Vũng Rô là một thắng cảnh đẹp nằm ở thôn Vũng Rô, xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cạnh quốc lộ 1A.
< Cảng xăng dầu Pygemaco, phía xa là đỉnh Đá Bia.
Nhìn trên bản đồ tỉnh Phú Yên, ở góc Đông Nam có một bán đảo hình dáng như đầu con chim với chiếc mỏ nhọn. Bán đảo ấy được hình thành bởi núi Vũng Rô làm cho bờ biển cao và dốc, ghềnh đá ngổn ngang tạo ra nhiều mũi, phía đông có mũi Mao, mũi Ba, phía nam có mũi La. Các bán đảo này ôm lấy Vũng Rô, tạo nơi đây thành một cảng biển tốt và sâu (có thể tới 15, 16m) để tàu thuyền neo đậu, tránh bão, đánh bắt cá.
< Đảo Hòn Nưa.
Vũng Rô có cả thảy 12 bãi nhỏ: bãi Lách, bãi Mù U, bãi Ngài, bãi Chùa, bãi Chân Trâu, bãi Hồ, bãi Hàng, bãi Nhỏ, bãi Chính, bãi Bàng, bãi Lau, bãi Nhãn. Phía Nam Vũng Rô là hòn Nưa, cao 105m, có hình dáng giống như cây trụ chia đôi cánh cửa vào Vũng Rô. Sách Đại Nam nhất thống chí ghi là Trụ tự.
Từ năm 1964 đến đầu năm 1965, Vũng Rô đã tiếp nhận 4 chiếc tàu không số từ miền Bắc chở vũ khí, đạn dược, cung cấp cho chiến trường Phú Yên, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
< Đài tưởng niệm tàu không số ở Vũng Rô.
Biết bao tấn vũ khí, đạn dược, muối gạo, thuốc men đã bốc lên từ cảng Vũng Rô và vận chuyển trên đoạn đường này để đến tay các chiến sĩ giải phóng, các chiến sĩ tự vệ mật trong các căn cứ cách mạng và đô thị. Tại Vũng Rô hiện còn xác một con tàu không số từ miền Bắc vào bị lộ.
Các chiến sĩ ta đã tranh thủ bốc hết hàng, đặt bộc phá đánh đắm tàu, đặt thuốc nổ đánh sập cửa khoang, không cho địch cướp vũ khí còn lại ở trong khoang, sau khi đã chuyển một phần lên căn cứ. Vũng Rô được Nhà nước công nhận là di tích “lịch sử - văn hóa quốc gia”.
< Di tích tàu không số.
Thế nhưng, gần 30 năm sau chiến tranh, Vũng Rô chỉ còn là một địa danh quen thuộc của ngư dân tránh bão, trên bờ vịnh là nơi hội tụ của ngư dân phiêu tán từ nhiều miền đổ về. Mãi đến gần đây, Vũng Rô mới bắt đầu được đánh thức. Người dân Vũng Rô suy tôn ông Châu Đình Kháng là bậc “tiền hiền” bởi có công khai khẩn vùng đất tươi đẹp này.
Năm 1979, khi Vũng Rô còn là một bờ vịnh hoang vắng, nhô theo những sườn núi là những cánh rừng xoải thân ra gần chân sóng. Heo rừng, hoẵng, nhím, chồn hương còn rượt đuổi nhau trên bờ cát tranh mồi. Ông Kháng đã quyết định đưa cả gia từ phường 6 (thị xã Tuy Hòa lúc ấy) ra đây lập quê hương mới.
Mười năm trước, Phú Yên đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Vũng Rô thành cảng cá, song mãi đến gần đây, sau khi vùng kinh tế động lực Nam Phú Yên được chú trọng thì Vũng Rô được xác định lại là cảng biển tổng hợp. Khi các công trình xây dựng cầu cảng của cảng biển Vũng Rô, khu nhà điều hành mọc lên, Vũng Rô bắt đầu chuyển động và trở thành giấc mơ đổi đời của hàng vạn nông dân, ngư dân Phú Yên.
Ngày nay, Vũng Rô quyến rũ du khách với màu xanh của dãy núi Hòn Bà in bong xuống màu xanh của biển, với những triền cát trắng xoá, mịn màng, với những bãi tắm nhỏ, sạch hoang sơ và yên bình. Cách Vũng Rô không bao xa là khu bảo tồn thiên nhiên Bắc đèo Cả cùng thắng cảnh núi Vọng Phu nổi tiếng.
Nằm cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 30km về phía nam, Vũng Rô hiện ra như một khu đô thị sầm uất có cảng biển tấp nập tàu thuyền cập bến; có khu dân cư với nhà cửa, tiện nghi khang trang, giao thông thuận lợi; có nghề đánh bắt hải sản và nghề nuôi tôm phát triển; có bãi neo đậu cho tàu thuyền trong những ngày giông bão; có những bãi biển đẹp với bờ cát trắng mịn, với những hàng dừa nghiêng mình soi bóng xuống mặt biển..., tất cả điều đó tạo nên một nét riêng cho Vũng Rô. Vũng Rô vẫn là một trong những vịnh đẹp nổi tiếng không chỉ ở Phú Yên mà là ở cả khu vực Duyên hải miền Trung.
< Làng chài tại thôn Bãi Ngà.
Đến với Vũng Rô, bạn có thể kết hợp thăm khu di tích lịch sử để được nhìn lại nơi cập bến của những con tàu không số và suy ngẫm về quá khứ hào hùng của dân tộc; dạo quanh các bãi biển để tận hưởng cảm giác thanh bình với bầu không khí trong lành, cũng có thể quan sát nếp sống của người dân nơi đây qua những ngành nghề họ đang làm.
Bạn cũng có thể dạo qua cảng để thấy sự tấp nập khi tàu thuyền cập bến hay có thể đi tàu ra đảo Hòn Nưa để tận hưởng cảm giác lênh đênh trên sóng nước và có thể quan sát Vũng Rô từ bên ngoài.
< Bãi Bàng hoang sơ.
Ngoài tuyến đường chính là theo quốc lộ 1 thì tuyến đường Phước Tân - Bãi Ngà (Hòa Tâm - Hòa Xuân Nam) chạy dọc bờ biển xã Hòa Tâm đi qua Mũi Điện, đưa Vũng Rô xích lại gần hơn với các khu vực khác trong huyện.
Điều này vừa tạo điều kiện cho sự thông thương trao đổi mua bán của nhân dân cũng như mở ra tương lai cho việc tham quan khu di tích lịch sử và các thắng cảnh trong cụm thắng cảnh Bãi Môn - Mũi Điện, núi Đá Bia và Vũng Rô. Trong tương lai không xa, Vũng Rô sẽ trở thành điểm đến thú vị của du khách trong và ngoài tỉnh.
Du lịch, GO! - Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét