Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012
Đá làng Nhồi
Lẽ ra, phải gọi là xứ đá, vương quốc đá. Bởi nơi đây toàn đá. Đá xếp chồng lên đá. Đá ngổn ngang khắp cả một vùng làng Nhồi. Đá được ghi vào sử sách quốc gia cả trăm, nghìn năm nay. Và người dân nơi đây được sinh ra giữa tứ bề là đá. Họ sống bằng nghề làm đá. Và đá đã nuôi sống họ hàng trăm, nghìn năm nay.
< Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi.
Thế nên người ta nặng lòng với đá, để rồi họ đã trả ơn đá bằng những tác phẩm nghệ thuật của mình, đóng góp vào các công trình hạng mục quốc gia. Và “bay” cả thương hiệu ra tầm quốc tế. Đó là câu chuyện làng nghề chạm khắc đá ở thị trấn Nhồi (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa).
Choáng ngợp giữa “biển” đá
Nhớ mãi cái hôm vào núi Nhồi, giờ nghĩ lại nếu có ai hỏi tôi, cảm giác nơi đây thế nào? Chắc chắn tôi chỉ biết thốt lên: Ôi, quá đẹp! Cả một công trường đá. Không… đúng hơn là cả một “biển đá”. Những khối đá to vật, xếp chồng lên nhau, tạo thành những ngọn núi đá khổng lồ, cao vút tầm mây.
Đá án ngữ cả một vùng thung lũng như thạch trận. Có ngọn núi, đá đen bóng như hắc hín. Có ngọn núi, đá đỏ chót như cục son môi khổng lồ của nàng thiếu nữ. Lại có ngọn núi nhuốm cả một màu trắng xám. Đá nhiều đến nỗi khiến ai đó nhìn thấy cũng phải nhức mắt.
< Một góc thị trấn Nhồi, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Anh Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1978 dẫn tôi tiến vào “vương quốc đá”. Con đường thênh thang mà chúng tôi đang đi đột ngột nhỏ xíu lại như một vạch đỏ khéo léo uốn mình theo những quả đồi án ngữ. Nhìn từ ngoài vào trong, núi Nhồi trông giống như cái phễu hút con đường vào sâu tít tắp. Và cái phễu ấy đã lôi cuốn tôi với sức hút lạ lẫm. Cả một dãy núi đá Nhồi chạy quanh co, uốn lượn đến cây số. Cứ cách vài chục mét lại có một vài ngọn núi đá kỳ dị. Có ngọn giống như cái nấm xòe ô. Có ngọn lại bè bè như cánh buồm. Có ngọn lại giống như cột thu lôi đâm chọc lên bầu trời xanh thăm thẳm.
Những ngọn núi với các hình thù quái dị ấy không phải tự nhiên, mà do con người đục, đẽo đá đời đời, kiếp kiếp mà thành. Bạn đi cùng bảo: Hãy quan sát sang ngọn núi phía nam của thung lũng. Vâng, đó là cả một dãy đá trải dài. Hàng trăm người nông dân đang khai thác đá quanh triền núi. Nhìn từ xa trông họ giống như những chú kiến bé xíu đang gặm nhấm miếng pho mát khổng lồ. Nhiều dãy núi trông như miếng dưa hấu bị người ta cắn dở, lộ màu đỏ chót.
< Toàn cảnh chùa Tiên Sơn.
Không nén được lòng mình tôi quyết giơ máy ảnh lên zoom hết cỡ về những ngọn núi đá kỳ dị, bỗng giật mình suýt tuột máy khỏi tay. Ôi, nó đẹp quá. Đẹp đến choáng ngợp, đến sửng sốt, nó như một vách thành khổng lồ đứng sừng sững che chở, bảo vệ người dân bao đời nơi đây.
Đang ngẩn ngơ trước cảnh kỳ vĩ ấy, một anh bạn nơi đây rỉ rả vào tai tôi hỏi nhỏ: “Bạn từ phương xa đến, có muốn nghe nhạc không?”. Tôi chưa hiểu chuyện gì thì cậu ta đã “bắt cóc” tôi và Nguyễn Văn Minh lên chiếc Dream chạy thẳng vào trong thung lũng đá. Chạy được một hồi, “kẻ bắt cóc” chúng tôi dừng xe lại cười bả lả, ý rằng xin lỗi, đùa tí. Không!... Cảm ơn bạn. Vì xung quanh tôi lúc này là cả một dàn nhạc hợp tấu vọng vang khắp thung lũng. Nó to và rôm rả hơn tất cả mọi chiếc loa thùng nào phát ra. Đó là tiếng nhạc của đá. Tiếng rè rè của máy tiện đá. Tiếng cốc cốc của tiếng đục đá chạm trổ. Tiếng thùng thục của những phiến đá được người ta vứt lên thùng xe tải. Đôi lúc lại là tiếng lách cách, đôm đốp phát ra từ những giàn máy xay đá.
Tôi không giấu nổi xúc động khi thấy cảnh người dân nơi đây làm việc. Họ say nghề, yêu nghề, cho nên giữa cái nắng chói chang, họ vẫn hì hục oằn mình giữa “biển” đá để khuân, vác, ghè, đẽo...
Cả một công trường bụi đá trắng xóa như tung hỏa mù. Bụi trắng tinh như bột phấn. Bụi bay bảng lảng giữa công trường. Bụi phớt bột trắng lên những ngọn cỏ xung quanh. Bụi phủ cả lên áo, dính cả lên khuôn mặt của người đục, đẽo đá… và bụi đá tạo nên cái đặc trưng nơi đây.
Thổi hồn vào đá
Khi làng Nhồi xứ Thanh được thiên nhiên ban tặng cho một “biển” đá, thung lũng đá, thì hàng trăm nghìn năm nay, người dân nơi đây trả ơn đá bằng việc dùng đôi tay tài hoa của mình thảo lên đá với nhiều hình thù. Nhìn những bức tượng đá, mái đình đá, chiếu thư bằng đá, bức rèm hoa, bia mộ đá… ta ngỡ như chúng đều có linh hồn.
Công trường của những người thợ là một bãi đất rộng, xung quanh toàn đá. Người dân thì lại gọi là “sân chơi” của những người yêu đá, say mê đá. Dưới cái nắng nóng, người ta vẫn lặn lội giữa “biển” đá, vật lộn với những khối đá khổng lồ mà hầu hết không che bạt chống nắng.
Thậm chí có người không đội cả mũ để tránh mưa, nắng. Họ cứ đầu trần, chân đất hăng say với nghề mà quên cả thời gian và mọi thứ diễn ra xung quanh. Họ kiên nhẫn làm việc như chú ong chăm chỉ. Mặt của họ được phủ bằng một lớp bột đá trộn với mồ hôi nên loang lổ. Tóc của họ cũng được phủ bằng bụi đá nên khô đét, bết lại với nhau thành từng nhúm xơ xác, cằn cỗi. Da cháy xạm đi vì bụi, gió… và nắng. Vẻ đẹp đó nó hoang dã làm sao!
Giữa bụi, gió và nắng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của họ. Sao họ không bỏ nghề? Hay chuyển nghề khác nhàn hạ hơn, dễ kiếm tiền hơn? Tôi đã từng đặt câu hỏi này với Nguyễn Văn Thành, 29 tuổi, thợ đá làng Nhồi. Anh Thành thở dài nói: “Vâng! Cái nghề đá nó bạc bẽo lắm em ạ! Tháng chỉ kiếm được 3 triệu với thợ thường và tối đa 5 triệu với người thợ giỏi”. Trong khi đó, trước từ hồi năm 1995 thường xuyên có cảnh người chết vì khai thác đá, có người bị đá đè gãy chân. Giờ thì không còn cảnh tượng ấy, nhưng hầu hết thợ đá cũng không tránh khỏi ảnh hưởng sức khỏe vì bụi đá, nhất là bệnh phổi. Ông Dương Đình Bảy thì phân trần: “Đây này, mới tháng trước tôi phải nằm viện cả tuần vì bệnh phổi đấy!”.
< Tượng đá ở chùa Tiên Sơn.
Thợ đá Nguyễn Văn Hùng thì bảo tôi: “Cậu đừng hỏi vậy, bởi chúng tôi yêu nghề, say nghề của cha ông hàng trăm, nghìn năm nay. Chúng tôi muốn cống hiến cho các công trình hạng mục quốc gia như: tượng đài, lăng tẩm, đình chùa, miếu mạo, cho đến những tấm bia mộ đời thường nhất. Nghề đá đòi hỏi sự kiên nhẫn, do đó có những người không chịu được cơ cực nên bỏ nghề cũng là dể hiểu. Còn những ai trụ được với nghề, sống chết với nghề là những người đã chấp nhận hy sinh vì nghề”.
Có lần tôi hỏi nghệ nhân chạm khắc đá Nguyễn Văn Đức, năm nay anh 35 tuổi: “Thứ nhất, sao anh lại yêu nghề? Thứ hai là, ngấm nghề từ khi nào?”. Anh Đức chỉ nói gọn lỏn câu: “Tôi yêu nghề và ngấm nghề không biết từ khi nào. Nó cũng giống như con dái cá con mới đẻ ra là biết bơi, mà không biết vì sao mình biết bơi vậy”.
8 năm trước, tôi đã từng chứng kiến cảnh người ta rậm rịch làm đá cả đêm trong một lần ghé thăm quê ngoại nơi đây. Không tưởng tượng được cảnh người ta mắc điện sáng trưng cả bãi đá. Người ta tạc những bức tượng cao cả 6-7m. Nghe nói trước đây khi làm tượng đài cao 15m, người ta phải làm giàn giáo, rồi bắc thang lên khối đá khổng lồ ấy để tạc. Thấy bảo đó là tạc hình ông Lê Lợi. Giờ bức tượng khổng lồ ấy được đặt ngay giữa trung tâm TP Thanh Hóa, như một tâm điểm kiêu hùng của xứ Thanh.
Giữa năm 2012 này, tôi lại càng ngạc nhiên hơn khi vẫn thấy cảnh cứ chiều chiều những chiếc xe tải chở đầy đá trở về làng. Nghe bảo đá ở làng Nhồi không đủ, với lại một số dãy núi đá bị cấm khai thác để làm di tích, vì nghe nói đá ở những ngọn núi quanh hòn Vọng Phu từng cống hiến cho việc xây thành quách, đặc biệt là xây lăng Bác Hồ.
Tuy nhiên, bây giờ người ta không còn làm việc ban đêm nữa, trừ các công trình cấp quốc gia. Thế nhưng, ban ngày người ta làm đá vẫn cứ rào rào như tằm ăn rỗi. Những người thợ vẫn hí húi đục, đẽo, chạm trổ đá với nhiều hình thù mới lạ. Họ không chỉ là nghệ nhân mà còn là họa sĩ, bởi trước khi đục đẽo thì họ phải thảo những bản vẽ của mình lên đá.
Cứ như chàng nghệ nhân Thành ở đây nói, người tạc đá có 3 loại. Loại thứ nhất chuyên tạc theo lối hoa văn truyền thống. Loại thứ hai chuyên tạc theo lối đơn đặt hàng, tức là họ đặt gì mình làm nấy. Còn loại nữa tạc theo phong cách tự mình sáng tác, những người theo lối thứ ba đều là các tay cao thủ thuộc loại tiền bối cả về tuổi đời lẫn tuổi nghề. Họ say mê đá và yêu đá, coi đá như đứa con tinh thần.
Có những bức họa chỉ vì vô tình chộp được mà người nghệ nhân kịp phác thảo lên bàn đá nên để lại tuyệt tác cho đời. Nhưng có những bức họa chỉ lóe trong óc họ giây lát, rồi không hề quay lại nữa, cho dù mười năm, hai mươi năm, hay cả đời. Cho nên nghệ nhân chạm trổ đá cũng là người nghệ sĩ phải biết nắm bắt cái thần đúng lúc, để thổi hồn vào tác phẩm.
Người và đá được ghi vào sử sách
Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: Từ thế kỷ thứ III, có một viên Thái thú đời Tấn đã lấy đá núi Nhồi làm khéng (kẻng), khi đánh lên nghe bảo tiếng ngân muôn dặm, ngoài ra còn dùng khắc bia văn chương.
Đến thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn... đá núi Nhồi được dùng xây dựng nhiều các công trình như: đình chùa, miếu mạo, lăng tẩm, phủ đệ.
Sau này đá núi Nhồi liên tục đóng góp vào việc xây dựng chùa chiền tầm cỡ lớn như: việc xây dựng nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, Phủ Giầy ở Nam Định. Đặc biệt ở làng có cụ Lê Thọ Thuẫn, còn dùng đá núi Nhồi tạc mô hình cầu Hàm Rồng, đưa đi triển lãm Hội nghị Mác-xây. Hội chợ này được mở năm 1922, nghe nói khi Vua Khải Định sang dự. Sau này về nước, Khải Định đã mời cụ Thuẫn vào cung và còn dùng đá núi Nhồi tạc nhiều hình thù như: bức rèm hoa, con ngựa, ông tượng, cho đến cối đá, cái tảng, cậy cột, cái xà, rồng đá... để trang trí cho phủ đệ của mình.
< Nhà ở làng Nhồi.
Cho đến ngày nay người dân làng Nhồi vẫn còn nhớ như in cái chiến tích hào hùng nhất, đó là khi làm bia mộ Phan Đình Phùng và tấm bia Lê Lợi ở huyện Đà Bắc, sông Đà. Bởi hồi đó chiến tranh, bom đạn giặc quần thảo suốt ngày đêm, nhiều khi đang chạm trổ, thấy máy bay địch gầm rú ngang qua là lại phải chui tọt xuống hầm, máy bay đi khỏi lại chui lên làm tiếp. Bài thơ của Lê Lợi trên vách đá cạnh sông Đà cũng được thợ làng Nhồi khéo léo đục đẽo, tách ra khỏi vách núi trước khi xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, để nước khỏi nhấn chìm.
Nhớ lại hồi Chúa Nguyễn mở mang bờ cõi vào phương Nam, người dân Nhồi cũng theo đến Đà Nẵng, dựng lên một làng đá có tên là Non Nước, nay còn nổi tiếng hơn cả làng Nhồi.
Trong một lần tình cờ gặp TS Phạm Văn Đấu, cán bộ văn hóa tỉnh (sau này chuyển về Trường đại học Hồng Đức, giảng dạy chuyên ngành khảo cổ học), ông bảo, chính đá núi Nhồi cũng góp phần xây dựng thành nhà Hồ. Rồi cả chùa Bút Tháp, Lam Kinh, Tân Trào. Ngay cả Trúc Lâm Thiền viện tận Pháp, thợ làng Nhồi cũng sang tận nơi chạm trổ. Tượng đài Lê Lợi cao 15m cũng từ đá và thợ đá làng Nhồi “thổi hồn” vào mà thành. Rồi đá núi Nhồi cũng được dùng để lát quanh hồ Gươm nhân kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Nhưng có lẽ niềm tự hào nhất của người dân xứ Thanh khi được đóng góp sức người, sức của vào việc xây dựng Bảo tàng và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Làng đá Nhồi có tự bao giờ?
< Hội Nhồi với tục rước Bà Đống.
Vâng! Người và đá làng Nhồi xứ Thanh được ghi vào sử sách như thế đấy! Nhưng đến khi hỏi người dân “xứ đá” rằng, nghề đá làng mình đã “hưởng thọ” bao nhiêu tuổi rồi? Tất thảy mọi người đều ngơ ngác nhìn nhau, ừ nghề đá làng mình có tự bao giờ nhỉ?
May quá, gặp được TS Phạm Văn Đấu, người chuyên nghiên cứu về khảo cổ học. Trong đó cụ thể là nghiên cứu về truyền thống văn hóa Đông Sơn. Theo ông, suốt 20 năm Lý Thường Kiệt trị nhậm ở Thanh Hóa đã từng tiến hành khai thác đá quý ở núi Nhồi để xây dựng nhiều công trình thành quách, chùa chiền, phủ đệ…
Như vậy, làng nghề (đục, đẽo, chạm khắc đá) được hình thành từ đấy. Biết rằng, Lý Thường Kiệt (1019-1105), tính ra thì nghề đá làng Nhồi đã có cách đây khoảng 950 năm trở lên. Tuy nhiên, đây chỉ là giả thuyết. Có thể làng nghề ra đời sớm hơn, thậm chí là ra đời muộn hơn đây rất nhiều. Vì theo như cuốn sách “Đại Nam nhất thống chí”: Nếu tính ra từ đời Tấn đến giai đoạn thời Lý Thường Kiệt còn kéo dài đến 10 thế kỷ. Ôi! thế vậy thì “xứ đá” của người Thanh đã hưởng thọ già lắm rồi, ít cũng phải gần hai ngàn năm.
TS Phạm Văn Đấu chỉ tiếc rằng, mình có nhà biên sử nhưng lại không có người chép lại sử sách làng nghề chạm, khắc đá núi Nhồi. Người dân có gia phả, chủ yếu lại ghi về vai vế, thứ bậc dòng họ. Mà có khi họ làm ăn tối mịt suốt ngày, có ai rỗi mà ghi. Cho nên cái nghề đục đục, chát chát ấy có tự bao giờ cũng mấy ai hay.
Tuy nhiên, để hiểu được lịch sử “xứ đá” có tự bao giờ, chúng ta lại cần phải căn cứ vào những tấm bia mộ đá. Bởi đó là sản phẩm nghề chạm khắc đá, là hiện vật minh chứng cho tuổi của làng nghề. Cứ như sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Một trong những công trình đầu tiên được thợ đá làng Nhồi tạo nên đó là chùa Hình, chùa Tiên Sơn.
Chùa Tiên Sơn ở trong động núi Khế, thuộc Nhuệ thôn, xã An Hoạch. Phía bắc chùa ở sườn núi có một hang đá, có 2 lỗ tả, hữu rộng 5-6 thước, dài chừng 2 trượng xây làm cửa, vách đá khắc tượng quân Đế, bên cạnh khắc tượng Chu Xương, cùng với tả hữu, tất cả 5 pho tượng. Trên đầu chỗ thờ có khắc hai chữ “Nghiêm nhiên”, cả hai bên vách đá có người đá, voi đá, ngựa đá. Phía trên vách đá khắc chìm 4 chữ “Thiên cổ vĩ nhân” và một chữ “Thần” nổi. Chùa Tiên Sơn do Lê Định Truyền, người sở tại dựng năm Hoằng Định thứ 10 (1609)”.
< Đỉnh núi Nhồi trong sương sớm.
Lăng Quận Mãn. Đây là một công trình kiến trúc độc đáo bằng đá vào loại bậc nhất Thanh Hóa. Tất cả các hiện vật trong khu vực thờ Quận Mãn từ các con giống, lính hầu, điện thờ, ngai thờ… đều được làm bằng đá với một kỹ thuật tinh xảo mà ít nơi có được. Đình Thượng là nơi thờ thành hoàng, “ông tổ nghề đục đá”. Hiện còn lại nhiều tác phẩm điêu khắc bằng đá rất sinh động.
Như vậy, căn cứ vào sách vở thì làng nghề chạm khắc đá núi Nhồi ít nhất cũng đã có từ hơn một ngàn đến gần hai ngàn năm. Tuy nhiên, nó phát triển mạnh mẽ khoảng độ hơn 500 năm.
Du lịch, GO! - Theo Hà Long - Xuân Hoàng (Petrotimes) và nhiều nguồn ảnh khác.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét