Hòn đảo nhỏ với cái tên cù lao Ré có quá nhiều điều để nói. Dù ra Lý Sơn với bất cứ mục đích gì, người trở về cũng không thể im lặng.
< Khách lạ không dễ hiểu vì sao những mảnh ruộng nơi đây lại lắm sắc màu.
Lịch sử, văn hoá hay những vấn đề thời sự từ Lý Sơn sẽ là những đề tài không bao giờ cạn cho các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Một kẻ lang thang không tên tuổi như tôi sau hơn 40 giờ đồng hồ lưu trú cũng “đầy một bụng ưu tư” khi trở lại đất liền.
Hình ảnh đầu tiên khiến tôi ngỡ ngàng trên chuyến xe ôm tới nhà trọ là cát...
Không phải “bờ cát dài phẳng lặng” thường thấy cũng chẳng phải những triền cát trắng cao ngất như vùng ven biển Cam Ranh. Giữa những đám ruộng (rẫy) bậc thang là những khối cát hình chóp trắng nhức mắt nổi bật trên ruộng cát cũ ngả màu.
< Giữa những đám ruộng (rẫy) bậc thang là những khối cát hình chóp trắng nhức mắt nổi bật trên ruộng cát cũ ngả màu.
Chưa kịp hiểu ý nghĩa của nó vẫn phải yêu cầu anh xe ôm ngừng lại để chụp vài tấm ảnh. Cả một vùng ruộng rẫy lô xô, chen chúc, cát trắng, cát ngà và đất nâu sẫm đan xen. Trao đổi ngắn với bác tài, tôi có được một vài khái niệm abc về nền đất tỏi. Ấn tượng thị giác và chút kiến thức vỡ lòng khiến những ruộng tỏi Lý Sơn trở thành ám ảnh.
Chiều tà, sau khi viếng thăm nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa Bắc Hải và một vài đền miếu ở thôn Đông – An Hải, tôi dành thời gian còn lại để “tiệm cận” với đất và tỏi.
Đang mùa thay đất, trên tất cả những đám ruộng đã qua mùa thu hoạch, nông dân Lý Sơn tất bật với đất và cát. Từ con đường ven biển tới những góc ruộng từ thấp đến cao là những gò, những đống đất và cát được tập kết để chuẩn bị cho mùa sau. Chưa tới nơi này, khó lòng hình dung nổi công sức của dân đảo bao đời đổ xuống để nuôi cây.
Để có được những mảnh ruộng nhỏ mà canh tác, người ta phải dùng đá xếp thành các khoảnh ruộng bậc thang để tạo nền. Vì thế, những đường viền sẫm màu trên các ô ruộng ở Lý Sơn dễ làm ta liên tưởng đến miền cao nguyên đá. Sau khi đã định hình cho đám ruộng, đất đỏ trên núi Thới Lới được chuyển về trải đều một lớp, phân xanh ủ từ xác hoa màu (chủ yếu là thân cây đậu) và rong biển được trộn vào để tăng nguồn dinh dưỡng.
Cuối cùng, lớp cát trắng mịn có độ xốp cao hút từ ngoài khơi sẽ phủ lên để nâng niu nhưng tép tỏi lúc nảy mầm. Sau vài vụ, tất cả lại được làm mới với đủ mọi công đoạn khó khăn vất vả, thậm chí còn vất vả hơn buổi ban đầu. Lớp quá cũ được xúc đi, lớp còn lại được đệm giữa đất đỏ và cát trắng khiến khách lạ không dễ hiểu vì sao những mảnh ruộng nơi đây lại lắm sắc màu.
Hương vị tỏi nồng nàn của Lý Sơn đã đi vào sách vở từ lâu, thương hiệu của nó cũng đã được đăng ký bản quyền và trở nên quen thuộc với bao người. Thế nhưng, nếu chưa tới chốn này, chẳng ai hiểu hết vị đời của nó. Hương vị ấy kết tinh đầy đủ tinh hoa của Đất – Biển – Trời và thấm đẫm mồ hôi của những phận người vất vả. Rắn chắc và nồng nàn là phẩm chất của Lý Sơn.
Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Đức Thạch (SGTT), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét