Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Hoang sơ và hùng vĩ thác Đá Cao...

n mình giữa núi rừng Tà Hin thanh vắng là một thác nước cao hùng vĩ. Thác có một vẻ đẹp vừa huyền bí vừa mơ màng. Ai đã một lần đi qua chắc khó quên những ấn tượng về dòng thác cũng như vẻ đẹp hoang dã của nó giữa núi rừng hùng vĩ.

Đây chính là thác Bảo Đại nằm tít trên cao một đỉnh đồi, người Chu Ru bản địa gọi dòng thác này là Jráiblian, có nghĩa là thác Đá Cao, nằm trên địa bàn xã Tà Hine (Đức Trọng, Lâm Đồng).

Từ Đà Lạt xuôi theo hướng Nam khoảng 60 km, đến ngã ba Đại Ninh (QL 20) rẽ trái gần 10 km sẽ gặp ngã 3 Tà Hin. Rẽ trái lần nữa để theo đường vào thác.

Ngay từ khi mới tới trạm công an xã Tà Hine cách Thác Bảo Đại 3 km đã nghe tiếng ầm ầm vang dội của dòng thác mang tên vị vua cuối cùng của Việt Nam. Đi giữa rừng thông với muôn vàn tiếng chim rừng lảnh lót, hơi nước mát lạnh tỏa lên từ thác Bảo Đại vương vất trên những khuôn mặt háo hức của du khách khi đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của ngọn thác này.

Con đường dẫn vào thác 3 km men theo bản làng của đồng bào dân tộc bản địa được trải nhựa phẳng lì bằng nguồn đầu tư một phần của Công ty TNHH Phương Vinh - chủ nhân Khu du lịch sinh thái thác Bảo Đại.

Ngay từ ngoài cổng, vẻ đẹp mộc mạc của làng quê Việt dẫn đường du khách vào thác bằng những hàng tre, trúc nối dài. Những túp lều dừng chân nghỉ ngơi được thiết kế theo kiểu nhà sàn truyền thống của dân tộc bản địa, khiến du khách vừa lạ lẫm, vừa thích thú. Dù khá mệt sau một chặng đường dài, nhưng không ai ngồi nghỉ chân được lâu vì tiếng thác nước vừa âm vang, vừa réo rắt như tiếng đàn thôi thúc những bước chân xuống thác.

Con đường dẫn xuống thác Bảo Đại bắt đầu bằng một cây si già vươn mình như một cánh cổng chào đón du khách. Những bậc đá gồ ghề còn nguyên vẹn vẻ tự nhiên từ thời vua Bảo Đại vẫn thường chọn ngọn thác này làm nơi nghỉ ngơi sau những cuộc săn bắn. Tiếng thác nước như càng thôi thúc bước chân nhanh hơn dù đường xuống thác phải đi “rón rén” để khỏi ngã nhào xuống vực. Nhưng con đường độc đáo nhất để đứng trước ngọn thác lại là đường luồn qua những vách đá dựng đứng, vừa ẩm ướt vừa hoang dã khiến du khách càng muốn khám phá.

Đây đó những chùm phong lan vắt trên vách đá, những ngọn dây leo chùng xuống tạo nên một vẻ đẹp nên thơ. Bước chân du khách dường như không biết mỏi, bỗng ngọn thác sừng sững hiện ra ngay trước mặt mới biết mình đã đi hết đường luồn. Một dòng thác tuôn trào chia làm ba nhánh tung bọt trắng xóa khuấy động mặt nước phía dưới. Từng tia nước đuổi nhau tạo thành cầu vồng dưới ánh nắng mặt trời khiến du khách mê mẩn không chớp mắt.

Từ vách đá cao chừng 70m, một dòng nước lớn chia làm ba nhánh đổ thẳng xuống lòng suối sâu; những tia nước đuổi nhau, phóng nhanh như tên bắn, bụi nước bốc mù mịt cả một vùng thật là huyền ảo. Ở xa chừng hai, ba cây số ta cũng đã nghe thấy tiếng nước reo ì ầm. Trải dài dưới chân thác là một bãi đá rộng, có nhiều tảng đá lớn gợi nên sự tưởng tượng lý thú cho du khách khi có dịp dừng bước lãng du.

Tương phản với sự mạnh mẽ của dòng thác, cảnh vật ven bờ rất nên thơ. Bên phải thác, trên vách đá cheo leo một cây si già buông những cánh tay dài xuống thác như thể đang đùa vui với dòng nước. Rồi những cành cây, dây leo mềm mại bò trên vách đá. Đây đó, thỉnh thoảng xuất hiện những chùm phong lan trắng muốt từ các cành cây rũ xuống điểm trang.

Jráiblian - đó là cái tên quen thuộc mà đồng bào Churu trong vùng vẫn thường gọi dòng thác hùng vĩ này. Jráiblian - có nghĩa là thác đá cao nhưng về sau thác còn có tên gọi là thác Bảo Đại do trong những năm tháng làm vua, Bảo Đại thường đi săn qua vùng này. Thác Jráiblian là điểm được ông chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày đi săn. Có khi gọi đơn giản là thác Hoang, bởi xưa nay ít ai đặt chân đến, ngoại trừ vài ngày lễ tết bà con dân tộc có thói quen kéo nhau đến đây ngắm cảnh.

Ngày nay, đồng bào Churu trong vùng vẫn còn lưu truyền một truyền thuyết lý giải về sự xuất hiện của thác Jráiblian.

Chuyện kể rằng ngày xưa ở vùng Ktun có hai cậu cháu, người cậu tên là Zuwar, người cháu là Stak. Hai cậu cháu thường rủ nhau đi bắt cá. Một hôm nọ ra suối suốt cả ngày mà vẫn không bắt được một con cá nào. Chiều đến, đói rã cả người, hai cậu cháu vẫn chưa tìm được gì để lót dạ. Và khi hoàng hôn bắt đầu buông xuống thì hai người cùng nhìn thấy một quả trứng lớn nằm trong hốc đá. Cậu Zuwar định lượm nhưng Stak ngăn không cho; một lát sau Stak cũng muốn lượm nhưng Zuwar lại can ngăn vì sợ.

Hai người giằng co nhau mãi và đến cuối cùng thì họ quyết mang luộc. Khi trứng được luộc chín, hai cậu cháu lại dành nhau về chuyện ăn thử. Zuwar thì nói mình già rồi, có chết cũng không sao nên đòi ăn trước. Stak cũng không chịu, sợ cậu chết nên cố đòi ăn trước.

Cuối cùng cháu Stak ăn được trước. Ăn xong, thấy ngứa hết cả mình mẩy, bèn nhờ cậu gãi giùm nhưng vẫn không hết. Càng gãi càng ngứa, hoảng quá Stak nhảy xuống suối ngâm mình trong nước. Một lúc sau người lớn bằng con bê và đến sáng đã lớn bằng con trâu.

Zuwar buồn quá đành để cháu lại chạy về báo với người trong nhà. Khi mọi người trong gia đình chạy ra thì Stak vẫn sống mà một phần chân tay đã có vẩy như cá sấu, phần dưới mọc một cái đuôi dài. Stak ngẩng đầu lên nói với cha mẹ rằng: mình sẽ không sống làm gì nữa khi biến thành cá sấu, nên xin cha mẹ trước khi chết được ăn đủ trâu, bò, gà, vịt mỗi thứ 7 con.

Người nhà liền làm theo. Nhưng Stak vẫn không chết, mà lúc này người đã lớn bằng cái nhà dài. Trong họ hàng nhà Stak bắt đầu có sự bàn cãi, giằng co nhau, có nên để cho nó sống nữa hay không.

Cuối cùng họ cắt một miếng mâm sắt nung đỏ và mang tới nói là một miếng thịt đỏ rồi ném cho Stak, lúc này đã là một con cá sấu khổng lồ. Nuốt xong, nó nằm vật ngửa ra chết, xác nằm chắn ngang giữa suối. Lưỡi nó thè ra, nước tràn qua lưỡi tạo nên âm thanh hay hơn cả tiếng đàn. Hay đến nổi trứng gà trong tổ cũng lăn tới bờ suối để nghe. Tất cả các loài muôn thú và dân trong vùng đều bị mê hoặc bởi âm thanh kỳ lạ đó, bỏ cả công ăn việc làm tới nghe đến nỗi phải chết đói.

Vua Chàm liền sai 100 người buộc dây kéo cái lưỡi ra. Nhưng kỳ lạ thay, cái lưỡi cứ dài ra rồi lại co rút lại làm cho cả đoàn người lăn tõm xuống vực sâu mà chết. Thưong hại con người, "Giàng" liền sai một con chim đen xuống mách bảo: phải lấy da ông già làm dây mới kéo được. Mừng quá, vua Chàm liền sai người rao tìm người già tình nguyện chết để cứu dân làng. Vừa lúc đó có một cụ già chống gậy tới xem, biết chuyện ông liền bước tới trước vua Chàm xin được chết.

Vua Chàm mừng rỡ sai người mổ trâu bò làm tiệc thết đãi ông già, sau đó mổ lấy da bện thành dây thừng để kéo. Quả nhiên cái lưỡi bị gãy văng ra khắp nơi, dính cả vào cây lồ ô, cây tre bên cạnh. Nhưng cái lưỡi vẫn còn ba phần lớn. Một thành thác Jráiblian, một phần văng tới vùng Tu Tra (thuộc huyện Đơn Dương bây giờ) và một phần ở Ma Bó thành suối. Cũng vì vậy mà ngày nay tre và lồ ô là những loại cây có khả năng phát ra âm thanh nên được sử dụng làm các loại nhạc cụ.

Thác Bảo Đại được công nhận là danh lam thắng cảnh cấp quốc gia từ năm 2000. Dù được đầu tư phát triển thác thành khu du lịch với các nhà chòi, công viên vườn hoa, tạo bậc thang ở hang đá nứt để thuận tiện cho khách tham quan nhưng đa phần khách của thác là cư dân trong vùng. Vì vậy, thác vẫn còn rất hoang vu và đầy bí ẩn nên nó còn có một tên gọi khác là thác Hoang.

Du lịch, GO! - Tổng hợp, ảnh Điền Gia Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét