Chủ Nhật, 23 tháng 12, 2012

Suối Hoa, chốn tắm của nàng tiên Mường Hoa...

Đến Sa Pa (Lào Cai), nhiều người đã từng lên Thác Bạc, được chiêm ngưỡng vẻ hùng vĩ của ngọn thác này và đây chính là ngọn nguồn của con suối với cái tên rất đẹp Mường Hoa.

< Dòng suối Hoa chảy ngoằn ngoèo giữa thung lũng Mường Hoa.

Suối Mường Hoa (còn gọi là suối Hoa) trải dài khoảng 15 km dọc theo thung lũng Mường Hoa, qua các xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thào và kết thúc ở Bản Hồ với các bản làng trù phú, các thảm ruộng bậc thang trải dọc theo con suối.

< Suối Hoa chảy quanh các thửa ruộng bậc thang.

Dòng suối như con trăn khổng lồ ngoằn ngoèo, uốn lượn bên những triền ruộng bậc thang. Vào mùa lúa chín, sắc vàng từ những tràn ruộng soi bóng xuống dòng nước trong xanh làm tôn thêm vẻ đẹp huyền ảo của thung lũng Mường Hoa.

Đổ về dòng suối này có khoảng 22 con suối nhỏ bắt nguồn từ những cánh rừng, khe núi khiến dòng suối này bốn mùa tuôn chảy.

< Một trong những chiếc cầu Mây qua dòng suối Hoa.

Để dễ dàng qua lại đôi bờ, những cư dân ven suối đã làm những chiếc cầu mây vắt ngang dòng suối bên những cây cổ thụ rêu phong. Những chiếc cầu mây đã góp phần điểm tô cho dòng suối và cũng là nơi thu hút khá nhiều khách du lịch.

< Đây cũng là nơi các cô sơn nữ đẹp như tiên khỏa trần dưới dòng nước tắm gội sau những buổi làm đồng. 

Suốt chiều dài của suối có rất nhiều vực, thác với những phiến đá trắng như được bàn tay vô hình kỳ cọ, xếp đặt công phu. Trước đây, đoạn suối ở Tả Van rộng, bằng phẳng đã trở thành bãi tắm lý tưởng. Vào ngày cuối tuần, từ Sa Pa mọi người đổ về đây để ngụp lặn trong dòng nước mát.

Người già kể rằng: Vài chục trăm về trước, hai bên bờ suối có rất nhiều cây cổ thụ, dưới những hốc cây là nơi cư ngụ của họ hàng nhà cá. Cá ở suối Mường Hoa nhiều vô kể, có con nặng tới một yến. Vào mùa tháng 2 – 3 (âm lịch) khi ngọn gió nồm xua tan giá lạnh của vùng cao, trai bản trên gái làng dưới tối tối lại rủ nhau ra suối bắt cá, cả khúc suối huyên náo bởi tiếng nói cười rộn rã.

Họ dùng đá ném xuống suối để lũ cá hoảng sợ chạy trốn vào hốc đá rồi xuống suối mò cá. Bắt cá chỉ là cái cớ để các chàng trai nắm tay cô gái. Tay trong tay, ánh mắt trao nhau nồng nàn, đắm đuối và tình yêu bắt đầu từ dòng suối Mường Hoa.

< Sơn nữ trên bản Mường Hoa.

Thung lũng Mường Hoa cũng là nơi có bãi đá chạm khắc chữ cổ và những họa tiết bí ẩn. Trải dài trên chiều dài hơn 4km, chiều rộng 2km, với ít nhất 159 hòn đá, chứa nhiều hình họa bí ẩn, bãi đá từng là điểm tập trung nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Việt Nam, Nga, Pháp Australia...

< Bãi đá có những hoa văn, chữ cổ được chạm khắc trên mặt đá ở Tả Van được rào chắn để bảo vệ.

Cả quần thể có những hòn đá với hình khắc đẹp tập trung ở Bản Pho, với những hòn đá lớn, trên bề mặt khắc những hình khác nhau. Đặc biệt là các dạng hình người ở nhiều tư thế: hình người dang tay, đầu tròn tỏa ánh hào quang; có hình người nắm tay nhau; có hình người lộn ngược; có hình những người cặp đôi với bộ phận sinh dục nối liền nhau như biểu hiện của tín ngường thờ sinh thực khí trên các hình vẽ của trống đồng Đông Sơn. Chúng không chỉ mang các giá trị về mặt mỹ thuật mà nó còn có ý nghĩa về mặt tâm linh, như một bức thông điệp bí ẩn mà tổ tiên gửi lại cho con cháu mai sau.

< Một trong những cô tiên ở Mường Hoa.

Ngoài dòng suối Hoa, nơi đây còn có cây cầu treo mang tên Tình Yêu. Người ta cho rằng xưa kia, các nàng tiên thường đến đây tắm vì mê mẩn phong cảnh đẹp nơi này. Thung lũng Mường Hoa vừa được tổ chức Kỷ lục Việt Nam đề cử vào Top 5 thung lũng đẹp nhất Việt Nam.

Đến Mường Hoa, nhiều du khách đã chọn thú đi bộ khám phá cuộc sống và văn hóa người bản địa tại hai xã Lao Chải và Tả Van, ngắm và tắm trong dòng suối Mường Hoa uốn lượn qua những thửa ruộng bậc thang xinh đẹp. Tả Van có nhiều nhà dân đón khách lưu trú, là cơ hội tốt cho những người muốn gần gũi thiên nhiên và con người vùng Tây Bắc.

Du lịch, GO! - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét