Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Di tích văn hóa chùa Cà Săng

Chùa Cà Săng (Vĩnh Châu) là một trong những ngôi chùa Khmer có nhiều công trình kiến trúc nổi bật mang đậm bản sắc văn hóa của người Khmer Nam bộ. Chùa vốn có pháp danh là chùa Sêrây Cro Săng (có nghĩa là Ánh bình minh của cây bần thăng), chùa có vị trí nằm cách trung tâm thị xã Vĩnh Châu chừng 2 cây số về hướng đông bắc (đường về cầu Mỹ Thanh 2), thuộc ấp Cà Săng, Phường 2 (trước đây là xã Vĩnh Châu).

Theo các cụ cao niên ở đây kể: “Trước kia tại gò đất này có nhiều cây bần thăng mọc hoang, một loại cây cao lớn giống như cây gáo (hiện nay được dùng làm cây kiểng vì cây dễ uốn cong để tạo dáng), người Khmer thường dùng trái nấu canh chua, vì trái có vị chua thanh”.

< Chánh điện chùa Cà săng trong ngày lễ Kiết giới.

Chùa Cà Săng là một ngôi chùa cổ được hình thành vào năm 1775, lúc đầu chỉ xây cất bằng gỗ, lá. Sau này: từ sự đóng góp của bà con phật tử gần xa, chùa đã xây dựng ngôi chánh điện tráng lệ với tổng kinh phí xây dựng trên hai tỷ đồng để làm nơi tổ chức các lễ nghi tôn giáo. Từ kết cấu cổng chùa cho đến các dãy nhà liêu, nhà hội, các tòa tháp đều được thiết kế theo nguyên bản xưa được xếp loại di tích văn hóa cấp tỉnh, nổi bật là ngôi chánh điện được xây trên nền đất cao ráo, trên mái có kiến trúc giống như tháp Ăng kor Wath. Các công trình có nét hoa văn và nghệ thuật tạo hình rất độc đáo gây được ấn tượng cho du khách thập phương.

Bước vào cổng chùa, trước mắt chúng tôi là một khuôn viên rộng lớn, đây là nơi sinh hoạt ngoài trời cũng như tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao của bà con phật tử, nối tiếp là ngôi sa la (nhà hội) khang trang, bên trong có bệ thờ Phật dành để tổ chức các lễ nghi tôn giáo như: tụng kinh, thuyết pháp, dâng cơm trong các dịp lễ hội, hoặc hội họp của cộng đồng.

Dọc hai bên khuôn viên chùa là dãy nhà liêu dành cho các vị sư nghỉ ngơi, còn nhà ăn được thiết kế ở phía sau cùng, nằm bên trái từ hướng đi vào là ngôi chánh điện uy nghi, lộng lẫy luôn là niềm tự hào của bà con phật tử nơi đây, bởi theo quan niệm của bà con Khmer, ngôi chùa là bộ mặt của thôn, ấp, nơi nào có ngôi chùa khang trang nơi ấy sẽ có cuộc sống sung túc.

Từ lâu, ngôi chùa đã trở thành trung tâm văn hóa, giáo dục, là nơi sinh văn hóa tinh thần của bà con, ở đây còn mở lớp dạy chữ, dạy nghề, nhất là dạy đạo làm người và cũng là nơi gởi gắm tâm tư, tình cảm của bổn đạo ngay từ khi còn sống cho đến khi về cõi niết bàn. Vì vậy, khi chết tro cốt cũng đem vào chùa chưng cất trong các toà tháp.

Ngày nay, với phương châm: “Tốt đời, đẹp đạo” vì mục tiêu “Đạo pháp dân tộc - chủ nghĩa xã hội”, chùa Cà Săng đã có nhiều đóng góp vào phong trào thi đua yêu nước như duy trì các hoạt động lễ hội bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, đào tạo nhiều lớp nhân sĩ, trí thức Khmer như mở các lớp: Vini, Pali, ánh sáng hè góp phần vào duy trì phát triển ngôn ngữ, chữ viết của dân tộc, đồng thời hướng dẫn, vận động bà con thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, đóng góp vào các hoạt động nhân đạo - từ thiện.

Đáng kể, chùa Cà Săng còn là địa chỉ đỏ có nhiều công lao trong sự nghiệp giải phóng đất nước, đã nuôi chứa nhiều cán bộ, chiến sĩ cách mạng, cố Hòa thượng Lý Thi (nguyên là trụ trì) là một nhà sư yêu nước có nhiều thành tích trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nhà chùa đã chỉnh trang cảnh quan xanh sạch đẹp, thành lập phòng đọc sách và các đội  văn nghệ, thể thao, trồng thêm cây xanh gây bóng mát, giữ gìn, chăm sóc các loại cây cổ thụ để tạo sự thanh thoát và mỹ quan, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội để bà con cúng bái Phật pháp và vui chơi, giải trí sau những ngày lao động mệt nhọc. Nhiều năm qua, chùa được công nhận đạt chuẩn văn hóa, các cấp, các ngành tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Du lịch, GO! - Theo Tuyengiao Soctrang, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét