Lễ hội Dinh Thầy Thím năm nay được tổ chức từ ngày 27 đến 29-10-2012, tại thị xã La Gi, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận nhằm tôn vinh hai vợ chồng được người dân gọi là Thầy và Thím, đã có công chữa bệnh cho dân nghèo.
< Lễ hội Dinh Thầy Thím.
Dinh Thầy Thím đã được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và lễ hội Dinh Thầy Thím là một trong những họat động văn hóa du lịch lớn của tỉnh Bình Thuận.
Phần Nghi lễ vẫn tiến hành theo nghi thức truyền thống như Lễ Nghinh thần; Lễ Nhập điện; Lễ Dâng hương ; đọc Kim sách ghi nhận công lao và đạo đức của Thầy Thím. Tổ chức diễu hành xe hoa do các Chi Hội thuộc Hội Tam Quí thực hiện.
Phần Hội, ngoài việc biểu diễn Lân, Sư, Rồng, để tạo điều kiện cho du khách đến tham quan giải trí, còn có các chương trình ca múa nhạc:
- 20g ngày 27/10/2012 do CLB Tạp kỷ Nhà Văn hóa Thanh Niên thành phố HCM biễu diễn.
- 20g ngày 28/10/2012 sẽ diễn trích đoạn Vở cải lương Sự tích Thầy Thím của soạn giả Thái Phụ do CLB Cải lương thành phố HCM biểu diễn .
- 20g ngày 29/10/2012 sẽ diễn toàn bộ vở cải lương 'Sự tích Thầy Thím' của soạn giả Thái Phụ do CLB Cải lương thành phố HCM biểu diễn
Các hoạt động TDTT do Trung tâm VHTT, UBND xã Tân Tiến và Thị Đoàn La Gi cùng Hội LHPN tổ chức bao gồm : Thi đấu cờ người, Thi leo vượt Dốc Ông Bằng, Thi Gánh cá, Thi Đan lưới...
Nhằm quảng bá hình ảnh Lễ Hội cho du khách gần xa, năm nay BQL Dinh Thầy Thím đã hợp đồng với Đài PTTH Tỉnh Bình Thuận sẽ truyền hình trực tiếp trên sóng của BTV từ lúc 20g đến 21g ngày 29/10/2012 ( nhằm 15/9 âm lịch ).
Đôi nét về lễ hội:
Lễ hội Dinh Thầy Thím là một trong những họat động văn hóa du lịch lớn của Tỉnh Bình Thuận.
Tích xưa kể rằng: vào đời Gia Long thứ 2, tại Quảng Nam có một đạo sĩ có phép thuật cao cường, giàu lòng nhân ái. Ông cầu mưa cho dân, dời đình từ làng bên qua làng mình. Chính vì tội trộm đình mà ông bị vua phạt xử treo cổ, tuy nhiên khi ông cầm tấm lụa đào múa thì tấm lụa bỗng biến thành con rồng, đưa vợ chồng ông đến vùng đất Tam Tân (nay là xã Tân Tiến, thị xã La Gi), Bình Thuận. Ở đây, ông làm nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người…
Chính vì thế mà người dân gọi vợ chồng ông là Thầy – Thím. Người ta nói Thầy có phép “Sái đậu thành binh” tức gieo đậu thành binh lính, khi đóng thuyền, mọi người nghe tiếng chặt cây, đục đẽo cả ngày nhưng đến nơi thì chỉ thấy một mình Thầy mà không thấy ai phụ giúp cả. Dân gian kể nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt kẻ lái buôn gạo bắt chẹt dân, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió lớn, chữa được nhiều bệnh nguy nan, Thầy còn cảm hóa được cả thú rừng hung dữ…
Đến lúc Thầy – Thím mất, mọi người biết được thì thấy hai ngôi mộ đã được thú dữ đắp rồi và cứ đến ngày mùng 5 tháng giêng lại có đôi bạch, hắc hổ đến tảo mộ. Tỏ lòng nhớ ơn công đức của Thầy – Thím, bà con nơi đây chung sức lập đền thờ.
Rằm tháng 9 âm lịch hàng năm tổ chức Lễ tế thu Thầy – Thím cho đến nay đã trên 100 năm. Sau khi Thầy – Thím mất, vào năm 1906 vua Thành Thái biết được những nghĩa cử cao đẹp của Thầy – Thím nên đã xét lại án trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là Chí đức tiên sinh, chí đức nương nương tôn thần..
Vào hai ngày lễ lớn hàng năm ở Dinh Thầy - Thím (lễ tảo mộ mùng 5 tháng giêng âm lịch và lễ Tế Thu vào ngày 14 và 15 tháng 9 âm lịch, nhiều sinh hoạt văn hóa sôi nổi thu hút khách thập phương đổ về: chèo bả trạo, diễn xướng tích thầy, biểu diễn võ thuật, lân múa thi tài, phóng sinh thả chim về rừng, rước xe hoa trang trí theo những truyền thuyết về cuộc đời thầy - thím quanh đường làng Tam Tân, nơi xưa kia hai người sinh sống, lao động và cứu giúp dân làng...
Những ngày lễ tế hàng năm ở ngôi dinh cổ kính ấy đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa lớn của La Gi, thu hút vài trăm ngàn khách du lịch bốn phương dự hội trong dịp lễ.
Du lịch, GO! - Tổng hợp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét