Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Lên bản Nậm He

Sau gần một ngày trời đi ôtô gần 500km lên thành phố Điện Biên Phủ, 120km xuống thị xã Mường Lay, một giờ ngồi xe gắn máy trên những con đường dốc uốn lượn như đường lên trời và lội qua những khe suối nước chảy xiết, đá lởm chởm, chúng tôi đến được bản Nậm He (Mường Tùng - Mường Chà – Điện Biên ).

“Đặc sản” một bản nghèo Tây Bắc

Lên Tây Bắc mùa này mưa ít nhưng đường vào bản vẫn lầy lội, trên đường chúng tôi bắt gặp không ít những chiếc xe bị “mắc cạn”, chính chiếc xe của chúng tôi cũng là nạn nhân của những “chiếc bẫy” mà địa hình nơi đây giăng để giữ chân khách.

“Đặc sản” đầu tiên của Nậm He có lẽ là những con dốc, những cánh rừng bạt ngàn, suối và vực sâu. Mỗi khi vào những đoạn cua tay áo, bác xe ôm vào số, thắng phanh điêu luyện không thua gì những tay đua hàng đầu thế giới. Xen lẫn giữa những cung đường ấy là những cánh cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, những dòng suối...

< Đường lên Nậm He.

Nậm He là một bản nhỏ nằm ở phía tây bắc, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 70km, thuộc xã Mường Tùng, xã vùng sâu đặc biệt khó khăn của huyện Mường Chà, xã mường Tùng có tổng diện tích tự nhiên là 17000ha. Toàn xã có gần 3500 nhân khẩu, chủ yếu là bà con dân tộc Thái. Trung tâm bản là những căn nhà sàn làm bằng gỗ gần chân núi.

Đây là nơi định cư chủ yếu của người Thái.  Lúc nông nhàn, chị em đưa thoi dệt vải thổ cẩm. Rất nhiều khăn piêu, váy, áo, túi xách… thêu hoa văn tinh xảo bán tại các chợ, điểm du lịch là do bàn tay khéo léo của các thiếu nữ Thái Nậm He làm ra. Còn bà con người Mông từ bao đời nay vẫn ở trên núi cao. Cuộc sống của họ vẫn chủ yếu là tự cung tự cấp.

Những ngày rong ruổi ở bản làng Tây Bắc, gặp những đứa trẻ khiến tôi nhớ lại ngày thơ bé của mình ở vùng đất xa xôi khác. Những ánh mắt tròn vo ngây thơ, những khuôn mặt lấm lem, những mái tóc rối, quần áo xộc xệch rách vá chằng chịt… Trẻ con ở đây ngoài giờ đến lớp hầu như đều phải phụ giúp bố mẹ lên nương rẫy hay trông em.

Một buổi chiều khi chúng tôi đang mải mê chụp những bức ảnh ở trên một cánh đồng thì bắt gặp một cô bé đi hái rau dại, đang ngồi tập viết tên và đánh vần cho đứa em nhỏ hơn. Cô bé ăn mặc phong phanh giữa cái lạnh cắt da cắt thịt. “Cháu ước gì có xe đạp để đi học”, câu hỏi của em làm tôi bị “sốc”, hỏi ra mới biết em tên là Vi Thị Hường, học sinh lớp 5, trường tiểu học Mường Tùng, vì đường đi học xa quá nên em ước có một chiếc xe đạp để tới trường, nhưng nhà nghèo, tiền ăn còn chưa đủ, lấy đâu ra tiền mua xe.

Điện Biên là nơi gặp gỡ và cư trú của 21 dân tộc anh em, trong đó, đông nhất là người Thái 46%; người Kinh 24,6%; Mông 18,6%; Khơ Mú 5,6%, còn lại là người Tày, Nùng, Hoa, Puộc, Xinh Mun... nên có một truyền thống văn hoá rất đặc sắc.

Chúng tôi lên Nậm He vào đúng thời điểm đất nước bước sang năm mới 2012. Người dân nơi đây tuy không đón Tết dương lịch ồn ào như người thành phố, nhưng có lẽ họ mến khách hơn, hay họ vẫn thế trong suốt cả năm dù phải lao động vất vả. Khách vào nhà mới hỏi thăm được dăm ba câu, chủ nhà đã bảo đi mổ gà làm cơm mời khách ở lại.

Quả thực không thể từ chối, vì những người dân nơi đây cho rằng,  như thế nghĩa là khách coi thường, chê bai nhà mình. Chủ nhà cũng không quên gọi hàng xóm và anh em xa gần đến cùng ăn uống. Chúng tôi đến nhà nào cũng được “nói chuyện” bằng… rượu. Cách uống rượu của người dân nơi đây cũng khác.

Mỗi người uống với khách phải ba chén. Chén thứ nhất và chén thứ hai phải uống cạn vì “khách ở xa tới thăm, đôi chân mệt mỏi phải uống liền hai chén cho đôi chân khỏe lại để đi tiếp”. Chén thứ ba là những lời chúc may mắn, tốt đẹp dành cho nhau. Nếu chén thứ ba này mà chủ nhà thấy thấy quý “khách” thì đổi chén cho nhau.

Đồng bào nơi đây có rất nhiều loại rượu: rượu tai gấu, rượu táo mèo, rượu sâu chít, rượu ngô, rượu sắn...  Hầu như gia đình nào cũng có những bếp lò ngun ngút khói, lại gần cảm thấy vị nồng của hương rượu thơm đang chưng cất.

Ngoài sân, dưới gác nhà sàn đầy những nong đựng sắn, ngô được người dân sơ chế và những thùng ủ men rượu. Để có được những chai rượu sắn trong vắt và mát rượi, đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên nhẫn: Sắn sau khi được thu hoạch ở trên đồi về, băm thành từng lát nhỏ, rửa sạch, sau đó bung cho chín rồi trộn men, ủ lên men và cho vào hũ (chum, vại) bịt kín trong khoảng 20-30 ngày mới đem chưng cất.


< Thi công đường điện trung thế vào bản Nậm He, xã Mường Tùng.

Rượu sâu chít của Điện Biên cũng là một thức uống “vang danh thiên hạ” từ lâu. Thức uống này còn có tên gọi khác là Bạch trùng thảo, là loại sâu trắng ký sinh trong loài cỏ lau. Xuất xứ của tên chữ cũng như tên gọi nôm na đều từ một loại sâu ngâm rượu. Chít là tên một loại sâu sống trong thân cây chít - cây bông đót, mọc hoang ở các triền núi đá vôi nối tiếp nhau trải dài bất tận ở miền Tây Bắc.

Đồng bào Thái ở Nậm He cho biết mùa khai thác sâu chít kéo dài tháng 4 đến tháng 7 dương lịch. Đấy là khoảng thời gian ấu trùng sâu chít ăn đọt non cây chít và phát triển thành sâu dài cỡ năm phân, to bằng đầu mút đũa, thân có ngấn phân chia thành từng đoạn nhỏ, do vậy trông hình dáng giống hệt con sùng.

Khác với rượu tắc kè có màu vàng ánh xanh, rượu sâu chít có màu vàng đục với lớp váng dầu rất mỏng. Hương vị của rượu sâu chít không có vị tanh và đậm đà hơn. Rượu sâu chít uống nhiều không gây nhức đầu, nếu lỡ uống say, khi tỉnh dậy vẫn thấy tinh thần sảng khoái, người khỏe ra sau một giấc ngủ dài.

Cụ bà Thào Thị Hoa kể, dưới thời thực dân phong kiến, sâu chít là đặc sản chỉ có bọn quan lại, lãnh chúa mới được dùng, còn người dân địa phương phải khai thác đem về “cung tiến” cho bọn chúng.

Tôi nhớ một lần đọc ghi chép của nhà thơ Chu Thùy Liên là người dành nhiều tâm sức nghiên cứu về văn hóa ẩm thực của bà con các dân tộc ở Điện Biên: “Ngày xưa, khi đến mùa sâu chít, Đèo Văn Long – một lãnh chúa ở miền Tây Bắc, chỉ đạo đám thuộc hạ là các thổ ty huy động dân bản khai thác để làm quà dâng lên bọn thống lý…”.

< Công nhân trên công trường thủy điện Nậm He.

Một phần làm nên một Điện Biên mặn nồng, ấy là sắc đẹp hoa ban và điệu xòe mê mải. Hoa ban trắng trời trắng đất làm nên mùa xuân của núi rừng Tây Bắc. Nhưng vì mùa xuân chưa tới, nên chúng tôi chỉ có thể được thưởng thức rượu và những điệu xòe Thái - nét văn hoá đặc trưng, "tài sản" chung của các dân tộc ở Điện Biên.

Múa xoè, tiếng Thái là “Xóe voóng”. Khi những tiếng trống, tiếng chiêng nổi lên đan xen tiếng reo hò của nam thanh, nữ tú thì vòng xòe được hình thành. Mọi người đều có thể tham gia vào vòng xòe, quây quần bên đống lửa, và vòng xòe không ngừng mở rộng. Trong không khí đêm hội, con người quên đi những mệt nhọc, cùng cười vui bớt sầu lo, trở về với tâm trạng thoải mái.

Sau hội xòe, trở lại với cuộc sống đời thường, con người thấy yêu lao động, yêu cuộc sống hơn. Khi tham gia vòng xòe trai gái còn được gần nhau, được lựa chọn bạn xòe, được thể hiện tình cảm riêng tư.

Lên Điện Biên mùa này còn bị ngút mắt bởi những rừng dẻ mùa quả rụng. Đồng bào người Thái vào rừng nhặt quả dẻ và đem ra chợ bán, giá rất rẻ, chỉ khoảng 10.000đ một kilôgam. Anh bạn làm ở công ty xây dựng Sông Đà 706, chủ đầu tư nhà máy thủy điện Nậm He, nói sẽ mua tặng chúng tôi vài yến hạt dẻ, như một thức quà miền rừng, chỉ sợ không mang về được tới Hà Nội.

Đón Tết trên công trường thủy điện

Tới Nậm He, muốn gặp người Kinh cho “đỡ nhớ miền xuôi” thì có thể tới các công trường xây dựng. Hiện nay, Nậm He đang được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện. Cho đến nay, nơi này vẫn chưa có điện sáng, nhưng từ tháng 4.2010, dự án Nhà máy thủy điện Nậm He đã được triển khai xây dựng.


< Nhà máy Thủy điện Nậm He đang xây dựng.

Thủy điện Nậm He được xây dựng trên suối Nậm He, là thượng lưu trái của suối Nậm Lay. Dự kiến tháng 6 năm 2012,  khi hoàn thành, nhà máy thủy điện này sẽ hòa điện vào lưới điện quốc gia mỗi năm trên 60 triệu KWh. Tính đến tháng 6.2011, sau khi điều chỉnh, Dự án Nhà máy thủy điện Nậm He có công suất lắp máy 16 MW do công ty TNHH Một thành viên Sông Đà 706 làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 400 tỉ đồng, sản lượng điện bình quân 61,09 triệu kw/năm.

Tháng Chạp trên công trường thủy điện Nậm He khác hẳn với không khí trầm lắng tại các công trường trong thời lạm phát. Nơi đây, những đội công nhân miệt mài, những máy thi công hối hả chạy hết công suất.

Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, thời tiết khắc nghiệt là điều mà mỗi người có thể lường trước, nhưng để đối mặt với nó thật không đơn giản. “Khô đầu thì ướt quần áo” đó là câu cửa miệng của mỗi người thợ trên công trường thủy điện Nậm He. Nắng thì gay gắt như đổ lửa, mưa thì vần vũ ẩn họa lũ ống, lũ quét bất ngờ.

Hiện nay, công trình đã hoàn thành các hạng mục: Đường vào công trường; đào tháp điều áp, đang tiến hành đổ bêtông gia cố; đã đào được 2,8km/3,4km hầm chính; đã hoàn thành thi công hệ thống cống dẫn dòng; hoàn thành công tác đào hố móng đập dâng, đập tràn; đã đổ được hơn 20.000m3 bê tông/58.000m3 bê tông thiết kế đảm bảo chống lũ năm 2011.

Tính đến hết năm 2011, trên công trường Thủy điện Nậm He có 194 kỹ sư, công nhân làm việc. Những ngày áp Tết Nhâm Thìn, khi mọi người nô nức trở về sum họp với gia đình thì anh Hoàng Xuân Sang, quê ở Nam Đàn, Nghệ An, cũng đang chuẩn bị đón Tết, nhưng ngay tại công trường. Tính cả Tết Nhâm Thìn này, anh Sang đã có 3 năm đón Tết trên Nậm He, liên tục từ năm 2009 đến nay, 2 năm trước có cả vợ và con anh cùng ở lại.

Còn anh Nguyễn Thanh Tùng, cũng đón Tết tại Nậm He kể lại kỷ niệm Xuân Tân Mão anh ở lại công trường, không có pháo hoa, nhưng những người kỹ sư, công nhân nơi đây lại có một loại pháo rất độc đáo,  đó là tiếng nổ máy vang rền giục giã.

Năm nào cũng thế, khi kim đồng hồ điểm đúng giao thừa, bài hát chúc mừng năm mới vang lên trên tivi, anh lại chạy thật nhanh ra một chiếc máy nào đó gần nhất, khởi động để nghe tiếng máy nổ giòn, và để lấy may cho năm mới. Nhưng khi những tiếng pháo ấy ngưng lại, thì không khí như chùng xuống. Không ai bảo ai, mọi người đều để tâm trí mình trôi về với quê hương, với gia đình, với vợ con, với bữa cơm tất niên sum vầy đoàn tụ. Những dòng nước mắt lặng lẽ chảy vào trong.

Rời Điện Biên trong một buổi sáng mùa đông, bánh xe quay nghiêng theo vòng cung của những con đèo, để lại sau lưng những nếp nhà sàn nghèo chênh vênh bên sườn núi. Có lẽ tôi đã đang nhớ Nậm He, nhớ cây rừng rậm rạp hoang vu, những con suối hiền hòa nhưng cũng có lúc dữ dội len lỏi qua khe đá.

Nhớ câu nói của cô bé gánh rau “cô ơi, qua bản ăn cơm, uống chén rượu với bản nhé”, nhớ đêm hội xòe được nghe các anh công nhân đọc thơ Trần Tâm “Mường Tùng đêm đẹp mộng mơ… / Để ta say uống ánh mờ trăng lên / Giữa rừng văng vẳng tiếng rền / Cuối thu nghe tiếng Nậm Piền suối ơi! / Bao vì sao sáng ánh rơi / Lung linh trong ánh điện trời Nậm He / Soi con đường rộn tiếng xe / Qua rừng cánh kiến lập lòe đóm bay..”,  nơi tôi đi qua trong chuyến hành trình về với núi rừng Tây Bắc đầu tiên của mình…

Du lịch, GO! - Theo Trọng Tình (Báo Lao Động), internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét