Thứ Hai, 22 tháng 10, 2012

Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar (P4)

(Tiếp theo)
Tạm chưa ghé vịnh Vũng Rô (nơi gắn liền với chiến công huyền thoại của những con tàu không số), mình vẫn chạy thẳng đi Bãi Môn, Mũi Nậy. Đoạn này chạy cắt ngang qua khu rừng cấm phía Bắc đèo Cả là rừng Suối Trai và gò Thì Thùng, nơi ghi lại chứng tích chiến trường của nhân dân Phú Yên.

< Bắt đầu vào đoạn đường cắt ngang khu rừng cấm đèo Cả.

Rừng cấm Bắc đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam và Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, cách thành phố Tuy Hòa khoảng 30km về phía Nam. Đây được coi là điểm du lịch sinh thái và leo núi lý tưởng của tỉnh Phú Yên.

< Đường Phước Tân - Bãi Ngà có vài đoạn hư hỏng nhưng đều được vá cẩn thận.

Khu rừng cấm Bắc đèo Cả có hệ động thực vật phong phú. Theo thống kê của ngành Kiểm lâm, khu rừng cấm Bắc Đèo Cả với diện tích tự nhiên khoảng 8.780ha đang bảo tồn hàng trăm loài động thực vật, trong đó có những loài đặc hữu và quí hiếm.


< Mép trái được vá có màu đậm hơn nhưng vẫn láng o, hai bên rừng núi bạt ngàn.

Rừng có những cây gỗ quý và đặc trưng như chò, trâm, dẻ, cà ná, cẩm, thị. Động vật có các loài thú như trĩ sao, khỉ mặt đỏ, gấu ngựa, gấu chó, tê tê, báo hoa, nhím, khỉ, sóc và nhiều loài chim.

Nằm trong địa phận rừng cấm Bắc đèo Cả còn có ngọn núi Đá Bia cao 706m, là địa điểm khá lý tưởng cho loại hình du lịch thể thao leo núi.

Du khách có thể leo lên đỉnh núi Đá Bia theo lối mòn dài khoảng 2,2km. Từ trên đỉnh núi, du khách sẽ nhìn thấy toàn cảnh vùng đất Phú Yên như một bức tranh sơn thủy đầy màu sắc với những đồng lúa trải dài miên man, những cánh rừng, eo biển, vịnh, đảo xanh ngút ngàn tầm mắt.

< Sắp đến bãi Môn rồi, phía xa xa là con đường lên đèn biển Đại Lãnh (lúc này mình chắc là đoán vậy).

Với tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu trong lành, mát mẻ, khu rừng cấm Bắc đèo Cả đang ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng ngoạn.
< Gặp ngã 3, bọn mình rẽ phải vào Bãi Môn.

Phú Yên còn có danh thắng Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh thuộc địa phận thôn Đồng Bé, xã Hoà Tâm, huyện Đông Hoà, tỉnh Phú Yên), cách thành phố Tuy Hoà (Phú Yên) khoảng 35km về phía đông nam.
Đây là nơi hội tụ nhiều nét đẹp của thiên nhiên với rừng, biển, suối và núi đồi. Nơi đây còn có ngọn hải đăng tỏa sáng hàng đêm giúp tàu thuyền qua lại trên biển và vào vịnh Vũng Rô.


< Trước kia, bên trái có chái nhà của ông Mười. Ông giữ xe và là quán ăn cho những khách lên hải đăng hay ra tắm biển. Nay thì chái nhà trên tan tác rồi, ông dựng căn mới kiên cố hơn bên phải và vẫn kinh doanh như cũ.
Có một chiếc tắc xi đậu mé trái cùng tài xế, có lẽ chở khách lên tham quan hải đăng Mũi Điện.

< Cầu mũi Điện với chiều rộng 2m4 vừa được xây dựng cùng con đường xi măng dẫn lên hải đăng và mũi 'cực Đông' cũ (lúc người ta chưa so sánh với Mũi Đôi - điểm cực chính xác bây giờ). Cầu và đường giúp khách tham quan thuận tiện hơn với giá 10k/người.

Cầu có cây ngáng ngang, có khóa - tránh cho các xe chạy thẳng vào. Phía dốc trên vừa là đường (chắc dành cho nhân viên hải đăng), còn hai mép bên là bậc thang bộ hành.

< Định đẩy xe vào nhà ông Mười để gửi nhưng 'nửa kia' không ưng. Theo ý kiến nhiều người đi trước: có khen lẫn chê... nhưng lời phê phán mà mình nhớ nhất là vụ một đoàn đến nơi, gởi xe, đặt bữa và theo lối mòn lên hải đăng. Ông liền kêu con đi theo, đến khi nhóm bạn này về thì tính cả tiền 'dẫn đường' và linh tinh nhiều thứ khác...
Vứt xe đại ở đó thì không ngại mất xế, chỉ ngại... 'khủng bố' và 'bốc hơi' bộ vá - ống bơm đạp (do sẽ có người 'không ưa)Vậy thì một mình đi vô trong, hướng về phía biển.

< Đoạn đường láng nhựa vào được tầm trăm mét thì mất tăm...

Du khách có thể đến Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh bằng hai cách: Từ thành phố Tuy Hòa, theo quốc lộ 1A khoảng 23km về phía đông nam hoặc từ thành phố Nha Trang, theo quốc lộ 1A khoảng 100km về phía đông bắc, du khách sẽ tới lưng chừng đèo Cả...
< Thì ra con đường nhựa rộng lớn bị lở mất sạch: thiên nhiên thật dữ đội!

Tiếp tục theo con đường Phước Tân – bãi Ngà và xuyên qua những rừng dừa bạt ngàn khoảng 12km, sẽ đến Mũi Đại Lãnh. Mũi Đại Lãnh được tạo ra nhờ dãy núi Đại Lãnh – một nhánh của dãy Trường Sơn, đâm ra biển Đông.
< Mình đi theo dòng suối nước ngọt gợn sóng lăng tăng chảy thẳng ra biển. Con suối này bắt nguồn từ rừng cấm đèo Cả, nước trong veo... chảy êm đềm.

< Dòng nước vặn vẹo uốn khúc lúc to lúc bé, điểm xuyến với các bờ cỏ xanh rì...

Mũi Đại Lãnh do một tướng người Pháp tên là Varella phát hiện ra vào cuối thế kỷ 19. Varella đã nhận thấy vai trò quan trọng của Mũi Đại Lãnh trên hải đồ quốc tế. Chính vì vậy, trên bản đồ cũ nó được gọi là Cap Varella (Mũi Varella). Điểm đặc biệt của Mũi Đại Lãnh là trông nó như một ngọn núi lại như một hòn đảo vì có một con suối nước ngọt tách nó ra khỏi đất liền nhưng thực chất nó lại liền đất liền.
< Có lẽ sau khi vùng vẫy dưới biển, du khách có thể tắm lại nước ngọt tại nơi đây để giũ bỏ vị mặn. Vậy nhưng mình cho rằng biển bãi Môn sẽ lợ chứ không quá mặn do hòa trộn một phần nước ngọt rồi.

< Và biển bãi Môn đây, trên đỉnh núi đá nhô ra biển là hải đăng Đại Lãnh.

Phong cảnh ở núi Đại Lãnh từ xưa đã được liệt vào hàng những danh lam thắng cảnh đẹp của Việt Nam.

Năm 1836, vua Minh Mạng đã cho thể hiện hình tượng núi Đại Lãnh vào Tuyên đỉnh – một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong đại nội Kinh thành Huế (Thừa Thiên – Huế). Năm 1853, dưới triều vua Tự Đức, Đại Lãnh có tên trong từ điển quốc gia do triều đình biên soạn.
< Còn đây là phía trái bãi biển: bãi cát vàng sáng, sạch và lài - một chốn vùng vẫy thật lý tưởng.
Trên vách núi còn dấu tích các vạt đá: đây là do xe ủi dọn đá lở từ núi trong mùa mưa bão vừa qua.

Người dân địa phương còn gọi Mũi Đại Lãnh là Mũi Điện, vì trên đỉnh có ngọn hải đăng cao khoảng 26m, ở độ cao hơn 100m so với mặt nước biển và có thể phát tín hiệu ánh sáng đi xa 27 hải lý.
< Biển vắng lặng, không bóng người ngoài mình cùng những dấu chân cũng của chính mình.
Tiếc là không có phương tiện gì liên lạc để gọi 'nửa kia' ra đây cùng ngắm sự thú vị của biển này.
À, hướng ra ngược gió nên cứ chúi đầu mà đi - bàn chân bạt ra chống chọi với gió: giờ trông lại những bước chân trông như lối bước kiểu chữ bát, thật xí, he he...

< Một mình giữa sóng biển giạt dào, mình bấm tấm ảnh nữa rồi xoay người trở vô. Phải chi cứ 'lỳ đòn' gửi xe, chắc hai đứa sẽ ở đây đến chập tối mới về.
Thiên nhiên đẹp quá!

Ngọn hải đăng có hình trụ tròn với đường kính trung bình gần 5m, bên trong trụ được lắp đặt 108 bậc cầu thang xoắn ốc bằng gỗ lên tận đỉnh. Đây là một trong 8 ngọn hải đăng có niên đại trên 100 năm trong tổng số 79 ngọn hải đăng đang hoạt động tại nước ta.
< Đường ra phẻ hơn do xuôi gió, vậy là chân bước nhanh...

Ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng vào năm 1890 với mục đích định hướng cho tàu thuyền hoạt động trên biển và vào vịnh Vũng Rô. Ngọn đèn biển hoạt động được 55 năm thì ngừng và đến năm 1961, nó được chính quyền Sài Gòn trước đây khôi phục hoạt động trở lại. Tuy nhiên, ngọn hải đăng hoạt động chưa được bao lâu thì phải tạm dừng bởi Mũi Đại Lãnh nằm trong khu vực căn cứ Miền Đông của cách mạng, là hành lang đón các con tàu không số...

< Mé núi, dòng suối nước ngọt vẫn lặng lờ chảy. Có tiếng kêu của loài vật nào đó cứ chiu chích trong kia...

Trên triền núi, thấp thoáng bóng con đường mới dẫn lên hải đăng - Năm trước thì đường này vẫn còn là lối mòn... và là một trong hai lối lên đỉnh.

< Mặt đường nhựa phía trên kia. Nhìn kỹ: thì ra con đường bị cuốn phăng do dòng lũ từ mé núi bên phải đổ xuống.

... Để ngăn chặn tuyến đường tiếp tế trên biển của cách mạng vào Vũng Rô, Mỹ đã ném bom dày đặc vào núi rừng khu vực vịnh Vũng Rô, phá hủy cả trạm hải đăng. Tháng 8/1996, Nhà nước đã cho sửa chữa, tu bổ và ngọn hải đăng chính thức hoạt động trở lại vào năm 1997.
< Mình trèo lên mặt đường và hướng trở ra phía ngoài. Nhiều đoạn, mặt nhựa đường bị cát cùng cỏ dại lấp đầy.

Dưới chân Mũi Đại Lãnh là Bãi Môn. Đây là một bãi biển vẫn còn khá hoang sơ, có hình vầng trăng khuyết với đường bờ biển dài khoảng 400m, độ dốc thoai thoải, cát trắng mịn, nước trong vắt như pha lê. Ở phía tây của Bãi Môn có một con suối nước ngọt. Sau khi len lỏi qua nhiều vách đá và khu rừng nguyên sinh Bắc Đèo Cả, con suối này chảy ngang qua bãi tắm rồi đổ ra đại dương mênh mông.

< Gác chắn ngang: cái này chắc chắn "Made in ông Mười". Có vẻ như đây là 'vùng đất của ông', nếu không chặn lại - xe cứ chạy ra tận bãi biển thì khoản thu nhập từ việc giữ xe và linh tinh lặt vặt khác sẽ... thất thu?

Mình không thích cái chuyện ép buộc này, biển không là tài sản riêng của ai cả, biển là tài sản của tổ quốc và nhân dân!

< Một đôi lúc trời chuyển mây đen vẫn vũ, vậy nhưng không có mưa. Đây là điều may mắn.

Sự phối hợp tinh tế giữa thiên nhiên và con người tại Mũi Đại Lãnh – Bãi Môn đã tạo nên một quần thể danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp được nhiều tạp chí trong nước và quốc tế biết đến, thực sự là tài sản quý giá của tỉnh Phú Yên.
< 'Nửa kia' vẫn chờ bên đầu cầu tựa như 'hòn vọng phu'. Chiều về nhanh, bóng nắng đã sắp khuất sau các triền núi.
Chuẩn bị về thì thấy người đàn ông chở con chạy vào (có lẽ người địa phương). Anh ta cua sát mép rìa chắn 'Made in ông Mười' và chạy tít vô trong, hướng biển. Vậy là sau này: mình cũng sẽ như vậy chứ không gửi xe nếu không cần thiết. Không tiếc ít tiền: mớ quà bà xã mang theo tặng trẻ em dân tộc còn đáng giá hơn mấy chục lần phần tiền gởi xe nhưng chi phải xác đáng.

Bọn mình lên xe, chạy trở ra ngã 3 rồi chạy tiếp con đường ven biển.
Khúc này, nhìn xuống phía dưới thấy cây cầu Mũi Điện và con đường dẫn lên hải đăng men theo triền núi.

< Chạy ngang qua một công trình gì đó, nơi người ta đang bạt núi tạo mặt bằng.

< Nhìn xuống thấy bãi Môn, xa hơn - trên đỉnh đồi là ngọn hải đăng Đại Lãnh cao vút. Mờ mờ ảo ảo cảnh vật từ xa trông như một lớp sương mù mỏng, mùa này như vậy đấy.

Tháng 8/2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Quyết định số 67/2008/QĐ-BVHTTDL, xếp hạng danh lam thắng cảnh Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh (Mũi Điện) là di tích cấp Quốc gia.
< Bà xã chộp đây, xem ra còn đẹp hơn ảnh của mình dù màu kém hơn. 
Bãi Môn đẹp, đẹp như chốn thần tiên. Chỉ giảm điểm đôi chút do có người 'cát cứ', thế thôi.

< Chiếc xe vạn dặm với baga phía sau chứa đồ sửa xe và cái bơm đạp... dành cho những tình huống bất ngờ.

Du khách đến với Bãi Môn – Mũi Đại Lãnh, không chỉ được tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, tham gia các trò chơi trên biển mà còn được thưởng thức các món hải sản biển như: tôm, cua, cá, mực, hàu…

< Rất nhiều đoạn, vách núi vẫn còn tàn tích của những lần đá lở chắn ngang đường. Bạn nhìn thanh sắt bảo vệ xe bên taluy dương nhiều chỗ bẹp dúm vì đá lăn từ núi. Vách trái nham nhở, đá lăn một phát là 'phượt cũng tèo'.

< Ngắm nghía cho thỏa rồi lại đi, thích nhất cái nước biển một màu xanh ngọc mê hoặc. Đây cũng là chổ mà người ta ủi đá lở lấp đường khi sạt lở.

Đặc biệt, du khách sẽ có dịp cùng những ngư dân đi săn cá chình biển – một loài cá biển rất ngon mà người dân nơi đây vẫn thường gọi là loài “thuồng luồng đại dương” và tận hưởng hai dòng nước mát ngọt – mặn đan xen.
< Chạy một khoảng rồi lại dừng, bạn biết nơi này không? Đây là Mũi Nậy: điểm cuối cùng còn nhìn thấy thấp thoáng bãi Môn.
Chốn ni cũng có bãi đậu xe khá rộng nhưng chỉ có bọn mình - Một mình một cõi...

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét