Ngày 23-10, ông Nguyễn Trí Tuân - phó chủ tịch UBND huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) - cho biết huyện đang tổ chức lực lượng để vào rừng kiểm tra, vận động người tìm trầm ra khỏi khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Theo ông Tuân, hiện còn ba “ông bầu” của các nhóm săn trầm và khoảng mười “phu trầm” lảng vảng ở khu vực chân đèo lên Hòn Bà.
Theo ông Lê Phương - hạt phó phụ trách Hạt kiểm lâm Hòn Bà, đêm 14 rạng sáng 15-10, hơn 100 người quê ở tỉnh Quảng Nam và huyện Vạn Ninh (tỉnh Khánh Hòa) đã đi xe máy đến tập trung ở khu vực thôn Suối Cau 2 (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm), dự định vượt đèo để lên khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà tìm trầm. “Chúng tôi tìm hiểu thì họ cho biết nghe đồn có người trúng trầm ở Hòn Bà nên tìm đến” - ông Phương cho biết.
Ngay sau đó, Công an huyện Cam Lâm và lực lượng kiểm lâm đã tăng cường đến khu vực này, phối hợp cùng chính quyền xã Suối Cát vận động những người tìm trầm rời khỏi khu vực tập trung.
Ông Hà Văn Xuân, công an viên xã Suối Cát phụ trách thôn Suối Lau 2, cho biết những người tìm trầm không đi ngay mà treo võng bên đường 1-2 ngày sau mới chịu về. Ông này nói số lượng người có thể lên đến 200.
Ông Lê Phương cho biết thêm kể từ ngày 15-10 đến nay, hằng ngày vẫn có các nhóm tìm trầm cố tìm cách lên Hòn Bà. Kiểm lâm và Công an huyện Cam Lâm đã tăng cường lực lượng trực 24/24 giờ tại năm chốt chặn trên đường độc đạo lên khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà hơn một tuần qua.
“Họ giả dạng dân làm rẫy, thuê người dân địa phương dẫn đường; có nhóm từ Quảng Nam vào còn đi ôtô giả người đi du lịch lên đỉnh Hòn Bà nhưng đều bị chúng tôi phát hiện và vận động trở về” - ông Phương cho biết.
Hòn Bà được bác sĩ A.Yersin khám phá năm 1863, nơi cao nhất cách mặt nước biển 1.578m, khí hậu được ví như “Đà Lạt thứ hai” và chính vị bác sĩ người Pháp này từng xây dựng một khu nghiên cứu dược phẩm tại đây. Khu bảo tồn thiên nhiên này được thành lập vào cuối năm 2005, rộng 19.000ha, với mục tiêu quan trọng nhất là bảo tồn hệ sinh thái rừng nhiệt đới và á nhiệt đới với các nguồn gen động thực vật quý hiếm.
Du lịch, GO! - Theo Duy Thanh, Văn Kỳ (TTO)
Phu trầm đe dọa khu bảo tồn
Ngày 23-10, lực lượng kiểm lâm và Công an huyện Cam Lâm - Khánh Hòa bắt đầu tổ chức tìm kiếm, truy quét những người tìm trầm xâm nhập trái phép Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà.
Theo ông Lê Phương, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòn Bà thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, đêm 14 rạng sáng 15-10, hơn 100 người tìm trầm kỳ (thường gọi là phu trầm) từ Quảng Nam và huyện Vạn Ninh - Khánh Hòa đã rầm rộ kéo đến thôn Suối Lau 2, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm định vượt đèo lên khu bảo tồn. Lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, báo cáo lên UBND huyện Cam Lâm và Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa.
Trong khi đó, ông Hà Văn Xuân, Công an xã Suối Cát, cho biết vài ngày trước đây, khoảng 200 người từ địa phương khác đã đi xe máy đến thôn Suối Lau 2, khu vực giáp ranh với Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, mắc võng dọc đường nằm chờ cơ hội vượt đèo lên tìm trầm kỳ. “Sở dĩ phu trầm kéo về đây vì có tin đồn một số người tìm được kỳ nam ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà. Tuy nhiên, đó chỉ là tin đồn thất thiệt” - ông Xuân nhận định.
Trao đổi với phóng viên về việc những người tìm trầm xâm hại như thế nào đối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, ông Lê Phương cho rằng khu vực này rừng rất rộng nên không dễ xác định được địa điểm các phu trầm hoạt động, cũng chưa khẳng định được có bao nhiêu người đã lọt vào đây. “Có thể phu trầm bằng nhiều cách khác nhau đã vào được khu bảo tồn để tìm trầm kỳ. Nhiều người giả dạng dân du lịch đi ô tô, kết hợp với người địa phương để xâm nhập khu bảo tồn nhưng lực lượng kiểm lâm đã phát hiện, vận động ra về. Mới đây, một nhóm khoảng 10 người mang ba lô lỉnh kỉnh định vượt đèo vào khu bảo tồn nhưng đã bị lực lượng kiểm lâm phát hiện” - ông Phương cho biết.
Hiện nay, theo Công an xã Suối Cát, còn khoảng 3 “ông bầu” của các nhóm săn trầm kỳ và khoảng 10 phu trầm vẫn lảng vảng ở khu vực chân đèo lên Hòn Bà. Đến chiều 23-10, lực lượng chức năng vẫn đang tiến hành tuần tra khu bảo tồn, nếu phát hiện phu trầm sẽ đẩy đuổi, thu giữ các vật dụng đào tìm.
Theo bà Nguyễn Thị Thạnh, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm, để đối phó với những phu trầm có thể vượt đèo, xâm nhập bất hợp pháp Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, kiểm lâm và công an đã tăng cường lực lượng, lập thêm nhiều chốt để ngăn chặn. Huyện đã cho lập 4 trạm chốt chặn, mỗi trạm 6-8 người để kiểm soát tình hình.
Ông Trần Minh Thu, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Khánh Hòa, cho biết Khu Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà là rừng đặc dụng duy nhất ở Khánh Hòa với diện tích hơn 19.000 ha. Hệ động - thực vật ở đây rất đa dạng, phong phú, trong đó có 43 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam. “Những phu trầm xâm nhập, đào bới tìm trầm kỳ đã đe dọa xâm hại hệ sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên này. Do vậy, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phải thường xuyên tăng cường phối hợp kiểm tra, đẩy đuổi phu trầm” - ông Thu nói.
Theo Nguoilaodong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét