Huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định có 13 xã thì hầu hết các xã được bắt đầu bằng chữ Nhơn, như: Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Khánh, Nhơn Phong, Nhơn Hạnh, Nhơn Thành, Nhơn Lộc…
Riêng có một xã mang cái tên khác lạ: Đập Đá (trước là xã, nay đã thành thị trấn).
Sở dĩ xã được mang tên hành chính như vậy vì xưa kia đây là vùng sông nước với sông Kôn, sông Đập Đá và nhiều nhánh chằng chịt. Các cư dân vùng này phải đắp đập bổi để canh tác gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá, vì chỗ này sông rộng, có bến đá ong nổi tự nhiên rất đẹp.
Ở Bình Định, đập bổi (đập đắp bằng tre, gỗ, đất) tồn tại đến những thập niên cuối của thế kỷ XX. Nhưng từ năm 1916, lần đầu tiên tại đây đã xuất hiện Đập Đá, huyện An Nhơn - đập xi măng đầu tiên ở miền Trung. Ngày xưa, việc trị thủy chống hạn được đề cao như chống giặc. Những người có công trong vấn đề này thường được dân lập dinh, miếu thờ cúng muôn đời.
Vùng hạ lưu sông Côn từ Kiên Mỹ (Bình Khê) đến cửa Thi Nại khoảng hơn 30 km, thì cũng có hơn 30 đập bổi lớn nhỏ (kể cả các chi lưu của sông Côn).
Hiện nay, vùng này vẫn còn một số dấu tích dinh, miếu thờ các bậc tiền hiền có công đắp đập, khai thông mương máng đưa nước về đồng như miếu ông Văn Phong ở Tây An (Tây Sơn), dinh bà Châu Thị Ngọc Mã và Trần Thị Ngọc Lân ở Đập Đá, miếu ông Trần Đình Cơ và ông Nguyễn Cảnh Chiêm ở Hòa Cư - Nhơn Hưng - An Nhơn,...
Năm Bính Thìn (1916) triều Khải Định, Hội Bảo Nông Bình Định do bá hộ Nguyễn Cẩn, bá hộ Lâm Thanh Cẩn và phú hộ Ôn Huỳnh Châu đứng ra cổ động góp cổ phần xây Đập Đá bằng xi măng thay đập bổi để dẫn thủy nhập điền.
Đây là đập dùng xi măng đúc thành, cắt ngang giữa sông, dài hơn 100 mét, thông dòng nước bằng 9 cửa, vòng vo đen ngòm, nương theo thế nước. Cửa thông nước dùng ván gỗ chia bậc chắn ngang, mỗi bậc đều có thước tấc để tùy lúc đóng mở, cũng lấy đó mà quy ước giới hạn. Đập chia phải trái hai bờ, lấy đá lớn đắp làm móng đề phòng nước lũ xói mòn hai bên bờ sông, trên móng lại chất không biết bao nhiều là đá theo quy cách mới và là con đập xây bằng xi măng đầu tiên của miền Trung.
Đập Đá nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Thái Đức Nguyễn Nhạc. Hiện nay, Đập Đá vẫn còn và được tu bổ kiên cố hơn, dài khoảng 100 mét có 4 cửa, mỗi cửa có 3 hộc xả nước, mỗi hộc có 2 lớp vách ngăn, thuộc thôn Phương Danh, thị trấn Đập Đá, huyện An Nhơn.
Là phên dậu của đất đế vương nên nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng. Đó là nghề dệt vải với các loại hàng cao cấp như lụa, the, lương, xuyến, lãnh. Đó là nghề rèn, nghề đúc đồng với các đồ thờ cúng như tượng, lư, đỉnh… Đó là nghề làm nón ngựa, làm giày da guốc mộc để các chàng công tử ăn diện.
Rồi là các nghề chăn tằm ươm tơ, nghề tiện gỗ, nghề gốm, nghề kim hoàn, nghề khảm xà cừ, nghề làm nhang, làm đồ hàng mã… khá phát triển ở mỗi thôn xóm của Đập Đá tạo nên sự đa dạng ngành nghề thủ công và việc buôn bán sầm uất.
Đập Đá là nơi xưa kia anh Hai Trầu Nguyễn Nhạc thường xuôi ngược sông Kôn từ Tây Sơn Thượng đạo xuống, chở theo trầu cau mua bán, đổi chác hàng hóa ở đây nhưng cũng là để thăm dò dân tình, chuẩn bị tổ chức lực lượng cho cuộc khởi nghĩa. Đây chính là quê hương của ông "Chảng Ngang Thiên" Đinh Văn Nhưng, một trong những thầy dạy võ, người đỡ đầu anh em Tây Sơn.
Đập Đá nổi tiếng từ lâu đời nên đã đi vào ca dao:
Em về Đập đá quê cha
Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng
... Anh về Đập Đá đưa đò
Trước đưa quan khách, sau dò ý em
…Anh về Đập Đá, Gò Găng
Cùng em kéo sợi dưới trăng chung tình…
Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Bình Định, internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét