Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Hòn Cau còn hơn cả... thiên đường

Có thể nói, du khách nào đến với hòn Cau ở Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng dễ bị choáng ngợp trước vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vỹ nhưng không kém phần lãng mạn của một thiên đường nhiệt đới giữa biển khơi.

< Bờ biển của Hòn Cau vẫn còn rất sạch và hoang sơ.

Nơi đây, bờ cát trắng trải dài dọc theo dãy núi hình cánh cung, xen lẫn là hàng dừa và cây Phong Ba sừng sững chắn gió. Biển hòn Cau xanh bất tận, sâu lắng tiếng sóng vỗ rì rào vào bờ đá, từng làn sóng tung bọt trắng xóa, kéo du khách hòa vào không gian tuyệt vời.

< Những rặng dừa xanh rì xen lẫn những cây phong ba trên đảo.

Để đến được hòn Cau vào tháng bảy thật không dễ vì hòn Cau là một hòn đảo nhỏ nằm cách xa đảo chính Côn Sơn (người dân quen gọi là Côn Đảo). Nếu di chuyển bằng tàu thì mất gần hai giờ hoặc mất gần một giờ nếu di chuyển bằng ca nô.

Ngày nay, với nhiều người, hòn Cau có trước rồi mới đến... thiên đường. Nơi đây cảnh vật và thiên nhiên vẫn còn giữ được nét hoang sơ chưa bị tác động nhiều bởi con người. Do khoảng cách địa lý thuận lợi và được quy hoạch trong phân khu bảo tồn biển của Vườn Quốc gia Côn Đảo nên hệ sinh thái rừng và biển ở hòn Cau còn khá hoang sơ, biển rất sạch và trong.

< Tranh thủ chụp hình lưu niệm với mấy anh kiểm lâm hiếu khách.

Sau hơn một giờ lênh đênh trên tàu tuần tra của Vườn Quốc gia Côn Đảo và gần nửa giờ để trung chuyển, cuối cùng chúng tôi cũng đã đặt chân lên hòn Cau. Cảm nhận của mọi người về không gian ở đây thật thú vị, cảm giác mệt mỏi và cái nắng gắt giữa trưa hè tháng 7 như dịu lại.

Thật thích thú khi đặt chân lên bãi cát trắng mịn và đắm mình dưới những rặng dừa xanh rì thẳng tắp tại trạm kiểm lâm hòn Cau, và xen lẫn là hàng cây Phong Ba với những chùm hoa khoe sắc mỗi khi hè về.

Chúng tôi cảm thấy như vừa lạc vào cõi thiên đường, bao lo toan mệt nhọc trong cuộc sống hối hả dường như tan biến, những bộn bề cuộc sống dường như đã ở sau lưng. Tất cả chỉ còn lại tiếng sóng rì rào, tiếng gió lao xao bên hàng cây và chúng tôi.

< Chuẩn bị bữa trưa với cá tươi mua từ chợ Côn Đảo.

Ai cũng háo hức mắc vội một chiếc võng "xí" chỗ đẹp dưới những tán cây Phong Ba để nghỉ trưa bên bờ biển. Phong cảnh nơi đây quá đẹp, quá nên thơ, dẫu biết đánh giấc ngay thì hơi phí nhưng buồn ngủ quá biết làm sao…

Tuy nhiên, cơn đói đã buộc một số thành viên phải xắn tay áo thổi lửa. Do hòn Cau nằm biệt lập hoàn toàn với khu dân cư, nên đoàn phải chuẩn bị trước thực phẩm, đồ nấu nướng từ thị trấn Côn Đảo. Cũng may, anh em kiểm lâm nơi đây rất hiếu khách và nhiệt tình, luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để đoàn chúng tôi cảm thấy thoải mái và thuận tiện nhất.

< Bếp ăn dã chiến được dựng lên ngay  bên trong trạm kiểm lâm.

Sau bữa trưa đơn giản, đoàn tiếp tục cuộc hành trình băng rừng đến bãi Cô Vân (cách trạm kiểm lâm khoảng 2,5 km)  với địa hình đồi núi cheo leo. Hành trình này có vẻ hợp gu với những phượt thủ mê mạo hiểm.

Phần thưởng cho chuyến chinh phục này là một bờ biển hoang sơ, biệt lập với thế giới bên ngoài. Đứng trên bãi biển, chúng ta có cảm giác cả hòn đảo này là của riêng mình. Khi thả mình xuống dòng nước mát lạnh trong tận đáy, bạn dễ choáng ngợp khi ngắm nhìn từng vỉa san hô huyền ảo sắc màu, từng đàn cá bơi lội tung tăng ngay dưới chân mình.

< Vượt qua vách núi cheo leo bằng dây thừng treo trên vách đá.

Tại đây, mọi khoảng cách dường như được xóa bỏ, mọi thành viên như hòa lại thành một. Điểm nhấn đẹp nhất cho chuyến chinh phục này là cảnh đẹp đến ngỡ ngàng khi hoàng hôn buông xuống bãi Cô Vân.

Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi được chứng kiến một hiện tượng kỳ thú có lẽ chỉ xuất hiện tại những vùng biển hoang sơ như thế này. Đó là hàng triệu đốm sáng li ti như ánh sáng của đom đóm trải dài trên mặt nước khi sóng biển khuấy động, tiếc là ánh sáng phát ra yếu, máy ảnh chúng tôi không thể ghi lại được hình ảnh tuyệt vời này.

< Vượt qua vách núi dựng đứng với độ cao 40m.

Theo giải thích của các nhân viên Vườn Quốc gia, những đốm sáng này phát ra từ các phiêu sinh vật biển, và chúng chỉ xuất  hiện tại những vùng biển chưa bị ô nhiễm.

Khác với những điểm du lịch thông thường, hòn Cau có quy định rất nghiêm ngặt, mọi sinh hoạt của con người đều phải ngừng lại trước 19 g30, trả lại sự yên tĩnh vốn có của nơi đây để nhường chỗ cho những "chủ nhân" thực thụ. Đó là rùa biển và các động vật khác.

< Trò chơi vận động trên biển.

Với môi trường hoang sơ và được bảo vệ nghiêm ngặt, hàng năm vào khoảng tháng 4 đến tháng 10, nơi này thường xuyên xuất hiện rùa lên bờ đẻ trứng.

Trước khi đặt dấu chấm câu, xin được nói thêm, hòn Cau còn có tên Xóm Bà Thiết, gắn với nhân vật Võ Thị Thiết, người có công đầu trong việc việc khai khẩn và tạo dựng). Với diện tích 1,8 km2, nằm cách đảo chính khoảng 10km về hướng Đông Bắc, Hòn Cau là hòn đảo duy nhất (ngoại trừ đảo chính Côn Sơn) có mạch nước ngầm và cây ăn trái (chủ yếu là dừa và chuối).

< Đoạn đường trở về trạm kiểm lâm.

Côn Đảo nói chung và hòn Cau nói riêng, ngày xưa đã từng là địa ngục trần gian, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng bị lưu đày và biệt giam nơi đây.

Những điều cần lưu ý khi đến hòn Cau

- Nằm khá xa so với các đảo khác, hòn Cau là nơi đầu sóng ngọn gió của quần đảo Côn Sơn. Việc đi lại chủ yếu bằng thuyền, những lúc sóng lớn hành khách được trung chuyển từ thuyền lớn vào đảo bằng xuồng cao su. Do đó, du khách cần phải bảo quản thật kỹ hành lý để tránh bị ướt (do dễ bị rơi xuống biển).


< Rùa biển lên bờ đẻ trứng.

Diện tích hòn Cau khá nhỏ, không có điện nên mọi tiện nghi hầu như không có. Việc tham quan đảo cũng hạn chế (không quá 24 khách/lần) để tránh ảnh hưởng đến môi trường đảo.

- Du khách khi tham quan đảo nên hạn chế đem theo nhiều hành lý, các vật dụng khi không còn sử dụng cần gom lại một chỗ để đem về thị trấn để tiêu hủy ,tránh làm ô nhiễm môi trường đảo. Đặc biệt, du khách không được xả rác thải ra môi trường (nhất là các vật dụng làm bằng vật liệu khó tiêu huỷ như nhựa, ni lông...).

Du lịch, GO! - Theo Võ Thị Bích Thùy (iHay)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét