Càng đẹp hơn vào những ngày đầu đông, khi cơn gió hanh hao thổi tràn về các cánh đồng còn trơ gốc rạ ở vùng biển Nam Định, khi vụ mùa mới được thu hoạch làm ấm lên ngọn lửa trong mắt những người dân xóm đạo để cùng nao nức ngóng về ngày lễ trọng của vùng - ngày Thiên Chúa giáng sinh.
Nhắc tới biển Nam Định, hẳn dân thành thị miền Bắc, nhất là cánh đàn ông thường nở nụ cười khó hiểu. Đó là do tai tiếng của bãi biển Quất Lâm, nơi sự thật trần trụi của công nghệ mại dâm đã biến cả một vùng thuần nông xưa kia thành nơi nhốn nháo xô bồ. Song bờ biển dài của Nam Định cũng như Thái Bình đâu phải nơi nào cũng sa vào tình trạng tệ hại đó, và hình ảnh chung nhất của nơi này vẫn là sự mộc mạc, yên bình.
Quê ven biển mà thóc đầy bồ
Trong mùa đầu đông, vùng đồng quê chiêm trũng của các huyện Ý Yên, Nam Trực… bỗng khoác lên cảnh vật một sắc màu trong trẻo của bầu trời cao xanh, phảng phất đâu đó mùi thơm của lúa nếp chín, của khói đốt đồng, của những chõ xôi nếp mới mà hầu như gia đình nào cũng ngóng chờ sau bao vất vả đồng áng. Và các xóm đạo đã thấy bừng lên màu sắc của ngày lễ Thánh, dù dịp Noel còn lâu mới tới.
Cờ hội của mùa cũ được thay, đám cây trong vườn cảnh của xứ đạo lại được xén tỉa gọn gàng, những cảnh sắc ấy hoà quyện cùng đám rơm phơi ngoài mặt đường và những sân phơi thóc vàng rực lên màu lúa mới gặt, có sức cuốn hút mạnh với con người. Không phải ai cũng thích cảnh sắc nông thôn, nhưng chỉ một lần được ngắm nhìn sự no đủ của miền thôn dã, chắc hẳn sẽ hiểu ra thế nào là sự bình dị của hạnh phúc trong đời sống xóm làng. Chỉ vậy thôi, trong nhà thóc đầy bồ, ngoài đường có trẻ em mặc áo mới, vậy là đã đủ tiêu biểu cho cảnh đời sung túc.
Ngược dòng lịch sử, dải đất duyên hải Thái Bình, Nam Định vốn ngập trong nước biển mặn mòi. Chỉ sau khi vị quan thanh liêm mà cũng rất đỗi tài hoa – uy viễn tướng công Nguyễn Công Trứ – cho chiêu tập dân lưu tán, đắp đê lấn biển, rửa mặn cho cả vùng đồng bằng duyên hải; để ngày nay hậu thế còn tôn thờ và ghi nhớ công danh thì đất mặn thuở xưa thành đất ngọt. Và cái chí ngất trời của vị danh tướng, nhà quân sự, nhà kinh tế, nhà thơ tài danh quê xứ miền Trung còn tạo phúc ấm cho hậu thế sau hàng trăm, hàng ngàn năm.
Có đi sâu vào các xã ven biển của Hải Hậu hay Giao Thuỷ, ngắm những nóc nhà thờ lô xô sau hàng phi lao, nhìn những tháp chuông cao vút lên nền trời xanh mới thấu hiểu công sức của biết bao thế hệ đã bỏ ra để có vùng quê trù phú hiện tại.
Nét duyên ngầm vùng duyên hải
Cũng kỳ vĩ như công trình nhà thờ đá Phát Diệm vùng Kim Sơn (Ninh Bình) đã được dựng nên từ vùng đầm lầy đất trũng bởi sự sùng tín và tiền bạc của giáo xứ, dải đất tuyệt đẹp ven biển của Nam Định đã hình thành bằng công sức của hàng chục thế hệ cần mẫn. Ít được biết tới như những bờ cát trắng của miền Trung, chưa từng đón tour theo kiểu nhà vườn ở miền Tây Nam bộ, những xã duyên hải Nam Định ẩn chứa nét duyên ngầm, mặn mòi như nàng thôn nữ chưa từng đi xa, vậy mà hút hồn khách viễn phương chỉ sau một lần gặp gỡ.
Phảng phất nét thương hải tang điền ở một mái nhà thờ hoang tàn do sự xâm nhập của nước biển, tuy bỏ không nhưng vẫn còn nguyên đường nét trang trí ở đầu hồi. Dọc theo con đê biển của huyện Giao Thuỷ, ta bắt gặp những làng cổ thuần nông, đan xen là các cánh đồng muối. Lúa và muối kề nhau, điều này thật lạ, bởi nghề lúa vốn rất kỵ nước biển xâm nhập. Nghề muối ở đây khác với vùng Ninh Thuận, Bình Thuận, diêm dân dong thuyền chở muối thô dọc theo con kênh nhỏ, và không hiểu sao toàn thấy phụ nữ chống thuyền. Hình ảnh thật lãng mạn của cuộc sống vùng quê.
Cũng là làng quê với cầu ao, giếng nước, sân đình, cũng chất phác với ruộng lúa, bờ kênh, nhưng Nam Định còn chứa đựng những đường nét kiến trúc của phương Tây qua tháp chuông xứ đạo, qua những pho tượng đá quái thú, tượng thánh của Thiên Chúa giáo và các hoạ tiết Gothique đầy lãng mạn trong các nhà thờ cũ và mới. Không thể biết đâu là điểm tận cùng của sự ngạc nhiên khi bỏ công lặn lội vào các vùng sâu, bởi ở đâu đó, phía sau luỹ tre xanh còn ẩn chứa nhiều điều kỳ lạ.
Một bộ sưu tập cổ vật quý bỗng xuất hiện trong một làng thuần nông, những chiếc đồng hồ khổng lồ vốn xưa kia chỉ dùng cho nhà thờ hiện hữu tại một tiệm càphê nhỏ… Những mái nhà thờ lô xô chạy theo mép biển, những cánh đồng muối và con thuyền chở muối êm đềm trôi trên dòng kênh Hải Thịnh… cảnh sắc mang một vẻ bình yên thật thanh khiết và hình như càng sống lâu trong hương biển mặn mòi, ta càng có cơ hội đắm mình vào niềm hạnh phúc giản đơn của vùng quê thuần phác này.
Du lịch, GO! - Theo Thái A (SGTT.VN), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét