Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Kỳ lạ ngôi miếu thờ giặc cướp.

Đây chính là miếu Xa Vùn nằm ở thôn Khưa Cả, xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ngôi miếu này rất lạ: Ai "vi phạm luật miếu" đều bị điên.
Để tránh họa, cứ ba năm một lần, người dân lại phải tổ chức lễ hội hóa trang vẽ mặt người giống mặt quỷ và cúng tế để dân bản được yên lành.

12 tên giặc và ngôi miếu thiêng

Miếu Xa Vùn theo tiếng dân tộc Tày có nghĩa là núi củi. Người dân sống quanh khu vực miếu Xa Vùn ngày nay còn rất nhiều người nhớ được sự ra đời của ngôi miếu thần bí này.

Chuyện kể rằng: Xưa kia có 12 tên giặc không biết từ đâu kéo về đây quấy nhiễu, cướp bóc dân lành. Trước sự cướp bóc, phá phách của bọn chúng dân làng đã bày mưu giết 12 tên giặc cướp rồi bỏ xác chúng vào bì và vứt xuống dòng suối. Xác 12 tên giặc trôi từ Khau Dạ Háy đến ngã ba Phai Lý xã Trấn Yên ngày nay thì bị mắc phải đá và được người dân chôn luôn tại đó.

< Miếu Xa Vùn nơi thờ 12 tên giặc.

Một thời gian sau trong làng xuất hiện nhiều người và vật nuôi bị chết, hạn hán mất mùa xảy ra liên miên. Tại chỗ bọn giặc bị đánh chết xuất hiện một tổ ong chúa lớn, hễ người và gia súc đi qua thì bị ong đốt đến chết. Vì thế, người dân đã lập lên một cái miếu thờ 12 tên giặc này để chúng không làm hại đến dân lành.

Bị điên vì bắt rắn của miếu mang bán

Khi đến xã Trấn Yên hỏi miếu Xa Vùn, ai nấy đều lắc đầu nguầy nguậy, họ nói rằng, đó là ngôi miếu cực thiêng, nên không ai muốn bén mảng đến.

Ông Hoàng Văn Dần ở thôn Khưa Cả là người cả gan nhất làng cũng chỉ dám dẫn chúng tôi đi loanh quanh ngôi miếu chứ tiệt không vào bên trong. Ông bảo: Nếu mình vào mà không có lễ thì chắc chắn về sẽ bị hóa điên hóa rồ mà chết. Không phải ngẫu nhiên mà người dân trở nên mê tín như vậy. Họ dựa vào những sự việc có thật xảy ra một cách ngẫu nhiên liên quan đến miếu Xa Vùn.

Điển hình như cuối năm 2011, anh Hoàng Văn Thuận ở thôn Khưa Cả đến miếu Xa Vùn bắt rắn. Anh Thuận bắt được một con rắn nặng đến 2kg cổ có cườm đỏ, đuôi đỏ. Rắn rất hiền thấy người không cắn. Anh Thuận liền bắt đem đi bán được 2,2 triệu đồng.


< Những người dân thôn Khưa Cả tập trung kể về những người hóa điên vì vi phạm "luật miếu".

Sau đó hai ngày, anh Thuận tiếp tục đến miếu Xa Vùn tìm rắn, anh lại bắt được một con nữa nặng gần 1kg, lần này anh đem đi bán được trên 800.000đ.

Sau khi bắt hai con rắn lạ ở miếu Xa Vùn đem bán, anh Thuận bỗng nhiên phát điên. Anh cứ đờ đẫn, la hú ngay cả trong đêm. Thậm chí ban đêm còn hò hú cởi quần áo lao ra miếu Xa Vùn, người nhà ngăn không được. Không dừng lại ở đó, hồi giáp tết, anh Thuận còn vác dao chém vợ nhưng không chết.

Sự việc anh Thuận khiến gia đình rất hoang mang. Đầu tháng Giêng, gia đình đưa anh Thuận đi xuống Hà Nội khám bệnh, thế nhưng bác sĩ tiêm loại thuốc nào cũng không đỡ, thậm chí anh Thuận còn có biểu hiện nặng thêm. Gia đình lại đưa anh Thuận về nhà rồi mổ bốn con lợn đem là miếu Xa Vùn để cúng. Sau lần ấy bệnh tình của anh Thuận đỡ rõ rệt.

Một bà già quật ngã 4 thanh niên

Ngoài trường hợp của anh Thuận còn một trường hợp khác là bà Tài Mến xảy ra vào đầu tháng Giêng, sau Tết Nguyên đán. Nhà bà Mến có một mảnh ruộng ngay cạnh miếu Xa Vùn. Theo tục lệ địa phương, người dân không được đi làm ruộng vào những ngày rằm ở quanh miếu. Thế nhưng hôm đó, bà Mến nhớ nhầm lịch nên đi phát bờ ruộng trúng ngày rằm.

< Một gốc nghiến cổ thụ nằm bên miếu Xa Vùn.

Sau lần đó, bà Tài Mến về hóa điên, bà buông tóc rũ rượi đến ngang lưng lững thững chạy ra miếu Xa Vùn. Liên tiếp 15 ngày sau đó, bà Mến bỏ ăn, người gầy tóp chỉ còn da bọc xương, hai má hốc hác như cái đầu lâu, bao nhiêu gân guốc xương xẩu đều nổi lên sau làn da teo tóp.

Ông Hoàng Văn Dần sống gần nhà bà Mến cho biết: Có hôm bà ấy lên cơn điên chửi bới rồi đi lung tung hết chỗ này đến chỗ khác. Thấy vậy, những nhà xung quanh cùng họ hàng huy động đến bốn năm người thanh niên trai trẻ đến để bắt bà ấy về. Nhưng không ai ngờ cái "bộ xương di động" đó lại có sức mạnh mãnh liệt. Bà Mến một tay quật lại bốn thanh niên bản trước sự ngỡ ngàng của hàng trăm người dân xã Trấn Yên.


< Miếu nằm dưới chân đồi nghiến cổ thụ, kỳ bí.

Mặc dù đó chỉ là những trường hợp xảy ra một cách ngẫu nhiên ở miếu Xa Vùn, nhưng nhiều người mê tín đã thêu dệt lên và truyền tai nhau khiến tiếng tăm của miếu Xa Vùn lan ra khắp vùng Lạng Sơn.

Tục vẽ người thành quỷ

Miếu Xa Vùn có từ thời gian nào đến nay không ai rõ. Chỉ biết từng lớp người này đến lớp người khác ở Trấn Yên thay nhau cúng tế miếu Xa Vùn. Những lớp người đi trước kể lại, tục hóa trang người thành quỉ có cùng thời gian với việc xuất hiện miếu Xa Vùn. Tục này cứ đúng 3 năm lại tổ chức một lần vào ngày rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, cách đây khoảng 10 năm tục này đã thất truyền. Nhưng trước những sự việc về nhiều người bị điên khi "phạm luật miếu" nên người dân đã tái tổ chức lễ hội Ná Nhèm. Điều này cũng nhận được sự ủng hộ từ các cơ quan chức năng của địa phương.

Theo lời của nhiều bậc lão niên trong bản Khưa Cả thì tục bôi nhọ, hay hóa trang người thành những con quỉ xuất hiện cùng với huyền tích về 12 tên giặc. Chuyện kể rằng, 12 tên giặc đã cướp bóc làm hại dân lành, sự hung ác của chúng là nỗi ám ảnh từ đời này qua đời khác đối với người dân. Vì thế, người dân tin rằng khi 12 tên giặc đó chết đi thì linh hồn của chúng cũng biến thành quỉ dữ.

Để chống lại chúng, người dân đã tổ chức lễ cúng Ná Nhèm. Trong lễ cúng này, người dân sẽ bôi nhọ nồi lên mặt, đeo mặt nạ... hóa trang thành những hình hài trông dữ tợn với đủ các kiểu dáng khác nhau.

Theo lời nhiều người cao tuổi, người dân phải làm như vậy để quỷ không phân biệt được đâu là người thật, đâu là muông thú cho nên chúng sẽ không làm hại đến dân lành. Đồng thời, trong lễ hội người dân phải mổ lợn, mổ gà để cúng tế 12 con quỷ, khi ăn no rồi chúng sẽ không ra khỏi miếu, vì thế dân làng không sợ chúng bắt ăn thịt nữa.

Trước khi chúng tôi ra về, cả ông chủ tịch xã, ông thổ nhang Hoàng Văn Dần và cụ Hoàng Thế Cường đều khẳng định, những tin đồn trên là không có căn cứ khoa học. Đó chỉ là những lời truyền miệng của người dân.

Theo ông Cường, sở dĩ người dân lưu truyền những câu chuyện kiểu này là để bảo vệ di tích miếu Xa Vùn và 18 cây nghiến cổ thụ. Hiện tại, gỗ nghiến rất quý, luôn là món mồi béo bở mà bọn lâm tặc nhòm ngó. Vậy nhưng khi những lời đồn này chưa được giải mã thì bọn chúng vẫn chưa dám động đến những cây gỗ quý ở miếu thiêng. Điều mà người dân trong xã mong muốn là thế hệ con cháu phải học được tính bảo vệ những gì lịch sử và cha ông để lại.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ nhiều nguồn.

Săn cá lăng trên lòng hồ Phước Hòa

Đập thủy lợi Phước Hòa kể từ khi tích nước và đưa vào sử dụng đã trở thành địa điểm lý tưởng cho nhiều “cần thủ” thi thố tài năng. Cứ vào những dịp cuối tuần, hàng chục “cần thủ” từ nhiều nơi mang theo lỉnh kỉnh đồ nghề đến đây để săn tìm những loài cá đặc sản của dòng sông Bé, trong đó có loài cá lăng nổi tiếng thơm ngon.

Nghe mấy người bạn rỉ tai về chuyến đi săn loài cá lăng thơm ngon của sông Bé ở lòng hồ Phước Hòa, dù không rành lắm về cái món câu kéo này nhưng sẵn dịp thứ bảy được nghỉ, tôi hồ hởi theo chân nhóm bạn lên đường. Vượt qua quãng đường dài hơn 60km từ TP.Thủ Dầu Một sau hơn 1 giờ chạy xe, vừa qua khỏi khúc cua cuối cùng trên con đường dẫn vào đập, trước mắt chúng tôi hiện ra hồ nước mênh mông, không một gợn sóng.

< Hồ thủy lợi Phước Hòa.

Hồ Phước Hòa nằm trên địa phận huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước và huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương, là một trong những giải pháp cho vấn đề thiếu hụt nước của các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Cụ thể, lấy nước từ sông Bé cấp tại chỗ cho Bình Dương, Bình Phước (khoảng 1,3 triệu m3/ngày) và chuyển về hồ Dầu Tiếng cấp bổ sung cho Tây Ninh, Long An, TPHCM, lưu vực sông Vàm Cỏ Đông (khoảng 1,2 triệu m3/ngày).

< Họng xả nước hồ thủy lợi Phước Hòa.

Ngoài ra, hồ sẽ xả khoảng 1,38 triệu m³/ngày xuống hạ lưu sông Sài Gòn để đẩy mặn và cải tạo chất lượng nguồn nước. Đây là dự án thủy lợi chuyển nước lưu vực đầu tiên tại Việt Nam với kỹ thuật phức tạp: Máng tải cao 19 m, dài 40 km, tải cao nhất 6,4 triệu m³ nước/ngày.

Đứng trên bờ đập có thể dễ dàng phóng tầm mắt bao quát khắp mặt hồ. Bên này bờ đập là địa phận của xã An Thái, huyện Phú Giáo -Bình Dương, còn phía bên kia thuộc địa phận của xã Minh Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Khó như săn... cá lăng!

< Một “cần thủ” đang chuẩn bị buông câu.

Mới gần 8 giờ sáng nhưng đã tấp nập mấy nhóm câu “chiếm lĩnh” phần lan can của cây cầu trên bờ đập. Dừng xe, nhóm chúng tôi bắt đầu khuân vác đồ nghề đến điểm đã chọn, chuẩn bị cho buổi săn cá hứa hẹn là sẽ rất hấp dẫn.

Lân la đến làm quen với một “cần thủ” có nước da ngăm đen đang chuẩn bị buông câu, tôi muốn ngạt thở vì mùi hôi thối kinh khủng bốc lên từ chỗ anh ấy ngồi. Thấy tôi lưỡng lự, anh này nhoẻn nụ cười tươi, giải thích: “Mùi mồi câu cá lăng đó, hôi vậy nhưng không bẩn đâu”.

Được giải thích, tôi yên tâm tiến thẳng lại phía anh này để quan sát cách móc mồi, quăng câu. Hai tay thoăn thoắt, anh ta vừa tra mồi vào lưỡi, vừa quan sát trước vị trí chuẩn bị quăng lưỡi câu.

Nơi anh chàng này thả câu là đập tràn chính của lòng hồ. Vị trí này là một cái hố được đào rất sâu để thu nước vào các cống xả. Từ chỗ chúng tôi đứng xuống đến mặt nước có khoảng cách hơn chục mét. Qua vài câu trò chuyện, tôi biết anh tên Vương, nhà tại xã An Bình, huyện Phú Giáo. Vương cho biết, anh chủ yếu câu cá lăng nên mồi câu của anh có mùi đặc biệt hơn so với các loại mồi câu cá khác. Quan sát đồ nghề của Vương, tôi thấy có rất nhiều cần câu và lưỡi câu được Vương mang theo.

Theo Vương, để săn được loài cá lăng có thịt thơm ngon thì khâu làm mồi là công phu và tốn nhiều thời gian nhất. Mồi câu cá lăng của Vương có đến trên 10 nguyên liệu, trong đó có một số nguyên liệu như bông gòn, mắm nêm, óc bò, a quỳ (một vị thuốc bắc)...

Sau một cú quăng câu ưng ý, mắc cần câu cẩn thận vào lan can cầu, Vương cười nói: “Cá lăng là loài rất háu ăn, nhưng không dễ câu chút nào. Chúng thường đi theo đàn sát đáy hồ nên lưỡi câu phải sát đáy, mồi câu phải có mùi đặc trưng mới dẫn dụ được chúng. Thời điểm ăn mồi của loài cá này cũng bất định nên đôi khi phải chờ cả ngày mới câu được chúng, nhưng một khi đã câu được một con thì chắc chắn sẽ còn câu được thêm nhiều con khác tùy vào số lượng đàn cá nhiều hay ít”.

Nói chưa dứt lời thì cần câu của Vương rung lên bần bật, anh giật mạnh, rồi thoăn thoắt quay cần thu dây, mắt chăm chú nhìn theo hướng dây câu. Tôi định bụng phen này sẽ được quan sát tận mắt loài cá nổi tiếng thơm ngon của dòng sông Bé dính câu, nhưng không được như ý vì Vương vừa kéo lên một… khúc cây! “Lúc trước ít người câu có ngày tôi câu được gần 20kg cá lăng”, Vương nói và tiếp tục buông câu.

Nhìn vào đồ nghề anh mang theo, có thể thấy Vương là một tay câu chuyên nghiệp. Vương cho hay trong nhóm bạn câu của anh đã có người câu được con cá lăng nặng 3,8kg. Còn anh thường chỉ câu được cá lăng cỡ 1,2 - 1,5kg, nhưng cỡ cá như vậy là đã khiến người câu đủ mệt vì cá lăng rất khỏe, khi dính câu chúng vùng vẫy rất mạnh.

Loài cá lăng trên lòng hồ Phước Hòa mà nhiều người săn tìm là cá lăng nha, ít xương, thịt trắng chắc và rất thơm ngon. Chính vì thơm ngon như vậy nên loài cá này mới được các “cần thủ” ưu tiên săn tìm và đang ngày càng cạn kiệt!

Sống được nhờ... cá


< Q. giới thiệu con cá mè đánh bắt được trên lòng hồ.

Trong thời gian tôi bắt chuyện với những người câu cá khác, nhóm bạn của tôi cũng đã kịp “bày trận” với 6 cần câu. Với loại mồi câu làm từ nguyên liệu bánh mì, pa-tê, sữa, phô mai trộn lẫn với nhau, chúng tôi đến đây không để săn tìm cá lăng mà chủ yếu để... câu cá. Do là lần đầu đi câu, không xác định được sẽ câu loài cá nào, lại chưa rành địa hình nên kết quả sau hơn 2 giờ buông câu, chúng tôi vẫn không câu được con cá nào!

Quan sát thấy nhóm người đang chuẩn bị thả lưới, một người bạn trong nhóm chúng tôi, nói: “Kiểu này chắc phải dùng đến mồi polymer mới mong có cá để nhậu”. Thấy tôi ngơ ngác, anh ta giải thích, mình mới đi câu lần đầu, lại không rành mồi câu chắc sẽ không câu được cá. Để có mồi lai rai tốt hơn hết là đi mua cá cho nhanh, chứ không lẽ thùng bia mang theo lại mang về!

< Cá duồng bay, một loại cá đặc sản của dòng sông Bé.

Để có con cá làm mồi nhậu, tôi chở anh bạn xuôi theo bờ kênh dẫn nước rồi lượn vòng trên những con đường mòn phía bờ sông đến khu lều của những người đánh cá. Như được báo trước nên khi thấy chúng tôi, những người trong lều đều rất vui. Xung quanh lều có đến 3 - 4 bao tải chứa lưới. Khi chúng tôi nói cần mua một vài con cá lớn làm mồi nhậu, Q., một người trong nhóm thả lưới, nhanh chóng mở thùng xốp chứa cá, bên trong có 4 con cá lớn đã chết.

Cầm một con cá lớn có vẩy bụng màu trắng, vây rìa đỏ, đầu to Q. nói đây là cá duồng bay, đặc sản của dòng sông Bé, đem nướng hay nấu chua đều rất ngon. Anh bạn tôi chê cá chết mất tươi. Sợ mất mối, Q. đưa chúng tôi xuôi bờ sông dựng đứng xuống chiếc xuồng đang được neo gần bờ, rồi mở khoang nhấc lên mấy con cá tươi nguyên.

Q. cho biết, mùa này ít cá chứ đầu mùa mưa thì cá nhiều vô kể. Có ngày, nhóm của Q. có thể đánh bắt được 30 - 40kg. Từ khi có con đập này, công việc đánh lưới của họ cũng dễ dàng hơn nên cũng sống được.
Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh với 200.000 đồng cho 3,8kg cá mè. Một cái giá quá hời cho anh bạn của tôi. Sau bữa lai rai dân dã với con cá mè nướng mọi ngay tại bờ đập, chúng tôi lên xe trở về khi trời đã xế chiều.

Lúc này, số người đến câu cá cũng đông hơn, trong số đó không ít người đến chỉ để thư giãn hay đơn giản chỉ để xem người khác câu cá. Một người trong nhóm bạn của tôi tiếc rẻ vì chưa câu được con cá nào nên buột miệng: “Lần sau lên đây tôi sẽ chuẩn bị kỹ càng để câu cho bằng được một con cá lăng”.

“Các loại cá đặc sản của dòng sông Bé là cá éc, duồng bay, mè, lăng... Trước đây, các loài cá này chủ yếu sinh sống trên sông. Vào đầu mùa mưa, khi nước sông chảy xiết cũng là lúc các loài cá tìm nơi sinh sản nên rất dễ đánh bắt. Nay con đập Phước Hòa chắn ngang, các loài cá nói trên đều sinh sống trong lòng hồ. Do vậy, các ngành chức năng cần có công trình nghiên cứu về cách thức sinh sản và quy định về hạn chế đánh bắt theo mùa để bảo tồn các loài cá đặc sản của dòng sông Bé.”

Du lịch, GO! - Theo CAO SƠN (Bình Dương Online), internet

Con lậy – Món ăn đặc sản của Quảng Ngãi

“Đông trùng hạ thảo” là tên của vị thuốc trong đông y, do một loài nấm ký sinh trên thân sâu non mùa đông dưới mặt đất, đến mùa hạ phát triển thành dạng thảo mộc. Vị thuốc này có tác dụng bổ dưỡng cơ thể ngang nhân sâm.

Con lậy (theo cách gọi địa phương) tuy có thể không quí bằng “đông trùng hạ thảo” nhưng được dân địa phương khai thác và chế biến thành món ăn đặc sản.
Lậy thuộc dạng ấu trùng sống trong đất bãi bồi dưới gốc cây mì (sắn), ngô, lau sậy, có nơi còn gọi là sùng mì, chúng xuất hiện từ tháng tám âm lịch đến đầu tháng mười một là hết.

Đầu mùa, lậy còn non màu trắng như sữa, mỗi con to bằng đầu đũa ăn cơm, đến tháng chín, tháng mười lớn bằng ngón tay út, sau đó lớn hơn, già đi và chuyển sang thể kén bao nhộng con.

Người ta chưa xác định được sau lần lột xác cuối cùng lậy thành con gì, chỉ biết theo dân gian lưu truyền lậy là món ăn ngon, bổ dưỡng. Muốn bắt lậy phải đào tìm trong đất phù sa, chúng thường nằm dưới gốc mì, bắp, lau lách triền sông, số lượng nhiều sau những trận lụt ngập bãi.

Người địa phương cho lậy là côn trùng sạch, bởi chúng sinh sôi ở những vùng đất phù sa thiên nhiên, xa khu dân cư và ăn rễ các loại cây không độc hại. Chúng thường ở cạn, đào dưới mặt đất là có ngay, nhưng cũng có khi phải đào sâu vài lưỡi cuốc mới tìm thấy. Nơi nào phun nhiều thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ thì hầu như không tìm được lậy.

Lậy đào được đem về rửa sạch đất cát, luộc qua cho chín vừa, sau đó ướp gia vị hành, tiêu, ớt, tỏi, củ sả tươi, mắm muối như ướp thịt, càng nhiều sả càng thơm, và cần một khoảng thời gian ngắn cho gia vị ngấm đều rồi mới làm các món ăn. Từ công đoạn này về sau lậy được chế biến thành ba món ngon: lậy chiên dòn, nướng và nấu rút. Món chiên dòn, bằng cách cho lậy vào dầu sôi để thực phẩm chín, nhưng không bị sém cháy, có thể phít bột, chiên xù như chiên xù cá rô đồng, mực,…

Món thứ hai lậy nướng, bằng cách cho số đã thấm gia vị lên vỉ rồi đặt trên bếp than rực đỏ. Trở vỉ nhiều lần và xem thấy lậy chín đều, bay mùi thơm ngon là dùng được. Cả hai món trên, tùy sở thích có thể ăn cuộn với lá lốt non, lá mơ, rau díp, xà lách, bánh tráng mỏng rau sống,…

Hương vị của chúng khá lạ, vừa béo vừa thơm ngọt, không giống các thức ăn thường gặp. Món thứ ba theo cách gọi dân gian là nấu rút, bằng cách cho lậy đã ướp gia vị vào xoong, nồi thêm dầu phụng khử chín, một ít nước dừa non và nấu nhỏ lửa đến cạn nước, bốc mùi thơm thì nhắc khỏi bếp và đem dùng. Lậy nấu rút có thể ăn với bánh tráng chín giòn, với cơm,… đều ngon và hấp dẫn.

Thức uống kèm theo với ba món trên có thể mọt ít rượu hay bia tùy ý. Lậy là món ăn đãi khách, tuy có vẻ dân giã nhưng hiếm. Kinh nghiệm dân gian cho rằng ăn lậy không những bổ dưỡng cơ thể, tăng sinh lực, mà còn có tác dụng chữa đau khớp hay bệnh gút nữa.

Du lịch, GO! - Theo Diendandulich, ảnh internet

Một mai còn hồn làng đá...

“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh…” - Câu ca dao nói về những địa danh của xứ Lạng Sơn, nơi gần chốn quan ải, xa nơi phồn hoa đô hội của kinh thành Thăng Long tráng lệ.

< Con đường dẫn vào làng đá Thạch Khuyên đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Ấy là thủa xa xưa, giờ đây miền biên ải một thời ấy đã tấp nập, nhộn nhịp hơn nhiều bởi là nơi giao thương quốc tế với hai cửa khẩu Tân Thanh và Cốc Nam. Để tìm về với xứ Lạng thời còn xa xưa, một di chỉ vẫn còn sót lại: Làng đá Thạch Khuyên (xã Xuất Lễ - Cao Lộc - Lạng Sơn).

< Lối nhỏ nên thơ dẫn chúng tôi vào khung cảnh hữu tình của làng đá Thạch Khuyên.

Cảm nhận lần đầu tiên khi dừng bước tại làng đá  Thạch Khuyên là chìm trong một không gian của đá. Đá lát rải làm đường, đá làm tường rào, đá kè bờ ao, đá chèn bờ ruộng. Đá ôm nhà, ôm người, ôm cây, ôm cỏ ở nơi đây... Và tôi tự hứa với lòng, sẽ trở lại. Và lần này, ngược phố núi Lạng Sơn, chúng tôi dừng lại tại làng đá - xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn.

< Nhà có sân trong vừa có công năng ăn ở vừa có sự ấm cúng thân thuộc.

Cơn mưa chiều mùa hạ không đủ xoa dịu cái nắng oi nồng của ngày hè càng trở nên “nực” hơn khi vượt đoạn đường chỉ chưa đầy 30 cây số từ trung tâm thành phố Lạng Sơn về ngôi làng đá. Chúng tôi phải gửi xe từ rất xa, cuốc bộ trên con đường đá lởm chởm, trơn trượt, mốc thếch để dò dẫm vào làng. Chính đá trong làng đã làm tan biến cái nóng vốn vẫn bám riết chúng tôi suốt chặng đường.

< Con người, cảnh vật nơi đây tạo nên bức tranh thật bình dị.

Cuộc sống ồn ào chốn phồn hoa chưa len vào được nơi đây. Một không gian yên tĩnh, lặng lẽ, trầm mặc ngự trị chốn làng đá này. Cuộc sống nơi đây rất chậm, hiếm hoi lắm mới thấy có một chiếc xe máy chạy từ trong làng ngược qua. Nếu chú ý có thể nghe thấy cả tiếng mõ trâu “lộc cốc, lộc cộc” từ đàn trâu đang gặm cỏ ở mảng đồi trống phía dưới.

Cuốc bộ nửa tiếng đồng hồ trên con đường dẫn vào làng đá mới thấy thấp thoáng vài mái nhà  mà người dân nơi đây gọi là nhà “trình tường”.

< Mái ngói âm dương cũ kỹ của những ngôi nhà trình tường là nét đặc trưng tại làng đá Thạch Khuyên.

Nhìn từ xa dường như những ngôi nhà này bị “vùi” vào trong đá. Nhưng thực tế các bức tường đá bao lấy chúng như mảnh giáp bảo vệ. Cái tên “trình tường” bắt nguồn từ sự sáng tạo của người dân nơi đây khi sinh ra từ trong gian khó. Vì giao thông chưa thuận tiện, khí hậu khắc nghiệt nên rất khó có thể xây nhà bằng những vật liệu thông dụng như dưới xuôi.

< Đá chất quanh nhà.

Chính vì thế, để “biến thiên khắc thành thuận thiên” (bắt thiên nhiên phục vụ mình), người dân nơi đây đã lấy bùn đất trộn với rơm mới nhào nặn đến khi cả rơm và bùn đã quyện kỹ với nhau tạo thành một thứ hồ “đặc chủng”, sau đó mới đắp lên những tấm phên được làm từ tre, luồng đan chéo đã được dựng sẵn. Để cất được một ngôi nhà như thế, chủ nhà phải mất vài tháng trời là nhanh, nếu được sự giúp sức của những người làng xóm, láng giềng. Nhà trình tường nơi làng đá Thạch Khuyên có đặc điểm rất mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông. Ngoài ra, khi bước chân vào trong nhà, nếu ai tinh ý sẽ nhận thấy mùi thơm thoang thoảng của hương lúa ngày mùa, cộng với mùi ngai ngái của vị bùn tạo cảm giác thân thương, ấm áp.

< Hàng rào đá chỉ mang tính ước lệ, làm nên nét duyên cho những con đường làng.

Cụ ông Châu Văn Muôn đã sống tại làng đá này gần cả đời người kể: Thạch Khuyên xưa nhiều đá lắm, mà cũng chẳng biết có tự bao giờ. Khi tôi sinh ra, làng đã có đá rồi. Chúng tôi sinh ra đã gần đá, lớn lên chơi gần đá, đùa với đá, ngủ trên đá. Theo quan niệm của các cụ xưa kể lại, đá tượng trưng cho tình mẹ bao dung, ấm áp, nuôi dưỡng những đàn con khôn lớn, phổng phao...

Cụ Muôn cũng kể: Do những bức tường chỉ ngăn được gió, mưa nhỏ nên khi có mưa to, gió lớn, lốc xoáy thì dễ bị xô đổ nên các cụ đã nghĩ ra cách dùng những viên đá xếp thành những bức tường để chắn gió, chắn mưa. Rồi cứ người nọ truyền người kia, nhà nọ truyền nhà kia, đời này qua đời khác, làng Thạch Khuyên trở thành làng đá từ đó. Ngoài ra những bức thành đá này còn chống thú dữ. Trong chiến tranh loạn lạc chúng thực sự trở thành những chiến lũy giữ làng, giữ nhà.

Lang thang trong làng, trèo lên con dốc cao nhìn xuống, những bức tường đá uy nghi, trầm mặc mới thấy hết sự tinh diệu những người sáng chế ra chúng.

Làng đá Thạch Khuyên nhìn từ trên cao với những bức lũy vừa thâm u, bí ẩn, vừa có cảm giác giống như một trận đồ bát quái trong tư duy một nhà quân sự. Những tảng đá vô tri, vô giác đang sống cùng Thạch Khuyên, trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử, tạo hóa nhưng vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt”.

Có thể thấy ở nơi đây người dân không phải vô tình dùng đá như một thứ vật liệu thay thế trong cuộc sống mà cao hơn nữa là biến thứ đá vô tri vô giác kia, xếp đặt nó, biến nó trở thành một màn phong thủy, trở thành đá “trấn yểm” bảo vệ cuộc sống, sức khỏe của dân làng. Có một điều thật hiện hữu, người dân trong làng đá Thạch Khuyên này rất khỏe mạnh, ít đau yếu, hầu như không mắc chứng bệnh nan y gì và tuổi thọ rất cao. Những người đắc thọ không phải là hiếm ở làng đá này. Như cụ Muôn, ở cái tuổi 86, cụ vẫn phăm phăm với ruộng đồng với vườn cây, ao cá... thì quả là điều đáng quý.

Trở lại Thạch Khuyên lần này, chúng tôi mang trong mình nỗi buồn man mác khi ra về. Buồn bởi nỗi chia tay những con người chân chất nơi đây đã đành, cái vấn vương lớn vẫn là chuyện những hàng rào đá, những bức tường đá, rồi con đường đá đang dần bị mai một. Nhà người dân bây giờ được thiết kế khá hiện đại, vật liệu là gạch vữa, xi măng. Đá bị mang đi xây hồ, bị mang đi làm đường... Liệu một mai, Thạch Khuyên có còn tên gọi... làng đá?!

Du lịch, GO! - Theo Tuấn Anh (Suckhoedoisong), internet

Tuyệt đẹp “làng đá” Thạch Khuyên

Chạy xe thế nào để không mắc lỗi lấn tuyến?

Phượt đi nhiều, chạy xe nhiều trên đường nên cũng rất dễ dính phải các lỗi giao thông khiến ta dễ mất tiền phạt, mất thời gian để xử lý vi phạm (điều này có khi làm thay đổi cả lộ trình chuyến đi mà ta đã tính toán từ trước chuyến phượt). Sẽ không thừa khi chúng ta cứ phải nhắc đi nhắc lại rằng: đã chạy xe trên đường thì phải tuân thủ tuyệt đối các quy định của pháp luật về giao thông.

Hiện nay, do mật độ phương tiện giao thông cao, đường không rộng, trong khi áp lực cuộc sống từ nhiều bề sẽ khiến người lái xe “phải nhanh hơn”. Như vậy, lỗi lấn tuyến rất dễ xảy ra.

Theo nghị định 71, mức xử phạt lỗi lấn tuyến rất cao (từ 400.000 – 800.000 đồng áp dụng tại năm thành phố trực thuộc Trung ương). Làm thế nào để không vi phạm và bị xử phạt? Trò chuyện với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, ông Nguyễn Văn Trung, giáo viên trung tâm đào tạo lái xe Hoàng Gia đã tư vấn những điều cơ bản cần phải nhớ khi tham gia giao thông. Ông Trung nói:

Điều đó giúp người lái xe dù điều khiển ôtô, xe gắn máy hay thậm chí đi bộ cũng có thể tự bảo vệ mình trước tai nạn và không bị cảnh sát giao thông xử phạt.

Theo quy định, các loại phương tiện sẽ có làn đường riêng. Vạch đứt quãng cho phép xe lấn tuyến, còn vạch kẻ liền thì tuyệt không được vi phạm. Tuy nhiên, cảnh sát giao thông vẫn có thể xử phạt nếu người lái xe cho xe chạy ra khỏi vạch đứt quãng, dù người này sẽ chạy vào làn đường quy định ngay khi có thể. Lỗi đó nằm ở chỗ người tài xế không bật đèn báo chuyển hướng (đèn xi nhan). Hãy chắc chắn là bạn đã bật đèn, quan sát kính chiếu hậu không có xe phía sau để lấn tuyến hợp pháp.

Ngoài ra, nếu không có việc cần thiết, tốt nhất tài xế nên nhường cho các phương tiện phía trước di chuyển rồi mình sẽ đi sau. Tốc độ hợp lý, khoảng cách hợp lý thì sẽ không có cảnh sát nào phạt được người lái xe.
Khi đào tạo học viên lái xe, giáo viên luôn nhắc không bao giờ được chạy quá tốc độ cho phép bởi việc này vừa nguy hiểm vừa có khả năng gây rắc rối và tốn tiền do bị cảnh sát phạt. Trên mỗi tuyến đường đều có bảng quy định tốc độ cho từng loại xe.

Một lỗi thường gặp nữa của các loại phương tiện là cho xe chạy vào đường cấm, đường một chiều. Một bác xe ôm vì ngại chạy tới giao lộ để quay đầu xe nên chạy ngược chiều. Một gia đình đi xe hơi vì muốn qua quán ăn quen thuộc nên cho xe lui vài trăm mét, trong khi nhiều loại phương tiện khác đang ào ào chạy tới… Với lỗi này, không còn đường nào khác là phải chịu xử lý theo pháp luật nếu cảnh sát giao thông phát hiện. Trường hợp gây tai nạn còn rắc rối hơn.

Một điều quan trọng khác, đang lái xe thì không uống bia, rượu. Hiện nay, cảnh sát giao thông rất thường xuyên đo nồng độ cồn trong hơi thở. Tránh uống bia rượu khi lái xe cũng là giải pháp hạn chế tai nạn và không bị phạt.

Rất nhiều người biết các lỗi như trên, thậm chí biết rõ. Tuy nhiên, đó là những nguyên tắc cơ bản khi tham gia giao thông.

Du lịch, GO! - Theo SGTT, internet

Về thăm đình cổ, đất Tuồng…

Có một ngôi làng nhỏ, nằm khép mình giữa những rặng tre xanh, bao bọc bởi những cánh đồng lúa. Làng nhỏ bé, khiêm nhường trước sự phát triển ồ ạt của đô thị nhưng tàng ẩn trong mình một không gian văn hóa “đậm chất” làng quê Việt; là cái nôi của nghệ thuật Tuồng, gắn với tên tuổi của một vị danh nhân văn hóa: Đào Tấn - Đó là làng Vinh Thạnh thuộc xã Phước Lộc (Tuy Phước).

< Làng Vinh Thạnh nhìn từ núi Huỳnh Mai.

Từ Quy Nhơn, chúng tôi đi xe máy xuôi về hướng Bắc theo quốc lộ 19 khoảng chừng 20 km thì đến làng Vinh Thạnh. Làng nằm sát bên quốc lộ, cũng dễ nhận ra bởi tấm bảng “Làng văn hóa” dựng ngay đầu làng.

< Đình làng Vinh Thạnh.

Đình làng Vinh Thạnh là nơi đầu tiên chúng tôi ghé thăm. Theo Bình Định danh thắng và di tích thì đây là ngôi đình duy nhất còn sót lại của người Việt trên đất Bình Định.

Di tích ngôi đình hiện còn đến ngày nay mới được xây dựng lại vào năm 1948. Còn ngôi đình cũ, theo dân gian kể lại thì có quy mô lớn hơn, kiến trúc theo kiểu cổ, lợp ngói âm dương và đã bị phá hủy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.


< Tượng bán thân Đào Tấn.

Ngôi đình mới được kiến trúc trên bình đồ hình chữ nhật, phía trước trổ tam quan trông ra đường liên xã, các mặt khác tiếp giáp với nhà dân. Hai đầu nhà đều xây trụ hình vuông, trên đề đôi câu đố, hai trụ giữa bo tròn chạm nổi hình rồng quấn quanh, đầu chúc xuống đuôi vểnh lên, bên trên là một dãy lan can được thiết kế theo kiểu ô hộc. Chính giữa là hình cuốn thư đắp đổi đề ba chữ “Vinh Thạnh đình”.

Đình được thiết kế hai lớp mái, bốn góc uốn cong, cuối góc mái là những lan can đằng (giả rồng), đỉnh mái bên trên thể hiện hình lưỡng long chầu nguyệt (các chi tiết này đã bị đập vỡ). Phía trong hai bên cửa chính là phù điêu đắp nổi tượng ông Thiện, ông Ác, trong nhà sát tường là ba bục thờ, Đình dài 12m, rộng 4m.

Trong ba bục thờ thì bục giữa đề chữ “thần”, một bên đặt thần vị Đào Đức Ngạc - cha của Đào Tấn, một bên đặt thần vị Đào Tấn. Thần vị Đào Tấn là một tấm bia đá được lập năm Mậu Thân- Duy Tân thứ hai (1908), một năm sau khi ông qua đời. Nguyên văn chữ Hán như sau: “Duy Tân nhị niên Mậu Thân nhị nguyệt cát nhật. Hoàng triều cáo thụ Vinh lộc đại phu Trụ quốc Thái tử Thiếu bảo Hiệp biện đại học sĩ lãnh Công bộ thượng thư sung Cơ mật viện đại thần Vinh phong tử tước trí chính Đào công hủy Văn thần thần vị. Bản thông phụng tự”.

< Đường lên mộ Đào Tấn.

Như vậy ngay sau khi mất, Đào Tấn đã được tôn vinh như một vị thần của cả làng, được cả làng thờ cúng. Hiện nay, khi điều tra về thần hoàng làng Vinh Thạnh, trong nhân dân có nhiều ý kiến khác nhau, người thì bảo là Đào Đức Ngạc cha của Đào Tấn, người thì nói là chính Đào Tấn. Thực ra nếu căn cứ vào vị trí các khám thờ trong đình thì cha con Đào Tấn có lẻ chỉ là những “hậu thành hoàng” của làng, tuy nhiên thành hoàng đầu tiên của làng là ai đến nay không ai rõ.

Đình làng chỉ mở cửa mỗi năm hai lần vào dịp Tết Nguyên đán và ngày rằm tháng bảy (ngày giỗ Đào Tấn) nhưng hàng ngày vẫn có người trông nom, chăm sóc. Đặc biệt, với người dân Vinh Thạnh, ngôi đình luôn gắn với ý thức tâm linh, vọng ngưỡng và tôn kính. Dưới bóng mát của 2 cây gòn cổ thụ là khoảnh sân rộng, phòng đọc sách…

< Cổng làng Vinh Thạnh cổ kính rêu phong.

Rời đình cổ, chúng tôi thả bộ dọc theo con đường làng. Lòng bồi hồi những cảm xúc khó tả khi bước qua cổng làng cổ kính và rêu phong, in đậm dấu thời gian. Được biết, đây là làng duy nhất trong tỉnh còn giữ được cổng làng. Và cái cổng làng mang bốn chữ Hán “Vinh Thạnh lý môn” (cổng làng Vinh Thạnh) này cũng là niềm vinh dự của người dân Vinh Thạnh.

Có rất nhiều ngôi làng Việt đang “đối mặt” với ô nhiễm, với sự phát triển đô thị hóa một cách ồ ạt… thì ngôi làng nhỏ bé này vẫn giữ được sự thuần phác, hiền hòa với một không gian xanh, dịu mát, trong lành của một làng quê thuần Việt. Người dân Vinh Thạnh có thú chơi cây kiểng. Và họ như những nghệ sĩ thực thụ. Những hàng rào duối, chè tàu quanh nhà được cắt tỉa cầu kỳ. Cổng, ngõ, hàng rào… xem ra không đơn giản chỉ là lối đi mà là một thú chơi. Và nó thật sự hài hòa trong kiến trúc nhà, vườn…

Một “địa chỉ văn hóa” mà khi đến Vinh Thạnh, du khách và những người am hiểu về nghệ thuật Tuồng hay chỉ đơn thuần là yêu mến, ngưỡng vọng danh nhân văn hóa Đào Tấn đều viếng thăm, đó là ngôi nhà nhỏ, tọa lạc trên một khoảnh đất nhỏ trong vườn cũ ngày xưa của cụ Đào. Chủ nhân ngôi nhà này là ông Đào Tụng Phi, chắt của cụ Đào Tấn. Khách đến viếng thăm, thắp cho cụ Đào nén hương, ngồi trò chuyện cùng người chắt của cụ và được hướng dẫn tham quan “Mai viên” (vườn mai - theo cách gọi của cụ Đào ngày xưa).

Dấu xưa của Học bộ đình, nơi diễn Tuồng, nơi ở của kép hát… giờ là ruộng lúa, vườn dưa. Trụ cổng vào Mai viên cụ Đào ngày xưa giờ vẫn còn dấu, nhưng rêu phong, xiêu vẹo. Ngôi miếu cổ thờ Bà Thủy, Bà Hỏa do cụ Đào lập ra, vẫn còn đậm giai thoại về cốt cách của cụ Đào… Bên kia, cách Mai viên một quãng đồng, núi Huỳnh Mai sừng sững, sinh thời Đào Tấn đã chọn cho mình nơi an nghỉ để ngày ngày có thể nhìn về quê hương yêu dấu của mình.

< Một góc "Mai viên" xưa.

Buổi trưa. Chúng tôi ghé thăm nhà người bạn ngay trong làng. Như đã giao hẹn trước, khách xa đến chơi không thích sự cầu kỳ, có gì dùng nấy. Bạn đã làm đúng lời hẹn. Và chúng tôi thực sự ấn tượng bởi những món quà quê dân dã lại nâng lên tầm “đặc sản”! Món khai vị là nem chua chợ Huyện “đưa cay” cùng rượu Bàu Đá. Những đặc sản bản địa được giới ẩm thực phong “anh hùng - thuyền quyên” là đây.
Sau món khai vị, bữa cơm dân dã được dọn ra với cá rô đồng kho nghệ, gà kho sả, rau muống luộc và canh tôm mồng tơi, rau ngót… được giới thiệu là những thứ “cây nhà, lá vườn” khiến thực khách không khỏi trầm trồ.
Nhưng, món tráng miệng mới thật sự là đỉnh điểm bất ngờ dành cho khách. Bánh ít lá gai bà Dư Tuy Phước nổi tiếng khắp vùng, khiến bụng khách đã no mà miệng cứ thòm thèm!


< Đường làng Vinh Thạnh.

Thấy khách đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, bạn cười, không giấu vẻ tự hào: “Bà xã tui đạo diễn hết đó!”. Chị vợ được chồng khen trước mặt khách thì cười bẽn lẽn. Xem ra, cái duyên của con gái xứ Bình Định không chỉ nằm trong mỗi câu ca dao “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định bỏ roi, đi quyền”.

Chiều xuống. Tạm biệt Vinh Thạnh, chúng tôi ra về trong niềm vui mãn nguyện. Một chuyến đi, đúng nghĩa với các khía cạnh: tiếp nhận, khám phá và tận hưởng. Nhưng trong lòng thoáng chút băn khoăn: một làng quê thuần Việt, chứa đựng một không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực… đặc sắc như Vinh Thạnh, sao lại cứ mãi khiêm nhường? Rồi cũng tự trấn an mình, biết đâu, chính vì khiêm nhường và tàng ẩn nên Vinh Thạnh mới có một nét duyên quyến rũ đến như vậy!

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ báo Bình Định, ảnh internet

Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng 2013 - Chút quê giữa lòng phố thị

Đến hẹn lại lên, Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng sẽ tưng bừng với “Hoa đồng cỏ nội” để mừng xuân Quý Tỵ 2013.
Là sự tiếp nối thành công của chủ đề “Hoa đồng cỏ nội” từ Hội hoa xuân và Chợ hoa tết năm 2012, song Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng lần này vẫn hứa hẹn đem tới những hình ảnh ấn tượng và đặc sắc hơn.

9 năm và 10 lần

Từ con số 100.000 lượt khách vào những năm đầu mới tổ chức (2004), đến xuân Nhâm Thìn 2012 vừa qua số lượng lượt khách tham quan đã tăng lên con số 1 triệu, gấp 10 lần số lượt khách tham gia lần đầu. Con số đó đã cho thấy sự trưởng thành về cả quy mô và chất lượng của Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng trong 9 năm qua.

Cứ mỗi năm Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng lại tìm thêm những nét duyên dáng cho riêng mình. Mỗi năm một chủ đề, song cách Phú Mỹ Hưng chọn để trang trí cho các hội chợ hoa xuân đều không quá cầu kỳ và phô trương, chỉ đơn giản là những hình ảnh gần gũi, dân dã, nhiều tính gợi nhớ, thiết thực với mỗi người. Có lẽ chính điểm nhấn độc đáo đã giúp hội chợ thu hút được ngày càng đông đảo du khách đến tham dự. Lý giải cho điều này, Chị Thanh Ngọc (Q.3, TP.HCM), khách tham quan cho rằng: “Con người đang sống giữa chốn phố xá thị thành xô bồ, vì thế tìm về một chút dân dã, một chút gợi nhớ làm cho cuộc sống mình hài hòa cân bằng hơn”.

Với tư duy đó, trong vài năm trở lại đây, chủ đề “Hoa đồng cỏ nội” liên tục được Phú Mỹ Hưng chọn là chủ đề chính. Việc tái hiện hình ảnh vườn quê nông thôn Việt Nam, với những nét đặc trưng như đồng lúa, nương bắp, ruộng dưa, giàn bầu bí, đụm rơm, thuyền gỗ... khiến bao du khách ngỡ ngàng và cảm động, như đang được cùng sống lại với góc bếp, đường quê thuở xa xưa. Tuy là sự tiếp nối chủ đề cũ, song mỗi năm Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng đều có sự thay đổi trong sắp xếp, trang trí đồng thời chọn ra những điểm nhấn đặc sắc khác nhau, để khơi gợi cho du khách những khoảnh khắc ôn lại kỷ niệm của thời thơ ấu với miền quê thôn dã và được thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên của một thời để nhớ, để yêu thương.

Trước những thành công mà Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng đạt được, từ năm 2012, Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng đã được Ủy ban Nhân dân TP.HCM chính thức xem là một trong những điểm chính thức tổ chức chợ hoa xuân hằng năm của thành phố, để góp phần tạo nên một địa điểm vui chơi văn hóa giải trí độc đáo, không thể bỏ qua cho người dân mỗi độ xuân về.

“Hoa đồng cỏ nội” 2013 - phiêu lãng với đồng quê

Ông Nguyễn Bửu Hội, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Phú Mỹ Hưng, cho biết: “Với chủ đề “Hoa đồng cỏ nội”, Hội chợ hoa xuân ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng 2013 dự kiến có trên 500 gian hàng hoa, cây cảnh và 200 gian hàng đặc sản tết, cùng các tiểu vùng, tiểu cảnh tái hiện hình ảnh của quê hương Việt Nam qua các vùng miền và lịch sử văn hóa truyền thống của người Việt”.

Năm nay, trong diện tích hơn 7 ha, ban tổ chức sẽ bố trí thành 8 khu vực riêng biệt. Mỗi khu sẽ mang một nét đặc trưng riêng: khu Đường Xuân được thực hiện trên đường cong dọc theo Hồ Bán Nguyệt hứa hẹn tạo nên nét đặc biệt nhất của hội chợ với các thiết kế theo chủ đề mang đậm nét xuân và gắn liền với truyền thống dân tộc Việt Nam. Phía khu Bến Xuân sẽ lấy ý tưởng trong bài hát Bến Xuân của nhạc sĩ Văn Cao và từ các biểu tượng văn hóa làng quê đặc trưng của người Việt.

Cạnh đó, khu Vườn Xuân  góp mặt với những cánh đồng lúa thơm mùi mạ non, nương bắp trổ bông, những ruộng dưa đang ra trái… Đặc biệt khu Góp Xuân sẽ trưng bày những cây hoa, kiểng, bonsai tâm đắc nhất của các cư dân Phú Mỹ Hưng, của Hội sinh vật cảnh, của các nghệ nhân trong cả nước gửi tặng hoặc gửi đến trưng bày.

Tại hội chợ lần này dĩ nhiên không thể thiếu chợ hoa và các khu gian hàng phục vụ tết, như ẩm thực, khu vực trò chơi thiếu nhi - trò chơi dân gian... Khu vực sân khấu chính năm nay, như hằng năm sẽ tổ chức 6 đêm ca nhạc mừng xuân, phục vụ miễn phí cho người dân.

Hội chợ hoa xuân Phú Mỹ Hưng mừng xuân Quý Tỵ 2013 sẽ diễn ra từ ngày 3.2.2013 đến 8.2.2013 (tức từ ngày 23 đến 28 tháng chạp) tại khu The Crescent (Hồ Bán Nguyệt), đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM.

Du lịch, GO! - Theo Khánh Mai (Thanhnien), internet

Kỳ lạ 2 con kênh "trời đánh" ở Long An

Đó là hai con kênh nhỏ, như hàng ngàn con kênh khác, nhưng lại cướp đi sinh mạng bao người, để lại nỗi đau và sự sợ hãi suốt hàng thế kỷ qua. 
Giữa bạt ngàn những cánh đồng lúa xanh ngát, những làn gió thoang thoảng mùi tinh dầu tràm gió đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười rộng lớn là những con kênh, mái nhà nép sát nhau. Cảnh vật và con người hài hòa như một bức tranh êm đềm mà ta có thể bắt gặp ở bất cứ những làng quê nào.

Tuy nhiên, có một vài nơi ở đây lại xảy ra những câu chuyện khó tin, những sự trùng hợp kỳ lạ mà không ai giải thích nổi gắn liền với những cái chết thương tâm cùng những câu chuyện mới nghe thôi đã lạnh cả sống lưng.

Đó là hai con kênh nhỏ, như hàng ngàn con kênh khác, nhưng lại cướp đi sinh mạng bao người, để lại nỗi đau và sự sợ hãi suốt hàng thế kỷ qua mà vẫn chưa có lời giải đáp.

Chuyện hãi hùng ở con kênh chết

< Con kênh "trời đánh" ở ấp 3, xã Long Thành.

Từ xưa đến nay, việc nắng gió, mưa bão hay sấm sét là những hiện tượng tự nhiên bình thường, tuân theo quy luật bất biến của trời đất. Tuy nhiên, có nhiều nơi, sự việc tưởng như bình thường ấy lại gắn liền với những câu chuyện hãi hùng, những cái chết thương tâm, nhuốm đầy sắc màu huyền bí.

Một con kênh nhỏ nằm trên đường N2, đoạn qua ấp 3, xã Long Thành (huyện Thủ Thừa, Long An) từ trước đến nay thường được người dân trong vùng gọi là “kênh trời đánh”.

Ngay như cầu số 9-10 trên đường này cũng được đặt tên là “cầu trời đánh”, vì nó bắc qua con kênh đó. Hỏi nguyên nhân tại sao lại dẫn đến cái tên kỳ lạ như vậy, bà Nguyễn Thị Tâm, 47 tuổi, nhà gần đó cho biết: “Từ trước tới nay, cứ mùa mưa, năm nào ở đây cũng có người bị sét đánh. Nhiều người bị chết hay nhẹ cũng bị thương phải cấp cứu. Cây cối ven bờ kênh này gãy cụt không biết bao nhiêu mà kể”.

< Bà Tâm đang kể lại những trận sét đánh kinh hoàng.

Hồi tưởng lại những vụ sét đánh kinh hoàng còn đọng trong trí nhớ, bà Tâm bồi hồi cho biết thêm: “Khoảng những năm 2000, lúc ấy chưa có đường N2 hay tên Kênh 9 như bây giờ, có bà Năm Nên cùng hai con đi làm đồng về bị sét đánh trúng chết ngay tại chỗ. Hai con bà văng ra xa, bị thương nặng, tàn tật đến bây giờ. Riêng đám đất chân bà Năm Nên đứng, đến mấy năm sau cỏ cũng không mọc được. Đi làm đồng qua đó, thấy giữa đám cỏ gà xanh tốt là 2 vệt chân người rõ mồn một, tôi lạnh cả sống lưng.

Tuy nhiên, sự kỳ lạ chưa dừng lại ở đây bởi chỉ sau cái chết của bà Năm chừng mấy năm, có ông Hai sẹo lúc đi đánh cá gặp trời mưa, chèo thuyền về tới đầu con kênh này cũng bị Thiên Lôi “ghé thăm”. Kết quả, xác ông Hai bị cháy đen thui còn chiếc ghe nhỏ thì vỡ vụn, từng mảnh nát bấy sau một tiếng nổ đinh tai nhức óc”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 5 năm trở lại đây, tại ven con kênh dài chừng 3 cây số này đã xảy ra nhiều vụ sét đánh, hậu quả làm 3 người chết, 4 người bị thương nặng, hàng chục vụ sét đánh chết gia súc, gia cầm hay gẫy cây, cháy cột điện.

Cũng theo bà Tâm, số vụ chết người do sét đánh những năm gần đây có giảm so với trước kia bởi người dân địa phương đã biết tránh những trận lôi đình của Thiên Lôi ở địa điểm này. Theo đó, cứ trời chuyển mưa giông là mọi người đều cố gắng chạy núp ở nhà. Nếu có đi làm đồng xa cũng bỏ cuốc, xẻng hay những vật dụng bằng sắt khác để chạy tháo thân.

Số vụ người chết có giảm còn số vụ sét đánh thì vẫn… đều đều. Nhiều gia súc, gia cầm đã phải thế mạng thay cho con người mỗi khi thần sét ghé thăm. Tuy nhiên, đó lại không phải là nơi duy nhất ở vùng Đồng Tháp Mười tươi đẹp này bị thần sét “ghé chơi” mà những câu chuyện rùng rợn hơn lại diễn ra ở con kênh khác, kênh Tân Thiết (xã Tân Lập, Mộc Hóa, Long An). Nơi đây từng xảy ra vô vàn những trận sét đánh kinh hoàng.

Ông Nguyễn Hoàng Đắng, 69 tuổi ở ấp 2 xã Tân Lập kể: “Con kênh Tân Thiết này được khởi công xây dựng từ thời Ngô Đình Nhiệm, trước giải phóng. Tuy nhiên, đúng ngày đang khởi công đào đắp thì trời mưa to, có 3 công nhân bị sét đánh chết tại chỗ khi con kênh chưa kịp hoàn thành một mét nào khiến hàng trăm người nơi đây vô cùng hãi hùng. Cũng chính vì thế mà ngoài cái tên kênh Tân Thiết, con kênh này còn có một cái tên khác là “kênh trời đánh ”.


< Một thân cây bị sét đánh.

Sự việc chưa dừng lại ở 3 mạng người kể trên bởi nhiều vụ sét đánh liên tiếp lại xảy ra ở địa bàn con kênh “trời đánh” này. Theo đó, vào những năm 79, 80 có một nhóm người miền Bắc vào đây lập nghiệp cũng có 1 người bị sét đánh rớt xuống thuyền lúc đang chạy dưới trời mưa. Hay như vụ ông Năm Thinh, ông Tính Ba Lau ở Tân An xuống chơi cũng chẳng may bị sét đánh chết giữa đêm khuya. Ngoài ra, việc nhà cháy, cây đổ hay trâu bò chết quanh con kênh này thì nhiều vô số kể.

Vì nhẽ ấy, ông Đắng cũng đúc rút ra được: “Từ hồi con kênh này được đào đến nay chỉ khoảng hơn 40 năm nhưng cũng có chừng ấy vụ người bị sét đánh rồi. Tuy nhiên, không phải ai bị tử thần hỏi thăm đều mất mạng cả mà có nhiều trường hợp thoát chết rất hi hữu. Đó là việc chú Sáu Hòa (nay đã chuyển về Gò Vấp, TP HCM sống) từng 3 lần bị sét đánh mà không chết.

< Cây cầu bắc qua kênh Tân Thiệt được đặt tên là cầu " Trời đánh". Người dân địa phương đã xoá chữ "đánh" trên bảng tên để đỡ xui.

Ông Đắng kể: “Chú Sáu không chỉ là người bất trị mà trời cũng bó tay luôn. Tôi nghe bảo, chú từng bị sét đánh trúng thuyền lúc chở lúa nhưng không sao. Rồi khi đi chăn vịt cũng bị sét đánh khi đang núp ở dưới gốc cây. Cuối cùng khi đang hái dừa bị sét đánh nên chú sợ quá, chuyển hẳn lên TP. HCM sống mà không dám về thăm lại qua cha đất tổ một lần nào nữa vì sợ không có được may mắn như trước”.

Khoa học bó tay

Một câu hỏi đặt ra từ hàng mấy chục năm trước với người dân ở đây là tại sao nơi họ sống lại thường xuyên bị sét đánh như thế? Có phải do có một lời nguyền bí ẩn nào hay vì một nguyên nhân sâu xa nào khác. Có nhiều ý kiến cho rằng do có mỏ sắt, mỏ vàng hay mỏ ô-xít nhôm gì đó ở dưới lòng kênh khiến nơi đây thường bị sét đánh bởi đặc tính cố hữu của sấm sét là thường bị hút bởi những nơi có kim loại nặng.

Tuy nhiên, hướng giải thích này đã bị bác bỏ bởi trước đây, trước sự việc bất thường đó đã có nhiều nhà khoa học về tận nơi nghiên cứu. Và, tất thảy họ đều đưa ra kết luận, vùng đất quanh năm phèn mặn này ngập nước quanh năm, không có khả năng tích tụ kim loại, sa khoáng. Vì thế, thần sét không tìm đến vì lý do này. Theo anh Nguyễn Văn Cảnh, cán bộ ở Đài khí tượng thủy văn Nam bộ, thì sét đánh từ trên trời xuống hình rễ cây nên sẽ không hạn chế ở bất cứ chỗ nào.

Để hạn chế thiệt hại do sét đánh, khi thấy mưa, giông, người dân phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn. Đa số trường hợp bị sét đánh là ở trên đồng có mang vật dụng bằng sắt, đi chân không trong môi trường nước có dẫn điện mạnh… thêm nữa, khả năng vùng đất ở khu vực Đồng Tháp Mười có nồng độ phèn cao nên khả năng hút sét cũng lớn hơn các khu vực khác dẫn đến hiện tượng vật lý trên.

Khi được hỏi vì sao có những vùng thường xuyên bị sét đánh như vậy thì anh Cảnh bảo, cái này có thể có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ, vùng Đồng Tháp Mười là nơi quanh năm nhiễm phèn mặn, mà phèn mặn lại chứa nhiều nguyên tố Fe nên cũng dễ bị sét đánh.

< Cây cầu “trời đánh” bắc qua con kênh chết chóc này.

Có lẽ, cách giải thích trên vẫn chưa sát với thực tế cũng như nói đúng bản chất của việc sét đánh bất thường ở hai khu vực trên bởi nếu xét về cấu tạo địa chất, địa hình thì chúng cũng như bao nhiêu nơi khác trên khu vực Đồng Tháp Mười rộng lớn mà thôi.

Vì vậy, trong khi chờ đợi những lý giải thấu đáo của các nhà khoa học cũng như có cách thức hữu hiệu giúp bà con giảm thiệt hại thì hàng năm, mùa mưa này lại có hàng trăm những trận trời trút giận xuống nơi đây gây lên nỗi hoang mang không gì xóa nhòa.

Du lịch, GO! - Theo báo Gia đình và Cuộc sống, internet