Vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc thông thường đồng bào các dân tộc dùng ngô, thóc, mía, sắn…để nấu rượu. Nói riêng về rượu ngô có lẽ dân phượt (du lịch) chắc quá thạo và đã nghe đồn vang sấm rượu ngô Bắc Hà ở Lào Cai.
Nhất là rượu Bản phố vừa nặng, vừa ngọt rượu, Được ví như anh em với rượu gạo Kim sơn – Ninh bình. Ở Hà giang thông thường người ta hay nói tới rượu ngô Quản bạ. Chắc chưa nhiều người biết về rượu Lũng phìn.
Nhưng thực sự đã nghe hoặc có duyên được uống rượu Lũng phìn dù chỉ một lần sẽ nhớ mãi hương vị của nó . Đêm hôm dự chợ tình Khâu vai sau một hồi tôi đi thưởng thức thắng cố và nghe hát đối. Đêm đã khuya tôi quay trở lại nhà sàn nơi tôi đã đặt chỗ ngủ, ngồi đối ẩm với hai anh em người H’Mông trên ngôi nhà sàn giữa trung tâm chợ cho đến sáng.
Do tôi giới thiệu lặn lội từ dưới Hà nội lên đi chợ tình nên hai anh em rất quí nhiệt tình mời tôi uống rượu. Họ nói về quê hương nơi họ đang sống đó là xã Lũng phìn.
Mà các bạn biết đấy mỗi một vùng quê dù nghèo đều có những sản vật tiêu biểu.Tôi bắt đầu mê khi họ nói tới rượu và nhất là cậu em tên Sùng Minh Chá lúi húi vào góc nhà sàn lôi ra một chai rượu Lũng phìn.
Trước vài ba lần tôi cũng đã nghe các cao nhân về rượu ở Hà giang nói loáng thoáng về Lũng phìn…Lũng phìn. Lũng Phìn là một xã thuộc huyện Đồng văn, nhưng lại rất gần thị trấn Mèo vạc, cách chưa đầy 20km.
Ở đây có rất nhiều bản nấu rượu ngô, mỗi nhà nấu một kiểu, một bí quyết riêng. Nhưng quan trọng nhất là cách làm men lá của mỗi nhà. Nó là một bí mật không ai tiết lộ cho ai và rượu ngon hay không là nhờ vào men lá rừng này đấy.
Rượu Lũng phìn nấu xong uống đã ngon nhưng nếu được chôn xuống đất lâu năm thì lại càng tuyệt vời hơn nữa. Nghe Chá kể tại bản của cậu ta có những nhà chôn hàng chục chum đã 20 năm có lẻ, đó là những nhà có của ăn của để , dạng “quí tộc H’Mông”. Rượu này đặc biệt không bán mà chỉ dùng để mời khách thật quí khi tới chơi.
Mỗi lần mở chum rượu chôn lâu năm ra là cả một mùi thơm của men bốc lên ngào ngạt, trên bề mặt của những chum rượu chôn từ mười năm trở lên luôn đóng một váng dày khoảng 2cm, muốn lấy rượu người ta phải chọc thủng váng đó.
Rượu chôn 20 năm có màu hơi sóng sánh xanh, uống vào rất ngọt, mềm, thơm, say lúc nào không hay . Rượu chôn 10 năm có màu vàng sậm mùi thơm không bằng rượu 20 năm nhưng cũng đã là loại cực quí và hiếm rồi.
Chai rượu Chá mời tôi uống cũng đã được chôn 5 năm mà tôi đã thấy phê, ngon vô cùng. Mới đầu uống một vài chén thì có vẻ hơi nhạt rượu, đến chén thứ 3 thì mới thấy không nhạt, mùi thơm dầy dậy của vị ngô khiến tôi lâng lâng. Chá nói rượu này uống hàng chai không say, nhưng đã say thì rất khoái. Nó nhẹ nhàng, êm êm, không đau đầu như một vài loại rượu dưới xuôi mình. Thôi thì tiền chủ hậu khách nhưng mà là đặc sản hiếm có nên ba anh em cũng làm …luôn 2 chai.
Quả thật đấy là mình mới uống loại 5 năm chứ mà được uống loại 10 năm, 20 năm thì không biết đã tới mức nào.Nghĩ mà thèm! Đúng là tối nay có duyên hội ngộ, duyên đối ẩm nên tình cờ mới được thưởng thức rượu Lũng phìn này đây. Không hiểu mình cũng là bợm nhậu, chơi rượu nhưng chắc không đủ kiên nhẫn mà chôn 10 hay 20 năm. Nếu có chắc đời sau con mình nhấc lên chỉ còn mày ngô hoặc vỏ chấu mà thôi.
Tôi vừa uống vừa nghĩ có lẽ ở Lũng Phìn đời bố chôn rượu cho đời con uống, nhưng thế cũng hay đấy chứ, vì đời con mà đã uống loại chôn lâu rồi thì lại nghiện và lại phải nấu, lại phải chôn cho đời cháu tiếp theo… và cứ như thế thì mới tồn tại được bản sắc văn hoá rượu, không bị mai một, thậm chí ngày được nâng cao hơn nữa.
Vì là vùng cao xa xôi, giao thông cách trở, du lịch và giao lưu cũng kém phát triển nên rượu ngô Lũng Phìn còn ít người biết tới, so sánh để thấy tại sao rượu ngô Bắc Hà nhiều người biết hơn cả. Nhưng tôi tin rằng không lâu nữa, không xa nữa những người đã từng uống, đã từng biết rượu Lũng phìn không thể không tới cao nguyên đá để sưu tầm cho mình loại rượu quí này.
Du lịch, GO! - Theo Du Già, Codet (ThegioiF5), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét