Bài viết ngồ ngộ từ Echip liên quan đến những lãnh vực khác nhau nhưng lại có cùng một kết cục từ cái sự 'cho và nhận', mình thấy hay hay nên bổ xung thêm thông tin và nguồn ảnh để các bạn đọc và suy ngẫm...
Chùa bún riêu
Trên quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, có một ngôi chùa nổi tiếng: Chùa bún riêu!
Thật ra chùa không phải tên... bún riêu, mà là chùa Phước Hải. Chùa Phước Hải nằm bên hông công ty Vedan, nổi tiếng với món bún riêu (dĩ nhiên là bún riêu chay!). Nổi tiếng vì ăn ngon, và vì được... ăn chùa (tức là ăn miễn phí, khỏi tính tiền). Ngoài bún riêu chay, hàng ngày chùa Phước Hải còn đãi khoảng 300 suất cơm với đủ các món canh, xào, mặn chế biến bằng đồ chay rất tinh tươm, sạch sẽ! Cũng miễn phí luôn! Miễn phí, mà phục vụ chu đáo, lịch sự.
Chùa Phước Hải không ở mặt tiền quốc lộ 51, muốn vào chùa phải qua cổng khu công nghiệp Gò Dầu và vào sâu khoảng 500m, vậy mà xe du lịch vào ra tấp nập.
< Ngôi ni viện Thiện Hòa tráng lệ thế này được dân gian gọi là... chùa Bánh Xèo (chú ý: ăn bánh xèo thì vô gian bên, không phải vô chánh điện nhé).
Trong khuôn viên chùa có bãi đậu xe rộng rãi thoáng mát, bên hông chùa có bể nước với những cái ca đặt sẵn dành cho khách hành hương đến rửa mặt, tay chân, phía sau là dãy nhà vệ sinh sạch sẽ… Khu nhà ăn rộng rãi với khoảng 20 chiếc bàn dài, cơm canh luôn dọn sẵn. Thùng bún riêu đặt bên cạnh phòng ăn cũng luôn nghi ngút khói...
Giống như một trạm dừng chân cho xe khách trên quốc lộ, chỉ khác một điều là: Cứ ăn, không phải trả tiền!
Nhưng tiền đâu mà chùa Phước Hải đứng ra phục vụ cho hàng ngàn người “ăn chùa” mỗi ngày suốt hàng chục năm trời nay như vậy?
Ni sư Thích nữ Như Như - trụ trì chùa Phước Hải - đúc kết bằng 4 chữ: Từ bi rộng mở. Theo ni sư, từ bi ở đây chính là tấm lòng nghĩ đến người nghèo. Còn rộng mở là phục vụ mọi người. “Người thiếu ăn thì tìm đến chùa xin miếng cơm, miếng nước. Người có điều kiện sống khá hơn thì phát tâm đến chùa cúng dường và chùa đứng ra thể hiện tấm lòng ấy. Và, một khi tâm từ bi được thể hiện một cách công bằng và minh bạch thì nhà chùa lại nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ hơn. Chùa bố thí vật thực cho bá tánh và qua đó cũng được đáp lại bởi những thí chủ phát tâm cúng dường lại cho chùa để công việc này được duy trì mãi mãi”.
Vị ni sư này nhấn mạnh: “Mỗi người nếu biết mở rộng tấm lòng của mình thì sẽ được nhận lại tất cả”.
Ngoài chùa Bún Riêu, trên QL51 còn có một chùa khác gần đó mà người ta gọi là chùa Bánh Xèo. Từ Tu viện Phước Hải tiếp tục đi ra hướng Vũng Tàu khoảng 9km tới thị trấn Phú Mỹ, nằm bên trái là khu Đại Tòng Lâm - một quần thể chùa, thiền viện, trường Phật học. Từ cổng chính Đại Tòng Lâm, rẽ phải đi theo con đường nhỏ dài khoảng 1 cây số là tới Ni viện Thiện Hòa.
Do cùng quản lý Tu viện Phước Hải, nên từ món bún riêu đã được “bảo chứng” bởi khách hành hương suốt hàng chục năm qua, ni sư trụ trì Thích nữ Như Như nảy thêm ý tưởng chọn món bánh xèo để đãi khách khi đến Ni viện Thiện Hòa. Bột dùng để đúc bánh thì ngày nào chùa cũng xay sẵn. Rau thì trồng trong vườn. Còn những thứ khác như củ sắn, cà rốt, mì căn, dầu ăn thì do các mạnh thường quân cúng dường. Thương hiệu “Chùa bánh xèo” ba năm trở lại đây cũng khá hút khách.
Ngày thường chỉ dùng khoảng bảy khuôn đúc bánh, sử dụng cỡ ba ký bột. Còn ngày rằm thì số khuôn đúc và lượng bột xay tăng gấp đôi, gấp ba. Cao điểm nhất là dịp rằm tháng Bảy - lễ Vu Lan, chùa dùng tới 60 ký gạo để xay bột và hàng trăm lít dầu đổ bánh.
Cà phê Tâm Châu
Du khách đi Đà Lạt chắc hẳn đã từng dừng chân ở Trà - Cà phê Tâm Châu, hoặc Trâm Anh. Ở đó mọi người được uống cà phê miễn phí, ăn bánh kẹo miễn phí. Bãi xe hầu như lúc nào cũng đông ken, người người vào ra tấp nập. Lấy đâu ra tiền để đãi cà phê cho... trăm họ vậy?
Ở đây, câu trả lời dễ dàng hơn nhiều: Đó chính là chi phí quảng cáo, tiếp thị!
Khách vào uống cà phê miễn phí sẽ không tiếc tiền mua cà phê, trà và nhiều thức khác ở đó. Lợi nhuận phát xuất từ đây!
Mà cho dù bạn uống cà phê cho đã đời rồi lại quay lưng đi mà chả thèm mua gì cả (như... tui vẫn thường làm) thì cũng chẳng sao, đàng nào cũng có thêm một người quan tâm đến cà phê - trà Tâm Châu hay Trâm Anh rồi (cứ tưởng tượng giống như bạn coi quảng cáo trên TV hay trên báo vậy, đâu phải bạn coi là bạn mua sản phẩm đâu, nhưng nhà sản xuất cũng đã tốn chi phí quảng cáo rồi!).
Ở ngoài Bắc, trên đường 5 đi Hạ Long, đoạn qua Hải Dương có những chỗ cho bạn dừng chân ăn bánh đậu xanh và uống trà miễn phí, cũng theo mô hình kinh doanh như vậy.
Mạng xã hội
Bạn đang dùng Facebook, Yahoo!, Blogspot, Wordpress…? Các mạng xã hội và blog này có chế độ miễn phí hoặc có chế độ thu phí (rất thấp). Tui dám cá là 99,9% các bạn đang xài ở chế độ miễn phí, không hề trả cho chủ sở hữu đồng nào (giống như... tui vậy, ngu gì trả!).
Vậy Yahoo!, Facebook..., và cả các mạng xã hội của Việt Nam... thu lại được cái gì?
Câu trả lời ở đây dài dòng hơn nhiều, tui xin được miễn nêu ra. Chỉ có điều, có một nguyên lý chắc chắn đúng: Trong kinh doanh, làm cái gì có lợi thì người ta mới làm, chứ chẳng cho không. Mà lợi phải lớn nữa kia, chứ nếu không người ta lại đua nhau làm ra các mạng xã hội để cạnh tranh nhau?
Thiệt là vô phép khi so sánh chùa với các dạng hình kinh doanh khác như cà phê, bánh đậu xanh, mạng xã hội,... nhưng quả thật nó có một nguyên tắc giống nhau là: Cho để nhận!
Thế nhưng Cho như thế nào và Nhận ra sao quả thật là chuyện không hề đơn giản, phải không các bạn?...
Xem ra, chuyện 'Cho và nhận' thì Du lịch, GO! hiện nay cũng đã làm khá tốt. Gần 3 năm từ ngày xuất hiện, số bài trong blog Dulichgo đã vượt con số 4 ngàn với mọi địa danh và các kinh nghiệm trên những nẻo đường đất nước từ Bắc chí Nam - số người truy cập đã vượt quá số triệu (1,411,995 khi viết bài này) cùng rất nhiều thắc mắc đã được blog và những bạn khác trả lời... chứng tỏ Du lịch, GO! 'tương đối có ích' với nhiều bạn có ý thích ham mê du lịch, khoái phượt.
Và nhận lại gì? Mình không nhận được đồng xu nào cả (vì Du lịch, GO! không chơi quảng cáo - không xin tài trợ hay tạo bất kỳ nguồn thu nhập gì). Vậy nhưng cái đáng quý hơn là blog nhận được niềm tin của rất nhiều bạn đã theo dõi từ vài năm nay và được xem như một cẩm nang be bé cần xem qua trước một chuyến đi. Sự tin tưởng và trân trọng đó đã là một sự cảm ơn nặng ký rồi.
Du lịch, GO! - Theo Hai Ẩu (Echip), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét