Thứ Hai, 31 tháng 12, 2012

Thơm thảo "Phở miễn phí" ngày Chủ nhật.

Ngay giữa trung tâm thủ đô Hà Nội, bên cạnh những cửa hiệu đề “Phở gia truyền”, “Phở cồ”, “Phở Nam Định”, “Phở Lý Quốc Sư”… lần đầu tiên xuất hiện một quán “Phở miễn phí.”

< Quán phở miễn phí dành cho người nghèo.

Câu chuyện hi hữu và cảm động này đã được quán “Ơ ….Phở gà” (219 Khương Trung Mới, Thanh Xuân) biến thành hiện thực vào mỗi Chủ nhật hàng tuần kể từ ngày 30/12/2012. Quán “Ơ… Phở gà” sẽ cung cấp miễn phí khoảng 100 bát phở dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Hôm nay, mới chỉ ngày áp dụng đầu tiên, thế nhưng đã có rất nhiều đối tượng đến cửa hàng đăng ký, gồm các đối tượng từ các bạn sinh viên tỉnh lẻ, đến những người bán hàng rong, thu mua sắt vụn, thậm chí cả những em đánh giầy, trẻ em lang thang…

Để được nhận những bát phở miễn phí, người nghèo chỉ cần đến đăng ký trực tiếp tại cửa hàng và nếu có mang giấy chứng nhận hộ nghèo, hoặc giấy tờ xác nhận, trình bày hoàn cảnh khó khăn, chủ quán sẽ trực tiếp nhận và việc đăng ký này chỉ cần tiến hành một lần.

Chủ cửa hàng “Ơ… Phở gà”, chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ, đây là tấm lòng của gia đình chị hướng tới người nghèo khó. Việc cung cấp phở sẽ được tiến hành đều đặn vào mỗi chủ nhật hằng tuần bằng nguồn kinh phí của gia đình.

Chị không chỉ muốn mang đến những bữa ăn no cho những người nghèo mà với mong muốn họ cũng được thưởng thức những món ăn “không chỉ để chống đói, mà hướng tới người nghèo cũng được dùng những món ngon như bao người khác.”

Trước đó, TP.HCM cũng từng xôn xao về quán cơm miễn phí của ông lão 73 tuổi. Mỗi tuần 3 buổi, những người lao động nghèo tại TP HCM lại tập trung về quán cơm Thiện Tâm (quận 3) để nhận suất cơm chay miễn phí của ông lão 73 tuổi.

Chủ quán cơm Thiện Tâm - ông Lê Công Thượng cho biết, ngoài số tiền hơn 700 triệu đồng của mình, nguồn kinh phí để quán hoạt động còn do một Mạnh Thường Quân đóng góp; thỉnh thoảng cũng có người mang đến những bao gạo, thùng nước tương. "Khách" đến đây là những người lang thang cơ nhỡ, lao động nghèo...

Hằng năm, vào những kỳ thi tuyển sinh đại học – cao đẳng, các sĩ tử nghèo trên mọi miền Tổ quốc cũng nhận được những suất cơm, nước uống miễn phí…của các nhà hảo tâm.

Dành cho người nghèo, cơ nhỡ nhé. Dân phượt không 'dành phần' ngoại trừ khi bạn đang bôn ba trên mọi nẻo đường mà hết nhẵn tiền do bị... móc túi.

Du lịch, GO! - Theo Trần Vũ (tổng hợp từ Vietnam+), internet

Về Cần Thơ 'măm' ba khía rang me

Ba khía là loại còng biển, sinh sống nhiều nhất ở vùng bãi bùn nước lợ miệt Cà Mau, Bạc Liêu… Nhưng nếu có dịp đến Cần Thơ, bạn hãy thử đến “đường Ba Khía” để thưởng thức nhiều món ngon độc đáo từ con ba khía như hấp bia, luộc, rang me…

Hằng năm vào mùa con nước lên (khoảng tháng 8 đến 10 âm lịch), khi những hang ổ dày đặc dưới gốc cây đước, cây mắm bị chìm trong nước, ba khía phải “thiên di” lên thân và rễ cây để trú ẩn. Thời điểm này cũng là mùa ba khía hội (vào con nước 30 âm lịch). Thế là người dân chuẩn bị đồ nghề đi bắt ba khía.

Lựa những đêm tối trời khi con nước lên đầy, chỉ cần cập sát xuồng vào mé rạch vừa tầm tay với sát những gốc đước, gốc mắm, vuốt nhẹ những con ba khía còn đang “say sưa tình tự” cho vào giỏ đặt sẵn trên khoang xuồng. Trong một con nước, một người cần mẫn có thể bắt được vài chục ký ba khía dễ dàng.

Giá trị kinh tế của con ba khía ngày xưa không cao, và chỉ có một cách chế biến duy nhất là muối làm mắm ba khía. Đây có thể nói là món ăn đặc trưng của miền Tây, không thể thiếu trong bữa cơm hằng ngày. Ngày nay do nhu cầu ẩm thực gia tăng, ba khía được các chuyên gia ẩm thực “chắp cánh” làm nhiều món khá độc đáo như nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, hấp bia, rang muối… nhưng độc đáo nhất phải kể là ba khía rang me.

Ba khía mua ở chợ phải chọn con cái (con đực cứng, thịt ít), yếm cứng, cầm chắc tay (thịt nhiều, mềm sau khi chế biến). Cho ba khía vào xô nhựa, đổ nước ngập vào ba khía và dùng que tre (hay đũa) đảo nhiều vòng cho ba khía sạch đất và bị say không kẹp được. Tiếp đến tách bỏ mai, lấy phần thân chặt đôi (hay để nguyên tùy ý), rửa sạch để ráo. Sau cùng bắc chảo lên bếp phi mỡ, tỏi thơm rồi đổ ba khía vào xào chín. Me chín đổ vào tô, thêm ít nước khuấy đều cho cơm me nở ra. Thêm gia vị (đường, muối, bột ngọt, nước mắm…) cho vừa khẩu vị. Cho tất cả me vào chảo cùng ba khía dưới ngọn lửa riu riu, sơ đều cho tới khi nước me rút vào sền sệt là được. Ra vườn hái vài nắm rau răm xếp sẵn ra đĩa, xúc ba khía để lên. Nhớ thêm vài nhúm đậu phộng rang đâm giập vào nữa là xong.

Bữa ăn đã sẵn sàng. Gắp càng ba khía cùng với rau răm đưa lên miệng nhai chậm rãi, chúng ta sẽ cảm nhận được vị chua, ngọt, béo, giòn của ba khía hòa lẫn vị cay cay, the the của rau răm lan tỏa khắp mọi giác quan, nếu cần thêm một cốc bia lạnh nữa là “đủ bộ”.

Có dịp đến TP Cần Thơ, du khách hãy tìm cơ hội đến đường Đinh Tiên Hoàng thuộc phường Thới Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ để thưởng thức nhiều món ngon độc đáo từ con ba khía như hấp bia, luộc, rang me… Giá cả tương đối rẻ, vừa túi tiền, từ 30.000-50.000 đồng/đĩa cho bốn người ăn. Chiều đến nơi đây khá nhộn nhịp. Chính vì thế, con đường này được người dân địa phương gọi với một tên dí dỏm khác: “đường Ba Khía”!

Du lịch, GO! - Theo Thanh Tâm (TTO), internet

Những khách lữ hành đầu bạc

Đi du lịch không bao giờ có tuổi. Thấy rõ nhất là xu hướng người lớn tuổi lên kế hoạch đi chơi xa ngày đầu năm ngày càng nhiều.

Yêu thích nhiếp ảnh, bác Lê Khánh Toại, 60 tuổi, thường khiến người xem phải trầm trồ trước những bức ảnh chụp trên đường chu du.

Những chuyến đi khắp các tỉnh thành phía Nam, hành trình xuyên Việt và gần đây nhất là 30 ngày đêm cùng hơn 7.000 cây số xuyên Đông Dương và Thái Lan trên “con ngựa sắt” là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bác Toại.

Đi nhiều để... chậm già hơn

Bác Nguyễn Chiều (67 tuổi) và bác Kha Vi (73 tuổi) đang quyết tâm dành một năm tự học tiếng Anh để có thể giao tiếp tốt hơn với người địa phương ở những nơi họ đến. Ngồi sau tay lái chắc và cẩn trọng của hai bác trong một chuyến đi bụi xuống miền Tây, tôi được nghe kể nhiều về những lần đi tàu, đi xe buýt, đi máy bay trên quê hương và cả chục nước châu Âu, châu Á.

“Hai vợ chồng tôi đi du lịch bụi đến Singapore đúng dịp tết cổ truyền. Tết ở đâu cũng vui và náo nhiệt như nhau. Sau chuyến đi, chúng tôi chủ trương sống tiết kiệm hơn để có thể mỗi năm viếng thăm vài ba quốc gia” - bác Nguyễn Chiều nói.

Gọi người vợ gắn bó hơn nửa thế kỷ là “người tình trăm năm”, bác Lê Thanh Hoàng Dân (76 tuổi) không giấu niềm tự hào khi cùng “đi giang hồ” với bác Trần Thị Mỹ Châu (72 tuổi) trên những nẻo đường châu Mỹ, châu Âu, dọc bờ Địa Trung Hải và nhiều vùng đất châu Á. Trang blog kể chuyện “Đi, xem, biết và hiểu thế giới bao la chúng ta đang sống” của hai bác thu hút cả triệu lượt truy cập, khiến cả người già lẫn người trẻ đều ngưỡng mộ trước sức đi vô cùng đáng nể.

Ở tuổi đã là ông, là bà, thay vì vui thú điền viên hay vui vầy cùng con cháu, những mái đầu bạc này xem du lịch là một cách tận hưởng những ngày nhàn rỗi. Với nhiều người, đam mê xê dịch đã ngấm vào máu, họ không dừng chân dù tuổi già đã đến. Với những người khác, đi là một thú vui tuổi hưu trí.

Bác Nguyễn Chiều tâm sự: “Tuổi trẻ của chúng tôi đã bị đánh mất vì chiến tranh, ngủ một giấc thôi đã thành người già. Đi để biết đây biết đó, có điều kiện thời gian rồi thì không thể nằm nhà ôm gối được. Đi cũng là cách để giữ cho mình chậm già hơn”.

Cách du lịch bụi của người lớn tuổi cũng khác những người trẻ: nhẩn nha, tùy hứng, thong dong. Thế nhưng không phải vì nhiều tuổi mà họ không “chịu chơi”. Những “ta balô” đích thực này sẵn sàng chu du cùng “ngựa sắt” trên những cung đường khó nhằn nhất, qua đêm trong khách sạn bình dân dành cho giới đi bụi, hay sẵn sàng kết bạn với người bản địa và đắm mình vào bầu không khí văn hóa nơi họ viếng thăm.

“5 giờ chiều, chúng tôi xuất phát vào rừng Tam Bố (Bình Thuận), băng qua con đường toàn sình lầy, vượt qua những đoạn suối sâu mà nước ngập qua máy xe - bác Toại nhớ lại chuyến đi bụi đầu tiên bằng xe máy cùng những “đồng đội” đam mê các cung đường - Cả đoàn đi suốt đêm để đến đèo Triệu Hải (Lâm Đồng), từng xe xuống một. Những anh em khác còn lại ở trên phải dùng dây buộc chặt và kéo ghì xe lại không cho xe lao xuống, người thì cầm đèn pin soi, người thì canh đường để thả xe từ từ xuống, chỉ cần sơ sẩy một chút là cả người lẫn xe sẽ rơi xuống vực…”.

Ở tuổi trên 60, vợ chồng ông VanHalen vẫn xem các hoạt động ngoài trời là niềm yêu thích. Họ len lỏi giữa những khe hẹp của hang động Błedne Skały, Ba Lan, đu dây mạo hiểm ở Costa Rica hay trải qua nhiều đêm trên sa mạc với người Ai Cập. Trong căn hộ chung cư nhỏ lọt thỏm giữa Sài Gòn nhộn nhịp, hai ông bà ngủ một giấc ngon sau chuyến đi bộ vòng quanh thành phố.

Vài ngày trước đó, họ gửi cho tôi yêu cầu xin ở nhờ thông qua Couch Surfing (một cộng đồng homestay miễn phí dành cho dân đi bụi). Việt Nam là điểm đến thứ 73 trong hành trình kéo dài gần 30 năm chung sống và đi du lịch bụi của họ. “Chúng tôi không ngại việc sống trong căn chung cư nhỏ này, bởi nhờ nó mà vợ chồng tôi có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống thường nhật của một người dân Sài Gòn. Đi xe máy giữa một thành phố đông đúc như Sài Gòn đúng là một trải nghiệm không thể nào quên” - bác Paul VanHalen nói.

Không gặp quá nhiều khó khăn với sức khỏe, mỗi chuyến đi bụi của người lớn tuổi thường được chuẩn bị kỹ lưỡng về thuốc men, thực phẩm, lịch trình. Các tay lái lụa ở tuổi U60-70 cho biết khi chuẩn bị lên đường, họ dành thời gian nghiên cứu lâu hơn về lịch trình. Lúc trên đường trường họ luôn chạy xe cẩn thận, biết dưỡng sức, luôn bảo đảm độ an toàn và tốc độ của xe.

Không chỉ được chào đón ở những nơi đi qua, những tay du lịch bụi cự phách này còn nhận được sự giúp đỡ từ những người tốt bụng. Bác Kha Vi đến nay vẫn nhớ mãi câu chuyện về anh tài xế xe buýt Tây Ban Nha tốt bụng. “Hôm đó vợ chồng tôi vừa ra ga tàu hỏa để đi Barcelona thì lại lên nhầm chuyến xe buýt quay ngược trở lại sân bay. Tiếng Tây Ban Nha thì không biết, tiếng Anh thì bập bõm, khi đó chúng tôi lo lắm vì sợ hết chuyến bay. Nào ngờ anh tài xế sau khi hiểu chuyện đã chở chúng tôi quay lại ga tàu hỏa mà không lấy một đồng nào. Đến nơi anh ấy còn dẫn hai vợ chồng đến tận cửa lên tàu hỏa rồi mới quay lại xe”.

Bạn đường - bạn đời

Dân đi du lịch bụi kinh nghiệm đều biết du lịch hai người khó hơn nhiều nếu đi một mình. Tuy nhiên, những khách lữ hành đầu bạc này thật may mắn khi có người bạn đồng hành và cũng là bạn đời trong những chuyến đi. Bác Hoàng Dân nói: “Hai chúng tôi sống với nhau 53 năm rồi. Lúc hưu trí, mình có cả cuộc đời để du lịch, muốn đi đâu thì đi, thú vị lắm. Tôi cùng vợ thích bay đến vùng đất mình muốn du lịch, đi xe buýt hoặc du thuyền trên sông, thăm viếng vùng đất đó, thú vị hơn, thấy và hiểu nhiều hơn”.

Còn bác Toại luôn tự hào về người vợ của mình: “Thật may mắn là tôi có người bạn đời cùng chung chí hướng. Cô ấy hiểu và ủng hộ, không những không ngăn cản mà còn lo lắng chu đáo cho các chuyến đi. Tết này cả gia đình sẽ cùng lái xe băng qua những vùng núi đồi Đông Bắc, Tây Bắc đất nước”.

Đam mê du lịch bụi chưa bao giờ có tuổi. Khi những tháng ngày làm việc chăm chỉ ở tuổi thanh xuân đã lùi xa, những khách lữ hành này lại biến chuỗi ngày hưu trí nhàn rỗi thành hành trình giá trị, ý nghĩa và đầy kỷ niệm. “Cuộc đời của tôi đã gắn liền với các chuyến đi. Đến khi sức khỏe không còn cho phép, lúc đó tôi mới chịu ngừng đi” - bác Toại khẳng định.

Vài lời khuyên dành cho người lớn tuổi đi du lịch

- Mua bảo hiểm du lịch để được chăm sóc sức khỏe ở nơi đến, tránh trường hợp các căn bệnh vốn có tái phát.

- Mang đầy đủ loại thuốc hay dùng, đề nghị bác sĩ ghi giúp một tờ giấy bao gồm thông tin như: các loại bệnh đang điều trị, tên thuốc, liều lượng, thời điểm dùng… để có thông tin trong trường hợp khẩn cấp.
- Tiêm đầy đủ các loại văcxin nếu du lịch đến các khu vực đang có bệnh truyền nhiễm.
- Để tránh rủi ro cướp giật, hạn chế đi dạo vào ban đêm, không nên đeo trang sức đắt tiền, các vật dụng có giá trị như tiền, thẻ tín dụng nên đặt trong túi bao tử hoặc túi đeo cổ ở lớp áo trong cùng.
- Không nên đi theo lịch trình quá nhanh, nên xen kẽ thời gian nghỉ ngơi và thư giãn.
- Mang trong người số điện thoại đại sứ quán Việt Nam tại nơi đến, cùng các số điện thoại liên lạc khẩn cấp.

Du lịch, GO! - Theo Đinh Hằng (DulichTuoitre), internet

Phượt già nhớ rừng xanh - P1
Phượt già và niềm đam mê - P2
Chuyện làng phượt: Gian nan thử thách tuổi xế chiều
Thú chơi bụi của phượt... già
Lão ông 72 tuổi bộ hành từ Nam ra Bắc

Topas Ecolodge trên nóc Sa Pa

Khu du lịch Topas Ecolodge nằm cách thị trấn Sa Pa, tỉnh Lào Cai, gần một tiếng đồng hồ đi bằng xe máy, nhưng ở đây dường như là một thế giới khác, cách biệt với cuộc sống hiện đại. 

Với 25 ngôi nhà nhỏ đều được xây khép kín bằng đá granit trắng, mái lợp lá cọ, bên trong tiện nghi đầy đủ nhưng được bài trí giản dị với nội thất hoàn toàn bằng gỗ, tre, mây, thậm chí bằng đá... đã tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên cho du khách.
Toàn bộ những ngôi nhà trong khu du lịch đều sử dụng nguồn điện từ năng lượng mặt trời. Ngay cả dầu gội đầu và sữa tắm cũng được chuẩn bị cho khách một loại đặc biệt không làm ảnh hưởng đến môi trường.

Nằm cách thị trấn Sa Pa-Lào Cai gần 20km về phía Đông, thu gọn trên một quả núi rộng hơn 5ha thuộc xã Thanh Kim, thiết kế các biệt thự nhỏ được bố trí hợp lý xung quanh sườn núi và trên đỉnh núi tạo quần thể liên kết với nhau bởi những lối đi được rải đá, mỗi nhà đều có lan can nhìn ra các hướng.

Từ đây có thể phóng tầm mắt quan sát toàn Bộ thung lũng Mường Hoa tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang bao quanh các làng bản thuộc xã Lao Chải, Tả Van, Bản Hồ... cảnh vật thật yên bình giữa không gian núi rừng tĩnh lặng của thiên nhiên Vườn Quốc gia tươi đẹp.

Nằm trong quần thể dãy núi rừng Hoàng Liên, ngọn Topas Ecolodge vươn ra đón nhận cảnh sắc hùng vỹ của đại ngàn hùng vĩ. Ở đây khí hậu thay đổi liên tục theo bốn mùa trong ngày. Vào những ngày không sương mù, du khách có thể nhìn những con đường quanh co và những nóc nhà xa tít tắp với dòng suối chảy uốn lượn đẹp như dải lụa bạc tạo cảm giác thanh bình và tĩnh lặng.

Là một trong những khu nghỉ dưỡng của Sa Pa, nhưng có thể nói Topas Ecolodge có vẻ đẹp nguyên sơ vốn có của mảnh đất dưới chân dãy Hoàng Liên hùng vĩ có đỉnh Phanxipăng cao ngất được ví như "nóc nhà" Đông Dương.

Anh Maker Tent cùng đoàn khách đến từ nước Anh đã nghỉ đây bốn ngày, cho biết khu nghỉ dưỡng này thật tuyệt vời. Ngoài khám phá những cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng Sa Pa, tôi còn được sống trong một môi trường thân thiện với thiên nhiên….

Buổi sáng thật trong trẻo khi Mặt Trời mọc đem ánh sáng chiếu rọi đến mọi ngọn cây, khóm lá; buổi trưa nắng có gió hiu hiu và khi chiều xuống một màn sương mỏng bao phủ lên không gian thanh bình.

Một không gian hoang sơ nằm lọt giữa ba bề bốn bên là núi với những cây rừng nở muôn sắc hoa. Nếu thời tiết đẹp từ đây có đi đến những điểm tham quan thú vị như đi thăm Bản Hồ, Thanh Phú, Thanh Kim khám phá nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, thưởng thức men rượu thóc của người Dao đỏ Thanh Kim, nếm các món ẩm thực độc đáo của người Tày Bản Hồ….

Ở đây buổi sáng thật đặc biệt, bình minh thường muộn hơn nơi khác, khoảng 8 giờ Mặt Trời mới ló rạng qua các đám mây, rồi thoắt ẩn, thoắt hiện đem ánh sáng nhiều màu sắc soi xuống núi, tạo thành bức tranh lung linh nhiều màu sắc, khiến làng bản dưới chân núi càng đẹp hơn. Trong tĩnh lặng, người ta cảm giác như có thể nghe được tiếng chim rừng và tiếng suối chảy xa xa xen lẫn tiếng cối nước của người dân bản địa từ đâu đó vang vọng lại.

Du khách dù là trong hay ngoài nước đã đến đây một lần đều chung cảm nhận ở đây thanh bình, cảm giác không có thời gian, không có ngày, tháng...

Bà Helen Asana, du khách đến từ Australia đến với địa điểm du lịch này lần thứ hai vẫn thừa nhận: "Ở đây tôi rất thích buổi bình mình được ngắm nhìn mặt trời từ từ nhô lên những ngọn núi xa xa, đỏ rực. Không gian xung quanh trong vắt và yên tĩnh. Khi Mặt Trời lên cao, nắng rọi xuống, khiến những đám mây cũng như tỏa sáng và ánh nắng cùng mây làm cho thung lũng phía dưới chân đồi trở nên mờ ảo. Đặc biệt là khi nằm trong phòng cũng có thể nghe thấy tiếng gió thổi qua mái lá thật hoang dã và thơ mộng."

Có rất nhiều người đã đến Sa Pa, nhưng có lẽ không phải ai cũng có dịp đến khu du lịch Topas và cảm nhận được giá trị của một nơi du lịch "không khói" đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng của nó. Có lẽ Topas là khu du lịch duy nhất ở Việt Nam có hình thức du lịch hoàn toàn xa rời với những phương tiện của thế giới văn minh.

Nơi đây là một khu nghỉ dưỡng không vướng bận bởi điện thoại di động, máy vi tính, tivi, tủ lạnh và khói bụi, thậm chí ngay cả ánh đèn điện cũng không có, thay vào đó là ánh đèn bão leo lét, trong phòng ngủ cũng chỉ có vài ngọn đèn được thắp lên nhờ ánh sáng năng lượng mặt trời còn lưu lại trong các bộ tích điện.

Phòng nghỉ đơn có giá 108 USD và phòng đôi là 112 USD (chẹp!) tương đương khách sạn 3 sao, nhưng hầu như ngày nào 25 nhà nghỉ mini cũng kín khách. Sự tĩnh lặng mang lại cho con người cảm giác khoan khoái, nhất là cảm giác gần gũi và thân thiện với thiên nhiên khiến con người thoát khỏi mọi vướng bận công việc hàng ngày. Lợi thế tự nhiên phú cho Sa Pa còn nhiều phong cảnh và vị trí đẹp.

Du lịch, GO! - Theo Lục Văn Toán (Ashui), internet

Đình Chu Quyến: kiến trúc đặc sắc xứ Đoài

Từ xa xưa, dân gian ta đã có câu ca ”cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài” để ngợi ca vẻ đặc sắc, sự tinh tế, độc đáo trong từng những nét kiến trúc của những ngôi đình ở vùng đất xứ Đoài (Hà Nội).

< Đình Chu Quyến năm 2006, trước khi được tu bổ tôn tạo.

Đình Chu Quyến, thuộc xã Chu Minh, huyện Ba Vì - một ngôi đình cổ được xây dựng từ thế kỷ 17 chính là một ngôi đình tiêu biểu, góp phần làm nên vẻ đẹp văn hóa cho vùng đất thiêng Ba Vì và Thủ đô Hà Nội ở độ tuổi nghìn năm hôm nay.

< Đình Chu Quyến sau khi trùng tu, tôn tạo, vẫn giữ được nét đẹp cổ xưa.

Đình Chu Quyến thờ thành hoàng làng là Nhã Lang Vương - con của Hậu Lý Nam Đế Phật tử. Đình thường được người dân ở đây gọi là đình Chàng vì xưa đình vốn thuộc làng Chu Chàng, xã Châu Chàng, tổng Châu Chàng, phủ Quảng Oai, trấn Sơn Tây. Đình nhìn về hướng Tây Bắc, phía trước có hồ nước rộng. Đình thuộc công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ của người Việt về quy mô, vật liệu sử dụng, sự kết hợp tài tình, hiệu quả giữa điêu khắc và kiến trúc.

< Đình Chu Quyến có kết cấu khung gỗ chồng rường với đầy đủ sáu hàng cột, đối xứng nhau qua trục dọc nhà.

Được mệnh danh là ngôi đình lớn nhất xứ Đoài, đình Chu Quyến nằm ở địa thế rất đẹp thuộc địa phận làng Chu Quyến - ngôi làng hiền hòa ven đê sông Hồng, phía xa xa là đỉnh núi BaVì hùng vĩ. Đình được thiết kế chỉ gồm một tòa đại đình trông rất sừng sững và bề thế gồm hai gian, ba chái, không có một công trình phụ trợ, bổ sung nào.

Như hầu hết các ngôi đình cổ xứ Đoài, đình Chu Quyến có bộ mái đình xòe rộng ra bốn phía, chiếm tới hơn 3/4 toàn thể ngôi đình nhưng lại lan rộng xuống thấp nên càng làm tăng thêm vẻ vững chãi, bề thế của ngôi đình. Bù lại, các đầu đao của mái đều được uốn cong làm cho ngôi đình trở nên nhẹ nhàng, thanh thoát và duyên dáng gấp bội phần. Mái đình xoà rộng lan xuống thấp tạo vẻ bề thế, vững chãi, các đầu đao vút cong lên làm toàn bộ ngôi đình nhẹ nhàng, thanh thoát. Mái lợp ngói ta, bờ nóc gắn hai hàng gạch, tường rộng và dày.

< Đình Chu Quyến là công trình tiêu biểu cho kiến trúc gỗ dân gian truyền thống của Việt Nam.

Đình Chu Quyến là một ngôi đình cổ hiếm hoi có nhiều tác phẩm trang trí đặc sắc được thể hiện cả trên đất nung và trên gỗ. Ông Bạch Công Tiến - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ba Vì cho biết, rất nhiều đoàn chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa đã đến tham quan, tìm hiểu về giá trị của ngôi đình cổ này và đều khẳng định: Những con giống làm bằng đất nung được trang trí trên hai đầu nóc, đầu đao của đình là rất tuyệt vời. Hình ảnh mây lửa mềm mại, hình tượng con lân, đầu rồng mắt to, trợn tròn, miệng há rộng hướng về các đao lửa trên bờ guột của đình thể hiện tài năng sáng tạo cao độ của người Việt xưa.

< Trang trí rồng trên đầu dư đỡ câu đầu.

Bước vào tham quan đình, người xem cũng dễ dàng nhận thấy, các cột ở ngôi đình này đều rất to, chắc chắn; đặc biệt chiếc cột cái có chu vi tới hơn 2,4m. Vì thế mà người dân trong vùng từ lâu thường có câu ví quen thuộc: To như cột đình Chàng.

< Hình tường điêu khắc đầu rồng đỡ cột sắc sảo.

Các tác phẩm được chạm khắc bằng gỗ trong đình cũng hết sức cầu kỳ, tinh xảo và độc đáo. Những đề tài, khung cảnh vốn quen thuộc hàng ngày trong đời sống của người cư dân nông nghiệp như cảnh làm ruộng, chọi gà, người đánh đàn, người cưỡi hổ, người dắt voi, múa hát… được tái hiện hết sức đặc sắc, sống động.

Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá rằng: Các hình chạm trang trí được người nghệ sỹ dựng đình Chu Quyến bố trí hết sức cầu kỳ với những mảng chạm nông, bố cục đăng đối xen với kỹ thuật chạm "lộng,” chạm “kênh” tạo ra nhiều lớp hình khối phong phú tạo sự tương quan về khoảng cách và ánh sáng rất vừa phải, hợp lý.

< Những cột cái ở gian chính điện đình Chu Quyến đều được làm bằng gỗ lim, một số cột có đường kính lên tới 80cm.

Giá trị văn hóa lịch sử của đình Chu Quyến còn được thể hiện ở những thần tích và một số di vật cổ, đặc biệt là những đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn và triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương còn được lưu giữ đến tận ngày nay.

Hàng năm cứ vào ngày 13-15 tháng Giêng, người dân địa phương lại mở lễ hội tại đình để tưởng nhớ công đức của thành hoàng làng Nhã Lang Vương. Ngoài các nghi thức tưởng nhớ thành kính, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đánh cờ, vật dân tộc, ca hát thu hút đông đảo người dân trong vùng tham gia.

< Các tác phẩm chạm khắc gỗ trong đình Chu Quyến hết sức cầu kì, tinh xảo và độc đáo.

Với những giá trị độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc và lịch sử văn hóa, từ năm 1962, đình đã được Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) xếp hạng là một trong những di tích văn hóa lịch sử đặc biệt quan trọng của Quốc gia.

Do xây dựng hàng trăm năm nay, mối mọt làm hư hỏng nặng nên từ năm 2007, đình Chu Quyến được  trùng tu, tôn tạo theo “Dự án thực nghiệm tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến”.

< Đình Chu Quyến được trùng tu trên cơ sở áp dụng kỹ thuật tân tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc.

Nội dung bảo tồn rất tỉ mỉ, trong đó xác định chính xác những tác nhân gây hại để loại bỏ hoặc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng tới di tích. Kết hợp sử dụng vật liệu, công nghệ truyền thống với vật liệu, kỹ thuật, công nghệ mới để tăng độ bền vững, sự ổn định lâu dài của di tích, trên cơ sở bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc cùng giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đồng thời, cải thiện môi trường, phục hồi, tôn tạo khung cảnh tổng thể công trình, tương ứng với đặc điểm của di tích.

Công trình sau khi hoàn thành đã được Hiệp hội Kiến trúc sư Quốc tế (UIA) trao giải thưởng về bảo tồn di sản kiến trúc năm 2010 khu vực Châu Á và Châu Đại Dương, ghi nhận thành công trong công tác trùng tu, tôn tạo, trên cơ sở sử dụng kĩ thuật tiên tiến nhưng không xa rời yếu tố gốc, vẫn thể hiện được nét đẹp cổ xưa của ngôi đình hơn 400 năm tuổi.

Với mỗi người dân Chu Minh, ngôi đình cổ Chu Quyến đã cho họ niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương thân thương, gắn bó tự thủa ấu thơ. Bởi lẽ, ngôi đình không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của họ mà còn là địa điểm diễn ra nhiều hoạt động văn hóa- xã hội của cả cộng đồng làng xã, đúng như chắc năng quen thuộc mỗi ngôi đình làng Việt tự bao đời.

Còn với những du khách phương xa, có dịp đi qua vùng đất thiêng Ba Vì với núi Tản sông Đà hùng vĩ, không thể bỏ qua di tích văn hóa nghệ thuật đình Chu Quyến - một công trình kiến trúc đặc sắc.

Du lịch, GO! - Tổng hợp từ Nuibavi, Vnanet và nhiều nguồn khác

Tự tình cuối năm...

Lại từ giã một năm cũ và chuẩn bị bước vào một chu kỳ của 365 ngày mới toanh, bạn thấy nhanh ghê chưa? Nhớ mới ngày nào đó, dân i tờ trong nước và cả thế giới hồi hộp chờ cái 'sự cố năm 2000'; bụng cứ lo rằng cái máy tính mình trong thời khắc quyết định sẽ không tìm ra lối đi và... tịt ngòi!

Ấy vậy mà từ cái sự cố ình xèo xôm tụ nhưng không bao giờ xẩy ra, đến nay đã sắp tròn 13 năm!
Bố già Vitor Corleone khi sắp về chầu... cụ tổ thì mở mắt ra, nói lời cuối rằng: 'Đời sao đẹp quá' rồi tăm! Một câu nói đầu môi khác mà ai nhiều người thường nhắc đến là: 'Cuộc đời như cái chớp mắt'...

Thế quái nào nhỉ? Khi ta bé, cứ ao ước cho mau lớn để được đi học như các anh chị. Lớn lên như các anh chị rồi, lại mong thời gian qua nhanh hơn, mong đến lúc ra trường, trở thành 'người lớn' để làm việc như người xung quanh, từ giã thế giới trẻ con. Rồi lại ước mơ có vợ con, trở thành người thành đạt.

Đứng núi này, nhìn núi nọ: khi đã thỏa mãn lại mong đợi mau đến ngày thành kẻ trung niên để chững chạc, vững bước trên dòng đời. Tóc điểm hoa râm rồi đâu bạc trắng, đến khi kề miệng lỗ lại chép miệng "Cuộc đời quả như cái chớp mắt thật - bố khỉ, sao nó mau thế!

May mắn thành đạt, vợ hiền con ngoan và trưởng thành chuẩn mực thì biết đâu khi kề vai tử thần lại móm mém thì thầm 'Đời sao đẹp quá' như bố già cho nó thỏa!
Tết tây không sợ huông, kẻo bà con lại nói cha nụi này nói chuyện chết chóc, thật ra cũng hàm ý thời gian chạy như ngựa phi, vậy nên không chơi, không phượt - khéo lại phí cả nửa đời người ngắn ngủi.

Tính đến nay, Du lịch, GO! của bọn mình chuẩn bị bước vào năm thứ 4 (2010, 2011, 2012, 2013...) với nội dung khá phong phú: 'tổng kho' blog chứa dựng hơn 4100 bài viết về mọi địa danh, phong tục, tâm linh, ẩm thực trên toàn cõi VN - Kèm theo đó là rất nhiều kinh nghiệm 'đi đứng' mong phổ biến cho tất cả các bạn thích chủ nghĩa xe dịch, nói nôm na dễ hiểu là thích du lịch bụi, thích phượt, thích tốn kém ít nhưng thu hoạch nhiều. Chung quy: chỉ là một blog còi thôi nhưng nó vẫn là cuốn cẩm nang nhỏ dành cho các bạn trước một chuyến đi, với mình vậy là đã tuyệt vời rồi - biết bao công sức từ nhiều năm qua không hề bỏ phí.

Nhiều thư đề nghị tham vấn hay cảm ơn cùng lời khen nho nhỏ: đó cũng là sự động viên để trong năm mới mình làm tốt hơn. Mình cũng thành thật xin lỗi với vài thư đề nghị 'hợp tác' nhưng mình buộc phải từ chối - biết thế nào, tiêu chí của Dulichgo chỉ là chia sẻ chứ không kinh doanh hay ý gì khác, rất mong các bạn thông cảm và đừng giận nhé.

Tổng kết một năm có ít thông tin nhỏ, bạn xem nhé:

- Đến nay, số lượt xem toàn thời gian: 1.431.451 - Mỗi ngày thường có trên dưới 3 ngàn lượt xem, đỉnh điểm là gần 8 ngàn.

- Số lượng xem đông nhất tại Việt Nam, kế là Mỹ, Nga, Đức, Nhật Bản, Pháp, Úc, Hàn Quốc (dân mình làm ăn bên ấy chăng?)...

- Trình duyệt web để xem Dulichgo nhiều nhất là Chrome (50%), kế đến là Firefox (29%), Internet Explorer (ông lớn này chỉ còn 9%), Safari (5%), Opera (2%), ít nhất là Mobile...
Xem ra, máy tính cũng còn đình đám, chưa thể 'hết thời' để nhường cho Mobile.

- Số lượt xem theo hệ điều hành thì Windows vẫn là 'sếp xì' (87%), kế là Linux (3%), iPhone (2%), iPad (2%)...

- Nguồn lượng truy cập chủ lực vẫn từ Google Search, kế là Facebook (thú thật là mình cũng không tỏ tường cái này lắm, hiếm khi up lên đó), Host ảnh Picasa và một số trang web khác trích lại từ đây (có ghi trích nguồn) như 5giay, Blognhanh, Vncgarden...

- Từ khóa được tìm nhiều nhất là... 'tắm tiên', sau đó mới là những từ nóng như nhatrang, muine...
Bài được xem nhiều nhất là 'Tục tắm tiên của người vùng cao' (94408 lượt tính trong thời điểm này) và được rất nhiều web khác trích lại.

Trời hỡi, dò thống kê xong cười nôn phèo - có lẽ 'tắm tiên' ở web ta 'thanh trần - thoát tục' chứ không 'giá rẻ' nhưng các web 'ít ít'. Vậy nên cũng không lạ khi cột 'Bài nóng trong tuần' bên phải liên tục xuất hiện những bài liên quan.

Thật lòng mà nói thì phong tục đẹp, cách diễn đạt và ảnh chụp khéo cũng khiến những bạn ham ảnh nghệ thuật mê mẩn (mình cũng vậy). Xem dưới khía cạnh trong sáng, ta sẽ thấy được cái thần của nét đẹp người vùng cao cũng như những tấm ảnh tuyệt vời của nghệ thuật nhiếp ảnh khỏa trần. Nếu thích 'trần trụi, trọc lóc' hơn thì người ta cũng sẽ vào những chốn 'chăm phần chăm' kia ấy chứ...

Trở về chuyện phượt, nếu tính từ chuyến cuối của bọn mình (Từ Vạn Giã: gió biển, mưa dầm lên Đạ Sar) đã qua 2 tháng + 20 ngày. Đúng ra, bọn mình còn có một chuyến phượt cuối năm (đầu tháng 12) nhưng do nhiều lý do khách quan, cả do nguyên nhân... suy thoái toàn cầu (hi hi) nên chuyến ni đành dành lại, chờ qua cơn bỉ cực dù hai đứa mình 'cuồng' chân lắm lắm (do cái chân quen đi, quen đường rồi mà). Có lẽ, bọn mình sẽ xuất hành vào dịp sau tết Nguyên Đán vậy.

Vài dòng tán phét cùng các bạn cho vui cửa vui nhà. Những giờ cuối cùng của năm 2012 sắp hết, Du lịch, GO! xin chúc đất nước yên bình và phát triển, chúc những bác thích 'phượt có nhiều chuyến mới, chúc những bạn đi làm có công việc 'mần ăn' ổn định (có ổn mới có phượt), chúc các em nhỏ học 'siu giỏi', chúc giới 'chặt chém' sớm chuyển đổi quan niệm sống, chúc nhóm 'lừa lọc' mau tỉnh ngộ...
Trên hết, xin chúc tất cả có sức khỏe dồi dào... để có sức mà lê lết trên mọi nẻo đường đất nước.

Điền Gia Dũng - Du lịch, GO!

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Hành trình lên cực Bắc trong đời sinh viên...

Tôi lên Hà Giang ôm theo một giấc mơ tam giác mạch, ấn tượng về ruộng bậc thang qua những bức ảnh, cuộc trường chinh của con người mở đường vào cao nguyên đá, những phiên chợ vùng cao đầy màu sắc mới lạ

Hà Giang – Mỏm cực Bắc

Đó là những con đường quanh co bao phủ sương mù với bên này là núi, bên kia là vực thẳm. Ngồi trên xe cảm giác sợ hãi đến thót tim khi xe chỉ có thể tiến chứ không có chỗ quay đầu. Không chỉ có thế, chốc chốc gặp những khúc cua khiến xe như muốn quay ngang ra khiến mọi người lại được phen hoảng hốt.

Nhưng Hà Giang với tôi còn có cả những ngày nắng đẹp, ánh nắng vàng lấp lánh như ruộm cả một vùng thung lũng bao la.

Những nấc ruộng ruộng bậc thang được ánh nắng chiếu vào nổi lên như tấm bản đồ Tổ quốc khiến đứa nào cũng phải trầm trồ “Chưa bao giờ thấy cảnh tượng nào đẹp hơn”! Tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang như từng đường gân của đất Mẹ nổi lên khiến người xem xúc động và trái tim như bật khóc trước vẻ đẹp của đất trời kia.

Hà Giang còn cho tôi thích thú với cảm giác được đi bộ trên miền núi cao. Quãng đường 1,5 cây số lên cột cờ Lũng Cú, khiến nhiều người trong đoàn thấy mệt mỏi nhưng vẫn thích thú đi tiếp.

< Cảnh sắc hữu tình như chốn bồng lai tiên cảnh.

Vượt qua hàng lan can inox chắn là một cây thông cao lớn mọc nhô lên và cả đoàn được ngắm những nấc ruộng bậc thang đợt xanh đợt vàng, trải dài trong khoảng thung lung. Ruộng cứ nối tiếp nhau ở lưng chừng núi, trượt xuống sâu và vắt từ sườn này qua sườn khác. Chính giữa là những hồ nước lấp loáng phản chiếu ánh mặt trời bỏng rát, cao lên phía trên thì vẫn là núi cao tiếp giáp với mây trời.


< Cột cờ Lũng Cú.

Vẫn thật xúc động khi nhớ lại cảm giác lúc lên đến phần cao nhất của cột cờ Lũng Cú, chân lá cờ rộng 54m2, để nhìn xuống giang sơn gấm vóc này, Tổ quốc của chúng ta đẹp như một bức tranh diễm lệ mà không bút pháp nào có thể miêu tả hết được vẻ đẹp hùng vĩ đó.

Cột cờ Lũng Cú - mỏm Lũng Cú tột Bắc là “nơi bắt đầu nét vẽ của bản đồ Tổ quốc”.  Là điểm cực Bắc của đất nước và cũng là niềm khao khát muốn được chinh phục của bao dân phượt - “một lũ nặng phong vân”. Và chúng tôi đã đến, đã hát vang “Tôi yêu Việt Nam” dưới chân cột cờ đó, đã chào cờ và cất lên tiếng hát “Quốc ca” từ trái tim mình, để lại thấy biết yêu hơn bao giờ hết đất Mẹ thân yêu!

< Dinh nhà Vương với kiến trúc lạ mắt.

Cũng không thể nào quên Dinh nhà Vương, quy mô tuy không lớn nhưng được giữ gìn và bảo tồn khá nguyên vẹn. Đoàn chúng tôi thực sự bị gây ấn tượng mạnh bởi cánh cửa gỗ kiểu cổ lại tồn tại bên cạnh cầu thang đá có lan can sắt tây, mái ngói âm dương lại song song với tường bê tông trong cùng một quần thể kiến trúc, thật độc đáo và khác lạ!

Vào những ngày cuối cùng của chuyến đi, đoàn tôi được đến thăm hồ Na Hang. Vừa được đi thuyền vừa ăn trưa trên thuyền với xung quanh cảnh vật nên thơ, phong thủy hữu tình.

< Hồ Na Hang.

Có đoạn thuyền tiến gần tới thác, đúng lúc ấy mọi người đổ dồn về mũi thuyền, ai cũng hướng về phía trước thì sương sà xuống trắng xóa mặt núi, núi ẩn mình xanh ngắt rừng cây. Mây là làn tóc của bà Trời phủ trên đầu ông Núi, cây là áo xanh của bà Rừng đan trên mình ông Núi. Một khoảnh khắc mà thiên nhiên hiện ra hùng vĩ và tuyệt đẹp! Tất cả quanh tôi đều đẹp đến ngỡ ngàng như lạc vào cõi tiên!

Con người ở Hà Giang – đó là những người dân bình thường mà tôi đã được gặp ở phiên chợ Yên Minh đầy sản vật lạ. Họ thân thiên, dễ gần, chất phác và mến khách, họ nồng nhiệt khi tôi chụp ảnh họ và muốn được chụp cùng tôi.

< Những con người hiền lành, chất phác của vùng "Cao nguyên đá".

Đặc biệt hơn, tại ngôi nhà là bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”, làng văn hóa Lũng Cẩm, tôi đã gặp một cậu bé người Mông với sắc thái biểu cảm rất độc đáo. Không chỉ đôi mắt mà dáng ngồi, tất cả đều rất tự nhiên mà lại rất đặc biệt.

Dường như, nó không buồn cũng chẳng vui, không phấn chấn cũng chẳng sầu bi... Nó tư lự. Một cái tư lự rất thật! Nó không thể suy nghĩ được nhiều chuyện vì nó còn nhỏ quá, nhưng hình như nó biết cảm nhận cuộc sống xung quanh theo một cách rất riêng, bằng cái nhìn của chính nó! Điều ấy khiến nó khác biệt trong mắt tôi và khác với tất cả những đứa bé khác.

Bên cạnh đó, trên đường lên Hoàng Su Phì, đoàn tôi có đi bộ ngang qua ngôi nhà của một người Dao đỏ nằm kế bên các khoanh ruộng bậc thang. Nhà có một người phụ nữ đã luống tuổi đang ngồi nhóm bế.

Chưa kịp nói gì, bà bất ngờ bước ra ngoài, bàn tay nắm lên cánh cửa nhìn chúng tôi. Tôi đã gắng xin bà chụp một kiểu ảnh bà đẩy cửa ra, bởi đôi bàn tay mà tôi chưa từng được thấy. Đó là bàn tay của con người cả một đời làm ruộng nên móng tay chỉ còn một nửa vừa thâm vừa đen xì, to bè, vạm vỡ.

< Cậu bé người Mông khiến chúng tôi cứ nhớ mãi.

Nỗi xúc động, khi một bàn tay tôi-chưa-từng-được-thấy-trước-đây đã đẩy cánh cửa nhà họ để tôi thấy cuộc sống đồng bào tôi trên miền cao nguyên đã từng chỉ có đá và bây giờ thì không chỉ toàn là đá, thực không thể nào quên...

Trở về thủ đô giấc mơ tam giác mạch của tôi trên Hà Giang đã thắm sắc phớt hồng. Tôi vẫn còn chưa được chụp cánh đồng hoa tam giác mạch Sủng Là – một giấc mơ chưa nở hoa, phải trở lên lại thôi! Hẹn gặp lại một ngày không xa, Hà Giang nhé!

Du lịch, GO! - Theo Nguyễn Thành Trang (Dantri), internet