vô công trường để coi cây cầu đã xây tới đâu cho bớt nóng lòng. Cũng như bà con miệt cuối đất này, cho tới ngày làm bí thư huyện ủy, ông Năm Khởi vẫn chưa được một lần về Cà Mau hay xuôi đất mũi bằng lộ cho đã chân.
< Các đơn vị thi công động thổ xây dựng cầu Năm Căn.
Phải mấy năm sau ngày ông nghỉ hưu, đoạn 1985-1986 mới có con lộ đất bé xíu về Cà Mau mà phải qua quá trời đò, phà. Dần dần, xáng cạp đắp con lộ ấy to hơn và trở thành quốc lộ 1 với đường đắp nhựa những năm 2000.
Nhưng đó là đường về Cà Mau, còn xuôi về phía đất mũi, cả huyện Ngọc Hiển vẫn là một hòn đảo ngăn cách bởi ba bề đại dương và dòng sông Cửa Lớn. Ông Năm Khởi ví von: “Nếu sách kỷ lục VN chịu công nhận thì chắc chắn Ngọc Hiển sẽ là huyện có ôtô ít nhất cả nước. Bởi tới giờ cả huyện mới có... ba chiếc ôtô, được dùng làm xe công vụ cho ủy ban và huyện ủy”. “Không phải dân Ngọc Hiển nghèo không có tiền sắm, mà vì không lẽ sắm ôtô rồi chạy xà quần trong sân nhà mình” - ông Năm Khởi tiếu lâm khi nói về vùng đất bờ nam sông Cửa Lớn, nơi duy nhất của cả nước vẫn chưa có đường ôtô từ trung tâm huyện về tới tất cả các xã.
Biệt lệ ở nghị trường
Không phải chỉ người Cà Mau mong chờ cầu Năm Căn, mà người trong cả nước, những ai biết về vị trí quan trọng của cây cầu, từng suy nghĩ về một con đường nối liền mạch đất nước đều mong chờ. Nỗi mong chờ ấy đã được thể hiện không gì rõ hơn bằng phiên họp toàn thể của kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII ngày 18-6-2012, khi đa số đại biểu đã biểu quyết bổ sung vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ để xây cầu Năm Căn.
“Một quyết định đặc biệt để xây dựng cây cầu đặc biệt” - ông Dương Tiến Dũng, phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, đã nói vậy về quyết định cấp 650 tỉ đồng để xây cầu Năm Căn từ cơ quan dân cử cao nhất cả nước. Trước đó, nguồn vốn để xây cầu Năm Căn tưởng như bế tắc khi kinh tế khó khăn, Quốc hội ra nghị quyết dừng bổ sung vốn từ trái phiếu Chính phủ để xây các công trình mới. Nhưng câu chuyện từ đất mũi, từ nỗi mong chờ về con đường nối liền bán đảo Cà Mau, nối liền đất nước đã đưa cầu Năm Căn trở thành câu chuyện biệt lệ ở nghị trường.
Để có được biệt lệ ấy, từ năm 2009 chính quyền Cà Mau đã tìm nhiều cách để chuyển tải niềm mong mỏi của người dân về cây cầu Năm Căn đến trung ương. Ông Dương Tiến Dũng nhớ người đầu tiên lãnh đạo tỉnh tham khảo là nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Sự rụt rè ban đầu của lãnh đạo tỉnh nhanh chóng tan biến khi nhận được sự tán đồng của nguyên Chủ tịch nước.
Vậy là tranh thủ mọi cơ hội, Cà Mau đề xuất, giới thiệu với trung ương về tầm quan trọng của cầu Năm Căn, về nỗi mong ngóng của người dân vùng cuối đất. Chuẩn bị sẵn sàng cả các khâu từ khảo sát, thiết kế, mặt bằng trong khi chờ trung ương duyệt. Nhờ vậy mà chỉ hơn hai tháng sau ngày Quốc hội thông qua, ngày 29-8-2012, cây cầu mơ ước của người dân Cà Mau đã được khởi công.
Cầu Năm Căn đang được xây - đường thiên lý sắp liền một dải, ước mơ tưởng quá bình dị nhưng đằng đẵng đã bao năm về một con lộ đi cho đã chân của người dân miệt cuối đất sắp sửa thành hiện thực. Ông Dương Tiến Dũng kể người dân phía đất mũi dường như không còn nén được sự mong chờ nữa. Hồi mới rục rịch có tin Chính phủ sẽ cấp vốn xây cầu Năm Căn, dân Ngọc Hiển đã phi tàu cao tốc về Cà Mau mua xe máy rần trời dù chưa có đường chạy.
Chính quyền tỉnh Cà Mau cũng nóng lòng theo, cấp luôn kinh phí làm trước 20km lộ nhựa ngược lên từ đất mũi cho bà con chạy đỡ trong khi chờ cầu xây xong. “Giờ ngày nào điện thoại của tui cũng rộn cuộc gọi từ dân dưới đó, mà hỏi miết có một câu: Vậy chớ hồi nào mới xây xong cầu Năm Căn vậy ông phó chủ tịch?” - ông Dương Tiến Dũng cười rổn rảng.
Dự án cầu Năm Căn có cầu bêtông vĩnh cửu dài 890m, đường dẫn hai đầu hơn 2.500m, cầu có độ tĩnh không 30m đảm bảo cho tàu thuyền lớn qua lại, dự kiến xây dựng trong 18 tháng. Kỹ sư Trần Duy Trường - phó giám đốc chi nhánh Công ty xây dựng 479 tại Cà Mau, cho biết: Vì được xây trên một nền địa chất non yếu nên cầu Năm Căn là cây cầu có kỹ thuật xây dựng rất phức tạp, có cọc móng nhồi sâu đến 91m (bình thường chỉ khoảng 60m). Đồng thời dầm giữ lưu của nhịp chính còn có thêm cáp giữ lực phía ngoài.
Ngoài việc xóa thế cách trở cho huyện Ngọc Hiển, cầu Năm Căn sẽ có sự cộng hưởng trong việc phát triển kinh tế cả tỉnh Cà Mau và khu vực, khi cảng nước sâu Hòn Khoai được xây dựng có thể đón tàu trên 100.000 tấn bốc dỡ hàng hóa.
Hết.
Kỳ 1: Chứng nhân “răng cưa”
Kỳ 2: Cầu Nguyễn Văn Trỗi: “Nàng Lọ Lem” của Đà Nẵng
Kỳ 3: Ân tình trên bến Cà Tang
Kỳ 4: Cầu cao nhất Đông Nam Á - soi bóng vào ký ức...
Kỳ 5: “Kỳ quan” Tây Bắc xưa.
Kỳ cuối: Đường thiên lý một dải
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Viễn Sự (TTO) và nhiều nguồn ảnh khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét