Về xứ Gò Công, còn nghe người dân nhắc mãi về thiên tình sử cảm động diễn ra từ hơn trăm năm trước tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Mối tình ngang trái ấy, đã ghi dấu lại bằng cái tên ấp Đôi Ma và một dòng kênh mang tên vịnh Đôi Ma, là nơi đôi trai gái đã trầm mình nguyện chết cùng nhau năm nào.
Tình yêu mãi không chia lìa
Ở xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông có một ấp mang tên Đôi Ma, cái tên mà bất cứ ai nghe qua cũng phải giật mình hỏi lại. Con rạch Cần Lộc chạy dài đến xã Phước Kiểng, có đoạn xuyên qua một vịnh nhỏ nước chảy rất xiết. Nơi khúc quanh của rạch Cần Lộc ngang ấp Đôi Ma được gọi tên là vịnh Đôi Ma, ở về ngọn hạ lưu hướng Bắc huyện Tân Hoà, Gò Công thuộc tỉnh Gia Định xưa.
Những người già sống trọn đời ở vịnh Đôi ma cho biết, nơi đây xưa kia rộng và sâu hơn bây giờ rất nhiều, ghe tàu thường xuyên ra vào. Thuở ấy, cách nay hàng trăm năm trước, hai bên bờ rạch chỉ toàn dừa nước mọc kín, hoang vắng và thưa người. Ngay vịnh nước chảy rất xiết, một mình không ai dám lội qua vùng nước xoáy.
Xung quanh cái tên Đôi Ma, có rất nhiều giai thoại ly kỳ khác nhau. Câu chuyện mà người dân hay kể lại nhất, là câu chuyện tình yêu đầy ngang trái của một đôi trai gái. Thuở xưa có gia đình họ Nguyễn và họ Phạm ở hai bên bờ vịnh. Họ Nguyễn chết để lại người vợ góa bụa và cậu con trai côi cút tên là Nguyễn Nghị. Bà góa phụ này từ đó thủ tiết thờ chồng, tần tảo buôn bán nuôi con ăn học. Cậu bé Nguyễn Nghị từ nhỏ đã hiếu học, nổi tiếng là một nho sinh ưu tú khắp vùng. Nhà họ Phạm thấy Nguyễn Nghị học giỏi nên yêu quý, hứa gả con gái là Phạm Thị Nữ cho, còn chu cấp tiền bạc cho Nguyễn Nghị ăn học. Không may mẹ Nguyễn Nghị bị bệnh nặng rồi qua đời, mọi việc chôn cất tang ma đều do nhà họ Phạm lo.
Sau cái chết của mẹ, Nguyễn Nghị phần do đau buồn quá, phần do lo học thi quá sức nên mắc bệnh nan y. Nhà họ Phạm lo thuốc thang chạy chữa mãi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Cô con gái Thị Nữ muốn xin phép gia đình qua nhà Nguyễn Nghị chăm sóc người yêu nhưng không được chấp thuận, vì theo lễ giáo phong kiến thời ấy, khi chưa cưới hỏi thì chỉ được thăm hỏi chốc lát mà thôi.
Một thời gian sau thì Nguyễn Nghị chết, nhà họ Phạm lo đám tang cho cậu, rồi chôn ngay trong nền nhà vì nhà họ Nguyễn không còn ai. Nguyễn Nghị mất, Thị Nữ nhớ người yêu mà sinh bệnh thất tình, cha mẹ khuyên nhủ thế nào cũng không được. Mắc tâm bệnh một thời gian, cô gái cũng theo người yêu mà đi. Trước khi chết, Thị Nữ trăng trối muốn được chôn cạnh mộ Nguyễn Nghị. Cha mẹ làm theo lời cô, chôn cất đôi trẻ ở cạnh nhau. Kể từ đó, vào ban đêm, thỉnh thoảng lại có người kể rằng bắt gặp đôi uyên ương thơ thẩn cùng nhau bên bờ rạch. Tiếng đồn bay khắp một vùng nên mọi người gọi tên đoạn kênh đó là vịnh Đôi Ma.
Còn có một câu chuyện tình khác được kể ở vịnh Đôi Ma này. Theo bản dịch "Nam Kỳ lục tỉnh dư địa chí" của Duy Minh Nhị, sự tích về vịnh Đôi Ma được ghi lại như sau: Một đôi trai gái yêu thương nhau. Chàng là học trò nghèo, nàng là tiểu thư lá ngọc cành vàng. Cha mẹ nàng không ưng thuận mối nhân duyên này, mặc dù nhà chàng đã nhiều lần cậy người đến cầu xin. Rất tiếc cha mẹ nàng nhất quyết từ chối cuộc hôn nhân này. Nhưng nàng đã quá yêu chàng; đáp lại, chàng cũng nguyện cùng sống chết với người yêu.
Chờ đợi, thuyết phục mãi mà cha mẹ cô gái vẫn nhất quyết không đồng ý, còn ra sức cấm cản đôi trai gái yêu nhau, không còn cách nào khác, một ngày đợi đêm xuống, hai người dắt nhau lội qua rạch, toan tìm đường trốn đi nơi khác để được ở bên nhau. Chẳng may cả hai đều chết đuối. Khi xác nổi lên, đôi trai gái vẫn còn nắm chặt tay nhau. Cha mẹ hai bên động lòng thương xót, chôn họ chung một chỗ.
Ít lâu sau, nhiều người kể rằng đôi nam nữ này thường hiện lên gần đoạn rạch mà họ bị chết. Nơi vịnh này, người ta thường thấy có bóng uyên ương kề cặp nhau lúc trời trưa đứng bóng, hoặc lúc trời chạng vạng tối có đôi đom đóm lập lòe trên cành cây, mé rạch. Vì thế dân trong vùng đặt tên là vịnh Đôi Ma hay Song Ma, còn có cả miếu thờ ở khoảng đất trống ngay mé kênh. Sau này đến tên ấp họ cũng lấy tên là ấp Đôi Ma.
Còn theo "Đại Nam nhất thống chí" ghi lại thì xưa kia có một cô gái tiểu thư con nhà quyền quý, mang lòng thương thầm một anh chàng thư sinh nghèo. Chàng thư sinh kia cũng hiểu lòng cô gái, nhưng vì thấy mình quá nghèo nên mãi vẫn chưa dám mượn mai mối đến hỏi việc hôn nhân. Cô gái thì cứ đợi chờ trong mỏi mòn rồi ôm lòng uất hận, rầu rĩ mà chết. Cha mẹ cô gái thương tiếc không đem chôn ngay mà cất lều ở sau vườn làm nơi quàn linh cữu. Anh chàng thư sinh hay tin, bèn đến thắt cổ chết bên cạnh.
Người ta liền đem xác cả hai lại đặt nằm cùng một chỗ, lâu ngày âm khí kết tựu dần thành ma quỷ. Một thời gian sau, cha mẹ cô gái ấy đều buồn rầu mất đi. Xác đôi trẻ không ai chôn cất. Chốn ấy hoang vu cây cối mọc đầy thành gò rậm, quỷ khí càng thịnh hành, chọc phá mọi người. Dân chúng thường khổ sở vì đó, nên đặt tên là rạch Đôi Ma. Sau này quân Tây Sơn tới đốt phá, tai quái mới dứt.
Vịnh Đôi Ma bây giờ
Chúng tôi tới ấp Đôi Ma vào một ngày cuối tháng 10, nơi con rạch Cần Lộc ăn thông ra biển trở thành một cảng cá sầm uất gọi tên là Vàm Láng. Hàng trăm năm trước con rạch này nước mặn, nhưng giờ đã được ngăn mặn để giữ nước ngọt, phục vụ cho sản xuất. Từ một làng biển truyền thống với cư dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt, lượm lặt cá, Vàm Láng ngày càng phát triển với vóc dáng một đô thị vùng biển qua những dãy phố san sát, những cơ sở kinh doanh ngư cụ, sơ chế hải sản.
Thị trấn Vàm Láng hiện có hơn 500 hộ dân sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng và kinh doanh, dịch vụ thủy sản. Số phương tiện khai thác hải sản của các ngư dân nơi đây là gần 500 tàu được đầu tư trang thiết bị khá hiện đại, hàng năm mang về đất liền hơn 20.000 tấn hải sản các loại.
Ấp Đôi Ma, xã Kiểng Phước cũng không còn hoang vắng, thưa người như ngày nào nữa. Dừng lại ngay đầu ấp, hỏi đường tới vịnh Đôi Ma, những người dân chỉ chúng tôi đi vào một con đường đan nhỏ. Men theo con đường đan đi thêm khoảng 300m là ra đến vịnh Đôi Ma. Theo ông Hai Thọ, một ông lão đã 85 tuổi, sống lâu trong ấp thì vịnh Đôi Ma hiện giờ đã bị thu hẹp đi rất nhiều. Xung quanh cỏ tranh vẫn đua nhau mọc, lác đác hai bên bờ kênh những mái nhà thấp thoáng dưới lùm cây. Cũng theo anh em ông Hai Thọ và Năm Đức, tuy đã bị thu hẹp nhiều, nhưng thỉnh thoảng vẫn có người bỏ mạng lại những khúc nước sâu, hoặc gặp tai nạn trên kênh Cần Lộc đến nỗi chịu tàn phế suốt đời.
Trải qua hàng trăm năm, vịnh Đôi Ma giờ chỉ còn là cái tên cùng con rạch, lưu giữ câu chuyện về những thiên tình sử đẫm lệ đầy ngang trái của các chàng trai, cô gái xứ Gò Công thời phong kiến. Cái thời mà nam nữ còn chưa được tự do yêu đương, tự do lựa chọn người mà mình muốn lấy. Cái thời mà định kiến "môn đăng hộ đối" vẫn còn đè nặng lên cuộc sống của những người trẻ. Vì thế mới có những nơi như vịnh Đôi Ma, trở thành minh chứng cho tình yêu của họ, trở thành nơi họ mơ ước sẽ vượt qua được mọi rào cản của xã hội, để ở bên nhau mãi mãi.
Đến xứ Gò Công, nghe kể những thiên tình sử từng diễn ra ở vịnh Đôi Ma, đứng trước đoạn cuối của dòng kênh đổ ra cửa biển, lòng chúng tôi đan xen nhiều cung bậc cảm xúc. Hơn một thế kỷ đã trôi qua, người dân ấp Đôi Ma vẫn còn giữ lại đó, những câu chuyện ly kỳ về một khúc sông gắn liền với sự ra đời tên ấp, tên làng, gắn liền với một thời kỳ lịch sử đã thành dĩ vãng.
Du lịch, GO! - Theo Lam Giang - Vân Hương (Nguoiduatin), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét