Biển dù bình yên hay nổi sóng, những con tàu vẫn hướng ra khơi…
Lần thứ hai trở lại Hoàng Sa cùng với những người ngư dân can đảm, phóng viên VTC14 mang theo những cảm xúc khó diễn tả thành lời. Gặp BTV Minh Hoàng trở về sau chuyến đi dài ngày, tưởng như những hình ảnh, những trải nghiệm vẫn còn tươi mới trong từng câu chữ…
1. Nhận được phân công của lãnh đạo Đài, biết mình có cơ hội quay trở lại Hoàng Sa một lần nữa, trong tôi đầy sự phấn khích. Đã không còn những lo âu như lần đầu ra biển cách đây 2 năm. Lần này, chúng tôi sẽ phải làm một bộ phim tài liệu đầy đủ hơn, mang tính thời sự hơn, chuyên nghiệp hơn.
Sát cánh bên tôi là đồng nghiệp- quay phim Đức Cường và lần này chúng tôi đã có thể mang máy quay chuyên dụng HD mà không cần phải dùng camera cá nhân để tác nghiệp như lần trước. Cũng có nghĩa, chúng tôi sẽ có cơ hội mang về những thước phim sinh động hơn, đẹp hơn về cuộc sống của những người ngư dân trên vùng biển Hoàng Sa.
Xác định chuyến đi sẽ kéo dài cả tháng trời, cả tôi và Cường đều chỉ thông báo với gia đình rằng chúng tôi đi công tác, chứ cũng không nói đi đâu. Đây là lần đầu tiên Đức Cường ra Hoàng Sa, trông vẻ ngơ ngác của cu cậu, tôi lại nhớ đến mình cách đây 2 năm. Cũng lo lắng hỏi kinh nghiệm đi biển của ngư dân và cũng nhận được câu trả lời gọn lỏn: Cứ đi khắc biết. Quả thật, những ngư dân đi biển thật giản đơn. Có lẽ, họ đã quen và cũng coi đó là một công việc hết sức bình thường. Cũng may, cả tôi và Cường đều không bị say sóng.
Lúc đi, tôi dặn Cường một số quy tắc an toàn trên biển. Ví dụ như khi tàu chạy cố gắng tránh không ra ngoài boong tàu, bởi tàu cá không có lan can như các tàu khách đi Trường Sa mà chỉ có một mặt phẳng rộng bằng tờ giấy A4 để có thể di chuyển dọc tàu. Một khi đã rơi xuống biển, không có mốc đánh dấu, mông mênh là nước không có nhà cửa hay cây cối đánh dấu thì kể cả có biết bơi cũng khó được cứu sống.
Chuyến đi này may mắn với tôi là có cơ hội được di chuyển qua nhiều tàu đánh cá trên biển nên có thêm nhiều câu chuyện. Với mỗi vị thuyền trưởng khác nhau làm cho con tàu cũng có tính cách khác nhau, những câu chuyện khác nhau làm phong phú hơn góc nhìn về cuộc sống của những ngư dân bám biển vươn khơi.
2. Chúng tôi lên con tàu đầu tiên: tàu đánh cá DNA 90369 khi thuyền trưởng và các thuyền viên đang chuẩn bị cho một chuyến ra khơi dài ngày. Những việc thiết yếu như lấy đá, đổ dầu đã thành nếp. Trước mỗi chuyến ra khơi, những ngư dân thường thay mới lá cờ tổ quốc treo trên mũi con tàu. Đạp qua mọi sóng gió, bão giông, khi đến ngư trường lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay, minh chứng cho chân lý “hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất/ Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”.
Tàu nhổ neo rời bến. Nghề đi biển, từ bao đời nay, vốn đã là hên xui nên ngư dân thường đặt niềm tin rất lớn vào yếu tố tâm linh. Gần đây, do làm ăn không thuận, nên anh Thành- thuyền trưởng của thuyền 90369 quyết định làm lễ trọng hơn, thành kính hơn. Lễ trọng để cầu cho biển êm, sóng lặng, làm ăn thuận lợi. Lễ trọng cũng để các đấng siêu nhiên giúp tàu anh tránh được cả những nhân tai ngoài khơi xa.
Trong những chuyến đi biển dài ngày, thời tiết đóng vai trò quan trọng. Hiện nay, các đài thông tin duyên hải đang hoạt động rất hiệu quả. Tầm phủ sóng cả biển Đông. Thông tin về thời tiết và an toàn hàng hải liên tục được cập nhật đến với các tàu. Ngày nay, dù đã có những thiết bị thông tin liên lạc hiện đại nhưng kinh nghiệm và sự nhạy cảm của người đi biển vẫn chiếm vai trò quyết định. Tàu chúng tôi nhận được tin bão từ xa. Mỗi khi gặp tình huống có bão như thế này thì sự an nguy của hàng chục người trên tàu sẽ phụ thuộc vào tính toán hướng di chuyển của người thuyền trưởng.
Lúc này, mặc dù bão vẫn còn khá xa, nhưng thuyền trưởng của 90369 vẫn quyết định bẻ lái về hướng Nam để tránh bão. Chạy bão là điều không một người đi biển nào mong muốn, nhưng trên biển Đông, nhất là tại ngư trường gần Hoàng Sa thì nó là một điều tất yếu của nghề biển vươn khơi. Tất cả các tàu cá của Việt Nam, chỉ có tốc độ 6-7 tối đa là 10 hải lý/giờ. Nhiều khi không nhanh bằng tốc độ di chuyển của bão.
Đã từng sống sót sau cơn bão Chanchu năm 2006, những thành viên trên con tàu hiểu lắm những cơn thịnh nộ và sự nguy hiểm của biển cả. Từ bao đời nay, nghề biển là dành cho những người đàn ông coi thường con sóng dữ. Biển hào phóng nhưng cũng vô cùng nghiệt ngã. Đã có nhiều người nằm lại với biển vì thiên tai, và nhiều khi chỉ vì chút bất cẩn.
Thời gian rảnh rỗi, chúng tôi cùng phụ giúp anh em trên tàu chuẩn bị cho các buổi đánh cá. Mọi người đang đan lưới và chuyện trò vui vẻ thì nghe đài báo vừa có một ngư dân bị rơi xuống biển và mất tích. Trên biển, những dòng thông báo này để lại một ấn tượng rất mạnh. Mọi người đột nhiên im lặng và thầm cầu cho ngư dân ấy gặp may mắn. Có điều, khoa học đã chứng minh kể cả khi không bị sóng vùi thì do mất nhiệt, con người cũng chỉ tồn tại trong thời gian hữu hạn tính bằng giờ đồng hồ.
Có lẽ để tiếp tục chinh phục và bảo vệ biển, đã đến lúc người ngư dân ra khơi không chỉ bằng kinh nghiệm và lòng quả cảm. Tính từ năm 1990, lượng tàu cá cả nước đã tăng hơn gấp 3 lần những phần lớn các tàu có công suất nhỏ, chủ yếu đánh cá trong lộng, gần bờ. Đội tàu xa bờ, dù đã được đầu tư tốt hơn những vẫn chỉ là tàu vỏ gỗ với công suất máy và thời gian hoạt động trên biển còn hạn chế.
Trên biển, ngư dân Việt phải gắng sức cạnh tranh với đội tàu cá của các nước lân cận được trang bị tàu sắt công suất lớn, hoạt động dài ngày. Cách đây 2 năm, tôi cũng đã từng lênh đênh trên biển với anh em thủy thủ trên tàu 90369, tại bãi đá ngầm Mác Lê Phiên chỉ 3 đêm lên đèn quây lưới đã thu được hơn 20 tấn cá. Nay, đã 3 ngày ra khơi, khoang cá vẫn trống rỗng. Chưa cần nói đến sự can thiệp của các tàu ngư chính, hải giám, chỉ riêng đội tàu cá hùng hậu hàng nghìn chiếc của Trung Quốc đã đủ khiến cho công việc làm ăn của ngư dân Việt Nam ở ngư trường giàu có này phải gián đoạn.
Trong chuyến đi lần này, thuyền 90369, do không có ngư trường cố định và phải tránh bão nên tàu liên tục cơ động, cách bờ hơn 200km. Những ngư dân dùng đèn cao áp để thu hút cá và thả lưới vây. Thường phải ở trong các rặng san hô, bãi đá ngầm thì ánh đèn mới mang lại hiệu quả. Còn lênh đênh trên biển sâu thế này, ngư dân đành áp dụng biện pháp ngó cây. Nếu trên biển có các vật trôi nổi như mảnh ván, thân cây lâu ngày sẽ là nơi tập trung của cá. Khi đó, chỉ cần đánh dấu vị trí bằng phao nổi, đến tảng sáng, khi cá tập trung đông nhất sẽ vây lưới. Nghề biển vốn đã hên xui, đây lại là phương pháp “cầu may” hơn cả. Có những khi gặp cây, vài mẻ lưới đã thu hoạch hàng chục tấn cá, nhưng cũng có những chuyến biển dài ngày, tàu vẫn về không.
Cuối cùng, sau 4 ngày lênh đênh, tàu chúng tôi cũng gặp cây. Giàn câu ngay lập tức được kéo ngang qua cây, thợ lặn nhảy xuống biển kiểm tra, phao nổi đã được thả. Dưới đó là một đàn cá ngừ lớn. Tàu quanh quẩn quanh phao, lưới được đem ra vá chắc chắn. Dù là những ngư dân kinh nghiệm nhưng mỗi lần gặp cây, hầu như ai cũng có tâm trạng hồi hộp và háo hức. Chỉ cần một mẻ lưới thôi tàu cũng có thể vào bờ, chuyến đi ngắn lại, thu nhập tăng lên. Vì kiêng cữ nên không ai nói ra nhưng tôi biết lúc này anh em trên tàu đều đang cùng khấn một điều: Mong “ông” thương, đừng phá, để con cháu làm ăn!
“Ông” ở đây là cá heo, vốn rất nhiều ở biển Đông. Với ngư dân, cá heo là vật thiêng, không bao giờ bắt. Có điều, nếu những người bạn này nhiệt tình bám theo tàu thì sẽ bất lợi cho việc đánh bắt. Cá heo kiếm mồi sẽ xua các loại cá khác tản mác.
Chân mây ửng hồng, cũng là lúc đánh cá. Tấm lưới dài 500m đã vây quanh phao nổi, chì đáy đã được rút để tạo thành túi lưới. Lúc này, tất cả cùng tập trung để kéo lưới. Thành quả lao động sau một hồi miệt mài là nửa tấn cá ngừ. Lúc này, có thể nói, mẻ lưới đã thất thu. Với nghề này, mẻ lưới phải từ 2 tấn cả trở lên mới gọi là “có ăn”. Những tưởng gặp cây là ăn may nhưng biển cũng có những quy luật khắc nghiệt. Lời thầm mong của anh em 90369 đã không được như ý. “Ông” đã vặt phá.
3. Sau một tuần lênh đênh cùng 90369, chúng tôi chuyển sang tàu cá khác để tiếp câu chuyện về nghề vươn khơi trên biển Đông. “Ngôi nhà mới” của chúng tôi là con tàu 90215. Cũng là một tàu cá của Đà Nẵng, chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa. Càng đi biển nhiều với ngư dân, chúng tôi mới thêm hiểu câu: Nghề đi biển là nghề hên xui. Cùng làm nghề lưới vây và ở thời điểm này cũng dùng cách ngó cây nhưng tàu 90215 dù mới đi biển vài ngày đã gần đầy hầm.
Mẻ lưới cuối cùng lại trúng đậm. Thợ lặn phải xuống để vớt cá tránh làm bục lưới. Quay phim Đức Cường đã phối hợp với thợ lặn để có thể ghi hình dưới nước. Những hình ảnh được quay lại ở độ sâu dưới 30m nước không chỉ khiến chúng tôi tò mò mà các ngư dân cũng rất phấn khích. Từng đám cá được lùa vào chiếc vợt lưới và kéo dần lên mặt nước. Đại dương bao la mở ra trước mắt quay phim và thợ lặn, hấp dẫn nhưng cũng đầy bí ẩn.
Không thể mạo hiểm quá lâu dưới nước, thuyền trưởng nhanh chóng ra lệnh cho thợ lặn lên tàu. Từng túi cá được hối hả chuyển lên tàu, máy xay đá hoạt động hết công suất. Vất vả nhưng mà vui. Cá heo cũng xuất hiện nhưng may là sau khi đã cất lưới. Ngư dân trúng đậm cũng hào phóng chia cho bạn mình ít cá, coi như là tán lộc biển.
Ngay khi thăm lưới từ mờ sáng, thấy cá vào nhiều, thuyền trưởng của 90215 đã phải gọi sự trợ giúp của tàu bạn trong tổ đội hợp tác. Tổ đội hợp tác là nét mới trong hoạt động của ngư dân Việt. Thực tế trên biển đã chứng minh sự cần thiết của nó, nhất là trong những trường hợp gặp nạn.
Sau một hành trình dài ngày trên biển, con tàu 90215 đầy ắp cá cũng đến lúc về bờ. Tàu chưa vào tới đất liền, cá đã được đặt mua hết. Có lẽ, dù nghề biển hên xui, nhưng những người có tâm với biển thì sẽ được biển hào phóng đền đáp lại. Những nụ cười vẫn nhiều hơn giọt nước mắt.
Bán cá thu tiền xong, những thuyền trưởng tàu xa bờ lại ra CLB Thủy thủ do họ tự lập nên ở Đà Nẵng. Tại đây, những câu chuyện về biển là chủ đề không bao giờ dứt. Trong những câu chuyện ấy, không thể không nhắc đến vai trò của những người mẹ, người vợ.
Nghề đi biển lắm hên xui nên các chị cũng kiêng cữ, ngại chia sẻ nhưng những người đàn ông đi biển đều biết câu “Lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm”. Người đi biển đối mặt với hiểm nguy bao nhiều thì người thân càng lo lắng bấy nhiêu. Nghe tin trời có bão, giông tố, họ như ngồi trên đống lửa. Còn nỗi đau nào hơn khi những người vợ héo mòn ngày đêm chờ chồng, rủi chồng không về, chỉ còn mộ gió bên biển.
Hoàng Sa dù đã bị chiếm đóng trái phép từ năm 1974 nhưng không một thế lực nào có thể ngăn cản được sự có mặt của người Việt ở nơi mà cha ông họ đã chinh phục từ bao đời. Những công dân của huyện đảo Hoàng Sa đương đại vẫn đang bám biển, làm giàu từ biển cũng là cách để đời này khắc ghi cho đời khác về bãi cát vàng yêu dấu. Với ngư dân miền Trung, nhất là ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi, biển Hoàng Sa như ao làng, ruộng lúa, vườn rau. Hoàng Sa không chỉ là ngư trường truyền thống, là nơi mưu sinh mà còn là nghĩa trang, nơi nhiều ngư dân thương khó gửi thân xác lại cho biển. Âu cũng là sinh nghề tử nghiệp.
4. Rời con tàu 90215, tôi và quay phim Đức Cường tìm gặp “Sói biển” Mai Phụng Lưu. Vừa trở về sau một chuyến đi biển kém may mắn, “Sói biển” đang dành cả ngày để kiểm tra lại và sửa chữa con tàu của mình. Mỗi một vết nứt trên thân tàu, không đơn giản chỉ là những nguy nan nơi đầu sóng, nó còn là vết sẹo trong trái tim của người ngư dân này, bởi thuyền anh bị nứt không phải do sóng to gió cả, nó bị đâm bởi những con tàu vỏ sắt mà các cơ quan báo chí nước ta thường đưa tin là “tàu lạ”.
Bốn lần bị bắt giữ, tịch thu tài sản cũng là bốn lần tán gia bại sản, nhưng không làm “Sói biển” nhụt chí. Với anh, có một con tàu của riêng mình để ra khơi bám biển, được vùng vẫy giữa mênh mông sóng nước Hoàng Sa đã là tất cả. Biên lai nộp phạt của Trung Quốc, anh vẫn còn giữ. Lưu bảo với tôi rằng tiền của mất đi có thể làm lại được nhưng mỗi lần mất tàu, phải rời xa ngư trường Hoàng Sa, trong thâm tâm anh luôn day dứt.
Rất nhiều người Việt đang lưu giữ cây phong ba ở Trường Sa như một kỷ vật của đảo xa, nhưng cây phong ba ở Hoàng Sa thì chỉ duy nhất “Sói biển” có. Có lẽ, món quà lớn nhất mà cả cuộc đời gắn với nổi trôi biển cả dành tặng cho anh chính là cây phong ba đã hóa gỗ. “Sói biển” bảo, anh đào cây phong ba này là muốn mang theo một phần máu thịt từ Hoàng Sa về quê cha đất tổ như một kỷ vật về một vùng biển thiêng liêng với người dân đảo Lý Sơn.
Tháng 9/ 2011, Lưu đã vượt qua bao hiểm nguy để có thể mang chút cát từ cù lao Ông Già- nơi trước đây anh đã đào được cây phong ba, về với đất liền. Dù không có điều kiện mang nắm xương tàn của những người bạn chài về với quê cha đất tổ nhưng hẳn vong linh của những con người vô danh dũng cảm ấy cũng sẽ hiểu được tấm lòng của Lưu. Cát vàng ấy, sẽ để Mai Phụng Lưu và người dân Lý Sơn cắm nén nhang thơm tưởng nhớ về tổ tiên, về những người đạp sóng dữ ra Hoàng Sa trong quá khứ.
Hàng triệu người con đất Việt ngày nay vẫn đang hướng tới vùng chủ quyền còn chưa về với đất mẹ ấy. Lịch sử thăng trầm thiên biến, thế nước có khi mạnh khi trầm nhưng Hoàng Sa mãi còn đó, tươi mới trong ký ức của những người đang sống, tươi mới trong ký ức từng dòng họ, gia đình đã dâng hiến những người con cho biển suốt bao thế kỷ qua.
Có những khi biển đắng, biển bạc, nghiệp biển đau thương nhưng bao đời nay ngư dân Việt vẫn kiên trì bám biển, bởi đó là công cuộc mưu sinh của khát vọng ý chí và quyết tâm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông.
Gìn giữ chủ quyền biển đảo tổ quốc là trách nhiệm chung của dân tộc. Ngư dân vươn khơi bám biển cũng là trách nhiệm của công dân với đất nước. Chắc chắn họ ra khơi không đơn độc, phía sau họ là những người con ưu tú của đất Việt có cái đầu lạnh và trái tim nóng trong vấn đề chủ quyền lãnh thổ. Nếu tổ quốc như dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi thì chắc chắn đời nào cũng vẫn có những người con coi thường con sóng giữ để chèo lái con thuyền ấy ra biển lớn…
Nhờ có sự giúp đỡ tận tình của những ngư dân trên biển Hoàng Sa, chúng tôi đã hoàn thành công việc của mình. Những nụ cười chất phác, hồn hậu, đượm mùi biển cả ấy như vẫn còn mãi trong tâm trí chúng tôi trên đường trở về. Mất một tuần sản xuất hậu kỳ bộ phim “Vững vàng nơi đầu sóng” mới hoàn thành. Đây cũng là bộ phim tài liệu đầu tiên về Hoàng Sa lên sóng truyền hình. Đó là niềm tự hào cũng như là món quà quý báu mà chúng tôi đã nhận được từ những con người, những sóng biển, nắng gió Hoàng Sa.
Dù không nói ra nhưng tôi biết cả tôi và Đức Cường đều mong muốn một ngày nào đó sẽ tiếp tục được trở lại Hoàng Sa lần nữa. Có lẽ, chúng tôi đã trót “nợ” vùng biển thiêng ấy mất rồi!
Cùng ngư dân cưỡi sóng Hoàng Sa
Ghé lại vài đảo tại Hoàng Sa
Du lịch, GO! - Theo Thanh Hương (VTC New), internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét