Cách Nha Trang khoảng 17 km, từ lâu Suối Tiên đã là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng của huyện Diên Khánh. Địa danh này cũng gắn liền với một số hoạt động của bác sĩ Yersin. Tại đây có trường trung học cơ sở mang tên ông và ngôi chùa nhỏ thờ nhà thám hiểm đáng kính.
Suối Tiên còn gọi là Suối Đá Giăng xuất phát từ khu vực núi Hòn Bà (là nơi ngày xưa bác sĩ Yersin trồng thử nghiệm cây canh-ki-na), Suối Tiên chảy về đồng bằng huyện Diên Khánh bị một dãy đá thiên nhiên nằm chắn ngang tạo thành một đập đá hùng vĩ và rất đẹp.
Trước khi đổ xuống vùng đồng bằng thuộc địa phận xã Suối Cát (nay thuộc xã Suối Tiên, huyện mới Cam Lâm), dòng suối gặp một đập đá thiên nhiên chắn ngang, rẽ ra làm hai nhánh, một nhánh chảy về hướng Bắc mang nước tưới cho cánh đồng màu mỡ, còn nhánh kia thì chảy tràn trên miền đá cứng, rẽ về hướng Đông đổ về địa phận xã Suối Dầu. Sau đó, cả hai nhánh như đã hẹn hò cùng nhập chung vào sông Cái, về đến Nha Trang và ra bể...
Từ Nha Trang, có hai đường đi đến Suối Tiên. Có thể theo quốc lộ 1A đoạn gần đến Suối Dầu, có bảng hướng dẫn chỉ đường vào Suối Tiên.
Ngõ thứ hai, nếu lộ trình của du khách là thăm di tích Thành cổ Diên Khánh cách Nha Trang 11 km, từ đó đi theo Tỉnh lộ 2 đến Bót Bà Lá thuộc xã Diên Phước, đi qua xã Diên Hòa (Tại đây, có khu vui chơi và nghỉ ngơi ăn uống phục vụ khách du lịch), rồi Diên Lộc đến thẳng xã Suối Tiên. Ngõ thứ hai này bây giờ ít người đi vì đường sá không được tốt lắm, nhưng nếu đi du ngoạn bằng xe đạp thong dong thì rất thú vị.
Đường đi lên suối rất thơ mộng, sau phố chợ với nhiều nhà cổ, đình chùa là đến đoạn cây rừng xanh mát hai bên đường. Nước đổ ầm ầm suốt ngày đêm, mùa hè cũng như mùa đông.
Suối với hàng hàng lớp lớp những tảng đá to, thiên hình vạn trạng nhiều màu sắc khác nhau nằm giữa lòng chảy. Có rất nhiều tảng đá lớn và phẳng, sạch sẽ, khách có thể nằm nghỉ trên chặng đường lên thượng nguồn.
Đi cài mươi mét lại gặp một cái hồ nhỏ. Bất kỳ chỗ nào khách du lịch cũng có thể dừng lại và vui chơi, ăn uống, nghỉ ngơi, tắm hồ. Có thể đi trên những tảng đá này để lên thượng nguồn, cũng có thể men theo con đường mòn nằm khuất trong những tán lá rừng. Khí hậu nơi đây quanh năm mát mẻ. Đi trên con đường mòn này hầu như không có ánh nắng xuyên qua có cảm giác giống như đi trong rừng Hòn Bà.
Nếu chịu khó thám hiểm, càng đi sẽ thấy cảnh vật càng đẹp. Khách sẽ đến khu vực bàn cờ hay còn gọi là Hồ Tiên, mà theo truyền thuyết thì đây là nơi ngày xưa các vị tiên ông từ trên trời xuống dương thế chơi cờ.
Ngay trong lòng suối và cả hai bên bờ thượng nguồn, ta có thể tận mắt ngắm nhìn những bàn bằng đá rất lớn và bằng phẳng, nửa chìm nửa nổi trên mặt nước với đủ thứ quân cờ, trên bàn đá còn có dấu khắc kẻ những ô ngang dọc, những chữ “Điền”, chữ “Khẩu” theo Hán tự, nét đã mờ rêu và đó chính là những bàn cờ của các tiên ông phong lưu tao nhã thường gặp gỡ nhau bày thú tiêu khiển giữa phong cảnh hữu tình, tĩnh mịch, được dân gọi là Bàn Cờ Tiên...
Đi tiếp nữa sẽ đến khu vực dấu chân người khổng lồ, mà bất kỳ một bà mẹ nào cũng có thể kể cho con nghe về một truyền thuyết về người khổng lồ đã làm nên huyền thoại Cù Lao và Hòn Chồng Nha Trang.
Chuyện kể rằng, ngày xưa có một chàng khổng lồ từ Bình Định đến du ngoạn Suối Tiên. Cảnh đẹp nơi đây khiến chàng ta say sưa ngắm cảnh đến nỗi không chú ý đến một hòn đá phủ đầy rêu. Chàng khổng lồ trợt chân, trong lúc vội vàng chàng ta bấu kịp một bàn chân vào đá, còn tay thì chống vào vách đá để giữ thăng bằng.
Với sức nặng ngàn cân, bàn tay bám vào vách đá quá mạnh đã làm vỡ một khoảng đá to, văng xa tới vùng cửa biển Nha Trang hình thành nên Cù Lao và Hòn Chồng. Hiện ở Suối Tiên vẫn còn in dấu năm đầu ngón của chàng khổng lồ trên tảng đá! (Giống như những dấu tay ở Hòn Chồng, Nha Trang).
Những ngày lễ lớn, những ngày xuân nhất là dịp mùa hè nắng nóng, Suối Tiên luôn đông nghịt người ghé thăm, từ đó đã cho thấy sức hấp dẫn của Suối Tiên.
Du lịch, GO! - Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét