Từ trực thăng, vệ tinh hay tìm kiếm trên trang Google Earth, lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở trung tâm Trường Sa lớn, nổi bật giữa mênh mang đại dương và màu xanh trù phú của cây cối trên đảo.
< Lá cờ bằng gốm khổng lồ tại Trường Sa.
Đài tiếng nói Việt Nam đã chính thức công bố những hình ảnh quý giá chụp từ trực thăng lá quốc kỳ bằng gốm khổng lồ trên đảo Trường Sa lớn vào tối 2.9 trong chương trình truyền hình trực tiếp Trường Sa – Biển đảo Việt Nam mến yêu trên VTV1, hệ phát thanh có hình VOVTV.
Từ trực thăng, vệ tinh hay tìm kiếm trên trang Google Earth (phải chờ họ cập nhật ảnh vệ tinh), lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở trung tâm Trường Sa lớn, nổi bật giữa mênh mang đại dương và màu xanh trù phú của cây cối trên đảo.
Lá cờ bằng gốm trên mái nhà hội trường của đảo có kích thước 12,40m x 25m (diện tích 310m²) được ghép từ 310.000 viên gốm mosaic nhỏ, cỡ 3 x 3cm. Xung quanh đó có 4 bức tranh gốm hướng về phía đường băng trung tâm đảo thể hiện lịch sử lâu đời của dân tộc Việt Nam gắn bó với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, ca ngợi vẻ đẹp hiên ngang của người chiến sĩ hải quân nơi đầu sóng ngọn gió. Hai bức tranh phía sau là cảnh làng quê Việt Nam thân thuộc; một bức là hoa sen, hoa đào, hoa mai, gợi những hình ảnh thân quen hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của các chiến sĩ.
Theo Ban tổ chức, việc vận chuyển 310.000 viên gốm rất kỳ công. Gốm được sản xuất tại Hà Nội, xếp chồng lên nhau, được đóng gói kỹ trong các bao ni lông và thùng gỗ. Các tác phẩm gốm phải vượt gần 2.000km đường bộ sau đó tập kết tại hai điểm lớn là Cam Ranh và Cát Lái trước khi xếp lên tàu ra đảo. 94 kiện với hàng trăm tấm gốm đã được ghép công phu từ Hà Nội được đưa dần ra đảo trên 5 chuyến tàu hải quân.
Những người thực hiện lá cờ này đã nghiên cứu về độ bền của men gốm khi tiếp xúc với muối biển qua các cuộc khai quật khảo cổ những con tàu đắm ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Hòn Cau (Vũng Tàu), Hòn Dầm (Kiên Giang), Bình Thuận. Sau nhiều thể nghiệm, gốm phủ men nặng lửa màu đỏ tươi sẽ đảm bảo chịu được mưa nắng ngoài trời, độ mặn của muối biển và không bị bay màu. Họ cũng sử dụng loại xi măng chịu mặn của Bộ Quốc phòng để có được độ bền tốt nhất. Lá cờ cũng được sử dụng như một bề mặt thu nước mưa khổng lồ góp phần tích trữ nước ngọt trên đảo.
< Lá cờ gốm trên đảo Trường Sa và họa sĩ Nguyễn Thu Thủy (ảnh nhỏ góc phải).
Lá cờ Tổ quốc gắn gốm được đặt trên nóc Hội trường trung tâm đảo. Để đưa được lá cờ lên đó, đã phải dỡ phần mái tôn - mái cũ của đảo, xây dựng mái mới bằng bê tông cốt thép với một mái vát chéo. Khác với các bức tranh gốm khác được thực hiện theo chiều thẳng đứng, lá cờ thiết kế theo không gian thứ 5, dành cho không gian công nghệ số, rất tiện lợi về phần hình ảnh khi tìm trên Google map và Google Earth.
Ngay sau khi khánh thành, Lá cờ Tổ quốc chất liệu gốm tại đảo Trường Sa Lớn đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam, xác nhận là “Lá cờ Tổ quốc Việt Nam bằng chất liệu gốm lớn nhất”. Thượng tá Đinh Văn Hải, Đảo trưởng đảo Trường Sa nhận xét: Công trình này là một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, phản ánh được hồn dân tộc Việt nơi đảo xa, lá cờ này cùng với cột mốc, giúp đồng bào, đồng chí trong đất liền, kiều bào ở nước ngoài, xa hơn nữa giúp các nước trên thế giới hiểu đầy đủ hơn về nét văn hóa của người Việt Nam cùng chủ quyền biển đảo của Việt Nam là bất khả xâm phạm”.
Du lịch, GO! - Theo Datviet, AnninhThudo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét