Huỳnh vốn là tên gọi một cửa biển. Địa danh này dần về sau còn dùng để chỉ một vùng đất, một khu vực địa lý nằm ở cực Nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc địa phận các xã: Phổ Thạnh, Phổ Khánh và Phổ Châu, huyện Đức Phổ.“Huỳnh” là một âm khác của “Hoàng”, từ Hán Việt, có nghĩa màu vàng.
Sở dĩ đọc là “Huỳnh” vì dưới thời Nguyễn, “Hoàng” là âm phải kỵ huý, trùng tên chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525 - 1613), tổ của các chúa Nguyễn và vua nhà Nguyễn.
Muối trắng, cát vàng.
Sa Huỳnh (Quảng Ngãi) là nơi khép lại của dải đồng bằng ven biển Nam Ngãi, chạy dọc và đứt đoạn liên tục từ chân rặng Hải Vân phía bắc đến chân núi Đá Đen – đèo Cung Quăng ở phía Nam.
Ở đây, những nhánh rẽ của hệ núi Trường Sơn Nam nhoài ra biển, theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, để trở thành những mũi đá (mũi Sa Huỳnh, mũi Kim Bồng), cù lao (hòn Đụn, hòn Châu Me, hòn Dù, hòn Son,...) đồng thời kết hợp và chịu tác động với các yếu tố khác về địa hình, khí hậu, thuỷ văn (sóng, gió, cát biển, dòng suối nhỏ, thuỷ triều,…) để tạo ra các đầm nước, bàu nước (đầm An Khê, đầm Nước Mặn, đầm Lâm Bình, bàu Nú), đặc biệt là những động cát ven biển, nơi mà vào năm 1909, một nhà khảo cổ học nghiệp dư người Pháp đã tìm thấy những mộ chum, mở đầu quá trình phát hiện và nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh.
Bãi cát mịn, óng ả một màu vàng, chạy dài gần 6km, liền bên ngoài là một vùng biển xanh biêng biếc, bên trong là những hàng dương vi vút gió, những làng chài núp dưới bóng dừa; xa hơn là lác đác sơn thôn nằm trên lưng chừng những ngọn núi thấp như núi La Vân, núi Gò Chùa, núi Đá Đen, núi Diên Trường…
Đấy là những gì mà chúng ta có thể miêu tả một cách đơn giản nhất về khung cảnh Sa Huỳnh. Thêm vào bức tranh thiên nhiên kỳ thú đó là cánh đồng ruộng muối, với những đụn muối trắng phau, những ô ruộng vuông vức, phẳng lỳ... Có thể nói rằng, tạo hóa và con người đã cùng góp bàn tay tạo tác để Sa Huỳnh trở thành một trong những bờ biển đẹp nhất Việt Nam.
Những cồn cát chứa đầy bí ẩn
Dĩ nhiên, nhắc đến Sa Huỳnh, các nhà khảo cổ học và không chỉ các nhà khảo cổ học, sẽ nhanh chóng liên hệ đến các địa danh gắn chặt với văn hóa Sa Huỳnh, đó là Phú Khương, Thạnh Đức và Long Thạnh.
Di chỉ khảo cổ học Phú Khương nằm trên địa bàn thôn Phú Khương, xã Phổ Khánh. Đây là một cồn cát thoai thoải chạy theo hướng Bắc Nam, nằm giữa biển Đông và đầm An Khê. Tại đây, vào năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet đã phát hiện “một kho chum khoảng 200 chiếc nằm cách mặt đất không sâu, trong cồn cát ven biển vùng Sa Huỳnh (Quảng Ngãi)”. Sự kiện này đánh dấu thời điểm bắt đầu quá trình phát hiện và nghiên cứu văn hóa Sa Huỳnh – một nền văn hóa lớn của nhân loại thời tiền sử.
Thạnh Đức là di tích nằm trên một cồn cát cổ thuộc địa bàn thôn Thạnh Đức, xã Phổ Thạnh, phía Đông giáp biển, phía Tây giáp đầm nước mặn Tân Diêm. Đây cũng là khu nghĩa địa - mộ chum khá lớn của cư dân văn hóa Sa Huỳnh. Trong chuyến khai quật năm 1923, bà La Barre đã tìm thấy khoảng 120 mộ chum. Đến năm 1934, nhà nữ khảo cổ học M.Colani khai quật được 55 chum trong cuộc khai quật Phú Khương – Thạnh Đức.
Nếu như Phú Khương là địa danh khiến giới khoa học nhắc đến công lao của nhiều nhà khảo cổ học phương Tây trong giai đoạn đầu của công cuộc phát hiện và nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh, thì di chỉ Long Thạnh lại cho thấy các nhà khảo cổ học Việt Nam đã kế thừa xuất sắc thành tựu của các đồng nghiệp tiền bối, đồng thời có cống hiến lớn góp phần khẳng định nguồn gốc nội sinh của văn hóa Sa Huỳnh.
Di tích này nằm ở thôn Long Thạnh, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, phía Nam đồi cát Phú Khương. Tại đây vào các năm 1977 – 1978, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành liên tục hai cuộc khai quật khảo cổ học và phát hiện một khu di tích mới gọi theo tên địa phương là Gò Ma Vương hoặc Gò Diều Gà.
Đây vừa là di chỉ cư trú, vừa là khu mộ táng. Di tích Long Thạnh đại diện cho giai đoạn tiền Sa Huỳnh, thuộc thời đại đồ đông thanh mà trước đây giới khảo cổ học thường gọi là đồng thau, có niên đại cách chúng ta chừng 2500 – 3000 năm.
Về thăm Sa Huỳnh, đến với một vùng thiên nhiên độc đáo, phong cảnh hữu tình, lại được tận mắt nhìn thấy những cồn cát cổ ẩn chứa dấu tích mấy ngàn năm trước của nhân loại. Liệu còn lý thú nào hơn?
Du lịch, GO! - Theo Lê Hồng Khánh (báo Du lịch), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét