Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

Di tích Thanh Minh Cổ Miếu ở Vĩnh Châu

Thanh Minh Cổ Miếu hay còn gọi là chùa Ông Bổn tọa lạc tại khóm 1, Phường 1, thị xã Vĩnh Châu được xây dựng vào thế kỷ 19 để làm nơi thờ cúng các vị phúc thần bảo hộ bổn mạng của bà con người Hoa trong vùng.

Chùa có khuôn viên ngang 25m, dài 58m, trong đó phần nội thất ngôi chùa và 2 phòng Đông lang, Tây lang có chiều ngang 25m, dài 17m. Mặt tiền chính của chính điện hướng về hướng Bắc, hai bên tả hữu cửa chính là 2 bức bích họa vẽ tranh phong thủy xưa với câu chúc “Mưa thuận gió hòa”, “Quốc thới dân an”, ngụ ý chúc bá tánh an hưởng thanh bình và phồn vinh. Qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo chùa vẫn giữ được hiện trạng cũ với những nét kiến trúc độc đáo. Nội thất của chùa được xây theo kiểu chữ “Phước” quen thuộc được các thợ xưa “phân kim tam cấp” tạo thành tiền điện, trung điện, chính điện.

Ở khoảng trống hai bên trung điện là bàn thờ xây bằng đá mài và đắp nổi hai bức tranh lớn bằng xi măng “Tả Thanh Long”, “Hữu Bạch Hổ” theo thế phong thủy xưa, với hai khoảng trống thông thoáng gọi là “thiên tĩnh” (giếng trời) tạo cho không gian chùa thoáng đãng, đưa ánh sáng cho hậu cung của chánh điện và thoát hương khói khi cúng lễ lúc đông người.

Toàn bộ công trình gồm có 07 cột gỗ tròn bằng danh mộc, một đôi cột tròn (long trụ) đắp nổi hình rồng bằng xi măng. Trên đầu các đôi cột này đều gắn những hoành phi, biển bức, câu đối bằng gỗ quý. Dưới mái ngói hướng vào chánh tẩm (chánh điện) là khu vực quan trọng nhất của ngôi chùa nên tại đây có nhiều tác phẩm độc đáo như bao lam, hoành phi, câu đối, tượng điêu khắc gỗ được chạm trổ tinh vi, vàng son rực rỡ với các đề tài trang trí như tứ linh, cá hóa long, rồng hóa long dây lá, dây hạc, phước lộc thọ...

Các bức bích họa, tranh cổ vẽ trên gỗ là các tích truyện Tam Quốc Chí, Phong Thần, Lý Bạch say rượu, Tiên ông hóa sơn dương được tác tạo rất công phu, sinh động đậm nét truyền thống văn hóa của bà con người Hoa. Ngoài ra, chùa Ông Bổn Vĩnh Châu còn có nhiều cổ vật quý hiếm khác là các tượng gỗ thờ Ông Bổn, Ông Bắc Đế, Ông Tam Sơn Quốc Vương...

Trên bộ khung cửa chính, ngoài bức biển đại tự cổ “Thanh Minh Cổ Miếu”, bên dưới là đôi lân bằng gốm cổ tráng men gọi là “Nhị lân quản ngõ”, tiếp đến là đôi cánh cửa gỗ bằng danh mộc họa hình tướng Uất Trì Cung, Tần Thúc Bảo (danh tướng đời Đường) là 2 vị thần hộ môn trông rất uy nghi lẫm liệt. Khác biệt với chùa Ông Bổn của người Hoa ở thành phố Sóc Trăng thờ ông Trịnh Ấn (tức “Cảm Thiên Đại Đế” làm vị phúc thần, còn chùa Ông Bổn Vĩnh Châu thờ ông Trịnh Hòa - vị quan triều Minh (thế kỷ 14), tương truyền ông là nhà hàng hải đã bôn ba buôn bán sản vật ở nhiều nước trên thế giới, ông được phong sắc thần “Bổn đầu công” được dân chúng sùng kính tôn thờ.

Tổng thể ngôi chùa được xây dựng theo hình chữ “Phú” tượng trưng cho sự sung túc, phú quý với nghệ thuật chạm trổ tinh xảo, trang trí từ bên ngoài đến nội thất, nên chùa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Đáng kể, vào những dịp cún tế, lễ lộc, Hội chùa đã vận động bà con đóng góp nhiều tiền của hỗ trợ cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, thiên tai hoạn nạn như cấp phát hàng chục tấn gạo, xây dựng phòng học, tặng tập vở cho học sinh nghèo, góp phần xóa đói giảm nghèo, từ thiện nhân đạo và khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Du lịch, GO! - Theo Hồng Vân (báo Bạc Liêu), internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét