Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

Xuôi xuống cực Nam

Ước mơ đi đến tận cùng trời cuối đất, chí ít trên đất Việt, hóa ra cũng chẳng mấy khó. Xe máy bình thường, trong một ngày, có thể từ Sài Gòn tới tận cực Nam, tới rẻo đất cuối cùng. Nhưng la cà có cái thú của nó, dù phần lớn phải đi theo quốc lộ 1A lắm xe và bụi bặm.

Người ta bảo điểm đến đôi khi không quan trọng bằng những gì nhìn ngắm trên đường. Điều ấy đúng với các cuộc du ngoạn ở miền Bắc quanh co đồi núi. Còn ở miền Nam, cái thú vị lại là ở sự tiếp xúc với con người. Bản tính phúc hậu, thẳng thắn, trọng nghĩa như còn tươi rói, mới hơn ba trăm năm, thời mang gươm đi mở cõi, chống lại cọp beo, cá sấu...

< Chùa Kleng với kiến trúc Khmer Nam bộ.

Chùa Dơi ở Sóc Trăng cháy rồi (đã được xây dựng lại), nhưng còn nhiều chùa khác trong những khu rừng mát mẻ. Chùa Kleng được cho là ngôi chùa lớn nhất với kiến trúc Khmer Nam bộ.

Nghỉ dọc đường, ở đâu cũng vậy, ghé thăm viếng, nghỉ uống nước trong khu vườn chùa nhiều cây này mát lạnh. Một ngôi chùa khác, gọi theo dân dã là chùa sành sứ, vì nó được chạm bằng những viên sứ. Không quá tinh xảo như một tác phẩm nghệ thuật mà chỉ minh chứng cho “nghệ thuật nhân dân”.

< Người địa phương gọi chùa này là chùa sành sứ vì nó được chạm từ những mảnh sứ.

Trong những khu rừng như còn nguyên sơ có cả những ngôi đền để tu luyện. Những ông “sư sinh viên” này cũng rành chuyện thế sự chẳng kém ai, nhưng thật nền nã, khoan thai.

Sóc Trăng nổi tiếng với món bánh Pía và bánh Mè Láo. Miếng Mè Láo mà hiền, tròn, giòn, thơm mùi dừa, ngọt mùi mía. Nhớ về cụ Vương Hồng Sển, một bậc thầy về ghi chép du khảo mà... ngại. Chẳng ai kỹ lưỡng được như cụ.

Đường miền Nam dễ đi không chỉ vì bằng phẳng, thường cặp sông, loanh quanh đâu cũng tìm ra được, mà còn vì các thị tứ thường chỉ cách nhau 60 km, trừ hai bên sông Tiền.

< Mộ nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Người ta bảo ngày xưa các cụ đặt thế, là để vừa một cung đường ngựa chạy, hết một cung là nghỉ. Nghe nói thời chiến tranh, người ta cũng căn cứ vào đó mà cấp xăng, chỉ cấp đủ chạy 60 cây, đề phòng chạy lăng xăng không đúng mục đích!

Các thị tứ ngày nay thường na ná giống nhau cả, do đua nhau kiến trúc “tân thời”. Chợ đêm ở Bạc Liêu còn có cái gì khang khác: cả một dãy phố ăn đêm, nhưng cấm rượu bia! Đủ cả các món mồi, từ hải sản, đồ địa phương cho đến bán hàng hóa, nhưng tuyệt nhiên không có cồn, không có toilet cho mà đi nữa. Thế nên, chỉ có nam thanh nữ tú rủ nhau đi ăn ốc đêm, nhậu mời ra chỗ khác.

Nhưng Bạc Liêu có món mì cay thú vị. Rất rẻ, chỉ vài ngàn đồng, vì là món bình dân. Nhưng mùi và vị cay của nó lại thú vị lưu luyến. Không cay xé, cay nồng, mà dìu dịu, chàn chạt. Mì thì mềm, nước sệt nâu đỏ, quện với rau húng. Chậc! Có lẽ chẳng thấy chỗ nào có. Mà mấy cái quán mì cay này đông nghịt.

< Khách sạn Công tử Bạc Liêu nguyên là nhà của Công tử Bạc Liêu.

Miền Tây khoáng đạt gom hồn trời trăng mây nước, nghĩa tào khang vào những bản vọng cổ của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Mộ của ông nằm trong cánh đồng hẻm đường chính mang tên ông.

Ở Bạc Liêu còn có một nhân vật lừng danh một thời. Đó là công tử Bạc Liêu. Nhà ông to đùng, xây kiểu biệt thự Pháp trong vườn lớn bên bờ sông, nay trở thành khách sạn. Trong nhà vẫn giữ nguyên trạng thời ông còn sống, phòng khách, bàn thờ và những tấm ảnh xưa.

Vườn trở thành quán cà phê cho du khách, lịch lãm. Ở đấy, người ta bàn tán rằng ông mới là người Việt Nam đầu tiên mua máy bay riêng, rồi mới đến vua Bảo Đại, còn cái chuyện đốt tiền soi đuốc là thật, mà là tiền thời không lạm phát!

< Tiệm cà phê lưu động.

Cà Mau đã trở thành thành phố to. Qua cái bùng binh vật vưỡng, leo qua cây cầu lớn là thẳng đường tới Năm Căn. Đường đẹp, thẳng tắp, Năm Căn không còn là mối lo ngại của dân chạy xe.

Gửi xe máy vào nhà dân ở ngay bến tàu, chọn loại tàu để ra Đất Mũi. Có loại đi bốn tiếng, có thể mang xe máy theo, có loại cao tốc chỉ chạy hơn một giờ. Nhưng mang xe máy ra Đất Mũi cũng chẳng có nhiều đường để chạy. Cả thảy chỉ có 6 km chạy vào đến Xóm Mũi, mỏm đất cuối cùng.


< Chuẩn bị xây dựng khu du lịch và nghỉ dưỡng.

Bến tàu ngay trước chợ Đất Mũi, có sẵn đội quân xe ôm được tổ chức mặc áo đồng phục, sắp tài đàng hoàng. Giá hét 15.000 đồng, nhưng trả 10.000 đồng là được. Các bác xe ôm rất dễ thương. Họ mách nước du lịch kiểu “stay home” hay và rẻ hơn, sẵn sàng phục vụ tận tình. Nhưng vì khách sạn đã đặt trước nên không thể thay đổi.

Đó cũng là sai lầm. “Khách sạn” là những căn nhà gỗ trong rừng đước. Kể cũng hay, nhưng tối, ẩm và buồn. Đặt rồi, cuối cùng nhiều người cũng bỏ không vì cái tính lang bạt, vui đâu chầu đấy.


< Đường vào Xóm Mũi - mỏm đất cuối cùng ở cực Nam.

Ở mỏm đất cuối cùng này có hai nhà hàng. Một cái là thủy tạ, vươn ra biển, cái kia dựa lưng vào đất. Đủ món hải sản, cả đàn ca tài tử, nhậu tới khuya và ngủ luôn tại trận, với sóng, gió và muỗi...

“Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh” là câu mô tả súc tích. Sáng dậy thấy máu đỏ lưng, hóa ra lăn đè chết muỗi... trong mùng!

Cột mốc hình con tàu và điểm tọa độ GPS là hai vật kiến trúc khác được xây dựng trong khu vực này. Bước ra là biển, và biển ngày càng xa, do đất bồi. Một dự án lớn đang chuẩn bị biến chỗ đó thành khu du lịch và khách sạn nghỉ dưỡng kiên cố.
Còn bây giờ, nối giữa chúng là những hành lang trên cao, và cả những cây cầu khỉ đem lại cảm giác ấn tượng...

Du lịch, GO! - Theo Trương Văn (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét