Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Hồn quê trong gốm Bát Tràng

Khi đến Hà Nội hoặc du lịch các tỉnh, thành phía Bắc, nhiều du khách thường ghé Bát Tràng - một làng gốm danh bất hư truyền, để tham quan, mua chút quà làm kỷ niệm.
Không chỉ là một làng nghề sản xuất gốm, Bát Tràng còn chứa đựng cả một kho tàng văn hóa quý báu. Ở đó, có nét đẹp truyền đời của một làng nghề mà mỗi người dân là một nghệ nhân, những người đã "sai khiến" được đất và lửa để tạo nên những tinh hoa cho cuộc đời.

Làng Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng. Ngôi làng đã ra đời cùng với kinh đô Thăng Long xưa và phát triển, tồn tại cho đến ngày nay.

< Bát  Tràng có hàng trăm cửa hàng, xưởng sản xuất đồ gốm.

Tương truyền, những nghệ nhân năm xưa sống rải rác khắp nơi đã theo cuộc dời đô của vua Lý Thái Tổ từ Hoa Lư về Thăng Long, đến bờ tả ngạn sông Nhị (tức sông Hồng), thì phát hiện vùng này có nhiều đất sét trắng, nguồn nguyên liệu quý để làm gốm. Thế là họ dừng chân, lập làng, phát triển nghề làm gốm, ổn định cuộc sống. Hàng trăm năm trôi qua, làng nghề có lúc thịnh lúc suy, nhưng tình yêu vô tận của người Bát Tràng đối với nghề nghiệp của tổ tiên đã giúp làng nghề tồn tại vững bền, phát triển theo thời gian.

Từ thời xa xưa, gốm Bát Tràng đã danh bất hư truyền. Phần lớn những sản phẩm thời trước là đồ thờ cúng, đồ dùng của triều đình, đồ cống tế... Sau này, các sản phẩm gốm đã đi vào đời sống người dân bình thường. Sự dày dạn kinh nghiệm của lớp những nghệ nhân lớn tuổi kết hợp cùng sự trẻ trung năng động của lớp nghệ nhân sau này đã thổi vào những sản phẩm gốm Bát Tràng sức sống trẻ và sự tinh tế không ngờ.

Bước chân vào làng gốm, qua khỏi cổng chào bạn đã có thể nhìn thấy hàng trăm cửa hàng, xưởng sản xuất san sát, bày biện vô số những món đồ gốm khác nhau. Đó là lúc bạn đã lọt vào thế giới của “ăn gốm, thở gốm, ngủ gốm..”. Từ những sản phẩm gốm chủ đề dân gian như lão nông, con trâu, chú mục đồng, nhân vật văn học như Thị Nở - Chí Phèo… cho đến những đồ gia dụng như chén bát, bình vại, giá rượu, ấm chén… tất cả đều xinh xắn và sống động.

Những sản phẩm gốm trang trí nội thất đẹp đến ngạc nhiên. Mỗi tác phẩm đều có sự kết tinh giữa nét cầu kỳ, vẻ sang trọng và tao nhã của từng tác phẩm như tranh gốm treo tường, tượng thiếu nữ, động vật, cây cảnh, bình hoa... Có thể nói, từ những món đồ gốm bé nhỏ như lọ đựng muối tiêu đến những bộ bình phong gốm Bát Tràng khổng lồ đều đẹp và hoàn hảo.

< Tranh gốm Bát Tràng.

Lớp đất trắng Bát Tràng mịn màng và sạch, không gợn cặn chính là đặc điểm đầu tiên tạo nên sự tinh xảo của gốm Bát Tràng. Tiếp theo, đó là tay nghề điêu luyện cộng với sự chuyên tâm của các nghệ nhân trong từng khâu như: chọn đất, xử lý, pha chế đất đến tạo dáng sản phẩm, trang trí hoa văn. Các hoa văn được ưa chuộng sử dụng nhiều trong gốm Bát Tràng là rồng phượng, tùng - cúc - trúc - mai, chim muông, cây cảnh hoa lá, phản ảnh đời sống tâm linh cũng như cuộc sống đời thường của người dân Việt.

Giá mỗi sản phẩm gốm cũng khá linh động, phù hợp túi tiền của nhiều du khách, từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng/sản phẩm tùy theo món đồ đơn giản hay sản phẩm cao cấp, nghệ thuật. Sản phẩm được đóng thùng cẩn thận nên bạn có thể vận chuyển đi xa mà không lo hư hỏng.

< Sản phẩm gốm Thị Nở - Chí Phèo.

Đến làng gốm Bát Tràng, khách phương xa còn có dịp thăm những lò nung đỏ lửa ngày đêm, tìm hiểu và "học nghề" từ các nghệ nhân. Bạn có thể tự tay nặn,  vẽ gốm, tạo nên những sản phẩm cho chính mình để làm kỷ niệm một lần đến Bát Tràng.

Không chỉ là một làng nghề truyền thống, nơi giao thương buôn bán, Bát Tràng thật sự là một điểm hẹn về văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, một nơi mà có dịp đi du lịch miền Bắc, bạn không thể bỏ qua.

Du lịch, GO! - Theo Huỳnh Thu Dung (Phunuonline)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét