Người ta gọi sông Côn là dòng sông cổ tích. Nó gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của đất Bình Định xưa.
Dọc theo dòng sông Côn phía hạ lưu là một hệ thống hơn 40 đền tháp cổ xây dựng nguy nga tráng lệ và được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Nét cổ kính của các đền tháp ấy bao năm qua đã hấp dẫn và lôi cuốn không ít lữ khách đam mê khám phá vẻ đẹp từ giá trị ngàn năm.
Ân cần gởi tặng lão tiên sinh
Một gói Ô long ướp nặng tình.
Nguồn rót Côn giang hương vị sẵn,
Pha xuân ngào ngạt chén bình minh...
Độc đáo tháp Bánh Ít
Nếu khởi hành từ trung tâm thành phố Quy Nhơn, mất chưa đầy nửa giờ là đến được quần thể tháp Bánh Ít. Tháp toạ lạc trên một quả núi thấp được xây dựng trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 12. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép trong mục “Thổ sơn cổ tháp” cho biết tục danh của tháp là Thị Thiện và giải thích rằng dưới chân núi xưa có quán bán bánh ít của một người đàn bà tên gọi Thị Thiện. Không rõ truyền thuyết về người đàn bà bán bánh ít ngàn năm trước ra sao, nhưng người địa phương quen gọi di tích này là tháp Bánh Ít và tên gọi này được sử dụng trong việc công nhận di tích văn hoá quốc gia.
Lần bước theo lối chính dẫn vào quần thể di tích là tháp cổng cao 13m, xây trên bình đồ hình vuông. Tháp mở hai cửa thông nhau theo hướng đông – tây, cùng nằm trên một trục thẳng với cửa tháp chính trên đỉnh núi. Vòm cửa giống như hình những mũi tên lao vút lên trời cao. Được xây bằng gạch nung, không có chất kết dính nhưng qua ngàn năm tồn tại, từ hình khối đồ sộ của toà tháp đến các chi tiết điêu khắc hoa văn, nét chạm trổ trên nền gạch nung vẫn còn nguyên vẹn như thử thách với thời gian.
Ở trên đỉnh núi, toà tháp chính cao tới 20m thờ thần Shiva với mảng điêu khắc tượng thần Shiva cưỡi bò thần Nandin còn nguyên vẹn trên cổng đền phía đông của tháp.
Cụm tháp Dương Long
Từ tháp Bánh Ít, tiếp tục theo hành trình uốn lượn của dòng sông Côn ngược lên thượng nguồn sẽ gặp cụm tháp Dương Long. Cụm tháp này lưu giữ nhiều tác phẩm điêu khắc được thể hiện trên đá sa thạch, với những đường nét cực kỳ sắc sảo, điêu luyện. Đây là dấu chỉ rõ nét minh chứng rằng chỉ có bàn tay con người, cùng khối óc và lòng thành kính với đấng tối cao, mới có thể tác tạo ra những công trình đồ sộ, kỳ bí, và hấp dẫn đến vậy.
Dương Long là một quần thể ba ngọn tháp nằm gần nhau, thẳng theo trục bắc nam, các cửa chính đều quay về hướng đông. Tháp Dương Long có nhiều tên gọi khác như tháp Bình An, tháp An Chánh hay tháp Vân Tường.
Các nhà khảo cổ người Pháp gọi di tích này là tháp Ngà. Theo sách Đại Nam nhất thống chí thì ba toà cổ tháp này được xây cất trên một toà thành cao có tên là Dương Long, nằm ở phía nam núi Trà Sơn. Đây là tháp cổ được Unesco đánh giá có mảng điêu khắc rất ấn tượng và phong phú nhất khu vực Bình Định.
Căn cứ vào mặt bằng đế tháp và phong cách nghệ thuật trong điêu khắc và kiến trúc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tháp Dương Long tuy mang đặc trưng của tháp Chămpa nhưng đã chịu ảnh hưởng khá đậm của nghệ thuật Khmer, và được xây dựng vào khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 13.
Thành Hoàng Đế
Một di tích cổ khác không xa cụm tháp Dương Long chính là thành Hoàng Đế. Lịch sử ghi lại rằng: năm 1776, cuộc khởi nghĩa nông dân của anh em nhà Tây Sơn nổ ra, Nguyễn Nhạc lên ngôi và đặt tên nơi này là thành Hoàng Đế, ông cho mở rộng thành về phía đông và cho xây dựng nhiều công trình lớn. Năm 1799, toà thành được đổi tên là thành Bình Định. Thành Hoàng đế là một trong những di tích lịch sử quốc gia được xếp hạng rất sớm (năm 1982), bởi giá trị lịch sử và tầm quan trọng trong việc nghiên cứu lịch sử quân sự và khảo cổ học.
Đến với thành Hoàng Đế, những người dân địa phương thân thiện sẽ tình nguyện dẫn đường, chỉ cho những dấu tích vương triều xưa còn sót lại, đó là giếng vuông được xây từ những phiến đá đẽo gọt thành khối vuông vức xếp chồng lên nhau, dưới giếng cổ vẫn còn mạch nước ngầm. Tương truyền đây chính là chiếc giếng dành riêng cho các thế hệ hoàng tộc sống trong thành sử dụng.
Gần đây, qua các cuộc khai quật khảo cổ, người ta đã tìm thấy một số di tích quan trọng trong khu vực thành Hoàng Đế như hồ bán nguyệt, hồ trái tim – nơi dành riêng cho các công chúa thư giãn, nghỉ ngơi, vãn cảnh trong khu vực hoàng cung… Từng di tích còn lại của thành cổ ấy cứ như thông điệp nhắn gửi với người đời về hình bóng của một thời vương triều xa xưa.
Với những người hoài cổ, thích đi tìm cho mình những giá trị xưa cũ, gắn liền với lịch sử, văn hoá, nghệ thuật, thì hành trình tìm vẻ đẹp của những tầng tháp cổ bên dòng sông Côn – dẫu chỉ là một chuyến đi – về trong ngày ngắn ngủi, nhưng chắc hẳn sẽ là một chuyến đi ý nghĩa và thú vị.
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đình (SGTT), ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét