Thứ Ba, 23 tháng 10, 2012

Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar (P5)

(Tiếp theo)
Rời Mũi Nậy, mình lại nổ máy ẻm Win già, theo con đường ven biển hướng lên bãi Tiên. 
Danh từ "tiên" được người ta áp dụng tại nhiều bãi biển tại miền Trung - ví dụ như 'Bãi Tiên' ở Bình Tiên, 'Bãi Tiên' tại Sông Cầu (nằm giữa đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài), 'Bãi Tiên' tại Rusalka-Focus Nha Trang...v.v. Thậm chí, bãi Môn Đại Lãnh cũng có người gọi là 'Bãi Tiên'.

Nếu cứ chiếu theo từ điển thì từ 'Bãi Tiên' có thể hiểu là một bãi tắm ở ven biển hoặc sông, suối..., nơi vắng vẻ mà người ta có thể bơi, tắm và tổ chức các hoạt động sinh hoạt trong tình trạng gần như không mặc y phục hay khỏa thân hoàn toàn (Nudist community).

< Những vòng cua uốn lượn treo triền đá núi thuộc ngọn Núi Đá Bia...

Nếu coi theo luật pháp các nước thì đa phần các nơi: pháp luật không có đạo luật cấm người ta khỏa thân ngoài trời mà chỉ cấm hoặc phạt những người khỏa thân nơi công cộng có nhiều người qua lại, có nhiều hoạt động xã hội khác.
Vậy nhưng theo quan niệm Á Đông và nhất là tại VN thì người ta kín kẽ hơn dù vẫn có nơi: chuyện tắm tiên ngày xưa hay vùng cao vẫn là chuyện bình thường - ai cũng phải thế (xem thêm).

< Liên tục nhìn thấy biển phía phải do con đường chạy sát theo bờ biển. Biển Đông mùa này cứ mờ mờ ảo ảo như trông qua một màn sương dày.

Không bàn đến chuyện tắm có 'tiên' hay 'hổng tiên', mình vẫn thấy các bãi mang tên này thường thơ mộng và hoang sơ giữa đất trời.
Vậy Bãi Tiên thuộc huyện Đông Hòa này thế nào? Bọn mình sẽ đến sau vài mươi phút nữa thôi.

< Nhiều khúc trọng điểm ven đường Phước Tân - Bãi Ngà có bãi đậu xe rất rộng: khi thiết kế đường, người ta cũng dự tính cho du lịch trong tương lai.

Mình nói sơ về huyện này, nơi bọn mình đang chạy qua:
Đông Hòa là huyện đồng bằng ven biển nằm ở phía Nam tỉnh Phú Yên. Phía Bắc giáp thành phố Tuy Hòa và huyện Phú Hòa, phía Nam giáp tỉnh Khánh Hòa và Biển Đông, phía Tây giáp huyện Tây Hòa, phía Đông giáp biển Đông.

< Vậy nhưng con đường chưa ổn định lắm, liên tục có những vụ sạt lở vách núi, nhất là trong mùa mưa bão.
Bạn nhìn vách trái trong ảnh: một đoạn vừa sạt không lâu, nay đã được ủi dọn.
Các tảng đá to nhiều tấn cheo leo cứ chực chờ lăn xuống đòi 'tắm biển'.

< Qua cua này sẽ đến Bãi Tiên, mình đoán vậy do nhìn thấy bãi biển Phước Tân trải dài...

Diện tích huyện Đông Hòa là 26.959 ha với dân số 115.246 người. Huyện gồm 10 đơn vị hành chính trực thuộc là Hòa Thành, Hòa Tân Đông, Hòa Xuân Tây, Hòa Xuân Đông, Hòa Xuân Nam, Hòa Vinh, Hòa Tâm, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc.

< Đúng như mình đoán: bãi Tiên là đây... với làn nước thật trong xanh - Bấy giờ là 4h chiều.

Danh thắng của huyện gồm: Di tích tàu không số ở Vũng Rô, Dinh Bà (thờ thần Thiên Y A Na diễn chúa) phía Tây Biển Hồ (Hòa Xuân Nam), di tích Trống đồng (Hòa Hiệp), núi Hiềm ở Hòa Xuân Đông, cụm Du lịch Vũng Rô - Đèo Cả gồm Đập Hàn, Hồ Hảo Sơn còn gọi Biển Hồ, Đá Bia, Bãi Tiên, Bãi Bàng, Bãi Môn, Mũi Điện, Bãi Chùa, Hòn Nưa.

< Mình vứt xe trên bãi đậu sát biển, rất rộng và không bóng người.

Một huyện có nhiều cảnh đẹp đáng dừng chân tham quan trên con đường du khảo của bạn... và bọn mình đã qua một số trong những thắng cảnh đẹp ấy với nơi dừng chân kế tiếp là Bãi Tiên.
< Phía bên kia bãi đậu xe là bãi biển thuộc xã Hòa Tâm - huyện Đông Hòa.
Chỉ có một bóng người duy nhất: một 'cần thủ' đang thả câu giữa một bãi biển mênh mông ngút tầm mắt...

Bãi Tiên Đông Hòa là một thắng cảnh kỳ vĩ của núi và biển dù chỉ có chiều dài khiêm tốn (117m). Từ biển Đông nhìn vào dãy núi đá có hình bán nguyệt ôm trọn bãi cát trắng, mịn, sạch và đẹp với độ dốc thoai thoải dần ra xa, nước biển luôn trong xanh, sạch và sóng không quá lớn - tiêu chuẩn của bãi tắm lý tưởng.
< Còn phía bên đây là lãnh địa của bọn mình: toàn cảnh Bãi Tiên nơi ni.

Phía trên bãi Tiên là con đường Phước Tân - Bãi Ngà, phía trái bãi có nơi đậu xe thoáng rộng ven triền đá với sóng vỗ ì ầm ngày đêm. Phía phải là thảm cỏ trải dài trên dốc nghiêng, dưới chân vô vàn đá và đá.
Bãi Tiên có bờ kè giữ đường, có lối xi măng để có thể chạy xe gắn máy đến tận phía dưới bãi cát. Trong mùa mưa còn có dòng suối nhỏ bắt nguồn từ núi chảy theo ống dưới đường rồi hòa trộn với biển cả.

< Thoắt một tý là 'nửa kia' đã đi xuống dưới đó rồi quay máy chụp lên trong khi mình ở trên 'bắn' xuống.

< Biển đẹp, bãi rất sạch với nước trong veo - một chốn tắm thật lý tưởng nếu đi sớm hơn.

Tắm thì tuyệt vời nhưng tắm 'kiểu tiên' thì... chịu vì dưới bãi nhìn lên vẫn thấy đường xe chạy trên kia. Phần khác, bãi Tiên hoàn toàn không có bất kỳ dịch vụ nào (người chạy ngang còn hiếm huống gì quán xá). Vậy nên: muốn vùng vẫy thỏa thích tại đây thì bạn cần đem theo can nước ngọt để tắm tráng giũ mặn nhé...

< Bãi cát điểm xuyến những tảng đá to đến mức có thể nằm thoải mái, sóng ì ầm một màu xanh ngắt.

... Còn chuyện thay đồ tại bãi Tiên chỉ là việc nhỏ: cứ đứng sau những tảng đá to bành ky rồi... thoải mái, chí có trời và biển thấy mà thôi - nhưng trời biển cũng chả màng ngó bạn làm gì...
< Bọn mình đi nhiều, đa phần những bãi biển đẹp thường gây ấn tượng khó phai - trong thật tế thì cái đẹp của biển mỗi nơi mỗi khác... nhưng 'bãi Tiên' thật xứng đáng gọi là... cõi tiên.
Vị trí chính xác của bãi Tiên trên bản đồ Wikimapia tại đây.
< Rồi bọn mình cũng phải rời nơi này trở về. Ánh mặt trời đổ nghiêng sắp khuất sau các triền núi cao mờ ảo như sương mù.

Lại nói về nơi mình sắp ghé:
Vũng Rô nằm tiếp giáp với biển Đại Lãnh thuộc vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Vịnh Vũng Rô có diện tích 16,4 km² mặt nước, được 3 dãy núi cao che chắn là Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà từ 3 phía Bắc, Đông và Tây. Phía Nam vịnh là đảo Hòn Nưa cao 105 m như 1 pháo đảo canh gác. Vũng Rô cũng là cảng biển rộng 1.640 ha mặt nước, độ sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 5.000 tấn.

< Đường vắng lặng, hiếm hoi lắm mới thấy một chiếc xe gắn máy chạy theo chiều ngược lại, sắp tối rồi đây.

Vũng Rô có 12 bãi nhỏ : Bãi Lách, Bãi Mù U, Bãi Ngà, Bãi Chùa, Bãi Chân Trâu, Bãi Hồ, Bãi Hàng, Bãi Nhỏ, Bãi Chính, Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Nhãn với cảnh đẹp tuyệt vời làm mê đắm lòng người, thích hợp cho những buổi dã ngoại trên biển.
< Núi và rừng cấm đèo Cả vẫn còn một màu xanh chập chùng.

Đây cũng là một vùng nước xanh trong chứa đựng trong lòng mình đầy ắp các loại hải sản phong phú đa dạng, Vũng Rô là một địa điểm đầy thú vị cho những buổi lênh đênh trên biển câu cá, vớt sứa, thưởng thức các loại hải sản tươi sống thơm ngon giữa một vùng biển trời lồng lộng gió.
< Khúc đầu của vịnh Vũng Rô tại phía Bắc - núi phia ngoài vịnh biển kéo dài ra điểm cuối cùng là Mũi La: chốn còn hoàn toàn hoang vu.

Đặc biệt, Vũng Rô là một trong những bến quan trọng của Đường Hồ Chí Minh trên biển, tiếp nhận hàng trăm tấn vũ khí do những con Tàu Không Số vận chuyển từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.
Chỉ trong một thời gian ngắn, từ tháng 11 năm 1964 đến tháng 02 năm 1965, bến Vũng Rô đã đón bốn chuyến Tàu Không Số. Riêng chuyến tàu thứ tư cập bến đêm 15/02/1965, sáng hôm sau bị địch phát hiện.
Để đảm bảo bí mật và an toàn cho Đường Hồ Chí Minh trên biển, ta đã phải phá huỷ con Tàu Không Số cho chìm xuống biển tại Bãi Chùa.

< Ánh dương cuối ngày, cũng chả đủ sức tạo ra nắng chiều.

Lượt thuật về chuyến tàu định mênh: Ngày 1/2/1965 tàu 143 của thuyền trưởng Lê Văn Thêm chở 63 tấn vũ khí cùng 17 người từ Hải Phòng vào khu V. Mặc dù tàu đã được ngụy trang như một tàu khai thác hải sản, nhưng vẫn liên tục có máy bay địch bám theo, thậm chí sà xuống rất thấp, rồi tàu chiến địch dàn hàng kèm tàu của ta. Do đi lạc, nên mãi gần sáng 16/2/1965, tàu mới vào được Vũng Rô.
< Rồi bọn mình rẽ trái vào khu Di tích lịch sử quốc gia Vũng Rô, nơi có tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ Tàu Không số - Ðường Hồ Chí Minh trên biển.

Tượng đài được xây dựng cách điệu hình mũi chiếc tàu đang rẽ sóng, phía trên thể hiện cụm lửa bùng cháy tựa lòng dũng cảm của những chiến sĩ đã hy sinh.

< Nhà trưng bày hiện vật. Phía ngoài là những dãy ghế đá được tặng, rất nhiều trong số đó mang dòng chữ: "Đài truyền hình TP HCM".
Đây là quà tặng từ thành phố sau chương trình 50 năm huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

< Từ lan can nhìn ra thấy nơi còn xác con tàu chìm. Có lối đi ra tận nơi ấy nếu bạn muốn xem rõ hơn.

Gần 4h toàn bộ hàng mới bốc hết, tàu quay ra thì tời neo bị hỏng. Chữa xong thì trời đã sáng rõ, nên tàu 143 đành ở lại bến. Địa hình Vũng Rô ba bề bốn bên vách đá dựng đứng, chỉ có cây mọc xòe ra sát mép nước, mà tàu của ta quá to nên không nép sát được vào chân núi, nên các thủy thủ và du kích vội vã chặt cây phủ lên tàu để ngụy trang. Nhưng con tàu vẫn cứ lù lù như một khối đá nhỏ chìa ra biển, trong khi cách đó không xa là đồn địch.

< Vịnh Vũng Rô êm đềm trong ánh nắng chiều.

Sáng 16/2/1965, một chiếc máy bay tải thương của địch từ Qui Nhơn về Nha Trang qua Đèo Cả, bất ngờ viên phi công nhìn thấy “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô”, mà trước đó, hắn chưa từng thấy. Ngay lập tức, viên phi công báo cáo về Bộ chỉ huy Quân đoàn 2 đóng ở Nha Trang.

< Tại đây cũng có bãi đậu xe khá rộng, không thu phí.

Chỉ một tiếng sau, một máy bay trinh sát được điều đến Vũng Rô, do thám và chụp ảnh. Những bức ảnh được đem so sánh với những tấm ảnh chụp trước đó, đã chỉ ra đúng là có “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía Tây Vũng Rô” mới xuất hiện. Ít phút sau, mấy chiếc máy bay các loại của địch bay tới, thả pháo mù, rồi bom xăng xuống “mỏm đá lạ”. Lá ngụy trang cháy hết, làm lộ ra con tàu nằm chình ình trên biển.
< Bọn mình lại nổ máy, lên xe chạy theo đường về làng chài Bãi Ngà. Chưa 5h chiều nhưng vùng biển sáng nhanh thì cũng mau tối lắm, không biết còn kịp lên đỉnh núi đèo Cả hay không...

Phát hiện được chính xác mục tiêu, địch lập tức huy động cả máy bay, tàu chiến và pháo binh, bộ binh tập trung tấn công Vũng Rô, bắt đầu cuộc chiến không cân sức. Lực lượng của ta gồm thủy thủ trên tàu, bộ binh và dân quân du kích kiên cường đánh trả, nhằm bảo vệ đến cùng số vũ khí đã được đưa vào từ miền Bắc. Đồng thời, du kích được lệnh nhanh chóng vận chuyển vũ khí ra khỏi Vũng Rô, về kho chính ở hang Vàng.

< 'Nửa kia' mát tay: máy còi nhưng vẫn chụp được nhiều ảnh đẹp...

Địch có ý đồ bắt sống tàu 143 và chiếm vũ khí ta cất giấu, nên chỉ thả bom quanh tàu chứ không tiêu diệt. Biết rõ ý đồ của địch, ông Sáu Suyền ra lệnh hủy tàu, quyết không để một khẩu súng từ miền Bắc lọt vào tay địch.
< Hết đường Phước Tân - Bãi Ngà thì gặp ngã 3 đèo Cả, bọn mình rẽ trái rồi từ từ chạy, cốt ý tìm nhánh rẽ lên đỉnh núi: trên đó có đài radar cùng ít mộ hoang.

Nhưng việc hủy tàu cũng không đơn giản, khi lúc này, do sức ép của bom, đạn, tàu đã bị nghiêng, các cửa đều đóng chặt, không thể vào được các khoang. Phương án ốp bộc phá ngoài tàu để phá hủy tàu được đưa ra và giao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Ngọc Cảnh và Dương Kính, dù ông Cảnh mới chỉ học đánh bộc phá loại 20kg, chứ chưa đánh loại 100kg bao giờ, trong khi ông Sáu Suyền quyết định đưa một tấn thuốc nổ xuống tàu để hủy. Lúc này, lại thêm khó khăn là không có dây cháy chậm và kíp nổ.

< Đây rồi: phía trái dốc lên đỉnh núi đèo Cả là bảng cổ động giữ rừng của kiểm lâm, mé phải là cái bảng rỉ sét - nhìn hoài mới đọc được dòng chữ "Khu vực cấm vào".

Bảng cấm cũ mèm, khách nhìn muốn 'lòi tròng' mới có thể đọc được. Vậy nên khách cũng có quyền nghĩ: xưa cấm, nay không - vì vậy người ta không thèm sửa.

< Mình dừng con Win sát lề, cùng nửa kia bước vào thử vài mươi thước rồi nhận định: dốc rất cao và gắt dữ đội ngay khúc cua đầu tiên. Chắc chắn là lên rồi sẽ không có cửa cho việc trở đầu ngược lại và cũng sẽ giới hạn dừng xe (trừ khi lên đến khoảng trống trên đỉnh) vì sẽ rất nguy hiểm.

Phần khác: nếu chạy lên vào giờ này, khi trở xuống sẽ tối thui không thấy đường (đèn xe Win tối lắm). Vậy nên thử thách này đành bỏ, bọn mình lui xuống - tiếc!

< Trở lên xe, đạp máy hướng về Đại Lãnh.

Trong khi quân ta vẫn kiên cường chiến đấu đánh bật địch ra biển, thì một bộ phận vận chuyển thuốc nổ xuống tàu, còn một số khác đi lấy dây cháy chậm và kíp nổ. Do ta thiếu kinh nghiệm, nên phải 2 đêm cho bộc phá nổ, con tàu mới chìm hẳn sau một tiếng nổ rung chuyển Vũng Rô, kèm ánh lửa sáng rực cùng một cột nước bốc cao. Dưới sức ép của cả ngàn cân thuốc nổ, những mảnh vỡ của con tàu văng khắp nơi, lên cả đỉnh núi…
< Vòi nước của những chỗ rửa xe hạ nhiệt vẫn phun vung vít dòng nước Trời cho từ mạch nước ngầm trên núi. Phía xa ngoài kia là đảo Hòn Nưa mờ mờ ảo ảo trong màn sương với các đỉnh nhọn trông thật huyền bí.

Từ đây, con đường vận chuyển chiến lược trên biển vốn được xây dựng kỳ công và bí mật, đã bị lộ nhưng sự kiện Vũng Rô đã gây cho kẻ địch một sự kinh hoàng mà sau này, Đại tá hải quân Mỹ R.Sorhesdley đã viết: “Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng.

Số lượng vũ khí lớn bị phát hiện đã chỉ ra, nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời các loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của địch ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là, địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển” (trích CAND).

Vận chuyển và tiếp nhận vũ khí tại Vũng Rô 1964 - 1965 là sự kiện lịch sử hào hùng, thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm của quân và dân ta.Vũng Rô được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia ngày 18/6/1997.

< Những tia sáng cuối ngày, vậy là bọn mình đã 'tiêu xài' hết 1 ngày của chuyến đi. Chốn nào khám phá đủ thì thỏa lòng, nơi mô còn sót lại lại tiếc. Biết bao giờ mới có dịp trở lại đèo Cả lần sau?

Về đến nhà nghỉ trời sập tối. Tắm gội một phát bằng nước nóng rồi lạnh cho tỉnh người rồi chạy ra đầu chợ 'xử lý' buổi chiều.

Hàng cháo vịt mà bọn mình đã lưu ý ngay hồi chạy về ngay cua quẹo được nhắm làm đích đến! Quán ven đường xe lửa, cạnh luôn QL1A chỉ là quán bình dân thôi nhưng ngon và rẻ: nửa con vịt bóp gỏi (gỏi ở đây người ta để rau riêng) và 2 tô cháo chỉ 50k, ăn no óc nóc, ngon tuyệt cú mèo!

Ngồi nhấm nháp cái giò vịt, trời chuyển mưa sấm chớp ì ầm nhưng 'hậu quả' cũng chỉ vài hạt. Loáng thoáng ngay cạnh hàng là những chiếc xe lao vun vút trong đêm: vừa ăn vừa hồi hộp một tý xem ra lại... thú, miễn là những chiếc xe tải này đừng lạc tay lái ủi thẳng vào đây thì thực khách vẫn thấy mình bình an!

Xong bữa tối, tạt ngang tiệm tạp hóa mua hai gói khoai tây chiên rồi lên sân thượng nhà nghỉ nhấm nháp. Thưởng lãm cảnh đêm đèo Cả mé phải - đèo Cỗ Mã mé trái; lại được ngắm biển trước mặt và xe lửa hú còi chạy sau lưng: âu cũng là một cách giải trí thú vị trong chuyến lãng du.

Còn tiếp
Phần 1 - Phần 2 - Phần 3 - Phần 4 - Phần 5 - Phần 6 - Phần 7 - Phần 8 - Phần 9 - Phần 10 - Phần 11 - Phần 12 - Phần 13 - Phần 14 - Phần 15 - Phần 16

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét