Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Về thăm đình cổ, đất Tuồng…

Có một ngôi làng nhỏ, nằm khép mình giữa những rặng tre xanh, bao bọc bởi những cánh đồng lúa. Làng nhỏ bé, khiêm nhường trước sự phát triển ồ ạt của đô thị nhưng tàng ẩn trong mình một không gian văn hóa “đậm chất” làng quê Việt; là cái nôi của nghệ thuật Tuồng, gắn với tên tuổi của một vị danh nhân văn hóa: Đào Tấn - Đó là làng Vinh Thạnh thuộc xã Phước Lộc (Tuy Phước).

< Làng Vinh Thạnh nhìn từ núi Huỳnh Mai.

Từ Quy Nhơn, chúng tôi đi xe máy xuôi về hướng Bắc theo quốc lộ 19 khoảng chừng 20 km thì đến làng Vinh Thạnh. Làng nằm sát bên quốc lộ, cũng dễ nhận ra bởi tấm bảng “Làng văn hóa” dựng ngay đầu làng.

< Đình làng Vinh Thạnh.

Đình làng Vinh Thạnh là nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm. Theo Bình Định danh thắng và di tích thì đây là ngôi đình duy nhất còn sót lại của người Việt trên đất Bình Định.

Di tích ngôi đình hiện còn đến ngày nay mới được xây dựng lại vào năm 1948. Còn ngôi đình cũ, theo dân gian kể lại thì có quy mô lớn hơn, kiến trúc theo kiểu cổ, lợp ngói âm dương và đã bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.


< Tượng bán thân Đào Tấn.

Ngôi đình mới được kiến trúc trên bình đồ hình chữ nhật, phía trước trổ tam quan trông ra đường liên xã, các mặt khác tiếp giáp với nhà dân. Hai đầu nhà đều xây trụ hình vuông, trên đề đôi câu đố, hai trụ giữa bo tròn chạm nổi hình rồng quấn quanh, đầu chúc xuống đuôi vểnh lên, bên trên là một dãy lan can được thiết kế theo kiểu ô hộc. Chính giữa là hình cuốn thư đắp đổi đề ba chữ “Vinh Thạnh đình”.

Đình được thiết kế hai lớp mái, bốn góc uốn cong, cuối góc mái là những lan can đằng (giả rồng), đỉnh mái bên trên thể hiện hình lưỡng long chầu nguyệt (các chi tiết này đã bị đập vỡ). Phía trong hai bên cửa chính là phù điêu đắp nổi tượng ông Thiện, ông Ác, trong nhà sát tường là ba bục thờ, Đình dài 12m, rộng 4m.

Trong ba bục thờ thì bục giữa đề chữ “thần”, một bên đặt thần vị Đào Đức Ngạc - cha của Đào Tấn, một bên đặt thần vị Đào Tấn. Thần vị Đào Tấn là một tấm bia đá được lập năm Mậu Thân- Duy Tân thứ hai (1908), một năm sau khi ông qua đời. Nguyên văn chữ Hán như sau: “Duy Tân nhị niên Mậu Thân nhị nguyệt cát nhật. Hoàng triều cáo thụ Vinh lộc đại phu Trụ quốc Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện đại học sĩ lãnh Công bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần Vinh phong tử tước trí chính Đào công hủy Văn thần thần vị. Bản thông phụng tự”.

< Đường lên mộ Đào Tấn.

Như vậy ngay sau khi mất, Đào Tấn đã được tôn vinh như một vị thần của cả làng, được cả làng thờ cúng. Hiện nay, khi điều tra về thần hoàng làng Vinh Thạnh, trong nhân dân có nhiều ý kiến khác nhau, người thì bảo là Đào Đức Ngạc cha của Đào Tấn, người thì nói là chính Đào Tấn. Thực ra nếu căn cứ vào vị trí các khám thờ trong đình thì cha con Đào Tấn có lẻ chỉ là những “hậu thành hoàng” của làng, tuy nhiên thành hoàng đầu tiên của làng là ai đến nay không ai rõ.

Đình làng chỉ mở cửa mỗi năm hai lần vào dịp Tết Nguyên đán và ngày rằm tháng bảy (ngày giỗ Đào Tấn) nhưng hàng ngày vẫn có người trông nom, chăm sóc. Đặc biệt, với người dân Vinh Thạnh, ngôi đình luôn gắn với ý thức tâm linh, vọng ngưỡng và tôn kính. Dưới bóng mát của 2 cây gòn cổ thụ là khoảnh sân rộng, phòng đọc sách…

< Cổng làng Vinh Thạnh cổ kính rêu phong.

Rời đình cổ, chúng tôi thả bộ dọc theo con đường làng. Lòng bồi hồi những cảm xúc khó tả khi bước qua cổng làng cổ kính và rêu phong, in đậm dấu thời gian. Được biết, đây là làng duy nhất trong tỉnh còn giữ được cổng làng. Và cái cổng làng mang bốn chữ Hán “Vinh Thạnh lý môn” (cổng làng Vinh Thạnh) này cũng là niềm vinh dự của người dân Vinh Thạnh.

Có rất nhiều ngôi làng Việt đang “đối mặt” với ô nhiễm, với sự phát triển đô thị hóa một cách ồ ạt… thì ngôi làng nhỏ bé này vẫn giữ được sự thuần phác, hiền hòa với một không gian xanh, dịu mát, trong lành của một làng quê thuần Việt. Người dân Vinh Thạnh có thú chơi cây kiểng. Và họ như những nghệ sĩ thực thụ. Những hàng rào duối, chè tàu quanh nhà được cắt tỉa cầu kỳ. Cổng, ngõ, hàng rào… xem ra không đơn giản chỉ là lối đi mà là một thú chơi. Và nó thật sự hài hòa trong kiến trúc nhà, vườn…

Một “địa chỉ văn hóa” mà khi đến Vinh Thạnh, du khách và những người am hiểu về nghệ thuật Tuồng hay chỉ đơn thuần là yêu mến, ngưỡng vọng danh nhân văn hóa Đào Tấn đều viếng thăm, đó là ngôi nhà nhỏ, tọa lạc trên một khoảnh đất nhỏ trong vườn cũ ngày xưa của cụ Đào. Chủ nhân ngôi nhà này là ông Đào Tụng Phi, chắt của cụ Đào Tấn. Khách đến viếng thăm, thắp cho cụ Đào nén hương, ngồi trò chuyện cùng người chắt của cụ và được hướng dẫn tham quan “Mai viên” (vườn mai - theo cách gọi của cụ Đào ngày xưa).

Dấu xưa của Học bộ đình, nơi diễn Tuồng, nơi ở của kép hát… giờ là ruộng lúa, vườn dưa. Trụ cổng vào Mai viên cụ Đào ngày xưa giờ vẫn còn dấu, nhưng rêu phong, xiêu vẹo. Ngôi miếu cổ thờ Bà Thủy, Bà Hỏa do cụ Đào lập ra, vẫn còn đậm giai thoại về cốt cách của cụ Đào… Bên kia, cách Mai viên một quãng đồng, núi Huỳnh Mai sừng sững, sinh thời Đào Tấn đã chọn cho mình nơi an nghỉ để ngày ngày có thể nhìn về quê hương yêu dấu của mình.

< Một góc "Mai viên" xưa.

Buổi trưa. Chúng tôi ghé thăm nhà người bạn ngay trong làng. Như đã giao hẹn trước, khách xa đến chơi không thích sự cầu kỳ, có gì dùng nấy. Bạn đã làm đúng lời hẹn. Và chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những món quà quê dân dã lại nâng lên tầm “đặc sản”! Món khai vị là nem chua chợ Huyện “đưa cay” cùng rượu Bàu Đá. Những đặc sản bản địa được giới ẩm thực phong “anh hùng - thuyền quyên” là đây.
Sau món khai vị, bữa cơm dân dã được dọn ra với cá rô đồng kho nghệ, gà kho sả, rau muống luộc và canh tôm mồng tơi, rau ngót… được giới thiệu là những thứ “cây nhà, lá vườn” khiến thực khách không khỏi trầm trồ.
Nhưng, món tráng miệng mới thật sự là đỉnh điểm bất ngờ dành cho khách. Bánh ít lá gai bà Dư Tuy Phước nổi tiếng khắp vùng, khiến bụng khách đã no mà miệng cứ thòm thèm!


< Đường làng Vinh Thạnh.

Thấy khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bạn cười, không giấu vẻ tự hào: “Bà xã tui đạo diễn hết đó!”. Chị vợ được chồng khen trước mặt khách thì cười bẽn lẽn. Xem ra, cái duyên của con gái xứ Bình Định không chỉ nằm trong mỗi câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”.

Chiều xuống. Tạm biệt Vinh Thạnh, chúng tôi ra về trong niềm vui mãn nguyện. Một chuyến đi, đúng nghĩa với các khía cạnh: tiếp nhận, khám phá và tận hưởng. Nhưng trong lòng thoáng chút băn khoăn: một làng quê thuần Việt, chứa đựng một không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… đặc sắc như Vinh Thạnh, sao lại cứ mãi khiêm nhường? Rồi cũng tự trấn an mình, biết đâu, chính vì khiêm nhường và tàng ẩn nên Vinh Thạnh mới có một nét duyên quyến rũ đến như vậy!

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Bình Định, ảnh internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét