Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Lên “mắt biển” Sa Huỳnh

Sáng sớm, chúng tôi lần theo con đường mòn lên đỉnh núi của bán đảo Thạch Đức. Con đường mòn lởm chởm những đá và cỏ khô thực chất là một lối thoát nước mưa từ trên đỉnh núi xuống. Mất gần hơn giờ đi bộ từ khu dân cư thuộc xã Phổ Trạch, huyện Đức Phổ chúng tôi đã có mặt trên ngọn hải đăng Sa Huỳnh, nơi mà người dân thường gọi với cái tên dân dã là nhà đèn.

Lên đến đỉnh núi, trên độ cao gần 100m so với mực nước biển, cả một khung cảnh bao la hùng vĩ của biển trời xanh ngắt, với những bãi cát vàng chạy dài dưới chân núi của khu vực Sa Huỳnh, và ngoài xa là biển Đông thăm thẳm màu trời màu nước giữa ánh nắng chan hòa buổi sớm mai.

Ngược lại với những gì chúng tôi hình dung trên đường đi về sự hoang sơ, khô cằn, thiếu thốn của trạm điều khiển đèn biển, trạm là một ngôi nhà khang trang và bề thế. Nhà bếp, phòng ăn, phòng ngủ, phòng làm việc, phòng khách đều ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ.

< Một góc khuôn viên đèn biển Sa Huỳnh.

Xung quanh trạm xanh mướt những vạt rau, phía trước là cụm tiểu cảnh với những chậu kiểng dáng thế khá đẹp, được xén tỉa công phu, phía sau là những chuồng trại nuôi gà tăng gia của anh em giữ đèn. Chậu hoa giấy đang trổ những chùm hoa màu đỏ thắm rung rinh trong nắng hòa quyện với miên man màu xanh của biển, của bạt ngàn núi đồi trùng điệp. Bên hông nhà, những tấm pin năng lượng mặt trời được đặt cẩn thận, đây là nguồn năng lượng để đèn biển sử dụng, và cũng là năng lượng cho đời sống sinh hoạt của anh em nơi đây.

Tiếp chúng tôi là trạm phó Nguyễn Văn Tín, quê tận Hải Dương, mới gần ba mươi tuổi nhưng anh đã gắn bó với ngọn hải đăng này từ những ngày đầu.


< Biển trời Sa Huỳnh nhìn từ ngọn hải đăng.

Anh tâm sự: “Xa gia đình nên anh em ở đây có những nỗi vất vả riêng. Sinh hoạt, đi lại khó khăn đã đành một lẽ, chuyện vui chơi giải trí hầu như không có, đặc biệt là văn hóa tinh thần là vấn đề vô cùng khó khăn tại đây. Tuy là thế, nhưng anh em giữ đèn vẫn quyết tâm cho ngọn đèn hoạt động hiệu quả nhất!”. Anh Tín đã gắn bó với ngọn hải đăng hơn sáu năm, vợ và con trai ba tuổi của anh chưa một lần vào thăm anh được vì gia cảnh còn nhiều khốn khó. Anh chị chỉ biết động viên nhau bằng những cánh thư miệt mài qua lại.

Có lẽ may mắn hơn là thợ máy Ngô Văn Long, quê Quảng Trị đã được làm rể xứ này. Vợ anh Long là cô giáo dạy cấp II cách nơi anh làm việc gần 30 km, nên những lúc rảnh rỗi chị vẫn thường leo đồi vượt dốc lên thăm anh em trên này. Có bàn tay người phụ nữ thỉnh thoảng thu vén, cuộc sống của sáu người đàn ông cũng bớt đi sự tẻ nhạt. Mỗi lần lên thăm chồng, chị Phan Thị Mỹ Lệ, vợ anh Long đều gói ghém những thức quà mang lên trên này, để các anh vơi bớt đi chút thiếu vắng của quê nhà. Rồi sau những bữa cơm như thế, chị Lệ lại lặn lội xuống núi, vượt quãng đường dài để về lo cho cô con gái nhỏ gửi nhà bà ngoại…

Câu chuyện cởi mở và tình cảm chân thành của các anh khiến chúng tôi quên đi những mệt nhọc. Anh Long thợ máy dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ khu vực trạm. Từ độ cao 87.5m (tính đến số 0 hải đồ), phong cảnh biển trời Sa Huỳnh, Tam Quan, Phổ Khánh hiện lên đẹp diễm lệ trong nắng mới.

Phía ngoài kia là biển cả, những con tàu nhỏ bé đang lầm lũi trong nhập nhòa trời nước xanh ngắt. anh Long giải thích thêm: Trong điều kiện bình thường, đèn biển Sa Huỳnh vừa chớp vừa xoay một góc 360º, độ phát sáng gần 24 hải lý. Trong điều kiện thời tiết lý tưởng như thế này đèn phát huy tác dụng rất tốt, hướng dẫn hiệu quả cho tàu thuyền của hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định qua lại khu vực này. Vào mùa mưa bão, biển động, tầm nhìn xa nhiều khi dưới 0,5km, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ ánh sáng cho ngọn đèn này!”.

Chúng tôi yên lặng nhìn về phía biển xa, gió lồng lộng thổi mát rượi. Anh Tín nói: “Mỗi lần tàu thuyền ra khơi, những ngư dân hay những người đi biển vẫn nhìn về chiếc đèn này, như nhìn thấy đất liền. Chúng tôi tự hào vì đã mang lại cho họ sự yên tâm, mang lại niềm vui cho họ trong mỗi chuyến ra khơi…”

< Những tấm pin năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng sử dụng cho hải đăng Sa Huỳnh.

Tôi nhận thấy trong mắt họ một tình yêu giản dị mà chan chứa với công việc, với ngọn hải đăng, với những con người nơi miền đất này. Chắc hẳn những con người nặng lòng với biển như các anh sẽ vượt qua được tất cả những nhọc nhằn để giữ cho ngọn đèn biển này sang mãi.

Bất chợt mấy con chim nhỏ từ nhành cây nào đó vút lên, chao liệng, vẽ những đường cong quanh ngọn hải đăng, chúng tôi cứ đứng ngắm biển trời mênh mông này và trào lên một niềm tự hào về những con người, vùng đất nơi đây.

Đèn biển Sa Huỳnh chính thức được đưa vào hoạt động vào năm 2004. Đèn ven biển, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Quảng Ngãi, Bình Định định hướng và xác định vị trí. Tháp đèn hình trụ. Toàn thân màu vàng chanh. Chiều cao toàn bộ là 87,5m (tính đến "số 0 hải đồ"). Chiều cao công trình 10,4m (tính đến nền móng công trình).

< Hoàng hôn Sa Huỳnh nhìn từ Hải Đăng.

1. Đặc điểm nhận biết ban ngày:
- Hình dạng: Tháp đèn hình trụ.
- Màu sắc: Toàn thân màu vàng chanh.
- Chiều cao toàn bộ: 87,5m (tính đến "số 0 hải đồ")
- Chiều cao công trình: 10,4m (tính đến nền móng công trình)
- Chiều rộng trung bình:   6,0m
- Tầm nhìn địa lý: 24,0 hải lý với chiều cao mắt người quan sát bằng 5 m.

2. Đặc tính ánh sáng ban đêm:
- Ánh sáng trắng, chớp nhóm (2) chu kỳ 10 giây -  Ch.Tr.Nh(2).10s
- Phạm vi chiếu sáng         : 360o
- Tầm hiệu lực ánh sáng    : 20 hải lý với hệ số truyền quang của khí quyển t=0,8.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Dân Việt và nhiều nguồn khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét