Kiên Giang có nhiều đảo, nhưng muốn hoang sơ và gần, du khách nên chọn các đảo của huyện Kiên Lương. Đến đây, du khách vừa thưởng ngoạn sơn thủy vừa có chuyến khám phá thú vị, gần gũi với thiên nhiên hoang sơ...
Điểm xuất phát là Khu du lịch chùa Hang - hòn Phụ Tử. Thông thường, khách chỉ lên dịch vụ tàu du lịch tham ngắm hòn Phụ Tử cận cảnh, chạy vòng quanh hòn Ông, hòn Bà rồi vô hang Tiền, hang Kim Cương... thưởng thức vẻ đẹp thuần khiết của thạch nhũ. Chương trình này thường chỉ kéo dài trong vòng một giờ. Nhưng nhiều du khách chọn hoang đảo để có một ngày nghỉ đúng nghĩa. Quần đảo Bà Lụa còn rất hoang sơ đến mức du khách có thể làm một “Robinson” trên đảo.
Quãng đường rong chơi hơn một giờ lênh đênh trên biển, khách sẽ vô cùng thích thú thưởng lãm những hình thù kỳ quái của các đảo được hình thành từ đá vôi. 41 hòn đảo, mỗi hòn mang một dáng dấp riêng. Cách gọi tên được dựa trên hình dáng, đặc điểm của đảo như cách cư xử vốn rất chân chất của người miệt biển Nam bộ; nghe qua có thể hình dung được: hòn Móng Tay, hòn Kiến Vàng, hòn Lô Cốt, hòn Đá Lửa, hòn Kèo Ngựa, hòn Mâm Xôi, hòn Chén...
Tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho vùng đất này những sản vật thiên nhiên quý giá. Du khách không “ngoa” gọi đây là một Hạ Long, Phong Nha giữa đồng bằng Nam bộ sau khi đi qua các đảo này...
Được hình thành từ đá vôi nên đảo nào cũng có cây xanh rợp bóng, khe nước bên trong và nhiều hang động lạ mắt. Chỉ có một vài đảo được đầu tư du lịch nên đảo còn rất hoang sơ, sạch sẽ. Thỉnh thoảng, du khách nhìn thấy được đàn cá heo lướt sóng theo tàu trông rất thân thiện. Ngư dân địa phương xem đàn cá heo hiếm có này như những người bạn, không để chúng bị mắc lưới...
Hấp dẫn nhất đối với du khách yêu quý thiên nhiên là được làm “Robinson” trên hoang đảo trong 1-2 ngày. Xin mời đến Ba Hòn Đầm.
Không tiện nghi, nhưng đủ để khách trải nghiệm cuộc sống. Khi vật chất quá đầy đủ, con người thường tìm đến chốn hoang sơ, sống cảnh “bần hàn” vậy mà vui. Trên 3 đảo này có vài hộ sinh sống. Không điện, không đường, không hàng quán... nhưng lòng hiếu khách thì có thừa. Gặp khách từ phương xa, người dân đón tiếp rất niềm nở. Có nhu cầu nghỉ lại đêm hoặc nhờ nấu nướng, cư dân sẵn sàng. Nếu muốn độc lập, khách mượn dụng cụ nấu nướng, giăng lều, võng ở bãi biển để hòa mình vào cộng đồng “Robinson” trên đảo...
Ba Hòn Đầm là tên gọi chung của hòn Giếng, hòn Đước và hòn Dương. Bãi biển đầy những viên sỏi nhỏ đủ màu sắc lấp lánh dưới ánh mặt trời. Ra xa bờ, dưới chân là cát trắng mịn màng cảm giác như bước trên thảm êm đềm. Lúc nước lớn, ba hòn đảo này nằm rời rạc ở 3 góc, bao quanh là nước. Khi nước ròng, có một con đường lộ thiên nối liền ba hòn đảo lại với nhau. Chính vì vậy, 3 hòn này mới có một tên gọi chung nhưng vẫn giữ được tên riêng cho từng đảo. Lý giải cho tên gọi Ba Hòn Đầm, các cư dân bản địa cho biết: Thời Pháp thuộc, thỉnh thoảng có tàu chở sĩ quan và gia đình người Pháp đến đây thưởng ngoạn và tắm biển. Phụ nữ Pháp được người Việt lúc bấy giờ gọi là bà Đầm vì hay mặc những chiếc váy dài, xòe ra. Từ đó, ba hòn đảo này mới có thêm một cái tên chung.
Các tour ra Ba Hòn Đầm thường chỉ gói gọn trong vòng một ngày. Nhưng để có một chuyến đi trải nghiệm, khách nên dừng chân lại đây 2-3 ngày để thưởng thức cuộc sống hoang sơ với thiên nhiên thuần khiết.
Đêm về bên ngọn đèn măng-sông, cùng cư dân bản địa nhâm nhi ly rượu tâm sự trước hiên nhà bên bãi biển, khách mới thấy sức sống mãnh liệt của con người giữa chốn hoang sơ này. Nếu đi một đoàn 10-20 người, khách sẽ có chuyến đi thú vị. Ban đêm, bên ánh lửa bập bùng, hải sản tươi rói và đàn hát vui vẻ bên nhau. Đêm Ba Hòn Đầm thêm rộn rã...
Du lịch, GO! - Theo Du Miên (Haugiang online), ảnh internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét