Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Sôi động chợ bò Tà Ngáo

Có một chợ bò duy nhất ở miền Tây được Bộ NN&PTNT cho phép nhập trâu, bò qua đường tiểu ngạch.
Việc mua bán phát triển, kéo theo hàng loạt nghề dịch vụ ra đời, tạo công ăn việc làm khiến đời sống người dân ở đây thêm khởi sắc. Chợ nằm gần quốc lộ 91 nên rất thuận tiện cho việc vận chuyển

Từ một xóm heo hút mà giờ sóc Tà Ngáo có nhiều đường giao thông cho xe tải ra vào mua bán trâu bò ì xèo. Đời sống người dân trong sóc khấm khá hơn nhờ có chợ. Tiếng ậm ò từ khu chợ vang vọng cả núi rừng.

Sóc Tà Ngáo thuộc ấp Phú Tâm, xã An Phú (Tịnh Biên, An Giang). Trước 1975, dân di cư đến khẩn hoang, kẻ tha phương cầu thực tấp vào lập nghiệp. Bởi thế đời sống dân chúng nơi đây rất nghèo.

Gông bò qua kênh Vĩnh Tế

Ông Sáu Lon (tên thật là Lê Văn Lon, người gắn bó với sóc Tà Ngáo từ những ngày đầu) kể hồi đó cư dân Tà Ngáo còn lãnh thêm nạn diệt chủng Pôn Pốt. Năm 1979, nơi tuyến đầu biên giới này mới yên bóng giặc, dân chạy loạn quay về gầy dựng lại cửa nhà. Đất ruộng ở Tà Ngáo chỉ là cát trắng pha đất bạc màu. Cuộc sống của dân trong sóc chủ yếu dựa vào việc bán trái, nước thốt nốt hoặc làm đường thốt nốt. Cạnh đó, nhiều nhà còn nuôi thêm bò để cải thiện kinh tế. “Bà con Khmer ở Tà Ngáo ngày trước xem trọng con bò như báu vật nên nuôi nhốt bò ngay trong nhà mình. Sóc Tà Ngáo ngày ấy nằm choi loi giữa đồng, bao bọc bởi những cánh rừng thốt nốt. Người dân phải băng đồng, lội ruộng để đi lại ra bên ngoài” - ông Lon kể.

Theo ông Sáu Lon, chuyện mua bán bò ban đầu chỉ diễn ra giữa dân trong sóc Tà Ngáo với nhau. Sau đó, dân ở đây qua Campuchia mua bò giống về trao đổi, bán mua, dần dà mới nảy sinh nhu cầu mua bán bò thịt, rồi đến mua bán trâu. “Dân mình vượt biên giới cả chục cây số, vào lùng sục tận nhà dân nước bạn kiếm mua từng con bò một, cầm dây mũi dẫn chúng đi tắt trên bờ đê về kênh Vĩnh Tế. Đến bờ kênh, người dẫn bò cầm dây mũi lội xuống, bốn năm con bò lội nước phì phò theo sau. Người ta gọi là gông bò qua kênh. Ì ạch cả ngày, có khi dẫn bò về được tới nhà thì trời đã sập tối” - ông Sáu Lon kể.

Làm lâu có tiếng, sóc Tà Ngáo không mấy chốc được thương lái ngoài tỉnh biết đến. Ai muốn mua trâu bò về cày cấy, bò dự án cho người nghèo cũng lui tới tìm. Trong vùng bắt đầu xuất hiện những “nghệ nhân” xem tướng bò, điển hình như ông Khổng mù ở Ô Tà Ban. Dù tập quán mua bán bò ở đây là “nhìn mặt bắt hình dong”, đánh (ước) trọng lượng là xỉa tiền (còn gọi là mua mão nguyên con) nhưng nếu mua bò về làm sức kéo thì người ta còn phải xem tướng mạo, xoáy, đuôi… để cho chắc ăn. “Đường ruộng từ huyện Kirivông (tỉnh Tà Keo, Campuchia) sang Tà Ngáo chỉ ngăn bởi con kênh Vĩnh Tế và cánh đồng vài cây số. Vì thế chuyện mua bán trâu bò ở đây rất sung túc” - ông Sáu Lon lý giải.

Dịch vụ ăn theo khởi sắc

Nhiều năm về trước, hễ đặt chân đến khu vực chùa Tà Ngáo lúc nào cũng thấy bóng dáng trâu bò ùn ùn vượt biên. Thương lái dẫn bò ngoại bủa theo mấy con đê trên đồng biên giới đưa vào nội địa. Cặp kênh Vĩnh Tế, nhà nhà có chuồng bò, ấp Phú Tâm ngập bóng trâu bò, cả xã An Phú cũng đầy nhóc trâu bò. Kẻ dắt, người lùa bò đi lũ lượt trên bờ kênh Vĩnh Tế, cả làng chìm trong nghề mua bán trâu bò.

Ông Huỳnh Hữu Phúc, Chủ tịch UBND xã An Phú, kể: Trước năm 2006, việc mua bán trâu bò qua biên giới được xem là lậu. Năm 2006, huyện Tịnh Biên mới đứng ra tổ chức thành chợ phiên bò, tại khu đất cạnh chùa Tà Ngáo. Từ đó, việc mua bán trâu bò qua biên giới được tập trung về một chỗ ở bến kênh Vĩnh Tế. Bên xã Kamnab, huyện Kirivông (Campuchia) cũng có đầu mối thu gom trâu bò chuyển về Tà Ngáo.

Kéo theo chuyện mua bán trâu bò phát sinh nhiều dịch vụ làm thuê, tạo việc làm cho cả người già và trẻ nhỏ vùng Tà Ngáo. Khi thương lái mua xong bò thì họ thuê người dắt bò từ Campuchia về. Mỗi trẻ em có thể kiếm cả trăm ngàn đồng trong ngày từ nghề dắt bò mướn. Vào mùa hiếm cỏ cho bò ăn, dân Tà Ngáo còn đi vào tận vùng lâm địa cắt cỏ, mua rơm về đây bán. “Dân làng sóc Tà Ngáo còn bán được hàng nước. Người coi tướng, đánh trọng lượng trâu bò cũng được thuê. Có người đánh trọng lượng chính xác được lái trả tới cả trăm ngàn đồng/con. Ở đây có nhiều nghề vui và đỡ cho bà con nghèo dữ lắm. Nghề hốt phân bò cũng hái ra tiền” - Sáu Lon cười khà kể.

Theo nhiều lái bò, thay vì ngày trước dân trong nước đi sang nước bạn mua bò về chợ Tà Ngáo bán lại thì bây giờ việc này do lái nước bạn đảm nhận. Trâu bò mua xong, lái nước bạn cho dẫn đường đồng đến kênh Vĩnh Tế, gông qua kênh rồi dẫn vào chợ bán. Mùa nước nổi, bò ngoại được chở bằng trẹt (giống như ghe, xuồng) xuống chợ.

Ngày càng chuyên nghiệp, bài bản

Ông Phúc cho biết ban đầu chợ bò Tà Ngáo chỉ tập trung trên khu đất rộng 8.000 m2. Kể từ năm 2010, đây là chợ bò duy nhất ở miền Tây được Bộ NN&PTNT cho phép nhập trâu bò qua đường tiểu ngạch, có kiểm soát dịch bệnh. Chợ bò được mở rộng hơn 2 ha và tới đây sẽ còn mở rộng thêm khoảng 2 ha nữa. Mỗi ngày bình quân có khoảng 150-200 con bò được mua bán. “Lượng trâu bò ở Tà Ngáo có nhiều nhờ mua từ các nước Malaysia, Myanmar, Thái Lan… qua Campuchia bán về. Từ đó có cung ứng thường xuyên cho thương lái nên chợ không ngừng phát triển. Sóc Tà Ngáo heo hút ngày nào giờ có đến bốn, năm con đường lớn được mở cho xe tải vào. Đời sống người dân trong sóc khấm khá hơn” - ông Phúc phấn khởi nói.

Hiện nay trâu bò ngoại đưa vào chợ được kiểm soát dịch bệnh. Sau một tuần lễ không có dấu hiệu bệnh thì mới cho xuất bán. “Trâu bò ở chợ Tà Ngáo muốn bán thì phải chích thuốc ngừa, rồi bấm lỗ tai mới được đưa lên xe đi giết mổ. Thương lái chỉ đóng thuế buôn chuyến. Do được tổ chức chính thức nên chúng tôi an tâm đến đây làm ăn” - anh Lợi, lái bò từ Lâm Đồng, tâm sự.

Giờ đến chợ bò Tà Ngáo lúc nào cũng thấy cảnh mua bán sôi động, lái Việt, lái Campuchia đều có mặt. Trong khu chợ, dưới những tán thốt nốt xanh rì, lái nọ gạ lái kia ngã giá. Hàng trăm con trâu bò đi lại xen lẫn với người tại chợ. Dù cân bàn, cân số, cân đòn có rất nhiều nhưng phương thức giao dịch mua mão nguyên con vẫn được duy trì. Tiền Việt, tiền riel (tiền Campuchia) đều được mang ra giao dịch. Tiếng người í ới hòa lẫn tiếng ậm ò của bò chộn rộn suốt ngày. Cả ngày đêm, xe chở trâu bò từ đây rầm rập chạy về khắp xứ.

Du lịch, GO! - Theo Pháp Luật TPHCM, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét