Quán không đặt tên, không biển hiệu, cũng chẳng có bàn ghế sang trọng hay bất kì một bản nhạc nào, thế nhưng, quán cà phê của ông Chín Gia Lai lại đông khách đến mức vừa bán vừa phải… đuổi khách đi.
< Ông Chín chủ quán (đang đứng) cho biết "đuổi khách cũng phải có nghệ thuật".
Nằm ngay mặt tiền của con đường Đinh Tiên Hoàng (TP.Pleiku, GiaLai) quán cà phê của ông Ngô Hồng Hà (72 tuổi, tên thường gọi là ông Chín Thứ) ở số nhà 66 không có bất kì một biển hiệu hay đồ trang trí nào, nhưng quán luôn tấp nập khách trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức cà phê từ lúc hơn 3 giờ sáng hàng ngày đến tận chiều tối.
Đến Phố núi Pleiku- nơi được xem là một trong những vựa cà phê lớn nhất Việt Nam, hẳn rằng du khách sẽ không khó lựa chọn cho mình một quán cà phê vừa sang trọng lại được phục vụ tận tình. Vậy nhưng, nhiều du khách vẫn rỉ tai nhau và tìm đến quán cà phê của ông Chín Thứ để được thưởng thức hương vị cà phê Phố núi và nhất là chứng kiến cảnh mà người dân Phố núi “nghiền” cái vị đắng của loại nước uống này đến mức nào. Nhưng có lẽ điều đặc biệt nhất của quán “Chín Thứ” chính là trí nhớ tài tình của ông chủ quán khi có thể nhớ đến từng chi tiết khẩu vị thưởng thức cà phê của hàng trăm khách “ruột”…
Thấy anh bạn tôi vừa dựng xe, chưa kịp vào kiếm chỗ ngồi, ông Chín đã cất giọng gọi lớn “1 phê đen ít đường”. Thấy tôi ngạc nhiên thì bạn liền giải thích: “Ai hay đến đây uống là ông Chín đều nhớ như in khẩu vị thưởng thức cà phê của người đó, nên khách vừa ngồi xuống là có cà phê uống luôn không cần chờ đợi hay phải chế thêm gì cả”.
Loay hoay kiếm mãi mà vẫn chưa tìm được cho mình một chỗ để ngồi, chúng tôi đành cầm ly cà phê của mình rồi tìm một chỗ ngồi dưới nền vỉa hè trước quán. Không chỉ có chúng tôi phải ngồi dưới nền vỉa hè, mà nhiều vị khách mới đến cũng cùng chung cảnh ngộ. Khách đến ngày càng đông, chỗ ngồi càng “khan hiếm”, sau khi nhìn quanh một lượt, con trai ông chủ quán liền đến chỗ ông khách đang ngồi đọc báo và nói: “Uống xong rồi thì đứng lên mà về chứ ngồi đây làm gì nữa, hay chờ người ta nấu mì tôm mang ra ăn xong nữa mới chịu về”!
Nghe vậy, anh bạn đi cùng liền nhanh lời: “Tại quán đông quá nên ai ngồi uống lâu là bị đuổi để lấy chỗ cho người mới đến ngồi, mọi người hay gọi đây là quán cà phê đuổi. Có người còn bị đuổi thẳng kiểu như “uống xong rồi thì biến đi cho người ta bán chứ ngồi đây làm gì” hay “đứng dậy đi về, đây không phải chỗ ngồi để đọc báo”…”.
Bị đuổi miết, nhưng quán của ông Chín vẫn ngày càng đông khách, những vị khách đến thưởng thức cà phê ở quán “đuổi” với đủ thành phần từ già đến trẻ, từ bác xe ôm đến những cán bộ nhà nước, và ngay cả những ông chủ doanh nghiệp bước xuống từ chiếc ô tô sang trọng. Và khi bị đuổi thì những vị khách cũng chỉ vui vẻ đứng lên tính tiền ra về mà hề không giận dữ. Bởi tất cả họ đều thông cảm khi biết ai cũng muốn thưởng thức cà phê “Chín Thứ”. Chỉ tính riêng buổi sáng, quán của ông Chín phải phục vụ ít nhất cũng vài trăm lượt khách đến thưởng thức cà phê. Và cao điểm nhất là thời gian từ 6-7 giờ sáng, nếu không vừa bán vừa… đuổi thì có lẽ quán của ông Chín chẳng có chỗ để đứng.
Tiếp xúc với chúng tôi, một số vị khách cho biết, tuy xung quanh nhà mình không thiếu quán cà phê, nhưng mỗi sáng họ vẫn chạy xe cả chục km từ nhà đến quán nhà ông Chín để thưởng thức cà phê của quán. Chỉ với lý do duy nhất “Tôi đã uống cà phê ở đây cả chục năm nay, quen cách pha chế ở đây nên bây giờ uống chỗ khác thấy không có cảm giác ngon và nhạt miệng kiểu gì ấy”.
Có “thâm niên” uống cà phê ở quán ông Chín hơn 10 năm nay, ông Trần Văn Thanh (72 tuổi, nhà trên đường Lê Lợi, TP.Pleiku) cho biết: “Hôm nào mưa to quá thì tôi ở nhà, còn sáng nào tôi cũng tự chạy xe đến đây uống cà phê, uống ở đây cả chục năm rồi nên tôi không thích đi uống chỗ khác. Đến đây uống vừa hợp khẩu vị mà vừa không phải kêu gọi gì cả”.
Thưởng thức xong ly cà phê “đuổi”, chúng tôi được ông Chín đồng ý tiếp chuyện vào chiều tối, bởi cả ngày ông bận phục vụ cả nghìn lượt khách. Sau một ngày làm việc tất bật, so với cái tuổi 72 của mình, ông Chín khỏe mạnh, quắc thước và có trí nhớ ít ai sánh bằng.
Ông cho biết, quán cà phê này ông đã mở cách đây 27 năm, sau khi nghỉ làm nghề thợ may. Khách đến quán ông không chỉ là những vị khách quen thuộc ở Gia Lai, mà còn có rất nhiều khách du lịch ở các tỉnh khác đến: “Phần lớn khách đến uống quán tôi là những vị khách quen thuộc uống ở đây cả chục năm nay. Nhưng có hôm cả đoàn khách du lịch hàng chục người đi xe ô tô ở ngoại tỉnh cũng tìm đến quán để uống, rồi cả khách nước ngoài nữa…”, ông Chín nói.
Chia sẻ về cách thu hút khách, ông Chín cho biết ngoài bí quyết pha chế cà phê (không thể tiết lộ) thì ông còn bí quyết quan trọng không kém đó là ghi nhớ trong đầu cách uống cà phê của từng người: “Khách chỉ cần đến đây uống thường xuyên vài lần, là mình phải để ý và nhớ xem họ uống cà phê đen hay cà phê sữa, nhiều đường hay ít đường… để lần sau họ đến là mình có thể đem ra ngay mà không cần phải chờ khách gọi, chứ chờ khách phải gọi thì quán phục vụ không kịp”, ông Chín chia sẻ.
Du lịch, GO! - Theo Thiên Thư (Dantri), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét