Đập thủy lợi Phước Hòa kể từ khi tích nước và đưa vào sử dụng đã trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều “cần thủ” thi thố tài năng. Cứ vào những dịp cuối tuần, hàng chục “cần thủ” từ nhiều nơi mang theo lỉnh kỉnh đồ nghề đến đây để săn tìm những loài cá đặc sản của dòng sông Bé, trong đó có loài cá lăng nổi tiếng thơm ngon.
Nghe mấy người bạn rỉ tai về chuyến đi săn loài cá lăng thơm ngon của sông Bé ở lòng hồ Phước Hòa, dù không rành lắm về cái món câu kéo này nhưng sẵn dịp thứ bảy được nghỉ, tôi hồ hởi theo chân nhóm bạn lên đường. Vượt qua quãng đường dài hơn 60km từ TP.Thủ Dầu Một sau hơn 1 giờ chạy xe, vừa qua khỏi khúc cua cuối cùng trên con đường dẫn vào đập, trước mắt chúng tôi hiện ra hồ nước mênh mông, không một gợn sóng.
< Hồ thủy lợi Phước Hòa.
Hồ Phước Hòa nằm trên địa phận huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, là một trong những giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nước của các tỉnh miền Đông Nam Bộ.
Cụ thể, lấy nước từ sông Bé cấp tại chỗ cho Bình Dương, Bình Phước (khoảng 1,3 triệu m3/ngày) và chuyển về hồ Dầu Tiếng cấp bổ sung cho Tây Ninh, Long An, TPHCM, lưu vực sông Vàm Cỏ Đông (khoảng 1,2 triệu m3/ngày).
< Họng xả nước hồ thủy lợi Phước Hòa.
Ngoài ra, hồ sẽ xả khoảng 1,38 triệu m³/ngày xuống hạ lưu sông Sài Gòn để đẩy mặn và cải tạo chất lượng nguồn nước. Đây là dự án thủy lợi chuyển nước lưu vực đầu tiên tại Việt Nam với kỹ thuật phức tạp: Máng tải cao 19 m, dài 40 km, tải cao nhất 6,4 triệu m³ nước/ngày.
Đứng trên bờ đập có thể dễ dàng phóng tầm mắt bao quát khắp mặt hồ. Bên này bờ đập là địa phận của xã An Thái, huyện Phú Giáo -Bình Dương, còn phía bên kia thuộc địa phận của xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Khó như săn... cá lăng!
< Một “cần thủ” đang chuẩn bị buông câu.
Mới gần 8 giờ sáng nhưng đã tấp nập mấy nhóm câu “chiếm lĩnh” phần lan can của cây cầu trên bờ đập. Dừng xe, nhóm chúng tôi bắt đầu khuân vác đồ nghề đến điểm đã chọn, chuẩn bị cho buổi săn cá hứa hẹn là sẽ rất hấp dẫn.
Lân la đến làm quen với một “cần thủ” có nước da ngăm đen đang chuẩn bị buông câu, tôi muốn ngạt thở vì mùi hôi thối kinh khủng bốc lên từ chỗ anh ấy ngồi. Thấy tôi lưỡng lự, anh này nhoẻn nụ cười tươi, giải thích: “Mùi mồi câu cá lăng đó, hôi vậy nhưng không bẩn đâu”.
Được giải thích, tôi yên tâm tiến thẳng lại phía anh này để quan sát cách móc mồi, quăng câu. Hai tay thoăn thoắt, anh ta vừa tra mồi vào lưỡi, vừa quan sát trước vị trí chuẩn bị quăng lưỡi câu.
Nơi anh chàng này thả câu là đập tràn chính của lòng hồ. Vị trí này là một cái hố được đào rất sâu để thu nước vào các cống xả. Từ chỗ chúng tôi đứng xuống đến mặt nước có khoảng cách hơn chục mét. Qua vài câu trò chuyện, tôi biết anh tên Vương, nhà tại xã An Bình, huyện Phú Giáo. Vương cho biết, anh chủ yếu câu cá lăng nên mồi câu của anh có mùi đặc biệt hơn so với các loại mồi câu cá khác. Quan sát đồ nghề của Vương, tôi thấy có rất nhiều cần câu và lưỡi câu được Vương mang theo.
Theo Vương, để săn được loài cá lăng có thịt thơm ngon thì khâu làm mồi là công phu và tốn nhiều thời gian nhất. Mồi câu cá lăng của Vương có đến trên 10 nguyên liệu, trong đó có một số nguyên liệu như bông gòn, mắm nêm, óc bò, a quỳ (một vị thuốc bắc)...
Sau một cú quăng câu ưng ý, mắc cần câu cẩn thận vào lan can cầu, Vương cười nói: “Cá lăng là loài rất háu ăn, nhưng không dễ câu chút nào. Chúng thường đi theo đàn sát đáy hồ nên lưỡi câu phải sát đáy, mồi câu phải có mùi đặc trưng mới dẫn dụ được chúng. Thời điểm ăn mồi của loài cá này cũng bất định nên đôi khi phải chờ cả ngày mới câu được chúng, nhưng một khi đã câu được một con thì chắc chắn sẽ còn câu được thêm nhiều con khác tùy vào số lượng đàn cá nhiều hay ít”.
Nói chưa dứt lời thì cần câu của Vương rung lên bần bật, anh giật mạnh, rồi thoăn thoắt quay cần thu dây, mắt chăm chú nhìn theo hướng dây câu. Tôi định bụng phen này sẽ được quan sát tận mắt loài cá nổi tiếng thơm ngon của dòng sông Bé dính câu, nhưng không được như ý vì Vương vừa kéo lên một… khúc cây! “Lúc trước ít người câu có ngày tôi câu được gần 20kg cá lăng”, Vương nói và tiếp tục buông câu.
Nhìn vào đồ nghề anh mang theo, có thể thấy Vương là một tay câu chuyên nghiệp. Vương cho hay trong nhóm bạn câu của anh đã có người câu được con cá lăng nặng 3,8kg. Còn anh thường chỉ câu được cá lăng cỡ 1,2 - 1,5kg, nhưng cỡ cá như vậy là đã khiến người câu đủ mệt vì cá lăng rất khỏe, khi dính câu chúng vùng vẫy rất mạnh.
Loài cá lăng trên lòng hồ Phước Hòa mà nhiều người săn tìm là cá lăng nha, ít xương, thịt trắng chắc và rất thơm ngon. Chính vì thơm ngon như vậy nên loài cá này mới được các “cần thủ” ưu tiên săn tìm và đang ngày càng cạn kiệt!
Sống được nhờ... cá
< Q. giới thiệu con cá mè đánh bắt được trên lòng hồ.
Trong thời gian tôi bắt chuyện với những người câu cá khác, nhóm bạn của tôi cũng đã kịp “bày trận” với 6 cần câu. Với loại mồi câu làm từ nguyên liệu bánh mì, pa-tê, sữa, phô mai trộn lẫn với nhau, chúng tôi đến đây không để săn tìm cá lăng mà chủ yếu để... câu cá. Do là lần đầu đi câu, không xác định được sẽ câu loài cá nào, lại chưa rành địa hình nên kết quả sau hơn 2 giờ buông câu, chúng tôi vẫn không câu được con cá nào!
Quan sát thấy nhóm người đang chuẩn bị thả lưới, một người bạn trong nhóm chúng tôi, nói: “Kiểu này chắc phải dùng đến mồi polymer mới mong có cá để nhậu”. Thấy tôi ngơ ngác, anh ta giải thích, mình mới đi câu lần đầu, lại không rành mồi câu chắc sẽ không câu được cá. Để có mồi lai rai tốt hơn hết là đi mua cá cho nhanh, chứ không lẽ thùng bia mang theo lại mang về!
< Cá duồng bay, một loại cá đặc sản của dòng sông Bé.
Để có con cá làm mồi nhậu, tôi chở anh bạn xuôi theo bờ kênh dẫn nước rồi lượn vòng trên những con đường mòn phía bờ sông đến khu lều của những người đánh cá. Như được báo trước nên khi thấy chúng tôi, những người trong lều đều rất vui. Xung quanh lều có đến 3 - 4 bao tải chứa lưới. Khi chúng tôi nói cần mua một vài con cá lớn làm mồi nhậu, Q., một người trong nhóm thả lưới, nhanh chóng mở thùng xốp chứa cá, bên trong có 4 con cá lớn đã chết.
Cầm một con cá lớn có vẩy bụng màu trắng, vây rìa đỏ, đầu to Q. nói đây là cá duồng bay, đặc sản của dòng sông Bé, đem nướng hay nấu chua đều rất ngon. Anh bạn tôi chê cá chết mất tươi. Sợ mất mối, Q. đưa chúng tôi xuôi bờ sông dựng đứng xuống chiếc xuồng đang được neo gần bờ, rồi mở khoang nhấc lên mấy con cá tươi nguyên.
Q. cho biết, mùa này ít cá chứ đầu mùa mưa thì cá nhiều vô kể. Có ngày, nhóm của Q. có thể đánh bắt được 30 - 40kg. Từ khi có con đập này, công việc đánh lưới của họ cũng dễ dàng hơn nên cũng sống được.
Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh với 200.000 đồng cho 3,8kg cá mè. Một cái giá quá hời cho anh bạn của tôi. Sau bữa lai rai dân dã với con cá mè nướng mọi ngay tại bờ đập, chúng tôi lên xe trở về khi trời đã xế chiều.
Lúc này, số người đến câu cá cũng đông hơn, trong số đó không ít người đến chỉ để thư giãn hay đơn giản chỉ để xem người khác câu cá. Một người trong nhóm bạn của tôi tiếc rẻ vì chưa câu được con cá nào nên buột miệng: “Lần sau lên đây tôi sẽ chuẩn bị kỹ càng để câu cho bằng được một con cá lăng”.
“Các loại cá đặc sản của dòng sông Bé là cá éc, duồng bay, mè, lăng... Trước đây, các loài cá này chủ yếu sinh sống trên sông. Vào đầu mùa mưa, khi nước sông chảy xiết cũng là lúc các loài cá tìm nơi sinh sản nên rất dễ đánh bắt. Nay con đập Phước Hòa chắn ngang, các loài cá nói trên đều sinh sống trong lòng hồ. Do vậy, các ngành chức năng cần có công trình nghiên cứu về cách thức sinh sản và quy định về hạn chế đánh bắt theo mùa để bảo tồn các loài cá đặc sản của dòng sông Bé.”
Du lịch, GO! - Theo CAO SƠN (Bình Dương Online), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét