Thứ Năm, 15 tháng 11, 2012

Thêm thác Hơ Cho vào khai thác du lịch

Công viên du lịch Yang Bay đã mở rộng khuôn viên và đưa thêm thác Hơ Cho độc đáo vào khai thác du lịch. Thác Yang Bay nằm ở xã Khánh Phú, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa - Nơi mà trước kia là miền đất ẩn khuất trong đại ngàn. Sau đó Tổng Cty Khánh Việt đã mở đường, nhiều lần  chỉnh trang, trồng cây, cải tạo để nơi này nức tiếng bởi không chỉ có thác mà còn có các dịch vụ giải trí mà chỉ đến Yang Bay mới có: Câu cá sấu, xem biểu diễn  ca nhạc dân tộc Rắc Lây, câu gấu và xem đua heo...

Con đường đến Yang Bay hiện nay thuận lợi hơn nhiều khi đường Cầu Lùng- Khánh Vĩnh nối  dài. Xe chạy tầm 30km là tới Công viên du lịch sinh thái nổi danh này. 516 ha rừng núi nằm ở độ cao 600 m so với mặt nước biển kia vẫn còn biết bao nhiêu điều mà con người chưa chạm tới.

< Du khách xem đua heo tại KDL Yang Bay.

Ở đây có một khu nuôi heo để khách tham dự trò đua heo thật kỳ lạ này. Vậy nhưng thú vị nhất là bước lên những chiếc bậc cấp bằng sắt, đứng trên cao dùng cần câu thả những miếng bí ngô  để câu gấu. Gọi là câu gấu nhưng chính xác hơn là cho gấu ăn. 15 con gấu rừng Việt Nam đã được thuần chủng, đứng bằng hai chân đợi cho ăn. Theo hướng dẫn viên Công viên Yang Bay thì ngoài việc nuôi gấu cho khách tham quan, đây còn là trại bảo tồn loài gấu chó của tỉnh khánh Hòa.

Yang Bay theo cách gọi của người dân tộc Raglai có nghĩa là “Thác Trời” bắt nguồn từ đỉnh Gia Kang với độ cao 900 m. Cuối dòng, thác chia làm hai: một dòng hoà với nguồn nước khoáng nóng có nhiệt độ cao hơn bình thường. Người ta thường ví hai dòng một nóng, một lạnh này như hai dòng sữa mẹ, tạo nên hình hài thác Yang Bay vừa hoang sơ mãnh liệt, vừa tiềm ẩn vẻ đẹp liêu trai.

Thật ra, thác Yang Bay chính là một cụm thác chảy xuyên qua rừng dài cả 5 km đã là là sự háo hức khám phá của du khách. Cộng với thác Hơ Cho (nằm bên trái đường đi vào thác Yang Bay) và một thác nhỏ khác là Yang Khang vừa được đưa vào tuyến du lịch sẽ thêm cảm giác thích thú với những người thích lãng du. Con đường vào thác sẽ đưa du khách ghé qua vườn Lan rừng với vô số chủng loại.

< Khu vực thác Hơ Cho vừa được đưa vào khai thác.

Thác Hơ Cho còn gọi là Thác Mẹ nằm ở độ cao 600m so với mặt nước biển. Từ con đường vào thác Yang Bay, rẽ trái độ 500m là thác Hơ Cho. Khách sẽ qua một con đường nhỏ mới xuyên rừng để đến thác Hơ Cho. Sau khi qua một con suối nhỏ, đi tiếp tục để thấy ngọn thác rộng chừng 500m², chảy nhiều nhánh nước ở độ cao 15m. Thêm những bườc chân hiếu kỳ thì khách lên tới đỉnh thác.

< Hồ nước khoáng nóng ngoài trời.

Thác gồm hai nhánh khác nhau, một nhánh nước nóng và một nhánh nước lạnh. Nhằm tạo điều kiện cho du khách có thể ngâm mình trong nước nóng trị bệnh hoặc giải trí, Ban quản lý Công viên du lịch Yang Bay đã mở đường đến thác và xây dựng hồ tắm ngoài trời, cho hai dòng nước lạnh và nóng trộn vào nhau.
Nhiệt độ tại hồ tắm là 51°. Trong tương lai, khu vực thác Hơ Cho sẽ mở rộng thành khu tắm khoáng nóng.

So với thác Yang Bay thì thác Hơ Cho hiền hòa hơn nhưng sự độc đáo  mà hiếm ngọn thác nào có được là ở đây có hai dòng nước nóng và lạnh. Du khách tiếp tục bước qua một chiếc cầu bằng bê-tông để vượt thác, tới điểm nước nóng. Nước lạnh chảy từ thượng nguồn, len vào gềnh đá. Bên phải thác là một nguồn nước khác, chảy ra từ các khe đá, nhiệt độ lên tới 70 độ C. Để giảm nhiệt độ của nước nóng, tại đây được xây dựng hai hồ nước phụ, cho trộn hai dòng nước cùng chảy vào, tạo ra nhiệt độ 50 độ C trong hồ tắm.

Giữa phong cảnh hoang sơ, được ngâm mình trong hồ nước khoáng tự nhiên, thỉnh thoảng nghe tiếng chim gọi bầy, nghe tiếng những con sóc rừng chuyền cành tò mò nhìn ngắm, đem đến cho du khách cảm giác thoải mái, an nhiên hơn lúc nào hết. Thác Hơ Cho, thác Mẹ ở Yang Bay ấy đã và đang là nơi mọi người tìm đến.

Truyền thuyết xưa về hai dòng thác kể rằng: ở trên dãy núi Gia Kang có rất nhiều tảng đá nhẵn và bằng phẳng như bàn cờ. Ngày xưa, nhà trời và trần gian rất gần nhau nên Ngọc Hoàng và các nàng tiên trên thượng giới thường xuống đây dạo chơi và mở tiệc dịp đầu xuân. Trong số tiên nữ có nàng tiên út thường tách ra, cải trang thành thôn nữ để đi vào bản làng và được ông bà Cau Phú nhận làm con nuôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, nàng đem lòng yêu chàng trai trong bản tên là Cau Sơn. Ngọc Hoàng tức giận hoá phép biến Cau Sơn thành đá. Nàng nhất quyết ở lại để canh giữ tượng chồng, hái rau, bắt cá sống qua ngày và nuôi con khôn lớn.

< Đàn đá ven thác.

Ngọc Hoàng giận hạ giới dám giữ nàng tiên út ở lại làm dâu con nên đã ra tay trừng phạt, không cho một giọt nước nào rơi xuống trần gian. Trời làm nắng hạn, tất cả sông suối, hồ ao đều khô cạn. Đang lúc hoang mang và thất vọng, bỗng nhiên có hai mẹ con nhà cóc xuất hiện, ngày ngày cóc mẹ cứ nhảy qua những cái hố mà các loài thú đào, vừa nhảy vừa kêu lên ai oán cho đến khi hơi tàn lực kiệt mà chết. Cóc con chờ mãi không thấy mẹ về cũng kêu khóc thảm thiết rồi chết theo.

Biết được chuyện này, Ngọc Hoàng vô cùng ân hận và cảm động, nước mắt chảy xuống chỗ cóc mẹ nằm tạo thành thác lớn, chỗ cóc con nằm tạo thành thác nhỏ. Nước mưa chạm vào tượng đá Cau Sơn làm chàng sống lại và đoàn tụ với mẹ con nàng tiên út. Để tưởng nhớ mẹ con nhà cóc và muôn loài, người đời đã đặt tên cho thác lớn là Yang Bay (thác trời), thác nhỏ là Yang Khang (con trời), và thác Ho Cho (thác mẹ)...

Du lịch, GO! - Tổng hợp, ảnh từ Cổng thông tin ĐT Khánh Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét