Thứ Tư, 17 tháng 10, 2012

Đền Mẫu, chùa Vàng ở Tam Đảo

Cách  thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) chừng 25km đường đèo dốc, ôtô chạy non một giờ sẽ đến khu du lịch Tam Đảo. Đường dốc trung bình 15 độ nghiêng, quanh co, ngoằn ngoèo men theo sườn núi, dọc hai bên đường chập chùng rừng thông bạt ngàn, lá reo vi vu trong gió.

Càng gần Tam Đảo  không khí càng mát lạnh, du khách sẽ thấy choáng ngợp bởi vẻ hùng vĩ của núi cao vời vợi, vực sâu hun hút,  sương mây mờ mịt. Tam Đảo thơ mộng hiện ra với những biệt thự thấp thoáng trong mây, dựa lưng vào triền đồi, vách núi. Thị trấn du lịch này nằm dưới chân núi Thiên Thị (Chợ Trời) cao 1.375m của dãy Tam Đảo xanh thẳm.

Người Pháp, vào đầu thế kỷ 20, đã phát hiện ra vẻ đẹp tuyệt vời của Tam Đảo. Họ cho xây dựng nơi đây thành nơi du lịch, nghỉ dưỡng với hơn 160 ngôi biệt thự nằm rải rác trên các sườn núi. Trải qua thời gian với nhiều biến động, Tam Đảo chỉ còn lại một số ít những ngôi biệt thự, nhà cổ, phần lớn đã hoang tàn đổ nát. Ngày nay, Tam Đảo đã có bộ mặt mới hơn, vừa hiện đại vừa cổ kính nhưng không kém phần thơ mộng, lãng mạn.

Đến Tam Đảo, du khách thường viếng đền Mẫu, chùa Vàng, thác Bạc, bởi đấy là những di tích, danh lam, thắng cảnh gắn liền với miền núi Tam Đảo hoang sơ, kỳ vĩ.
Từ chân núi Thiên Thị, qua 200 bậc đá, xuyên qua khu rừng trúc thâm u, tĩnh mịch, du khách sẽ đến đền Bà Chúa Thượng Ngàn và chùa Vàng.

Đền Bà Chúa Thượng Ngàn có kiến trúc phương Đông ước lệ, mái lợp ngói miểng Thổ Hà, phía trên ngay cửa chánh điện có đắp phù điêu cặp rồng xanh đang giương nanh múa vuốt (lưỡng long tranh châu). Các cột trụ vuông bốn mặt giả đăng đỉnh (trụ đèn), dọc cột có những hàng chữ Nho. Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn là con gái đầu của Quốc  Mẫu Âu Cơ. Theo một truyền thuyết dân gian khác, Mẫu Thượng Ngàn chính là công chúa La Bình, con gái của Sơn Tinh (Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương.

Từ một nàng công chúa, nhờ có công chăm nom, dạy dỗ chỉ bảo muôn loài, bà được Ngọc Hoàng phong là Chúa Thượng Ngàn. Vào những ngày lễ, hội hoặc rằm âm lịch, ở đền Mẫu có hát chầu văn, hầu đồng và múa bóng rổi. Du khách sẽ thấy mình như hòa nhập vào thế giới tâm linh với mùi khói nhang man mác và thán phục bởi điệu múa huyền ảo, lạ lùng của các “bà bóng” trong tiếng hát  văng vẳng như vọng về từ cõi u nhiên, tịch mịch!

Bên cạnh đền Chúa Thượng Ngàn có đền Bà Quốc Mẫu Âu Cơ là mẹ sinh ra các dân tộc Việt Nam. Thuở hồng hoang khai quốc, Bà đẻ ra trăm trứng, nở trăm con. Mẹ Âu Cơ đã dẫn 50 người con lên miền núi dựng nghiệp. Đền Mẹ Âu Cơ mới xây dựng sau này, gọn đẹp và trang nghiêm, trầm mặc. Từ đền Mẫu, đền Mẹ Âu Cơ, theo vài mươi bậc đá ta sẽ đến chùa Vàng. Tam quan chùa Vàng kiến trúc  theo lối cổng lăng của các bậc vương, tướng phong kiến, cổ kính, thâm nghiêm. Qua cổng tam quan, du khách được dịp chiêm ngưỡng rất nhiều pho tượng Phật, Bồ Tát được tạc, đẽo bằng đá trắng rất công phu tinh xảo.

Ấn tượng nhất là bộ tượng Thập Bát La Hán mỗi người một vẻ thể hiện tinh thần “bi, trí, dũng” của nhà Phật. Bộ tượng Phật Bà Quan Âm, trong đó có tượng Phật 9 đầu, 18 tay khiến người xem phải nghiêng mình thán phục, vô cùng ngưỡng mộ những nghệ nhân vô danh đã lao động công quả âm thầm giữa núi rừng hoang vắng để tạo nên những tác phẩm mang đậm màu sắc tôn giáo nhưng vẫn đầy nét tài hoa nghệ thuật... Những bức bích họa thiếp vàng tinh tế, chói lọi được bố trí bên trong, quanh vách chùa đã làm nên danh tiếng “chùa Vàng” Tam Đảo. Ở chùa Vàng có một pho tượng Phật Thích Ca lớn, màu đen tuyền rất lạ, không rõ bằng đá hay bằng đồng, có từ rất lâu và không ai biết được xuất xứ! - sư trụ trì Hòa thượng Thích Hải Hòa cho biết.

Sau khi khám phá những bí ẩn của đền Mẫu, chùa Vàng, du khách đi tiếp lên đỉnh Thiên Thị, nơi có tháp tiếp sóng truyền hình Tam Đảo với hơn 1.200 bậc đá uốn lượn quanh co. Con đường xuyên rừng này hai bên phong cảnh rất hoang sơ tĩnh mịch. Ta sẽ nghe thấy tiếng ve ngân rền rỉ, tiếng chim hót vút cao, lảnh lót, sương mù bay la đà, rừng già thâm u bí ẩn, thi thoảng tiếng chuông chùa Vàng ngân nga đồng vọng khiến cho du khách thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng, bay bổng, quên đi những âu lo phiền muộn.

Đứng trên đỉnh Thiên Thị, bạn sẽ thấy ngọn Rùng Rình sừng sững uy nghi cao vời vợi, ẩn hiện trong mây ngàn trắng xóa mênh mông. Những khi trời quang, ta có thể thấy hồ núi Cốc ở phía đông bắc long lanh như viên ngọc bích thuộc địa phận tỉnh Thái Nguyên. Về phía tây nam, thành phố Vĩnh Yên lấp loáng, lô nhô giữa màu xanh như mạ non của châu thổ sông Hồng bao la, xa tít tắp đến tận mút chân trời.

Du lịch, GO! - Theo TTO, internet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét