Một tháng hai lần, phiên chợ trở thành hoạt động giao thương đáng kể nhất tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).
Thắm tình hữu nghị
Huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) có khoảng 190km đường giáp biên với nước bạn Lào. Trong mấy chục năm qua, để tăng cường giao lưu, hợp tác giữa hai nước, chính quyền địa phương nơi đây đã ban hành nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người dân hai nước có cơ hội thường xuyên gặp gỡ và tiến hành các hoạt động giao thương. Và từ nhu cầu của người dân hai nước, chợ biên giới ra đời, thu hút hàng chục ngàn người tham gia mỗi khi có phiên chợ.
Mờ sáng, con đường dốc cao ngút dẫn tới cửa khẩu Nậm Cắn đã tấp nập người. Già có, trẻ có, nam thanh nữ tú có, họ đi bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng chủ yếu là cuốc bộ với đầy đủ hàng hóa để tham gia buôn bán tại phiên chợ biên giới ở cửa khấu Nậm Cắn.
< Buôn bán trong chợ có cả người Việt Nam lẫn người Lào
Chị Nguyễn Thị Loan, nhà ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn cho biết, ở vùng đất này, chẳng ai là không biết đến chợ biên giới cả. Một tháng, chợ họp hai lần vào các ngày 14 và 29 dương lịch và thu hút rất nhiều người tham gia.
Phiên chợ này rất đặc biệt và ai cũng muốn tham gia bởi đến đây người dân có nhu cầu mua từ cái kim may đến con trâu to đều được đáp ứng hết. Chợ có đầy đủ các hàng hóa và đi kèm với rất nhiều nghi lễ và phong cách ẩm thực hết sức độc đáo. Ngoài hoạt động giao thương, người ta còn xem phiên chợ như ngày hội, nơi người ta có thể được thỏa mãn về những giá trị tinh thần.
Miền Tây Nghệ An rộng lớn là thế nhưng nói về chợ biên giới ở Nậm Cắn, chẳng ai là không biết. Một cán bộ huyện ủy Kỳ Sơn cho biết, ở những nơi xa xôi như xã Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), cách cửa khẩu Nậm Cắn tới gần 100km nhưng nhiều người thậm chí đã đi bộ cả ngày trời để được đến tham dự chợ biên giới. Các tiểu thương ở thị trấn Mường Xén cũng cho biết thêm, cứ ngày nào trúng vào phiên chợ biên giới là y như rằng, thị trấn vắng tanh, người ta dồn hàng hóa để tập trung về phiên chợ này cả.
< Đồng bào dân tộc thiểu số xã Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cũng tranh thủ sang mua bán vào dịp chợ hiếm hoi này.
Phía bên kia, người dân bản Noọng Hét cũng háo hức không kém. Một bản ở Lào tương đương bằng một huyện ở Việt Nam nên số người tham gia phiên chợ này cũng rất đông. Ngay từ đầu tháng, các sản phẩm từ nông nghiệp đều được họ cất dành để chờ đến ngày 14 đem đi chợ với mục đích giao thương.
Từ trong ý thức, người dân Việt Nam và Lào ở khu vực xung quanh cửa khẩu Nậm Cắn đã xem chợ biên giới như một hoạt động thắm tình ngoại giao và họ đã chuẩn bị rất nhiều, từ tinh thần cho đến các sản phẩm tự tay họ làm ra để giao lưu, buôn bán tăng thêm tình đoàn kết giữa hai nước anh em.
Độc đáo "chợ rượu"
Chợ biên giới ở Nậm Cắn có đầy đủ mọi hàng hóa và cách thức giao thương nhưng trong số này, hoạt động buôn bán, trao đổi và thưởng thức rượu là độc đáo và gây sự chú ý nhất. Được biết, người dân nơi đây 100% sống với núi rừng nên họ có thể chế ra hàng trăm loại rượu khác nhau. Nếu đến với chợ biên giới này, mọi người có thể được chứng kiến rượu được bày bán từ đầu đến cuối chợ với đủ chủng loại.
< Đây cũng là dịp cho cánh mày râu hai nước gặp nhau cụng ly và không ít người đã gục ngay tại quán.
Hoạt động buôn bán và thưởng thức rượu là hoạt động chính nên người ta thường gọi phiên chợ biên giới này là chợ rượu. Thực tế, nếu mục sở thị mới thấy, các hoạt động liên quan đến rượu ở đây thực sự độc đáo và gây chú ý lớn. Theo đó, người ta đem đến chợ các loại rượu được ngâm với đủ thứ đặc sản từ rừng hoặc sản phẩm của sản xuất nông nghiệp. Trong đó, rượu Lào được chú ý hơn cả vì nó được chiết khấu từ nhiều thành phần mà chỉ đất Lào mới có thể trồng và thu hoạch được.
Các đại gia hoặc những cơ sở kinh doanh lớn rất thích đến với phiên chợ này vì họ có thể mua được nhiều loại rượu giá trị nhưng giá cả phải chăng. Tuy nhiên, nét độc đáo của chợ rượu không đơn thuần nằm ở mặt giao thương, mà hình thức trao đổi và sử dụng ngay tại chỗ mới gây chú ý lớn. Theo đó, màn nếm rượu cũng là cả những câu chuyện rất thú vị.
Bên cạnh những can rượu dùng để bán, người ta đặt sẵn một cái chén lớn. Người mua có thể dùng nó để nếm hoặc nâng ly chúc mừng người bán mà không hề mất tiền. Hoặc giữa những người bán rượu với nhau, sau màn nếm thấy ưng ý, họ có thể tiền hành trao đổi rượu với nhau để đem về thưởng thức.
Ở chợ biên giới có món gà đen được người Việt làm ngon nổi tiếng. Loại thực phẩm này được làm chín và nếu uống với rượu Lào thì không gì bằng. Chẳng thế mà giữa những người bán rượu và bán gà đen thường hay làm một cái kèo và nhâm nhi vào cuối buổi chợ. Theo đó, họ sẽ góp gạo thổi cơm chung khi một bên cung cấp rượu, bên kia là gà đen và chọn một góc nào đó ở chợ nhâm nhi cho đến khi trời chập tối, chợ tàn.
Nhiều người đến chợ để bán con gà, con lợn, mua vài thứ lương thực về ăn cả tuần. Tuy nhiên, trước khi rời chợ, như một thói quen, họ thường tìm đến khu vực bán rượu và gà đen để thưởng thức. Chẳng thể mà người dân huyện Kỳ Sơn và bản Noọng Hét thường bảo nhau, đi chợ biên giới mà không uống rượu Lào, ăn gà đen thì coi như chưa đi chợ.
< Mua hàng ở đây bạn có thể thành toán bằng tiền Việt Nam ...
Chị Xồng Ni Tính, trú tại xã Huội Tụ, cách chợ biên giới khoảng 60km cho biết: "Cứ đến phiên chợ là tôi dậy sớm lắm, đánh xe máy vượt qua nhiều ngọn đồi để đến với chợ biên giới. Thực ra, đến cũng chẳng buôn bán gì nhưng từ bao năm nay, nó đã trở thành thói quen rồi. Đến để uống chén rượu, ăn vài miếng gà đen, thể là vui lắm rồi".
Chợ sôi nổi nhất là vào giữa buổi chiều, khi hoạt động giao thương gần như đã kết thúc. Trước khi ra về, các địa điểm buôn bán rượu và ăn uống trở nên rất sôi nổi. Người bán rượu và hàng ăn quan niệm rằng, bán không hết phải đem về là làm ăn không son nên cuối buổi chợ là phải bán tháo hết. Nếu không có ai mua thì cũng phải mời cho được khách đi chợ uống hết. Thành ra, cứ sau buổi chợ là những màn chúc tụng và tạm biệt giữa người dân hai nước, hẹn gặp lại vào phiên chợ tiếp theo.
Nồng nàn tình người biên giới
< ... hoặc tiền Lào đều được.
Anh Nguyễn Sỹ Nam, Chi cục trưởng chi cục kiểm lâm cửa khẩu Nậm Cắn cho biết, chợ thương mại là hoạt động giao thương đáng kể nhất tại cửa khẩu Nậm Cắn. Cứ đến ngày phiên chợ họp, nơi đây như ngày hội với sự tham gia của hàng ngàn người. Ngoài giá trị về mặt giao lưu, phát triển kinh tế thì chợ biên giới này còn có những hoạt động kém theo mang đậm tính văn hóa, thắt chặt tình đoàn kết giữa hai nước anh em Việt - Lào.
Nhiều cán bộ hải quan ở đây kể rằng, cứ sau mỗi phiên chợ, người dân trở về với khuôn mặt đầy háo hức. Ngoài việc bán và mua được những thứ mình cần, thì với văn hóa giao lưu có ngay ở trong chợ, người dân cũng cảm nhận được rất nhiều niềm vui. Không dễ để được uống rượu Lào và gà đen nên chợ biên giới là nơi lý tưởng để họ thỏa thích với gu ẩm thực của mình. Thành ra, có người dù phải đi bộ hàng chục km để đến với chợ, nhưng hầu như không có phiên nào chợ họp mà họ vắng mặt cả.
Cứ như vậy, đến ngày có chợ, hầu như các hoạt động ở những địa phương vùng giáp biên này đều ngưng lại, người ta kéo về chợ biên giới với những mục đích khác nhau. Nhìn hình ảnh những cụ già chống gậy đến chợ, hay trẻ con nheo nhóc bước theo đến chợ biên giới có thể phần nào hiểu được giá trị về tinh thần của những phiên chợ thế này đối với đời sống của người dân nơi đây.
Hoạt động giao thương diễn ra thường xuyên nên dù là chợ của người Việt và Lào nhưng không hề có bất đồng ngôn ngữ. Người Việt học tiếng Lào để giao thương và ngược lại, khiến cho phiên chợ diễn ra càng thêm đầm ấm. Đó thực sự là những điều giá trị mà không phải vùng giáp biên giới nào cũng có được.
Du lịch, GO! - Theo Trần Tâm - Hà Hằng (Nguoiduatin), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét